Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương

của Ðức Thánh Cha Phanxicô

Chương IV

 

Một số nhân đức giúp phát huy hạnh phúc gia đình theo phần một chương 4 Tông huấn "Niềm vui yêu thương" của Ðức Thánh Cha Phanxicô (từ số 89-119)

Chương 4 Tông huấn "Niềm vui yêu thương" của Ðức Thánh Cha Phanxicô có tựa đề là "Tình yêu hôn nhân" gồm các số từ 89 tới 164. Ðề tài được khai triển với các tiểu đề: Tình yêu thường ngày của chúng ta; Lớn lên trong tình bác ái phu thê; Tình yêu đam mê; Sự biến đổi của tình yêu.

Trong tiểu đề một Tông huấn duyệt xét một số nhân đức cần thiết cho cuộc sống yêu thương hôn nhân như: kiên nhẫn, lòng tốt, chữa lành ghen tương; không vênh vang tự đắc, dễ thương, quảng đại siêu thoát, không bạo lực nội tâm, vui mừng với những người khác, dung thứ tất cả, tin tưởng, hy vọng, và chịu đựng tất cả.

Mở đầu chương 4 Tông huấn ghi nhận rằng tất cả nhũng gì đã nói không đủ diễn tả tin mừng của hôn nhân và gia đình, nếu không dừng lại một cách đặc biệt để nói về tình yêu. Chúng ta không thể khích lệ con đường trung thành và tận hiến cho nhau, nếu không kích thích sự trưởng thành, việc củng cố và đào sâu tình yêu phu thê và tình yêu gia đình. Thật vậy, ơn thánh của bí tích Hôn Phối được chỉ định trước hết "kiện toàn tình yêu vợ chồng" (104). Cả trong trường hợp này nữa cũng vẫn giá trị điều thánh Phaolô nói với các tín hữu Côrintô: "Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi." (1 Cr 13,2-3). Tuy nhiên, từ "tình yêu" là một trong các từ được dùng nhiều nhất, nhiều khi xem ra bị biến dạng (s.89).

Trong bài ca đức ái của thánh Phaolô chúng ta hãy dựng lại vài đặc tính của tình yêu đích thật: "Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả." (1 Cr 13,4-7).

Ðây là điều mà các cặp vợ chồng sống, vun trồng và chia sẻ mọi ngày, giữa họ và với con cái họ. Vì thế thật là quý báu, dừng lại để minh xác ý nghĩa các kiểu nói của văn bản này, và tìm áp dụng vào cuộc sống cụ thể của từng gia đình (s. 90).

Kiên nhẫn - Kiểu diễn tả đầu tiên được dùng là "macrothymei". Nó không chỉ đơn sơ là "chịu đựng mọi sự", bởi vì tư tưởng này được trình bầy ở cuối câu 7. Ý nghĩa của nó đến từ kiểu dịch hy lạp của Cựu Ước, trong đó người ta khẳng định rằng Thiên Chúa "chậm giận dữ" (Xh 34,6; Ds 14,18). Nó cho thấy điều này, khi người ta không để cho các khích động hướng dẫn mình và tránh gây hấn. Phải đọc các văn bản trong đó thánh Phaolô dùng từ này trong bối cảnh của sách Khôn Ngoan (x. 11,23; 12,2.15.18): đồng thời trong đó người ta ca tụng sự điều độ của Thiên Chúa nhằm trao ban khoảng không cho lòng sám hối, và nêu bật quyền năng của Ngài biểu lộ, khi Ngài hành động với lòng thương xót. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa là việc thực thi lòng thương xót đối với kẻ tội lỗi, và biểu lộ quyền năng đích thật của Ngài (s. 91).

Kiên nhẫn không có nghĩa là để cho người ta liên tục đối xử tàn tệ, hay khoan nhượng với các tấn kích thể lý, hoặc cho phép người ta đối xử với chúng ta như đồ vật. Vấn đề được đặt ra, khi chúng ta yêu sách rằng các tương quan phải tình tứ hay con người phải toàn thiện, hay khi chúng ta lấy mình làm trung tâm và chỉ chờ đợi người ta làm theo ý muốn của chúng ta. Khi đó mọi sự đều mất kiên nhẫn, và người ta đi tới chỗ phản ứng với việc gây hấn. Nếu chúng ta không vun trồng lòng kiên nhẫn, chúng ta sẽ luôn luôn có cớ để trả lời với sự giận dữ, và cuối cùng sẽ trở thành các người không biết chung sống, chống lại xã hội, không có khả năng chế ngự các kích động và gia đình sẽ biến thành một chiến trường. Vì thế lời Chúa khích lệ chúng ta: " Ðừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác" (Ep 4,31). Lòng kiên nhẫn này được củng cố, khi tôi thừa nhận rằng cả người khác nữa cũng có quyền sống trên trái đất này cùng với tôi, như họ là. Không quan trọng nếu họ gây phiền hà cho tôi, nếu họ làm hư hỏng các chương trình của tôi, nếu họ quấy nhiễu tôi với kiểu sống của họ hay với các tư tưởng của họ, nếu họ không hoàn toàn như tôi mong đơi. Tình yêu luôn bao gồm một ý nghĩa cảm thương sâu xa, dẫn tới chỗ chấp nhận người khác như là phần của thế giới này, cả khi họ hành động trong một cách thế khác với cách thế mà tôi mong đợi (s. 92).

Thái độ tốt - Tiếp theo là từ "chresteuetai" là từ duy nhất trong toàn Thánh Kinh, bắt nguồn từ chữ "chresto" là người tốt, cho thấy lòng tốt của họ trong các hành động. Tuy nhiên, vị trí của nó song song với động từ đi trước khiến nó trở thành một túc từ. Như thế thánh Phaolô muốn nói rõ rằng sự kiên nhẫn được nêu danh hàng đầu không phải là một thái độ hoàn toàn thụ động, trái lại nó được đi kèm bởi một hoạt động, bởi một phản ứng năng động và sáng tạo đối với các người khác. Nó cho thấy rằng tình yêu khiến cho người khác hạnh phúc và thăng tiến họ. Vì vậy nó được dịch là "nhân hậu" (s. 93).

Trong tổng thể văn bản ta thấy thánh Phaolô muốn nhấn mạnh trên sự kiện tình yêu không chỉ là một tâm tình, nhưng nó phải được hiểu trong nghĩa mà động từ "yêu" có trong tiếng Do thái, nghĩa là "làm điều thiện ích". Như thánh Ignazio thành Loyola nói: "tình yêu phải được đặt để nhiều nơi các công việc làm hơn là nơi lời nói". Trong cách thức đó nó có thể cho thấy tất cả sự phong phú của nó, và cho phép chúng ta kinh nghiệm được niềm hạnh phúc cho đi, sự cao quý và lớn lao của việc tận hiến trong cách thức tràn đầy, không đong đếm, không đòi hỏi phần thưởng, nhưng chỉ vì sở thích cho đi và phục vụ (s. 94).

Chữa lành sự ghen tương - Như vậy ta khước từ như là trái nghịch với tình yêu một thái độ được diễn tả bằng từ "zelos" ghen tương, đố kỵ. Nó có nghĩa là trong tình yêu không có chỗ để thử sự khó chịu vì hạnh phúc của người khác (x- Cv 7,9; 17,5). Ghen tương là một sự buồn sầu đối với hạnh phúc của tha nhân, và cho thấy chúng ta không lưu tâm tới niềm hạnh phúc của các người khác, bởi vì chúng ta chỉ tập trung nơi sự thoải mái của chúng ta. Trong khi tình yêu làm cho chúng ra khỏi chính mình, thì ghen tương đưa chúng ta tới chỗ tập trung nơi cái tôi của chúng ta. Tình yêu thật đánh giá các thành công của các người khác và không cảm thấy chúng là một đe dọa, và tự giải thoát khỏi mùi vị đắng cay của ghen tương. Nó chấp nhận sự kiện mỗi ngưòi có các ơn khác nhau và có các con đường khác nhau trong cuộc sống. Như vậy nó tìm cách khám phá ra con đường riêng để hạnh phúc, bằng cách để cho những người khác tìm ra con đường của họ (s. 95).

Nói cho cùng, đây là việc chu toàn điều mà các giới răn cuối cùng của Luật Chúa đòi hỏi chúng ta: "Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta." (Xh 20,17). Tình yêu đưa chúng ta tới chỗ đánh giá cao từng người, bằng cách thừa nhận quyền của họ được hạnh phúc. Tôi yêu thương người đó, nhìn họ với cái nhìn của Thiên Chúa Cha, là Ðấng ban cho chúng ta tất cả "để chúng ta vui hưởng nó" (1 Tm 6,17), và như vậy tôi chấp nhận trong tôi rằng họ có thể vui hưởng một lúc tốt lành. Trong mọi trường hợp chính nguồn gốc đó của tình yêu là điều dẫn tôi tới việc khước từ bất công đối với sự kiện vài người có quá nhiều và những người khác không có gì hết, hay tới điều thúc giục tôi làm sao để cả những người bị xã hội gạt bỏ cũng có thể sống một chút niềm vui. Tuy nhiên, điều này không phải là ghen tương, nhưng là ước mong bình đẳng (s. 96).

Không vênh vang tự đắc - Tiếp theo là kiểu nói "perpereuetai", ám chỉ danh vọng hão huyền, khoe khoang, nỗi lo lắng cho thấy mình cao hơn để gây ấn tượng cho các người khác với một thái độ tỏ ra thông thái hay gây hấn. Ai yêu không chỉ tránh nói quá nhiều về mình, nhưng vì chú tâm tới người khác nên biết đặt mình vào trong vị trí của họ, mà không yêu sách được ở trung tâm. Từ tiếp theo "physioutai" rất giống thế, vì nó ám chỉ tình yêu không ngạo mạn. Trong nghĩa đen nó diễn tả sự kiện không phóng đại trước người khác, và còn ám chỉ một cái gì tinh tế hơn. Nó không chỉ là một ám ảnh để cho thấy các đức tính của mình, mà cũng đánh mất đi ý thức về thực tế nữa. Ta tin mình lớn hơn điều mình là, vì ta tin mình "thiêng liêng" hay "khôn ngoan" hơn. Trong các lần khác thánh Phaolô dùng động từ này chẳng hạn để nói rằng "sự hiểu biết làm đầy kiêu căng, trong khi tình yêu xây đựng" (1 Cr 8,1). Có nghĩa là có vài người tin họ lớn lao hơn vì biết nhiều hơn người khác, và họ chuyên môn yêu sách kẻ khác và kiểm soát kẻ khác, khi trong thực tế điều khiến cho chúng ta cao cả là tình yêu cảm thông, săn sóc và nâng đỡ kẻ yếu đuối. Trong một câu khác thánh nhân dùng để phê bình những người "phồng to lên vì kiêu căng" (x. 1 Cr 4,18), nhưng trong thực tế họ nhiều lời hơn là có "quyền năng" thật sự của Thần Khí (x. 1 Cr 4,19) (s. 97).

Thật là điều quan trọng, các kitô hữu sống thái độ này trong kiểu đối xử với các người thân ít được đào tạo trong đức tin, giòn mỏng hay ít chắc chắn trong các xác tín của họ. Ðôi khi xảy ra cảnh trái ngược: trong môi trường gia đình những người được giả thiết là đã trưởng thành nhiều hơn, lại trở thành xấc xược và không thể chịu đựng nổi. Ở đây thái độ khiêm tốn xem ra là một cái gì thuộc phần của tình yêu, vì để có thể hiểu, bênh vực và phục vụ tha nhân hết lòng cần phải chữa lành tính kiêu ngạo và vun trồng lòng khiêm tốn. Chúa Giêsu nhắc nhớ các môn đệ Ngài rằng trong thế giới quyền lực mỗi người đều tìm thống trị kẻ khác, vì thế Ngài nói với họ: "giữa anh em thì không như vậy" (Mt 20,26). Cái luận lý của tình yêu kitô không phải là thứ luận lý của người cảm thấy mình hơn các người khác và cần làm cho họ cảm thấy quyền bính của mình, nhưng là cái luận lý qua đó "ai muốn trở thành người lớn nhất giữa anh em, sẽ là người phục vụ của anh em" (Mt 20,27). Trong cuộc sống gia đình không thể ngự trị cái luận lý sự thống trị của người này trên người khác, hay sự đua tranh để xem ai là người thông minh hay quyền thế nhất, bởi vì cái luận lý như thế khiến cho tình yêu giảm đi. Cũng có giá trị đối với gia đình lời khuyên này: "Anh em tất cả hãy mặc lấy sự khiêm nhường đối với nhau, bởi vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường" (1 Pr 5,5) (s 98).

