Phỏng vấn mục sư Olav Fykse Tveit
tổng thư ký Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô
Phỏng vấn mục sư Olav Fykse Tveit, tổng thư ký Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô.
Genève (Oss. Rom. 24-12-2016; Vat. 12-01-2017) - Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2017 Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô sẽ tổ chức một đại hội tại Giêrusalem để cầu nguyện cho hoà bình tại Thánh Ðịa và trên thế giới. Ý tưởng triệu tập đại hội do chính mục sư Olav Fykse Tveit, Tổng thư ký hội đồng đề nghị.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn mục sư tại Genève ngày 19 tháng 12 năm 2016 về các sinh hoạt của hội đồng, các tương quan với Giáo Hội công giáo, vai trò nền tảng của nữ giới và ngưòi trẻ trong sứ mệnh của Giáo Hội, và cuộc chiến đấu chống lại các bất công và bạo lực trên thế giới.
Hỏi: Thưa mục sư, đâu là các lãnh vực trong đó Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô dấn thân nhiều nhất?
Ðáp: Trong các năm qua sau đại hội khoáng đại triệu tập tại Busan bên Nam Hàn năm 2013, Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô đã tập trung dấn thân vào việc thực hiện dự án "Hành hương công lý và hoà bình", qua đó chúng tôi mời gọi mọi kitô hữu hiểu rằng thăng tiến công lý và hoà bình có nghĩa là vun trồng niềm hy vọng cho hiện tại và cho tương lai, niềm hy vọng phải đương đầu với các chia rẽ còn ghi đậm dấu trong cuộc sống của các tín hữu kitô. Vun trồng hy vọng có nghĩa là khám phá ra chúng ta có thể cùng nhau sống trong ngôi nhà, mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như thế nào, một căn nhà chung, trong đó chúng ta phải đặc biệt chú ý tới vài giá trị như việc tiếp đón lẫn nhau. Cuộc hành hương phải tính sổ với các sợ hãi âu lo, khiến cho biết bao cộng đoàn và biết bao cá nhân phải đau khổ trong thời đại ngày nay. Vun trồng niềm hy vọng giúp vuợt thắng các tình trạng này, mà chúng ta phải hiểu biết, nhưng nó không được bóp nghẹt chứng tá của các kitô hữu sống hy vọng, không phải nhân danh chủ trương lạc quan theo tâm thức loài người, nhưng bởi sức mạnh nảy sinh từ việc hướng nhìn lên thập giá Chúa Kitô.
Hỏi: Ðâu là các niềm hy vọng và các chương trình của Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô trong các năm tới đây thưa mục sư?
Ðáp: Bên cạnh cuộc hành hương cho công lý và hoà bình Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô tiếp tục yểm trợ các công việc của Uỷ ban đức tin và hiến chế, và thăng tiến các sáng kiến trong lãnh vực địa phương nhằm xây dựng hoà bình. Trong các năm qua Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô đã thăng tiến các chương trình cho hoà bình tại Palestina, Israel, Siria, Iraq, Ai Cập, bằng cách mở ra các viễn tượng mới cho một lộ trình vượt quá việc nhìn về quá khứ, mà ta không thể cứ nô lệ nó. Một ưu tiên khác nữa là việc xây dựng hoà bình bên Phi châu: tôi nghĩ tới Nigeria nơi Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô đang dấn thân tìm ra các dip gặp gỡ giữa các tín hữu hồi và tín hữu kitô, được mời gọi kể lại các kinh nghiệm của họ về bạo lực, xung khắc trong viễn trượng "chúng tôi", chứ không phải trong viễn tượng "tôi" chống lại người khác. Cả tại Nam Sudan và Burundi cũng có các dự án chuyên biệt để ngăn chặn cuộc diệt chủng - tôi nghĩ tới Nam Sudan. Tại hai nước này các kitô hữu đã thành công trong việc nói chung một tiếng nói, và đây là một sự phong phú giúp xây dựng hoà bình, một chứng tá cụ thể cho thấy các kitô hữu có thể làm, khi cùng nhau sống lời kêu gọi hoà bình. Cả bên Âu châu Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô cũng hoạt động xây dựng hoà bình, cả khi vấn đề to lớn gọi hỏi phong trào đại kết là việc tiếp đón các người di cư tỵ nạn. Các kitô hữu có một trách nhiệm rất lớn và có thể giữ một vai trò quan trọng trong việc tiếp đón họ cùng với các chính quyền.
Hỏi: Thưa mục sư Tveit, hội nghị khoáng đại lần tới của Hội đồng sẽ được triệu tập tại đâu?
Ðáp: Trong hội nghị tại Busan bên Nam Hàn năm 2013 Hội Ðồng đã quyết định là nhóm phiên khoáng đại cứ tám năm một lần, chứ không phải bẩy năm một lần nữa. Về nơi triệu tập chúng tôi sẽ quyết định trong các tháng tới đây. Các Giáo Hội Kitô Ðức sẵn sàng đón tiếp, và như thế là hội nghị lại trở về Âu châu, sau hội nghị triệu tập tại Uppsala bên Thụy Ðiển hồi năm 1968. Cần luôn nhớ rằng việc tiếp đón hội nghị khoáng đại là một dấn thân đòi hỏi các Giáo Hội địa phương tìm ra một con đường có thể dẫn các kitô hữu trở thành các tác nhân trong thời gian đối chiếu và cầu nguyện này.