Sự dễ thương - Yêu thương cũng có nghĩa là khiến cho mình trở thành dễ thương, và đây là nghĩa từ "aschemonei". Nó muốn ám chỉ rằng tình yêu không hoạt động một cách cứng cỏi, không hành động một cách khiếm nhã, không nặng nề trong đối xử. Các cung cách, các lời nói, các cử chỉ của nó dễ chịu, không gắt gỏng hay cứng nhắc. Nó ghét làm cho người khác đau khổ. Sự lịch lãm là một "trường học của sự nhậy cảm và vô vị lợi" đòi hỏi con người phải "vun trồng trí tuệ và các giác quan của mình, tập lắng nghe, nói và im lặng trong vài lúc nào đó" (107). Dễ thương không phải là một kiểu sống mà một kitô hữu có thể lựa chọn hay từ chối: nó là phần của các đòi buộc không thể khước từ được của tình yêu, vì thế "mỗi một người đều phải dễ thương với những người chung quanh" (108). Mỗi ngày "việc bước vào trong cuộc sống của kẻ khác, cả khi họ là phần cuộc sống chúng ta, đòi hỏi sự tế nhị của một thái độ không xâm lấn, canh tân sự tin tưởng và kính trọng... Và tình yêu càng thân tình và sâu xa bao nhiêu, lại càng đòi hỏi việc tôn trọng sự tự do và khả năng chờ đợi người khác mở cửa con tim họ bấy nhiêu" (s. 99).

Ðể chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đích thật với tha nhân, cần phải có một cái nhìn dễ thương đối với họ. Ðiều này không thể được, khi ngự trị một sự bi quan nêu bật các khuyết điểm và các lầm lỗi của người khác, có lẽ để bù trừ cho các mặc cảm của mình. Một cái nhìn dễ thương cho phép chúng ta không dừng lại nhiều trên các hạn hẹp của tha nhân, và như thế chúng ta có thể khoan nhượng với họ và hiệp nhất trong một dự án chung, cả khi chúng ta có khác nhau đi nữa. Tình yêu dễ thương sinh ra các ràng buộc, vun trồng các ràng buộc ấy, tạo ra các mạng lưới hội nhập, xây dựng một dự án xã hội vững vàng. Trong cách thế đó nó tự che chở, vì không có ý thức tùy thuộc không thể nâng đỡ việc tận hiến cho tha nhân, mỗi người kết thúc bằng cách chỉ tìm sự thuận lợi riêng cho chính mình và không thể chung sống. Một người bài xã hội tin rằng những người khác hiện hữu là để thoả mãn các nhu cầu của họ, và khi họ làm thế là họ chỉ chu toàn nhiệm vụ của họ thôi. Như vậy không có chỗ cho sự dễ thương của tình yêu và ngôn ngữ của nó. Ai yêu thì có khả năng nói các lời khích lệ, trao ban ủi an, sức mạnh, phấn kích. Chẳng hạn chúng ta hãy xem vài lời Chúa Giêsu đã nói với dân chúng: "Hãy can đảm lên con" (Mt 9,2), "Ðức tin của con thật lớn lao" (Mt 15,28), "Hãy đứng dậy!" (Mc 5,41), "Hãy đi bằng an" (Lc 7,50), "Ðừng sợ hãi" (Mt 14,27. Ðó không phải là các lời hạ nhục, gây buồn bã, làm đau rát hay khinh rẻ. Trong gia đình cần học biết thứ ngôn ngữ dễ thương này của Chúa Giêsu (s.100).

Quảng đại không dính bén - Ðể yêu thương trước hết cần phải yêu chính mình. Tuy nhiên, bài ca Ðức Ái khẳng định rằng tình yêu "không tìm tư lợi". Kiểu nói này cũng được dùng trong một văn bản khác: "Mỗi người đừng tim tư lợi, nhưng cũng tìm lợi ích của người khác nữa" (Pl 2,4). Trước một khẳng định rõ ràng như vậy của Thánh Kinh cần tránh dành ưu tiên cho tình yêu đối với chính mình, như thể nó là ơn cao quý cho chính mình hơn là cho tha nhân. Một sự ưu tiên nào đó của tình yêu đối với chính mình chỉ có thể hiểu được như là một điều kiện tâm lý, trong nghĩa ai không có khả năng yêu chính mình thì gặp khó khăn trong việc yêu tha nhân. "Xấu với bản thân thì tốt với ai được?... Không ai tệ hơn kẻ làm hại chính mình" (Hc 14,5-6) (s. 101).

Tuy nhiên, chính thánh Toma Aquino đã giải thích rằng: "bác ái chính là muốn yêu hơn là muốn được yêu", và thật ra, "các bà mẹ là những người yêu nhiều nhất, tìm yêu thuơng hơn là được yêu thương" (111). Vì thế tình yêu có thể đẩy xa hơn công lý và trao tràn một cách nhưng không, "không hy vọng gì hết" (Lc 6,35), để đi tới tình yêu lớn lao hơn là "hiến mạng" cho tha nhân (Ga 15,13). Còn có thể có sự quảng đại cho phép trao ban một cách nhưng không và trao ban cho tới cùng không? Chắc chắn là có thể, bởi vì đó là điều Phúc Âm đòi hỏi: "Các con đã lãnh nhận một cách nhưng không, thì hãy cho một cách nhưng không" (Mt 10,8) (s. 102).

Không bạo lực nội tâm - Nếu kiểu diễn tả đầu tiên của bài thánh thi mời gọi chúng ta kiên nhẫn tránh phản ứng một cách bất thình lình trước các yếu đuối hay các lỗi lầm của người khác, thì giờ đây lại xuất hiện một từ khác - paroxynetai - ám chỉ một phản ứng nội tại của sự giận dữ do một cái gì ngoại tại gây ra. Ðây là một bạo lực nội tâm, một nhức nhối không biểu lộ đặt để chúng ta trong thế tự vệ trước tha nhân, như thể là các thù địch gây khó chịu cần phải tránh né. Dưõng nuôi sự gây hấn nội tại ấy không lợi gì hết. Nó chỉ khiến cho chúng ta bệnh hoạn và rốt cuộc cô lập hóa chúng ta. Sự giận dữ lành mạnh, khi đưa chúng ta tới chỗ phản ứng trước một bất công trầm trọng, nhưng nó tại hại, khi hướng tới chỗ dấn thân mọi thái độ của chúng ta đối với tha nhân (s. 103).

Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn cái xà trong mắt chúng ta (x.Mt 7,5) và như là kitô hữu chúng ta không thể không biết đến Thiên Chúa liên lỉ mời gọi chúng ta đừng nuôi dưỡng sự giận dữ: "Bạn đừng để cho sự dữ chiến thắng" (Rm 12,21). "Và đừng mệt mỏi làm điều thiện" (Gl 6,9). Cảm thấy sức mạnh của gây hấn ùa nhập là một chuyện, còn đồng ý để cho nó trở thành một thái độ thường xuyên là chuyện khác: "Anh em hãy giận dữ nhưng đừng phạm tội, đừng để cho mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn" (Ep 4,26). Vì thế không cần phải kết thúc ngày sống mà không làm hoà trong gia đình. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ nhặt, và hoà hợp sẽ trở lại trong gia đình. Chỉ cần một cái vuốt ve, không lời nói. Nhưng đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hoà trong gia đình (112), Phản ứng nội tâm trước một sách nhiễu do người khác gây ra trước hết phải là chúc lành trong tim, ước mong sự thiện của người khác, xin Chúa giải thoát và chữa lành nó: "Hãy trả lời bằng cách chúc phúc, vì anh em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc" (1 Pr 3,9).Nếu chúng ta phải chiến đấu chống lại một sự dữ, hãy làm điều đó, nhưng hãy luôn luôn nói "không với bạo lực nội tâm (s. 104).

Tha thứ - Nếu chúng ta cho phép một tâm tình xấu lọt vào lòng chúng ta, là chúng ta tạo khoảng không cho thù hận làm tổ trong tim. Câu "logizetai to kakon" có nghĩa là "để ý đến sự dữ", "người ta mang nó được ghi nhận" tức là thù hận. Ðiều trái lại là sự tha thứ, một sự tha thứ dựa trên một thái độ tích cực, cố cảm thông sự yếu đuối của tha nhân, và tìm các lời xin lỗi cho người khác, như Chúa Giêsu đã nói: "Lậy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34). Trái lại, khuynh hướng thường là luôn luôn tìm lỗi lầm, luôn tưởng tượng ra các xấu xa hơn, giả thiết mọi ý xấu, và như thế sự thù hằn gia tăng và đâm rễ. Trong cách thế đó bất cứ lầm lỗi nào hay sa ngã nào của người bạn đời đều có thể làm hại mối dây tình yêu và sự ổn định của gia đình. Vấn đề là nhiều khi người ta gán cho mọi sự cùng sự trầm trọng như nhau, với nguy cơ trở thành tàn ác vì bất cứ lỗi lầm nào của người khác. Việc đòi hỏi chính đáng các quyền lợi riêng biến thành một thèm khát báo thù liên lỉ hơn là một việc tự vệ lành mạnh của phẩm giá riêng (s. 105)

Khi chúng ta đã bị xúc phạm hay thất vọng, sự tha thứ là điều có thể và đáng cầu mong, nhưng không ai nói nó là điều dễ dàng. Sự thật đó là "sự hiệp thông gia đình chỉ có thể được duy trì và hoàn thiện với một tinh thần hy sinh lớn lao. Thật thế, nó đòi hỏi một sự sẵn sàng quảng đại của tất cả mọi người và của từng người cảm thông, khoan nhượng, tha thứ, hòa giải. Không có gia đình nào mà lại không biết ích kỷ, bất hoà, các căng thẳng, các xung đột tấn kích một cách bạo lực, và đôi khi đánh chết sự hiệp thông của mình như thế nào: từ đó nảy sinh ra các hình thức chia rẽ khác nhau trong cuộc sống gia đình (s. 106).

Ngày nay chúng ta biết rằng để có thể tha thứ chúng ta cần đi qua kinh nghiệm giải thoát của cảm thông và tha thứ cho chính chúng ta. Biết bao lần các sai lầm của chúng ta hay cái nhìn phê bình của các người chúng ta yêu thương, đã làm cho chúng ta mất đi sự trìu mến đối với chính chúng ta. Ðiều này sau cùng dẫn chúng ta tới chỗ đề phòng người khác, trốn chạy sự trìu mến, và làm cho chúng ta tràn đầy sợ hãi trong các tương quan liên bản vị. Như vậy, việc có thể đổ lỗi cho tha nhân biến thành một sự nhẹ nhõm giả dối. Cần cầu nguyện với lịch sử riêng của mình, chập nhận chính mình và biết chung sống với các hạn hẹp riêng của mình cũng như tha thứ cho mình, để có thể có cùng thái độ này đối với người khác. (s. 107).

Nhưng điều này giả thiết kinh nghiệm được Thiên Chúa tha thứ, được công chính hóa một cách nhưng không và không bởi các công nghiệp của chúng ta. Chúng ta được đạt tới bởi một tình yêu có trước mọi hành động của chúng ta, và nó luôn luôn cống hiến một cơ may mới, thăng tiến và kích thích. Nếu chúng ta chấp nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa vô điều kiện, rằng lòng trìu mến của Thiên Chúa Cha không phải mua cũng không phải trả tiền, khi đó chúng ta sẽ có thể yêu thương vượt ngoài mọi sự, tha thứ cho tha nhân khi họ bất công với chúng ta. Một cách khác đi thì cuộc sống trong gia đình của chúng ta sẽ thôi là một nơi của sự cảm thông, đồng hành và khích lệ, và sẽ là một khoảng không của căng thẳng triền miên và trừng phạt nhau (s 108).