Hỏi: Người trẻ có thể dậy cho Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô những gì, thưa mục sư?
Ðáp: Từ nhiều năm nay Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô tìm kiếm các phương thế để khiến cho giới trẻ trở thành các tác nhân, không phải chỉ là của phong trào đại kết, nhưng là của cuộc sống của từng Giáo Hội riêng rẽ. Hội đồng tìm các dịp đào tạo và chia sẻ, như đã luôn luôn làm trong lịch sử của mình, và như chính việc thành lập Học viện Bossey chứng minh cho thấy. Học viện này đã được mở trước khi Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô thành hình. Học viện Bossey là nơi ưu tiên cho con đường đại kết, vì có cả sự tham dự của Giáo Hội công giáo, góp phần giúp các bạn trẻ cảm thấy họ là phần của của con đường đại kết hiện nay. Nữ giới chiếm phân nửa thế giới: trong các cộng đoàn kitô họ chiếm hơn phân nửa, nếu chúng tôi quan sát các tham dự viên các hội nghị của chúng tôi. Ðây là việc đào sâu con đường mà trong bao nhiêu năm qua đã dẫn đưa biết bao cộng đoàn địa phương tới chỗ khám phá ra các ơn của nữ giới như một kho tàng. Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô không thể và không muốn can thiệp vào cuộc sống của các Giáo Hội riêng rẽ, nơi có cuộc tranh luận về vai trò của nữ giới. Nhưng từ phiá mình, Hội đồng đã có các cử chỉ cụ thể đối với việc tham dự ngày càng nhiều hơn của phái nữ trong cuộc sống của phong trào đại kết, bằng cách cho thấy việc tham dự đó đã mở ra các viễn tượng mới trong việc hiểu biết cuộc đối thoại đại kết có thể và phải làm gì trong các Giáo Hội và trên thế giới.
Hỏi: Thưa mục sư Tveit, đối thoại liên tôn là gì đối với Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô?
Ðáp: Nó là một lời mời gọi ra khỏi chân trời của mình, như trong các năm qua, và nhất là ngày nay. Tình hình đối thoại tốt đối với các cộng tác và tiếp xúc, nhất là giữa các vị lãnh đạo tôn giáo. Bên cạnh các cuộc gặp gỡ này giữa các vị lãnh đạo còn có các cuộc gặp gỡ khác trên hai bình diện: bình diện thứ nhất là bình diện của các sáng kiến giúp chống lại việc sử dụng ý thức hệ các tôn giáo để biện minh cho bạo lực. Ðây là việc củng cố đối thoại bằng cách tạo thuận tiện cho các sáng kiến giúp tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau, để từ đó khởi hành, và tự hỏi xem các tôn giáo có thể làm gì cho hoà bình. Thế rồi còn có bình diện của cuộc sống thường ngày, có nhiều căng thẳng, nảy sinh từ các thành kiến phải được loại bỏ với các chương trình chú ý tới các bối cảnh địa phương. Trên bình diện này thật là gương mẫu, điều các kitô hữu có thể làm tại Âu châu đối với việc tiếp đón ngưòi tỵ nạn.
Hỏi: Thưa mục sư, tương quan của Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô với Giáo Hội công giáo ra sao?
Ðáp: Các tương quan rất tốt. Năm ngoái chúng tôi đã cùng nhau cử hành kỷ niệm 50 năm các liên lạc chính thức với nhau, đã được khai mào với Công Ðồng Chung Vaticăng II. Trong các năm này đã có biết bao nhiêu sáng kiến chung, như việc xác định một đề tài cho tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các kitô hữu. Chắc chắn là với triều đại của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô người ta đã chứng kiến một bước nhảy vọt về phẩm trong các tương quan đại kết, từ khi tư tưởng chính là các kitô hữu phải cùng nhau tiến bước, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau làm chứng trong một chiều kích hành hương, điều này đã tạo ra các đồng thanh mới, nhất là trong việc xây dựng công lý và hoà bình trên thế giới. Một cách đặc biệt ý nghĩa của mùa mới này là quyết định của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô thành lập một ngày cầu nguyện cho việc giữ gìn thụ tạo, là một đề tài và lãnh vực mà Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô đã dấn thân từ nhiều năm nay. Và người ta đã đưa ra một chương trình hành động duy nhất về đề tài này. Nó đã củng cố các tương quan cá nhân và chứng tá chung. Chúng tôi đang sống một thời điềm lớn trong tương quan của chúng tôi.
Hỏi: Các kitô hữu có thể kỷ niệm 500 năm Cải Cách như thế nào? Năm 2017 có thể là năm của hoà giải các ký ức hay không, thưa mục sư?