Kiểu nói "khairei epi te adikia" ám chỉ một cái gì tiêu cực ở trong sự bí ấn của trái tim con người. Nó là thái độ có nọc độc của người vui mừng, khi thấy người ta phạm tội bất công đối với ai đó. Câu này được bổ túc bằng câu theo sau diễn tả một cách tích cực: "synkhairei te aletheia": vui vì sự thật. Nó có nghĩa là ta vui mừng vì thiện ích của người khác, khi phẩm gia của họ được thừa nhận, khi các khả năng và các việc thiện của họ được đánh giá cao. Ðiều này không thể có đối với ai luôn luôn so sánh và ganh đua, kể cả với người phối ngẫu của mình, cho tới độ bí mật vui mừng vì các thất bại của họ (s. 109).

Khi một người yêu thương có thể làm ích cho một người khác, hay khi thấy rằng các điều sinh ích cho họ, thì sống nó với niềm vui và như vậy vinh danh Thiên Chúa, bởi vì "Thiên Chúa yêu kẻ cho đi với niềm vui" (2 Cr 9,7), Chúa chúng ta đặc biệt đánh giá cao ai vui vì hạnh phúc của người khác. Nếu chúng ta không dưỡng nuôi khả năng vui mừng vì thiện ích của tha nhân và nhất là không tập trung vào các điều cần thiết, thì chúng ta tự kết án mình sống với ít niềm vui, vì như Chúa Giêsu đã nói: "cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20,35). Gia đình phải là nơi trong đó bất cứ ai làm điều gì tốt lành trong cuộc sống, đều biết rằng những người khác sẽ vui mừng với họ. (s. 110),

Tha thứ tất cả - Danh sách được bổ túc bằng bốn kiểu nói diễn tả tính cách tổng thể: "tất cả", tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Như vậy ta nhấn mạnh năng động chống văn hoá của tình yêu, có khả năng đương đầu với bất cứ gì có thể đe dọa nó (s. 111).

Trước hết ta khẳng định rằng đức mến "tha thứ tất cả" (panta stegei), Nó khác với việc "không chú ý tới điều ác", bởi vì nó liên quan tới việc dùng miệng lưỡi; nó có thể có nghĩa là "giữ thinh lặng" liên quan tới điều tiêu cực có thể có nơi tha nhân. Nó bao gồm việc hạn chế phán đoán, kìm hãm khuynh hướng kết án khắt khe và không nguôi. "Ðừng kết án để khỏi bị kết án" (Lc 6,37). Mặc dù nó chống lại thói quen thường xuyên dùng miệng lưỡi của chúng ta, Lời Chúa đòi hỏi chúng ta: "Anh em đừng nói xấu nói hành nhau" (Gc 4,11). Dừng lại để gây thiệt hại cho hình ảnh của tha nhân là một kiểu để củng cố hình ảnh của chính mình, để trút các thù hận và ghen tương mà không chú ý tới các tai hại mà chúng ta gây ra.

Rất nhiều khi ta quên rằng việc bêu xấu có thể là một tội to, một xúc phạm trầm trọng tới Thiên Chúa, khi nó đả thương trầm trọng tiếng tốt của người khác, bằng cách gây ra các thiệt hại rất khó mà sửa chữa được. Vì thế Lời Chúa rất cứng rắn đối với miệng lưỡi, bằng cách nói rằng nó là "thế giới của sự dữ", nó "làm ô nhiễm toàn thân và nó đốt cháy toàn cuộc sống chúng ta" (Gc 3,6), nó "là một sự dữ nổi loạn, và đầy nọc độc giết người" (Gc 3,8). Nếu "với nó chúng ta nguyền ruả những con người được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa" (Ga 3,9), thì tình yêu lo lắng cho hình ảnh của người khác, với một sự tế nhị đưa tới chỗ giữ gìn cả tiếng tốt của các kẻ thù. Trong việc bảo vệ luật lệ của Chúa không bao giờ được quên đòi hỏi này của tình yêu (s. 112).

Các đôi vợ chồng yêu thương nhau và tùy thuộc nhau nói tốt cho nhau, bằng cách cho thấy khía cạnh tốt của người phối ngẫu vượt ngoài các yếu đuối và lỗi lầm của họ. Trong mọi trường hợp họ giữ thinh lặng để không làm hại hình ảnh của nhau. Tuy nhiên, nó không chỉ là một cử chỉ bề ngoài, mà phát xuất từ một thái độ nội tâm. Và nó cũng không phải là sự khù khờ của người yêu sách không trông thấy các khó khăn và các điểm yếu kém của người khác, nhưng là cái nhìn rộng rãi của người biết đặt để các yếu đuối và sai lầm trong bối cảnh của chúng; họ nhớ rằng các khuyết điểm ấy chỉ là một phần, chứ không phải là cái toàn thể của người khác. Một sự kiện khó chịu trong tương quan không phải là cái toàn thể của tương quan ấy. Vì vậy có thể đơn sơ chấp nhận rằng tất cả chúng ta là một phối hợp phức tạp của ánh sáng và bóng tối. Tha nhân không phải chỉ là người làm tôi khó chịu. Họ còn hơn điều này. Vì cùng một lý do đó tôi không yêu sách tình yêu của họ phải hoàn hảo để đánh giá cao họ. Họ yêu tôi như tôi là và như họ có thể, với các hạn hẹp của họ, nhưng sự kiện tình yêu của họ không toàn hảo không có nghĩa là họ giả dối hay không thực. Nó thực, nhưng bị hạn hẹp và trần tục. Vì thế, nếu tôi yêu sách quá nhiều, trong một kiểu nào đó tôi sẽ khiến cho hiểu điều đó, vì họ sẽ không thể cũng sẽ không chấp nhận giữ vai trò của một vị thần cũng không ở đó để phục vụ tất cả mọi nhu cầu của tôi. Tình yêu sống chung với sự bất toàn, tha thứ, nếu biết thinh lặng trước các hạn hẹp của người mình yêu (s. 113).

Tin tưởng tất cả - "Panta pisteuei" tin tưởng tất cả, không được hiểu "sự tin tưởng" này trong nghĩa thần học, nhưng trong nghĩa thông thường của sự "tin tưởng". Nó không chỉ là không nghi ngờ tha nhân đang nói dối hay lừa gạt. Sự tin tưởng nền tảng đó nhận ra ánh sáng được thắp lên bởi Thiên Chúa, là Ðấng tự dấu ẩn đàng sau bóng tối, hay than còn hồng dưới tro (s. 1114).

Chính sự tin tưởng này khiến cho một tương quan tự do có thể được. Không cần phải kiểm soát tha nhân, tỉ mỉ theo dõi các bước chân của họ, để tránh cho họ khỏi vuột thoát khỏi cánh tay chúng ta. Tình yêu tin tưởng, để tự do, khước từ việc kiểm soát tất cả, khước từ chiếm hữu và thống trị. Sự tự do này khiến cho có thể có các khoảng không của sự tự lập, rộng mở cho thế giới và các kinh nghiệm mới, cho phép tương quan được phong phú và không trở thành một đồng tộc hôn chế không có chân trời. Như vậy các người phối ngẫu khi tìm lại nhau, có thể sống niềm vui chia sẻ điều họ đã nhận và học hỏi bên ngoài vòng tròn của gia đình. Ðồng thời nó khiến cho sự chân thành và sự trong sáng có thể được, bởi vì khi một người biết rằng các người khác tin tuởng nơi họ và đánh giá cao lòng tốt nền tảng của họ, thì khi đó họ cho thấy họ như họ là, không che dấu. Một người biết rằng các người khác luôn luôn nghi ngờ họ, phán xét họ không cảm thương, không yêu thương họ một cách vô điều kiện, thì sẽ thích duy trì các bí mật của mình, che dấu các sa ngã và các yếu đuối của mình, giả vờ điều họ không là. Ngược lại, một gia đình trong đó ngự trị một sự tin tưởng vững vàng và yêu thương, nơi ta luôn có thể tin tưởng, nơi mặc dù tất cả, cho phép nổi lên căn cước thật của các thành phần của nó và khiến cho người ta tự phát khước từ lừa đảo, giả dối và nói láo (s. 115).

Hy vọng tất cả - "Panta elpizeit", không phân tán tất cả. Nối liền với từ đi trước nó ám chỉ niềm hy vọng của người biết rằng người khác có thể thay đổi. Họ luôn luôn hy vọng rằng có thể có sự trưởng thành, sự nẩy chồi kinh ngạc của vẻ đẹp, rằng các tiềm năng dấu ẩn nhất một ngày kia nảy mầm. Nó không muốn nói rằng sẽ thay đổi tất cả mọi sự trong cuộc sống này. Nó bao gồm việc chấp nhận rằng vài điều không xảy ra như một người mong muốn, nhưng có lẽ Thiên Chúa viết thẳng với các đường cong của một người, và rút tiả ra vài thiện ích từ các sự dữ, mà người ấy không vượt thắng được trên trần gian này (s. 116).

Ở đây chúng ta chú ý tới niềm hy vọng trong nghĩa tràn đầy của nó, bởi vì nó bao gồm sự chắc chắn về một cuộc sống vượt quá cái chết. Con người ấy với tất cả các yếu đuối của họ, được mời gọi bước vào sự tràn đầy của Trời. Ở đó, hoàn toàn được biến đổi bởi sự phục sinh của Chúa Kitô, sẽ không còn có các mỏng giòn, các bóng tối và các bệnh tật của họ nữa. Ở đó bản vị đích thật của người ấy sẽ chiếu sáng với tất cả quyền năng sự thiện và vẻ đẹp của họ. Ðiều này cho phép chúng ta, chiêm ngưỡng giữa các khó chịu của trái đất này, người ấy với một cái nhìn siêu nhiên, duới ánh sáng của niềm hy vọng, và đợi chờ sự toàn vẹn, mà một ngày kia chúng ta sẽ nhận được trong Nước Trời, mặc dù ngày nay không thể trông thấy được (s. 117).

Chịu đựng tất cả - "Panta hypomenei" có nghĩa là chịu đựng với tinh thần tích cực mọi đối nghịch. Nó có nghĩa là giữ gìn mình vững chắc giữa một môi trường thù nghịch. Nó không chỉ hệ tại việc khoan nhượng vài sách nhiễu, mà là một kháng cự năng động và liên lỉ, có khả năng vượt thắng mọi thách đố. Ðó là tình yêu thương mặc dù tất cả, cả khi toàn bối cảnh mời gọi một điều khác. Nó biểu lộ một lượng anh hùng kiên trì, mạnh mẽ chống lại bất cứ trào lưu tiêu cực nào, một lựa chọn sự thiện mà không gì có thể lật đổ được. Ðiều này khiến tôi nhớ đến các lời của Martin Luther King, khi ông nêu bật sự lựa chọn tình yêu huynh đệ cả giữa các bách hại và hạ nhục tồi tệ nhất: " Người thù ghét bạn nhất cũng có điều gì đó tốt lành trong họ; và cả quốc gia mà họ thù ghét nhất cũng có cái gì đó tốt lành trong nó. Và khi bạn đi tới chỗ nhìn vào gương mặt của từng người và trông thấy trong họ điều mà tôn giáo gọi là "hình ảnh của Thiên Chúa", thì bạn bắt đầu yêu thương họ, mặc dù tất cả. Không quan trọng điều họ làm, bạn trông thấy nơi đó hình ảnh của Thiên Chúa. Có một yếu tố của sự tốt lành mà bạn sẽ không bao giờ có thể rũ bỏ được... Có một cách khác để yêu kẻ thù của bạn: đó là khi có cơ may đánh bại kẻ thù của bạn, đó là lúc bạn phải quyết định không làm điều ấy... Khi bạn nâng mình lên trên mức độ của tình yêu, của vẻ đẹp và sức mạnh lớn lao của nó, điều duy nhất bạn tìm đánh bại là các hệ thống xấu xa. Các người bị mắc bẫy bởi hệ thống đó bạn hãy yêu thương họ, nhưng hãy tìm đánh bại hệ thống ấy. Ðáp trả thù hận bằng thù hận chỉ gia tăng sự hiện hữu của thù hận và của sự dữ trong vũ trụ này mà thôi. Nếu tôi đánh bạn và bạn đánh tôi, và tôi trả lại bạn cú đánh và bạn trả lại tôi cú đánh và tiếp tục như vậy, thì đương nhiên là ta tiếp tục tới vô tận. Một cách đơn sơ nó không bao giờ kết thúc. Từ phía nào đó một ai đó phải có một chút lương tri và đó là người mạnh mẽ. Người mạnh mẽ là người có khả năng bẻ gẫy dây xích của thù hận, dây xich của sự dữ... Một ai đó phải có đủ đức tin và luân lý để bẻ gẫy và tiêm vào chính cấu trúc của vũ trụ yếu tố mạnh mẽ và uy quyền của tình yêu" (s.118).

Trong cuộc sống gia đình cần vun trồng sức mạnh này của tình yêu, cho phép chống lại sự dữ đe dọa nó. Tình yêu không để cho mình bị thống trị bởi hận thù, bởi khinh rẻ đối với con người, bởi ước mong đả thương hay trả lại cái gì đó. Lý tưởng kitô, và một cách đặc biệt trong gia đình, là tình yêu, mặc dù tất cả. Chằng hạn đôi khi tôi khâm phục thái độ của những người đã phải chia lìa khỏi người phối ngẫu để tự bảo vệ khỏi bạo lực thể lý, nhưng cho dù vậy, vì tình bác ái phu thê, họ biết đi xa hơn các tâm tình, nên đã có khả năng hành động cho thiện ích của người phối ngẫu, mặc dù qua trung gian những người khác, trong những lúc bệnh hoạn, khổ đau hay khó khăn. Cả điều này nữa cũng là tình yêu, mặc dù tất cả (s.119)

 

Phần hai chương 4 Tông huấn "Niềm vui yêu thương" của Ðức Thánh Cha Phanxicô có tiểu đề: "Lớn lên trong tình bác ái phu thê" (gồm các số từ 120 đến 141)

Ðức Thánh Cha viết: Bài ca Ðức Ái của thánh Phaolô cho phép chúng ta bước sang tình bác ái phu thê. Nó là tình yêu kết hiệp hai vợ chồng, được thánh hóa, làm giầu và soi sáng bởi ơn thánh của bí tích hôn nhân. Nó là một sự "kết hiệp yêu thương", tinh thần và dâng hiến, nhưng quy tụ trong mình sự hiền dịu của tình bạn và nỗi đam mê dục vọng, có thể tồn tại, cả khi các tình cảm và sự đam mê suy yếu đi. Ðức Giáo Hoàng Pio XI đã dậy rằng tình yêu như thế thấm nhập tất cả mọi bổn phận của cuộc sống phu thê và "có cái ưu tiên của sự cao quý". Thật vậy, tình yêu mạnh mẽ như thế do Chúa Thánh Thần đổ vào, là phản ánh của Giao Ước không thể phá huỷ được giữa Chúa Kitô và nhân loại, đã đạt tột đỉnh trong sự tận hiến cho tới cùng, trên thập giá: "Thần Khí, mà Chúa đổ xuống, trao ban cho con tim mới, và khiến cho người nam và người nữ có khả năng yêu nhau như Chúa Kitô đã yêu chúng ta. Tình yêu phu thê đạt sự tràn đầy mà nó được chỉ định, là tình bác ái phu thê" (s.120).

Hôn nhân là một dấu chỉ quý báu, bởi vì "khi một người nam và một người nữ cử hành bí tích Hôn Nhân, Thiên Chúa tự "phản ánh" trong họ, in dấu nơi họ các đường nét và tính cách không xóa nhòa được của tình yêu Ngài. Hôn nhân là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thật vậy, cả Thiên Chúa cũng là sự hiệp thông: Ba Ngôi Cha, Con và Thánh Thần từ luôn mãi và cho luôn mãi sống trong sự hiệp nhất toàn vẹn. Và đó chính là mầu nhiệm của Hôn Nhân: Thiên Chúa khiến cho hai vợ chồng chỉ là một đời sống. Ðiều này bao gồm các hậu quả rất cụ thể và thường ngày, bởi vì do sức mạnh của Bí Tích, hai vợ chồng được trao ban một sứ mệnh đích thực để từ các điều đơn sơ, tầm thường, họ khiến trở thành hữu hình tình yêu mà Chúa Kitô có đối với Giáo Hội và tiếp tục trao ban sự sống cho Giáo Hội (s. 121).

Tuy nhiên, không được lẫn lộn hai bình diện khác nhau: không được vất lên vai hai người có giới hạn gánh nặng kinh khủng phải diễn lại một cách toàn vẹn sự kết hiệp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài, bởi vì hôn nhân như dấu chỉ bao gồm "một tiến trình năng động, tiến tới từ từ với việc sát nhập tiệm tiến các ơn của Chúa (s. 122).

Toàn cuộc sống, mọi sự để chung - Sau tình yêu kết hợp chúng ta với Thiên Chúa, tình yêu phu thê có tất cả mọi đặc tính của một tình bạn tốt: tìm thiện ích của người khác, tính cách hai chiều, sự thân mật, dịu hiền, ổn định và một tương tự giữa bạn bè, mà ta xây dựng với cuộc sống được chia sẻ. Tuy nhiên, hôn nhân thêm vào tất cả điều đó một sự độc quyền bất khả phân ly, được diễn tả ra trong chương trình ổn định chia sẻ và cùng nhau xây dựng toàn cuộc sống. Chúng ta hãy chân thành và nhận ra các dấu chỉ của thực tại: ai si tình thì không dự phóng rằng tương quan đó chỉ có thể kéo dài một thời gian; ai sống sâu đậm niềm vui lấy nhau thì không nghĩ tới một cái gì chóng qua. Những người đồng hành với việc cử hành một sự kết hiệp tình yêu tràn đầy, cả khi có mỏng giòn đi nữa, cũng hy vọng nó có thể kéo dài trong thời gian. Các con cái không chỉ ước mong rằng cha mẹ chúng yêu nhau, mà cũng trung thành với nhau và luôn luôn hiệp nhất nữa. Các dấu chỉ này và nhiều dấu chỉ khác cho thấy rằng trong chính bản chất của tình yêu phu thê có việc rộng mở cho sự vĩnh viễn. Sự hiệp nhất kết tinh trong lời hứa hôn nhân cho luôn mãi, thì hơn là một hình thức xã hội hay một truyền thống, bởi vì nó đâm rễ trong các khuynh hướng tự phát của bản vị con người; và đối với các tín hữu nó là một giao ước trước mặt Thiên Chúa, là Ðấng đòi hỏi sự trung thành: "Thiên Chúa là chứng nhân giữa ngươi và người đàn bà ngươi đã cưới trong buổi thanh xuân, mà ngươi đã phản bội, mặc dầu nó là bạn đường và là người vợ kết ước với ngươi... Chớ có ai phản bội người đàn bà đã cưới trong tuổi thanh xuân. Vì Ta ghét việc rẫy vợ" (Ml 2,14-16) (s. 123).

Một tình yêu yếu đuối hay bệnh hoạn, không có khả năng chấp nhận hôn nhân như một thách đố đòi hỏi chiến đấu, tái sinh, tái sáng chế và bắt đầu trở lại luôn luôn mới cho tới chết, không thể nâng đỡ một độ cao dấn thân. Nó nhượng bộ nền văn hóa tạm bợ, ngăn cản một tiến trình liên lỉ lớn lên. Tuy nhiên "hứa hẹn một tình yêu cho luôn mãi là điều có thể, khi chúng ta khám phá ra một dự án lớn lao hơn các dự án riêng của mình, nâng đỡ và cho phép chúng ta trao ban toàn tương lai cho người ta yêu". Ðể cho tình yêu như thế có thể vượt qua mọi thử thách và duy trì sự trung thành, mặc cho tất cả, cần phải xin ơn thánh củng cố và nâng cao nó. Như thánh Roberto Bellarmino đã nói: "Sự kiện một người nam và một người nữ kết hiệp với nhau trong một mối dây triệt để và bất khả phân ly, trong cách thế họ không thể tách rời nhau, cho dù có các khó khăn nào đi nữa và cho tới khi mất niềm hy vọng có con cái, điều này không thể xảy ra nếu không phải là một mầu nhiệm lớn lao (s. 124).

Ngoài ra, hôn nhân là một tình bạn bao gồm các nét của sự đam mê, nhưng luôn luôn hướng tới một sự kết hiệp dần dần ổn định và sâu xa hơn. Bởi vì nó đã không chỉ được thành lập cho việc sinh con cái, nhưng để tình yêu đối với nhau có các biểu lộ đúng đắn, phát triển và đi tới chỗ trưởng thành. Tình bạn đặc biệt này giữa một người nam và một người nữ chiếm hữu được một tích cách toàn bộ sự kết hiệp mà người ta chỉ trao ban trong sự kết hiệp vợ chồng. Chính vì sự kết hợp toàn bộ này mà nó cũng độc quyền, trung thành và rộng mở cho việc truyền sinh. Người ta chia sẻ với nhau mọi sự, kể cả tính dục, luôn luôn trong sự tôn trọng lẫn nhau. Công Ðồng Chung Vaticăng II đã khẳng định điều này, khi nói rằng "một tình yêu như thế, cùng kết hiệp với các giá trị nhân bản và thiên linh, dẫn đưa hai vợ chồng tới sự trao ban tự do cho nhau, được diễn tả ra bằng các tình cảm và cử chỉ hiền dịu và thấm nhập toàn cuộc sống của hai người" (s. 125).

Niềm vui và vẻ đẹp - Trong hôn nhân thật là điều tốt, săn sóc niềm vui của tình yêu. Khi việc tìm kiếm thú vui ám ảnh, nó chỉ khép kín trong một môi trường và không cho phép tìm ra các loại thỏa mãn khác. Trái lại, niềm vui nới rộng khả năng vui hưởng, và cho phép tìm ra sự ưa thích trong các thực tại khác nhau, cả trong các giai đoạn của cuộc sống trong đó thú vui tắt lịm. Vì thế thánh Toma mới nói rằng người ra sử dụng từ "niềm vui" để ám chỉ sự nở rộng của con tim. Niềm vui hôn nhân, mà người ta có thể sống cả giữa khổ đau, bao hàm việc chấp nhận rằng hôn nhân là một phối hợp cần thiết giữa các niềm vui và mệt nhọc, căng thẳng và nghỉ ngơi, đau khổ và giải thoát, thỏa mãn và kiếm tìm, khó chịu và vui thú, luôn luôn trên con đường của tình bạn, thúc đẩy hai vợ chồng lo lắng cho nhau: trợ giúp và phục vụ nhau (126).

Tình yêu của bè bạn gọi là "tình bác ái", khi ta tiếp nhận và đánh giá cao giá trị mà người khác có. Vẻ đẹp - "giá trị cao" của người khác không trùng hợp với các lôi cuốn thể lý hay tâm lý - cho phép chúng ta nếm hưởng tính cách thánh thiêng của con người mình, mà không cần áp đặt chiếm hữu nó. Trong xã hội tiêu thụ ý thức về vẻ đẹp nghèo nàn đi, và như vậy niềm vui cũng tắt lịm. Mọi sự hiện hữu để bị mua, bị chiếm hữu và tiêu thụ, kể cả các bản vị con người. Trái lại, sự dịu hiền là một biểu lộ của tình yêu này tự giải thoát khỏi ước muốn chiếm hữu ích kỷ. Nó đưa chúng ta tới chỗ rung động trước một người với lòng kính trọng vô biên, và với một sự lo sợ gây hư hại cho người đó hay lấy mất sự tự do của họ. Tình yêu đối với người khác bao hàm việc chiêm ngưỡng và đánh giá cao điều xinh đẹp và thánh thiêng của bản vị con người, hiện hữu vượt ngoài các nhu cầu của tôi. Ðiều này cho phép tôi kiếm tìm thiện ích của họ, cũng như khi tôi biết rằng nó không thể là của tôi, hay khi nó đã trở thành khó thương một cách vật lý, gây hấn hay tạo khó chịu. Vì vậy từ tình yêu qua đó một người được chấp nhận tuỳ thuộc sự kiện họ cho nó một cái gì nhưng không (s. 127).