Ðáp: Lời cầu nguyện đại kết tại Lund đã là một khởi đầu rất tốt của việc kỷ niệm này. Nó không chỉ liên quan tới các tín hữu công giáo và Luther mà thôi, mà cũng liên quan tới toàn phong trào đại kết nữa. Ðó đã là một lời cầu nguyện không thể tưởng tượng được, không phải chỉ cách đây 500 năm, mà cả cách đây 50 năm nữa. Chính kinh nghiệm tại Lund là một lời mời gọi cùng nhau cầu nguyện để củng cố chứng tá của Chúa Kitô trong thế giới, bằng cách có can đảm nhìn vào quá khứ với đôi con mắt mới, mà không quên biết bao nhiêu xung đột đã đưa phong trào Cải cách tới giữa các kitô hữu. Năm 2017 có thể trở thành năm của hoà giải các ký ức, nhưng tôi có một tư tưởng của tôi: đó là trong năm 2017 tất cả mọi kitô hữu sẽ cử hành lễ Phục Sinh và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong cùng một ngày với nhau. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống có thể là dịp tụ họp toàn gia đình kitô tại Giêrusalem để cầu nguyện cho hoà bình cho Giêrusalem và cho toàn thế giới, trong ánh sáng kinh nghiệm của cộng đoàn kitô tiên khởi đã tìm ra can đảm để nói về Tin Mừng trong nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Hỏi: Thưa mục sư, các kitô hữu có thể làm gì cho sứ mệnh này?
Ðáp: Sứ mệnh của các kitô hữu là loan báo Chúa Kitô, sau bao nhiêu bước tiến đã đạt được từ cuộc đối thoại đại kết, đây không phải là loan báo Giáo Hội của riêng mình, nhưng là chia sẻ lời Chúa có thể thay đổi thế giới. Ðây không còn phải là thời gian đua tranh giữa các kitô hữu nữa, bởi vì điều đó trái với sứ mệnh của Giáo Hội, đòi phải luôn luôn tìm ra các con đường mới để làm chứng cho niềm hy vọng nơi Chúa Kitô và sống niềm hy vọng ấy. Cách đây vài năm đã có một tài liệu được công bố trình bầy phải loan báo Chúa Kitô như thế nào trong một thế giới đa tôn giáo và đa giáo hội: đó là tài liệu giúp suy tư về sự kiện các kitô hữu được mời gọi sống với Chúa Kitô là trung tâm điểm như thế nào, mà không từ bỏ các truyền thống của mình giúp hiểu bản chất của sứ mệnh hơn.
Hỏi: Thưa mục sư, việc xây dựng hoà bình và đánh bại bạo lực có phải chỉ là các ảo tưởng kitô hay không?
Ðáp: Trên thế giới có biết bao người phải sống kinh nghiệm của bất công, bạo lực; có nhiều cuộc chiến giữa các quốc gia, và có rất nhiều xung đột giữa các nhóm, trong đó người ta thường dùng tôn giáo để biện minh cho các hành động bạo lực hàng ngày. Trong các cuộc gặp gỡ của tôi, tôi nghe thấy biết bao người yêu cầu hoà bình: bên Siria, bên Palestina, bên Colombia, cần có hoà bình. Tin tưởng nơi sự trợ giúp của Thiên Chúa, là Chúa của hoà bình, các kitô hữu phải làm chứng cho niềm hy vọng có thể đánh bại bạo lực, bằng cách xây dựng công lý và hoà bình trong cuộc sống thường ngày của các cộng đoàn địa phương.
Hỏi: Mục sư nghĩ gì về vai trò của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc thăng tiến đối thoại đại kết?
Ðáp: Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ cho tất cả mọi kitô hữu thấy một viễn tượng cụ thể: cùng nhau bước đi trong thế giới với một cung cách chia sẻ và huynh đệ, giúp thắng vượt các chia rẽ, bằng cách nhắc nhớ cho hết mọi kitô hữu biết rằng lộ trình của chúng ta là ở trong tay Chúa, là Ðấng muốn cho chúng ta hiệp nhất. Ðọc những gì ngài viết và nhìn những gì ngài làm cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô là một nâng đỡ và một khích lệ đối với tất cả mọi người. Trong công trình của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tôi đã tiếp nhận được một đồng điệu sâu thẳm với cuộc hành hương của công lý và hoà bình do Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô đề xướng, bởi vì ngài đặt để vào trung tâm cuộc sống của các kitô hữu việc loan báo Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng Tạo Hoá và là Chúa của hoà bình. Chúng ta đang sống trong một thời điểm thật hạnh phúc cho cuộc đối thoại đại kết, một thời điểm mời gọi canh tân sứ mệnh tạo dựng hiệp nhất, bằng cách luôn luôn tìm ra các hình thức mới để chia sẻ niềm hy vọng và niềm vui của Thiên Chúa, và với chúng xây dựng hoà bình trên thế giới.
(Oss. Rom. 24-12-2016)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)