Kinh nghiệm mỹ thuật của tình yêu được diễn tả trong cái nhìn chiêm ngưỡng tha nhân như một đích điểm trong chính nó, cả khi nó có yếu đau, già nua hay mất đi các lôi cuốn có thể cảm nhận được. Cái nhìn đánh giá một tầm quan trọng vĩ đại và tiết kiệm nó thường tạo ra một thiệt hại. Có biết bao điều mà các cặp vợ chồng và con cái đôi khi làm để được chú ý. Nhiều vết thương và cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ lúc chúng ta thôi chiêm ngưỡng mình. Ðây là điều được diễn tả ra bằng vài thở than và phản đối mà người ta nghe thấy trong các gia đình: "Chồng con không nhìn con nữa, xem ra con vô hình đối với anh ấy". "Xin anh làm ơn nhìn em, khi em nói". "Vợ con không nhìn con nữa, bây giờ nàng chỉ để mắt đến con cái thôi"."Trong nhà con không được ai chú ý hết, và họ cũng chẳng trông thấy con nữa, làm như thể con không hiện hữu". Tình yêu mở mắt và cho phép trông thấy, vượt xa tất cả một bản vị có giá trị biết mấy (s. 128).

Niềm vui của tình yêu chiêm ngưỡng như thế cần được vun trồng. Vì được tạo dựng để yêu thương, chúng ta biết rằng không có niềm vui nào lớn hơn là niềm vui chia sẻ một thiện ích: "Hãy tặng quà và nhận quà tặng, và hãy vui chơi" (Hc 14,16). Các niềm vui sâu đậm nhất của cuộc sống nảy sinh, khi ta có thể mưu cầu hạnh phúc cho người khác, trong một việc diễn tả trước của Trời. Nên nhớ tới một cảnh trong cuốn phim tựa đề "Bữa ăn trưa cuả Babette", trong đó bà bếp quảng đại nhận được một vòng tay ôm biết ơn và một lời khen: "Chị sẽ khiến cho các thiên thần thú vị chừng nào!". Thật là dịu hiền và an ủi, niềm vui phát xuất từ việc mưu cầu yêu thương cho người khác, trông thấy họ vui hưởng. Niềm vui ấy, hiệu quả cuả tình yêu huynh đệ, không phải là niềm vui của sự khoe khoang của kẻ nhìn ngắm chính mình, nhưng là niềm vui của người yêu thương và hài lòng vì thiện ích của người mình yêu, tuôn đổ xuống trên người khác và trở thành phong phú nơi họ (s. 129).

Ðàng khác, niềm vui được canh tân trong đau khổ. Như thánh Agostino đã nói, "nguy hiểm trong chiến trận càng to lớn bao nhiêu, thì niềm vui chiến thắng càng sâu đậm bấy nhiêu". Sau khi hiệp nhất trong đau khổ và chiến đấu, hai vợ chồng có thể kinh nghiệm rằng thật đáng công, vì họ đã đạt được điều gì đó tốt đẹp, đã cùng nhau học hỏi được điều gì đó, hay bởi vì họ có thể đánh giá điều họ có một cách lớn lao hơn. Ít niềm vui của con người sâu đậm và hân hoan như khi hai người yêu nhau đã cùng nhau chinh phục được cái gì đó đã khiến cho họ trả giá bằng một nỗ lực chia sẻ lớn lao (s. 130).

Lấy nhau vì tình yêu - Tôi muốn nói với các người trẻ rằng không có gì trong tất cả những điều này bị hư hỏng, khi tình yêu mặc lấy hình thái của cơ chế hôn nhân. Sự kết hiệp tìm thấy trong cơ chế này kiểu nhập thể sự ổn định và trưởng thành thực sự và cụ thể của nó. Có đúng thật là tình yêu thì rất nhiều hơn là một sự thỏa thuận bề ngoài, hay một hình thái của khế ước hôn nhân, nhưng cũng chắc chắn là quyết định trao ban cho hôn nhân một hình thể hữu hình trong xã hội với các dấn thân xác định, biểu lộ tầm quan trọng của nó: nó cho thấy sự nghiêm chỉnh của việc đồng hóa với người khác, nó ám chỉ một thắng vượt khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa của tuổi trẻ, và nó diễn tả quyết định thuộc về nhau. Lấy nhau là một kiểu diễn tả rằng thực sự người ta bỏ tổ ấm của mẹ để dệt các tương quan khác mạnh mẽ và lãnh một trách nhiệm mới trước một người khác. Ðiều này có giá trị hơn rất nhiều một hiệp hội tự phát nhằm khích lệ nhau, và nó sẽ là một tư nhân hóa hôn nhân. Hôn nhân như cơ chế xã hội là sự che chở và là dụng cụ cho việc dấn thân đối với nhau, cho sự trưởng thành của tình yêu, để cho quyết định của người khác lớn lên trong vững vàng, cụ thể và sâu xa, đồng thời để nó có thể chu toàn sứ mệnh của nó trong xã hội. Vì thế, hôn nhân vượt quá mọi kiểu mau qua và kéo dài. Nòng cốt của nó đâm rễ sâu trong chính bản chất của con người và xã hội tính của nó. Nó bao gồm một loạt các đòi buộc nảy sinh từ chính tình yêu, từ một tình yêu xác quyết và quảng đại đến độ có khả năng đánh liều cả tương lai (s. 131).

Lựa chọn hôn nhân trong kiểu này diễn tả quyết định thực sự và hiệu quả biến đổi hai con đường thành một con đường, cho dù có gì xảy ra đi nữa, và mặc cho bất cứ thách đố nào. Vì tính cách nghiêm chỉnh của dấn thân công khai này của tình yêu, nó không thể là một quyết định vội vã, mà, vì cùng lý do đó, người ta không thể rời lại một cách vô hạn định. Dấn thân với một người khác trong kiểu triệt để và vĩnh viễn luôn luôn bao gồm một số liều lĩnh và đánh cá táo bạo nào đó. Việc khước từ lãnh nhận dấn thân ấy là ích kỷ, vụ lợi, hèn hạ, không biết thừa nhận các quyền lợi của người khác, và không bao giờ đi tới chỗ giới thiệu họ với xã hội như đáng được yêu thương một cách vô điều kiện. Ðàng khác, những người thực sự si mê, có khuynh hướng biểu lộ tình yêu của họ cho các người khác. Tình yêu được cụ thể hóa trong một hôn nhân ký kết trước các người khác, với tất cả các đòi buộc phát xuất từ cơ chế này, là việc biểu lộ và che chở của một tiếng "có" người ta trao ban không dè dặt và không giới hạn. Tiếng "có" ấy có nghĩa là nói với người khác rằng họ sẽ có thể luôn luôn tín thác, rằng họ sẽ không bị bỏ rơi, nếu họ sẽ mất đi sự lôi cuốn, nếu sẽ có các khó khăn, hay nếu được cống hiến các cơ may vui thú mới hay các lợi lộc ích kỷ (s. 132).

Tình yêu được biểu lộ và lớn lên - Tình yêu bè bạn hiệp nhất tất cả các khía cạnh của cuộc sống hôn nhân, và trợ giúp các thành phần trong gia đình tiến tới trong mọi giai đoạn của nó. Vì thế các cử chỉ diễn tả tình yêu ấy phải được liên lỉ vun trồng, không hà tiện, nhưng giầu lời nói quảng đại. Trong gia đình cần dùng lời nói. Tôi muốn lập lại. Ba từ: xin phép, cám ơn, xin lỗi. Ba từ chià khoá. Khi trong một gia đình người ta không xâm lấn và xin phép, khi trong một gia đình người ta không ích kỷ và học nói "cám ơn", và khi trong một gia đình một người nhận ra rằng mình đã làm một điều xấu và biết "xin lỗi", thì trong gia đình ấy có hoà bình và có niềm vui. Chúng ta đừng hà tiện trong việc dùng các từ này, hãy quảng đại trong việc lập lại chúng ngày qua ngày, bởi vì vài thinh lặng đè nặng, đôi khi cả trong gia đình, giữa chồng vợ, giữa cha mẹ và con cái, giữa các anh em với nhau. Trái lại, các lời thích hợp được nói đúng lúc, che chở và dưỡng nuôi tình yêu ngày qua ngày (s. 133).

Tất cả điều này được thực hiện trong một con đường lớn lên thường hằng. Hình thái đặc biệt này của tình yêu là hôn nhân, được mời gọi trrưởng thành liên lỉ, bởi vì cần luôn luôn áp dụng cho nó điều thánh Tôma Aquino đã nói về tình bác ái: "Do bản chất của nó, bác ái không có giới hạn tăng trưởng, vì nó là một sự tham gia của tình bác ái vô tận là Thánh Thần... Cả từ phía chủ thể cũng không thể đặt một giới hạn cho nó, bởi vì với sự lớn lên của tình bác ái, cũng luôn càng lớn lên hơn khả năng của một tăng trưởng tiếp theo". Thánh Phaolô đã mạnh mẽ khích lệ như sau: "Xin Chúa làm cho anh em lớn lên và tràn đầy trong tình yêu giữa anh em và đối với mọi người" (1 Tx 3,12), và ngài thêm: "Còn về tình huynh đệ, thưa anh em, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tiến tới nhiều hơn nữa" (1 Tx 4,9-10). Còn hơn thế nữa. Tình yêu hôn nhân không được giữ gìn trước hết bằng cách nói tới sự bất khả phân ly như là một bó buộc, hay bằng việc lập lại một giáo lý, mà bằng cách củng cố nó nhờ một sự tăng trưởng liên lỉ dưới sự thúc đẩy của ơn thánh. Tình yêu mà không lớn lên thì bắt đầu có các nguy cơ, và chúng ta chỉ có thể lớn lên khi đáp trả lại ơn thánh Chúa qua các cử chỉ của tình yêu, với các cử chỉ trìu mến thường xuyên hơn, sâu đậm hơn, quảng đại hơn, hiền dịu hơn, tươi vui hơn. Người chồng và người vợ sống ý nghĩa của sự kết hợp riêng và luôn ngày càng có được nó một cách tràn đấy hơn. Ơn tình yêu của Thiên Chúa được đổ tràn đầy trên hai vợ chồng cũng đồng thời là một lời kêu gọi phát triển món quà ơn thánh đó (s. 134).

Chúng không tốt vài tưởng tượng về một tình yêu liêu trai và toàn hảo, và như thế nó không có kích thích tăng trưởng nào. Một ý tưởng thiên quốc về tình yêu trần thế quên rằng điều tốt đẹp hơn là điều chưa đạt tới được, là rượu chín mùi với thời gian. Như các Giám Mục Chile đã nhắc nhớ: không có các gia đình toàn vẹn mà quảng cáo lừa đảo và duy tiêu thụ đề nghị với chúng ta. Trong các gia đình đó năm tháng không qua đi, không có bệnh tật, khổ đau, cái chết... Quảng cáo duy tiêu thụ cho thấy một ảo ảnh không dính dáng gì tới thực tại, mà các bậc cha mẹ trong gia đình hằng ngày phải đương đầu. Chấp nhận với óc thực tế các hạn hẹp, các thách đố và các bất toàn, và lắng nghe lời kêu gọi hiệp nhất lớn lên, làm cho tình yêu trưởng thành và vun trồng tình liên đới của sự hiệp nhất thì lành mạnh hơn (s.135).

Ðối thoại - Ðối thoại là một kiểu ưu tiên và không thể thiếu để sống, diễn tả và làm chín mùi tình yêu trong cuộc sống hôn nhân và gia đình. Nhưng nó đòi hỏi một thực tập dài và dấn thân. Ðàn ông, đàn bà, người trưởng thành và giới trẻ có các kiểu truyền thông khác nhau, dùng các ngôn ngữ khác nhau, di chuyển với các mật hiệu khác nhau. Kiểu đặt câu hỏi, kiểu trả lời, giọng sử dụng, thời điểm và các yếu tố khác có thể điều kiện hóa việc thông truyền. Ngoài ra, cần luôn luôn phát triển vài thái độ diễn tả tình yêu khiến cho việc đối thoại có thể đích thực (s. 136).

Dành thời gian cho mình, thời gian phẩm chất gồm việc kiên nhẫn và chú ý lắng nghe, để cho người khác diễn tả tất cả những gì cần diễn tả. Ðiều này đòi hỏi khổ chế không bắt đầu nói trước lúc thích hợp. Thay vì bắt đầu cống hiến các ý kiến hay lời khuyên, cần phải bảo đảm là đã lắng nghe tất cả những gì mà người khác cần nói. Ðiều này đòi hỏi sự thinh lặng nội tâm để lắng nghe, không có các tiếng động trong tâm trí: lột bỏ mọi vội vã, để qua một bên các cần thiết và cấp bách của mình, dành khoảng không. Nhiều khi một trong hai vợ chồng không cần một giải pháp cho các vấn đề của mình, nhưng cần được lắng nghe. Họ phải nhận thức được rằng nỗi cực nhọc, sự thất vọng, sợ hãi, cơn giận dữ, niềm hy vọng, giấc mơ của họ đã được tiếp nhận. Tuy nhiên, thường có các lời than thở như: người phối ngẫu không nghe mình; khi xem ra bắt đầu nghe, thì thực sự họ đang nghĩ tới điều gì khác; hay cảm thấy người ấy chỉ chờ cho xong chuyện; hoặc tìm cách thay đổi đề tài, hay trả lời cho nhanh để kết thúc buổi nói chuyện (s. 137).

Phát triển thói quen thực sự coi người khác quan trọng. Ðây là việc trao ban giá trị cho con người họ, thừa nhận rằng họ có quyền hiện hữu, suy nghĩ một cách tự lập, và sống hạnh phúc. Không bao giờ được đánh giá thấp điều họ có thể nói hay phản đối, mặc dù cần diễn tả quan điểm riêng của mình. Ở đây ta hiểu ngầm xác tín, theo đó tất cả mọi người đều có một phần đóng góp cần cống hiến, bởi vì họ có một kinh nghiệm khác về cuộc sống, bởi vì họ nhìn các sự vật từ một quan điểm khác, bởi vì họ đã có các lo lắng chín mùi khác, và họ có các tài khéo và trực giác khác. Có thể thừa nhận sự thật của tha nhân, tầm quan trọng của các âu lo sâu xa của họ và nền tảng của điều họ nói, cả đàng sau các lời gây hấn nữa. Vì lẽ đó cần tìm đặt mình vào vị thế của họ và giải thích chiều sâu con tim của họ, nhận diện điều khiến cho họ say mê, và lấy nỗi đam mê ấy làm điểm khởi hành để đào sâu cuộc đối thoại (s. 138).

Có tâm trí rộng rãi để không khép kín với nỗi ám ảnh trong ít tư tưởng, và có sự linh động để có thể thay đổi hay bổ túc các ý kiến của mình. Có thể từ tư tưởng của tôi hay của người khác nổi lên một tổng hợp mới làm giầu cho cả hai. Sự hiệp nhất cần mong mỏi không phải là sự đồng nhất, mà là một "sự hiệp nhất trong khác biệt",hay một sự "khác biệt được hoà giải". Trong kiểu làm giầu này cho sự hiệp thông huynh đệ, các khác biệt gặp gỡ nhau, tôn trọng nhau và đánh giá cao nhau, nhưng vẫn duy trì các sắc thái khác nhau và các dấu nhấn làm giầu cho công ích. Cần phải tự giải thoát mình khỏi bó buộc đồng đều. Và cũng cần phải khôn lanh để nhận ra đúng lúc các xen lấn có thể xuất hiện, làm sao để chúng không phá hủy một tiến trình đối thoại. Chẳng hạn nhận ra các tâm tình xấu có thể dấy lên và tương đối hóa chúng để chúng không gây hư hỏng cho sự hiệp thông. Thật quan trọng khả năng diễn tả điều mà ta cảm thấy, mà không gây thương tích; sử dụng một ngôn ngữ và một kiểu nói có thể được chấp nhận dễ dàng hơn, hay được tha nhân khoan nhượng, mặc dù nội dung đòi hỏi; trình bầy các phê bình của mình mà không gây ra giận dữ như hình thức báo thù, tránh một ngôn ngữ dậy đời chỉ tìm tấn kích, châm biếm, đổ lỗi, đả thương. Nhiều cuộc thảo luận giữa lứa đôi không phải vì các vấn đề rất nghiêm trọng. Ðôi khi đó chỉ là những điều nhỏ nhặt, ít quan trọng, nhưng điều làm hại tâm hồn là kiểu nói lên các điều ấy hay thái độ ta có trong cuộc đối thoại (s.139).

Có các cử chỉ chú ý tới người khác và các biểu lộ lòng thương mến. Tình yêu vượt qua các hàng rào tệ hại nhất. Khi ta có thể yêu một ai đó, hay khi chúng ta cảm thấy được họ yêu, chúng ta hiểu điều họ muốn diễn tả và làm cho chúng ta hiểu một cách tốt đẹp hơn. Thắng vượt sự giòn mỏng khiến cho chúng ta sợ người khác như thể họ là một "địch thủ". Thật rất quan trọng xây dựng sự chắc chắn của mình trên các lựa chọn sâu xa, các xác tín và các giá trị, chứ không phải trên việc thắng một cuộc thảo luận hay trên sự kiện người ta cho chúng ta có lý (s. 140).

Sau cùng, chúng ta hãy thừa nhận rằng để cho cuộc đối thoại có lợi, cần có điều gì đó để nói, và điều này đòi hỏi một sự phong phú nội tâm được dưỡng nuôi bằng việc đọc và suy tư cá nhân, bằng lời cầu nguyện và sự rộng mở cho xã hội. Nếu không, các cuộc thảo luận trở thành nhàm chán và thiếu vững vàng. Khi mỗi người trong cặp vợ chồng không săn sóc trí tuệ của mình và không có các tương quan khác biệt với những người khác, cuộc sống gia đình trở thành đồng tộc hôn chế và việc đối thoại nghèo nàn đi (s. 141).

 

Phần 3 chương 4 Tông huấn "Niềm Vui Yêu Thương" của Ðức Thánh Cha có tiểu đề "Tình yêu đam mê", (từ số 142 tới 163)

Phần 3 chương 4 Tông huấn "Niềm Vui Yêu Thương" của Ðức Thánh Cha có tiểu đề "Tình yêu đam mê", từ số 142 tới 163, trong đó Ðức Thánh Cha nói về: thế giới của các xúc cảm, Thiên Chúa yêu thương niềm vui của con cái Ngài; chiều kích dục vọng của tình yêu; bạo lực và lèo lái; hôn nhân và đồng trinh.

Thế giới của các cảm xúc - Các ước muốn, tâm tình và cảm xúc, điều mà các nhà cổ điển gọi là "các đam mê", chiếm một chỗ quan trọng trong hôn nhân. Chúng nảy sinh, khi một người khác hiện diện và biểu lộ trong cuộc sống riêng. Mỗi một người đều hướng tới một thực tại khác, và khuynh hướng này luôn luôn có các dấu chỉ yêu thương nền tảng: khoái cảm hay đau đớn, niềm vui hay nỗi buồn, sự dịu hiền hay sự sợ hãi. Chúng là giả thiết của sinh hoạt tâm lý sơ đẳng nhất. Con người là một sinh vật của trái đất này và tất cả những gì nó làm hay tìm kiếm đều đầy đam mê (s. 143).

Như là người thật, Chúa Giêsu đã sống các sự vật với nhiều xúc cảm. Vì thế sự khước từ của Giêrusalem khiến cho Ngài đau đớn (x. Mt 23,37) và tình trạng này khiến cho Ngài phải sa nước mắt (x. Lc 19,41). Cũng thế Ngài cảm thương trước các khổ đau của con người (x. Mc 6,34). Khi trông thấy những người khác khóc, Ngài cảm động và thổn thức (x. Ga 11,33), và chính Ngài đã khóc thương cái chết của một người bạn (x. Ga 11,35). Các biểu lộ này của sự nhậy cảm nơi Ngài cho thấy con tim nhân loại của Chúa rộng mở cho tha nhân tới mức nào (s. 144).

Tự nó việc cảm thấy một xúc động không phải là một cái gì tốt hay xấu trên bình diện luân lý. Bắt đầu cảm thấy ước muốn hay khước từ không phải là tội, cũng không phải là điều đáng khiển trách. Ðiều là thiện hay ác là hành động mà một người thi hành, bị thúc đẩy hay đi kèm bởi một đam mê. Nhưng nếu các tâm tình được nuôi dưỡng, tìm kiếm và vì chúng mà chúng ta phạm các hành động xấu, sự dữ ở trong quyết định dưỡng nuôi chúng và trong các hành động xấu, hậu quả của chúng. Trên cùng bình diện cảm thấy khoái đối với ai đó tự nó không phải là một thiện ích. Nếu với sự khoái cảm đó tôi làm cho người ấy trở thành nô lệ tôi, tình cảm sẽ phục vụ sự ích kỷ của tôi. Tin rằng chúng ta tốt chỉ vì chúng ta cảm thấy các tâm tình là một lừa dối kinh khủng. Có những người cảm thấy khả năng có một tình yêu thương lớn lao chỉ vì họ cần một sự trìu mến lớn lao, nhưng họ lại không thể chiến đấu cho hạnh phúc của người khác, và sống khép kín trong các ước muốn của họ. Trong trường hợp này các tâm tình lấy mất đi các giá trị to lớn, và che dấu một khuynh hướng ích kỷ, không thể vun trồng được một cuộc sống gia đình lành mạnh và hạnh phúc (s. 145).

Ðàng khác, nếu một đam mê kèm theo một hành động tự do, có thể biểu lộ sự sâu xa của việc lựa chọn này. Tình yêu hôn nhân đưa tới chỗ khiến cho toàn cuộc sống xúc cảm trở thành một thiện ích đối với gia đình, cũng như phục vụ cuộc sống chung. Sự trưởng thành đến được trong một gia đình, khi cuộc sống cảm xúc của các thành phần biến thành một sự nhậy cảm không thống trị, cũng không làm lu mờ các lựa chọn lớn và các gia trị, nhưng hỗ trợ sự tự do của chúng, nẩy sinh từ nó, làm giầu cho nó, tô đẹp nó và khiến cho nó được hài hoà cho thiện ích của tất cả mọi người (s. 146).

Thiên Chúa yêu thương con cái Ngài - Ðiều này đòi hỏi một lộ trình sư phạm, một tiến trình bao gồm các từ bỏ. Nó là một xác tín của Giáo Hội, nhiều lần đã bị khước từ như thể là thù địch với niềm hạnh phúc của con người. Ðức Biển Ðức XVI đã tiếp nhận vấn nạn này một cách rất rõ ràng: "Với các điều răn và các cấm đoán của mình Giáo Hội lại đã không khiến cho điều đẹp đẽ nhất của cuộc sống trở thành cay đắng hay sao? Giáo Hội có lẽ không giơ cao các biển cấm tại chính nơi niềm vui được Ðấng Tạo Hóa định trước cho chúng ta, Ngài cống hiến cho chúng ta một niềm hạnh phúc khiến cho chúng ta nếm hưởng được cái gì đó của Thiên Chúa? Nhưng Ðức Biển Ðức XVI trả lời rằng tuy trong Kitô giáo không thiếu các thái quá hay các khuynh hướng khổ chế lệch lạc, giáo huấn chính thức của Giáo Hội, trung thành với Thánh Kinh, đã không khước từ "dục vọng như nó là, nhưng đã tuyên chiến với sự lệch lạc phá hoại, bởi vì việc thần thánh hóa dục vọng lấy mất đi phẩm giá của nó và khiến cho nó không nhân bản nữa (s.147).

Việc giáo dục cảm xúc và bản năng cần thiết, và để đạt mục đích này đôi khi cần tự đặt ra vài hạn chế. Sự thái quá, thiếu kiểm soát, ám ảnh vì một loại lạc thú duy nhất, kết thúc bởi việc làm suy yếu, gây bệnh cho chính lạc thú đó, và làm hư hỏng đời sống gia đình. Trên thực tế ta có thể hoàn thành một con đường tốt đẹp với các đam mê, điều này có nghĩa là luôn luôn hướng dẫn chúng hơn vào một dự án tự hiến và thực hiện tràn đầy chính mình, làm giầu cho các tương quan liên bản vị trong gia đình. Nó không bao gồm việc khước từ các lúc tươi vui sâu đậm, nhưng lãnh nhận chúng trong một giao thoa với các lúc khác của sự tự hiến quảng đại, của niềm hy vọng kiên nhẫn, của sự mệt mỏi không thể tránh được, của cố gắng cho một lý tưởng. Cuộc sống trong gia đình là tất cả những điều này và nó đáng công được sống một cách trọn ven (s. 148).

Có vài trào lưu tu đức nhấn mạnh trên việc loại bỏ ước mong tự giải thoát khỏi khổ đau. Nhưng chúng ta tin rằng Thiên Chúa yêu thương sự tươi vui là người, rằng Ngài đã tạo dựng tất cả để chúng ta vui hưởng nó (1 Tm 6,17). Chúng ta hãy để cho niềm vui trào lên trước sự hiền dịu của Ngài, khi Ngài đề nghị với chúng ta: "Hỡi con, hãy đối xử tốt với mình# Ðừng từ chối không hưởng một ngày vui" (Hc 14,11.14). Một cặp vợ chồng đáp trả lại ý muốn của Thiên Chúa, khi sống theo lời mời gọi này của Thánh Kinh: "Trong ngày vui hãy cứ sung suớng" (Gv 7,14). Vấn đề là có tự do để chấp nhận rằng lạc thú có các hình thái diễn tả trong các lúc khác nhau của cuộc sống, theo các nhu cầu của tình yêu đối với nhau hay không. Trong nghĩa đó, ta có thể tiếp nhận đề nghị của vài bậc thầy đông phương, nêu bật việc nới rộng lương tâm, để không bị giam hãm trong một kinh nghiệm rất hạn hẹp khép kín các viễn tượng đối với chúng ta. Việc rộng mở ấy của lương tâm không phải là khước từ hay phá huỷ ước muốn, nhưng là sự giãn nở và hoàn thiện nó (s. 149).

Chiều kích dục vọng của tình yêu - Tất cả những điều này đưa chúng ta tới chỗ đề cập tới cuộc sống tính dục của các cặp vợ chồng. Chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên tính dục, là một món quà tuyệt diệu cho các thụ tạo. Khi ta vun trồng và kiểm soát nó, là ta ngăn cản xảy ra việc làm nghèo nàn giá trị đích thực của nó. Thánh Gioan Phaolô II đã đẩy lui ý tưởng giáo huấn của Giáo Hội đưa tới việc khước từ giá trị của tính dục con người, hay chỉ đơn thuần khoan nhượng nó vì sự cần thiết của việc sinh con cái. Nhu cầu tính dục của các vợ chồng không phải là đối tượng sự khinh rẻ, và tuyệt đối đây không phải là việc đặt vấn đề liên quan tới nhu cầu ấy (s. 150).

Ðối với những người sợ rằng với việc giáo dục các đam mê và tính dục người ta làm hư hại tính tự phát của tình yêu tính dục, thánh Gioan Phaolô II trả lời rằng con người đuợc mời gọi tới sự tự phát tràn đầy và trưởng thành của các tương giao, rằng đó là hoa trái tiệm tiến của việc phân định các thúc đẩy của con tim mình. Nó là một cái gì mà người ta chính phục, bởi vì mỗi người phải học biết ý nghĩa thân xác của mình với sự kiên trì và trung thực. Tính dục không phải là một tài nguyên cần thoả mãn hay vui hưởng, bởi vì nó là một ngôn ngữ liên bản vị, trong đó tha nhân được đối xử nghiêm chỉnh, với giá trị thánh thiêng và không thể xâm phạm của họ. Trong cách thức đó trái tim con người trở thành việc chia sẻ một sự tự phát khác. Trong bối cảnh này dâm dục xuất hiện như là biểu lộ chuyên biệt tính dục của con người. Trong nó ta có thể tìm lại được ý nghĩa hôn nhân của thân xác và phẩm giá đích thực của món quà. Trong các bài giáo lý về nền thần học của thân xác con người, thánh Gioan Phaolô II đã dậy rằng tính cách xác thể tính dục không chỉ là suối nguồn của sự phong phú và sinh con cái, nhưng nó chiếm hữu khả năng diễn tả tình yêu: tình yêu trong đó con người bản vị trở thành món quà. Dâm dục lành mạnh nhất, tuy nó hiệp nhất với một việc tìm kiếm lạc thú, giả thiết sự kinh ngạc và vì thế có thể nhân bản hoá các thúc đẩy (s. 151)

Vì thế, chúng ta không cách nào có thể hiểu chiều kích dục vọng của tình yêu như một sự dữ được cho phép, hay như một gánh nặng cần gánh chịu cho thiện ích của gia đình, mặc dù như là ơn của Thiên Chúa, là Ðấng làm đẹp cuộc gặp gỡ giữa các vợ chồng. Vì là một đam mê được thăng hoa bởi tình yêu linh hoạt phẩm giá của người khác, nó trở thành một khẳng định tình yêu tràn đầy và vô cùng trong sáng, nó chỉ cho chúng ta thấy trái tim con người có khả năng làm được các điều tuyệt diệu nào, và như thế trong một lúc ta nhận thức được rằng cuộc sống con người đã là một thành công (s. 152).

Bạo lực và lèo lái - Trong khung cảnh của quan điểm tích cực này về tính dục thật thích hợp xác định đề tài trong sự toàn vẹn của nó và với một ý thức thực tế lành mạnh. Thật vậy, chúng ta không thể không biết rằng nhiều lần tính dục bị mất nhân tính và cũng tràn đầy bệnh hoạn, đến độ ngày càng trở thành dịp của dụng cụ tự khẳng định chính "cái tôi" của mình và thoả mãn ích kỷ các ước mong và bản năng riêng. Trong thời đại này cả tính dục cũng có nguy cơ lớn bị thống trị bởi tinh thần độc hại của việc "dùng rồi vất bỏ". Thân xác của người khác thường bị lèo lái như một sự vật cần giữ lại khi nó cống hiến thoả mãn, và khinh rẻ khi nó mất đi sức hấp dẫn. Lẽ nào ta có thể không biết tới hay dấu diếm các hình thức thống trị liên tục, bạo lực, lạm dụng, đồi trụy, và bạo hành tính dục, là hậu quả của một sự vặn méo ý nghĩa của tính dục, chôn vùi nhân phẩm của người khác, và kêu gọi tình yêu dưới sự tìm kiếm đen tối chính mình? (s. 153).

Thật không thừa thãi nhắc lại rằng cả trong hôn nhân tính dục cũng có thể là nguồn gốc của khổ đau và lèo lái. Vì thế chúng ta phải tái nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng một cử chỉ giao hợp áp đặt cho người phối ngẫu, mà không để ý gì tới các điều kiện của họ và các ước mong chính đáng của họ, thì không phải là một cử chỉ yêu thương đích thực, và vì thế nó khước từ một đòi buộc của trật tự luân lý ngay chính trong các liên hệ vợ chồng. Các cử chỉ riêng của sự kết hợp tính dục của chồng vợ phù hợp với bản tính của tính dục do Thiên Chúa muốn, nếu chúng được thực thi trong một cách thức thực sự nhân bản. Vì thế thánh Phaolô mới khuyến khích: "Ðừng có ai trong lãnh vực này xúc phạm hay lừa dối người anh em mình" (1 Tx 4,6) . Tuy thánh nhân đã viết trong một thời đại, trong đó thống trị một nền văn hóa phụ hệ, trong đó phụ nữ bị coi như một người hoàn toàn lệ thuộc đàn ông, nhưng ngài dậy rằng tính dục phải là một vấn đề cần bàn thảo giữa chồng vợ: thánh nhân đưa ra viễn tượng khả thể rời các liên hệ tính dục lại cho một giai đoạn nào đó, nhưng "với sự đồng ý chung" (1 Cr 7,5) (s. 154).

Thánh Gioan Phaolô II đã đưa ra một lời cảnh báo rất tế nhị, khi khẳng định rằng người nam và người nữ "bị đe dọa bởi sự không thể thoả mãn". Nó có nghĩa là họ được mời gọi cho một sự kết hợp ngày càng sâu đậm hơn, nhưng nguy cơ là ở chỗ yêu sách xoá bỏ các khác biệt và khoảng cách không thể tránh được giữa hai người. Vì mỗi người có một phẩm giá riêng và không thể lập lại được. Khi việc tuỳ thuộc nhau quý báu biến thành thống trị, nó thay đổi một cách nòng cốt cấu trúc của sự hiệp thông trong tương quan liên bản vị. Trong cái luận lý của sự thống trị cả người thống trị cũng kết thúc bằng việc khước từ phẩm giá riêng của mình, và một cách vĩnh viễn thôi đồng hóa mình một cách chủ thể với chính thân xác mình, bởi vì họ lấy mất đi của nó mọi ý nghĩa. Họ sống tính dục như sự thoát ly khỏi chính mình, và như việc khước từ vẻ đẹp của sự kết hợp (s. 155).

Thật quan trọng phải rõ ràng trong việc khước từ bất cứ hình thức phục tùng tính dục nào. Vì vậy thật thích hợp tránh mọi giải thích không đúng văn bản thư gửi tín hữu Êphêxô, trong đó thánh Phaolô xin "các bà vợ phục tùng chồng" (Ep 5,22). Ở đây thánh nhân diễn tả trong các phạm trù văn hoá riêng của thời đại bấy giờ, nhưng chúng ta không phải chấp nhận chiếc áo văn hoá ấy, nhưng chấp nhận sứ điệp mạc khải nằm bên dưới đoạn văn ấy. Chúng ta hãy lấy lại lời giải thích khôn ngoan của thánh Gioan Phaolô II: Tình yêu loại trừ mọi thứ tùng phục, qua đó người vợ sẽ trở thành đầy tớ hay nô lệ của chồng# Cộng đoàn hay đơn vị mà họ phải xây dựng vì hôn nhân, được thực hiện qua một sự trao ban cho nhau, cũng là một sự phục tùng nhau. Vì vậy ta cũng nói rằng "các người chồng có bổn phận yêu thương vợ mình như chính thân xác mình vậy" (Ep 5,28). Trong thực tế văn bản kinh thánh mời gọi thắng vượt khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa thoải mái để sống hướng tới các người khác: "Anh em hãy phục tùng nhau" (Ep 5,21). Giữa vợ chồng sự phục tùng này chiếm hữu được một ý nghĩa đặc biệt và được hiểu như là một sự tuỳ thuộc nhau được lựa chọn một cách tự do, với một tổng hợp các đặc tính của hạnh phúc, kính trọng và săn sóc. Tính dục không thể tách rời khỏi việc phục vụ tình bạn phu thê, bởi vì nó hướng tới chỗ làm cho người khác sống tràn đầy (s. 156).

Tuy nhiên, sự khước từ các bóp méo tính dục và dục vọng không bao giờ được dẫn chúng ta tới chỗ khinh rẻ chúng, hay thờ ơ với chúng. Lý tưởng của hôn nhân không thể định hình thể chỉ như là một hiến dâng quảng đại và hy sinh, trong đó mỗi người khước từ mọi nhu cầu cá nhân và chỉ lo lắng cho thiện ích của người khác, mà không có thoả mãn nào. Chúng ta hãy nhớ rằng một tình yêu đích thật cũng biết nhận từ người khác, và có khả năng chấp nhận mình như có thể bị thương tích và cần được trợ giúp, không từ chối tiếp nhận với lòng biết ơn chân thành và hạnh phúc các diễn tả thể xác của tình yêu trong sự vuốt ve, vòng tay ôm, nụ hôn và trong sự kết hiệp tính dục. Ðức Biển Ðức XVI đã rất minh bạch liên quan tới điều này: "Nếu người nam chỉ muốn là tinh thần, và muốn khước từ thịt xác như một gia tài chỉ có tính cách thú vật, thì khi đó tinh thần và thể xác mất đi phẩm giá của chúng". Vì lý do đó người nam cũng không thể sống một cách triệt để trong tình yêu hiến dâng, đi xuống được. Nó không thể luôn luôn cho đi, mà cũng phải nhận nữa. Ai muốn cho đi tình yêu, thì chính mình phải nhận nó như món quà. Trong mọi cách điều này đòi buộc phải nhớ rằng thế quân bình của con người giòn mỏng, nó luôn luôn là một cái gì kháng cự lại việc bị nhân bản hóa, và trong bất cứ lúc nào cũng có thể lại nổi dậy bằng cách phục hồi các khuynh hướng sơ đẳng ích kỷ của nó (s. 157).

Hôn nhân và đồng trinh - Nhiều người không lập gia đình không chỉ tận hiến cho gia đình của riêng họ, mà thường khi cũng phục vụ trong vòng bạn bè, trong cộng đoàn giáo hội và trong cuộc sống nghề nghiệp# Thế rồi, có nhiều người dùng các tài năng của mình để phục vụ cộng đoàn kitô trong dấu chỉ của lòng bác ái và việc thiện nguyện. Rồi cũng có những người không lập gia đình, bởi vì họ thánh hiến cuộc sống vì tình yêu của Chúa Kitô và các anh em khác. Gia đình trong Giáo Hội và trong xã hội được phong phú một cách lớn lao nhờ sự tận hiến của họ (s. 158).

Sự đồng trinh là một hình thức của tình yêu. Như là dấu chỉ, nó nhắc nhớ việc chú ý tới Nước Trời, sự cấp thiết tận hiến mình phục vụ việc loan báo Tin Mừng vô giới hạn (x. 1 Cr 7,32), và là một phản ánh sự tràn đầy của Nước Trời, nơi người ta không cuới vợ lấy chồng nữa (Mt 22,30). Thánh Phaolô khuyên điều này, vì ngài chờ đợi việc trở lại gần kề của Chúa Giêsu, và muốn rằng mọi người tập trung duy nhất vào việc loan báo Tin Mừng: "Thời gian chẳng còn bao lâu" (1 Cr 7,29). Tuy nhiên, rõ ràng đó đã là một ý kiến riêng và một ước mong của ngài (x. 1 Cr 7,6-8), chứ không phải là một đòi buộc của Chúa Kitô: "Tôi đã không nhận được lệnh truyền nào của Chúa" (1 Cr 7,25). Ðồng thời ngài thừa nhận giá trị của các ơn gọi khác nhau: "Mỗi người nhận được từ Thiên Chúa ơn riêng, người cách này người cách khác" (1 Cr 7,7). Trong nghĩa đó thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng các văn bản kinh thánh "không cung cấp lý do để chủ trương sự thấp kém của hôn nhân, cũng như sự cao hơn của sự đồng đồng trinh hay độc thân, vì việc tiết dục. Hơn là nói tới sự cao vượt của đồng trinh dưới mọi khiá cạnh, xem ra thích hợp cho thấy rằng các tình trạng sống khác nhau bổ túc cho nhau, trong cách thế làm sao một tình trạng có thể hoàn thiện hơn trong vài khía cạnh, và tình trạng khác hoàn thiện hơn từ một khía cạnh khác của cuộc sống. Alessandro di Hales chẳng hạn đã khẳng định rằng trong một nghĩa hôn nhân có thể được coi như cao hơn các bí tích khác: bởi vì nó biểu tượng cho một cái gì lớn lao tới độ như sự kết hiệp của Chúa Kitô với Giáo Hội, hay sự kết hiệp của thiên tính với nhân tính" (s. 159).

Vì vậy, đây không phải là giảm thiểu giá trị của hôn nhân đối với sự tiết dục, và trái lại không có nền tảng nào cho một đối kháng được giả thiết... Nếu theo một truyền thống thần học nào đó, người ta nói tới tình trạng toàn thiện, thì người ta làm điều ấy không phải vì lý do của chính sự tiết dục, nhưng liên quan tới toàn cuốc sống dựa trên các lời khuyên phúc âm. Tuy nhiên, một nguời lập gia đình có thể sống tình bác ái rất cao độ. Như thế họ đạt tới sự toàn thiện nảy sinh từ tình bác ái, qua việc trung thành với tinh thần của các lời khuyên ấy. Sự toàn thiện như thế có thể, và mọi người đều có thể đạt được (s. 160).

Sự đồng trinh có giá trị biểu tượng của tình yêu không cần chiếm hữu người khác và như thế phản ánh sự tự do của Nước Trời. Nó là một lời mời gọi các cặp vợ chồng để họ sống tình yêu phu thê trong viễn tượng của tình yêu vĩnh viễn đối với Chúa Kitô, như một lộ trình chung hướng tới sự toàn vẹn của Nước Trời. Tới lượt mình, tình yêu của các cặp vợ chồng diễn tả các giá trị biểu tượng: một đàng, nó là một phản ánh đặc biệt của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật thế, Thiên Chúa Ba Ngôi là sự hiệp nhất tràn đầy, nhưng trong đó cũng có sự phân biệt. Ngoài ra, gia đình là một dấu chỉ kitô học, bởi vì nó biểu lộ sự gần gũi của Thiên Chúa, là Ðấng chia sẻ cuộc sống của con người, bằng cách kết hiệp với nó trong việc nhập thể, trong Thập Giá và trong sự sống lại: mỗi người phối ngẫu trở thành "một thịt xác duy nhất" với người khác, và cống hiến chính mình để chia sẻ nó một cách hoàn toàn với người khác cho đến cùng. Trong khi sự đồng trinh là một dấu chỉ "giáo hội học" của Chúa Kitô phục sinh, hôn nhân là một dấu chỉ "lịch sử" đối với những ai bước đi trên trái đất, một dấu chỉ của Chúa Kitô dương thế chấp nhận kết hiệp với chúng ta và tự hiến cho chúng ta, cho tới độ trao ban máu của Ngài. Sự đồng trinh và hôn nhân là và phải là các mô thức yêu thương khác nhau, bởi vì con người không thể sống mà không có tình yêu. Ðối với chính mình nó là một sinh vật không thể hiểu nổi, cuộc sống của nó không có ý nghĩa, nếu tình yêu không được vén mở cho nó (s. 161).

Ðộc thân có nguy cơ là một sự cô đơn thoải mái, cống hiến tự do di chuyển với sự tự lập, để thay đổi nơi chốn, các nhiệm vụ và các lựa chọn, để dùng tiền bạc riêng, để giao du với những người khác nhau theo sự hấp dẫn của lúc đó. Trong trường hợp ấy, rạng ngời lên chứng tá của những người lập gia đình. Những người đã được mời gọi sống đồng trinh có thể tìm thấy nơi vài cặp vợ chồng một dấu chỉ rõ ràng của lòng trunh thành quảng đại và không thể huỷ diệt được của Thiên Chúa đối với Giao Ước, có thể kích thích con tim của họ cho một sự sẵn sàng cụ thể và dâng hiến hơn.

Thật thế, có những người lập gia đình duy trì lòng chung thuỷ của họ, khi người phối ngẫu đã trở thành ít hấp dẫn hơn trên bình diện thể lý, hay khi họ không thoả mãn các nhu cầu của họ, mặc dù có nhiều trường hợp mời mọc họ bất trung hay bỏ rơi người phối ngẫu. Một phụ nữ có thể săn sóc người chồng đau yếu của mình và ở đó bên cạnh Thập Giá, bà lập lại tiếng "có" của tình yêu cho tới chết. Trong tình yêu như thế biểu lộ một cách rạng ngời phẩm giá của ai yêu thương, phẩm giá như phản ánh của tình bác ái, bởi vì nó chính là tình bác ái yêu thương hơn là được yêu thương. Chúng ta cũng có thể gặp trong nhiều gia đình một khả năng phục vụ hiến dâng và trìu mến đối với các người con khó tính hay cả vô ơn nữa.

Ðiều này khiến cho các cha mẹ trở thành dấu chỉ của tình yêu thương tự do và vô vị lợi của Chúa Giêsu. Tất cả những điều ấy trở thành một lời mời gọi các người độc thân để họ sống sự tận hiến của mình cho Nước Trời với nhiều quảng đại và sẵn sàng hơn. Ngày nay sự tục hoá đã làm lu mờ giá trị của một sự kết hiệp suốt đời, và đã giảm thiểu sự phong phú của tận hiến hôn nhân, vì thế cần đào sâu các khiá cạnh tích cực của tình yêu phu thê (s. 162).

Sự biến đổi của tình yêu - Việc kéo dài đời sống khiến cho người ta kiểm thực được điều đã không phải là chung của các thời đại khác: liện hệ thân tình và sự tuỳ thuộc nhau phải được duy trì cho bốn, năm hay sáu thập niên, và điều này bao gồm sự cần thiết lựa chọn nhau trở lại nhiều lần hơn. Có lẽ người phối ngẫu không còn hấp dẫn bởi một ước muốn tính dục sâu đậm khiến cho họ quay sang một người khác, tuy nhiên họ cảm thấy thú vui được tuỳ thuộc vào người ấy và người ấy tuỳ thuộc mình, biết rằng họ không cô đơn, nhưng có một "đồng phạm" hiểu biết mọi sự cuộc đời họ và lịch sử của họ và chia sẻ tất cả với họ. Ðó là người bạn đường trên lộ trình cuộc sống, và với người ấy họ có thể đương đầu với các khó khăn và vui hưởng các hay đẹp. Cả điều này nữa cũng làm nảy sinh ra một sự thoả mãn đi kèm theo ước mong riêng của tình yêu phu thê. Chúng ta không thể hứa hẹn với nhau là có cùng các tâm tình trong suốt cuộc đời. Nhưng chắc chắn chúng ta có thể có một dự án chung ổn định, chúng ta có thể dấn thân yêu thương nhau, và sống hiệp nhất với nhau cho tới khi cái chết chia lià chúng ta, và luôn luôn sống một sự thân tình phong phú. Tình yêu mà chúng ta đã thề hứa cho nhau vượt qua mọi xúc cảm, tâm tình hay tình trạng tâm hồn, tuy nó có thể bao gồm chúng. Ðó là một muốn thiện ích sâu đậm nhất, với một quyết định của con tim liên lụy tới toàn cuộc đời. Như thế, giữa một xung khắc không giải quyết được, và mặc dù có nhiều tâm tình hỗn độn quay cuồng trong tim, người ta duy trì sống động mỗi ngày quyết định yêu nhau, tuỳ thuộc vào nhau, chia sẻ toàn cuộc sống, tiếp tục yêu thương nhau và tha thứ cho nhau. Mỗi người chu toàn một lộ trình lớn lên và thay đổi riêng. Trên con đường ấy tình yêu cử hành mỗi bước và mỗi chặng mới (s.163).

Trong lịch sử của một cuộc hôn nhân, khía cạnh vật lý câm nín, nhưng điều này không phải là môt lý do để sự hấp dẫn yêu thương thuyên giảm. Người ta say mê toàn một con người với một căn tính riêng, chứ không phải chỉ say mê một thân xác, tuy thân xác ấy, vượt ngoài cái hao mòn của thời gian, không bao giờ hết diễn tả trong một vài kiểu cách cái căn tính cá nhân đã chinh phục con tim. Khi các người khác không có thể nhận ra vẻ đẹp của căn tính ấy, người phối ngẫu si tình tiếp tục có khả năng nhận thức nó với bản năng của tình yêu và sự trìu mến không biến mất. Họ tái khẳng định quyết tâm của họ tuỳ thuộc người ấy, lại chọn người ấy, và diễn tả sự lựa chọn đó qua một sự gần gũi trung thành và tràn đầy hiền dịu. Sự cao quý trong quyết định của họ cho người đó vì mạnh mẽ và sâu đậm, đánh thức một hình thức của xúc cảm trong việc chu toàn sứ mệnh phu thê. Vì xúc cảm được khơi dậy bởi một người khác như bản vị con người tự nó không hướng tới cử chỉ giao hợp. Nó chiếm hữu được các diễn tả xúc cảm khác, bởi vì tình yêu là một thực tại duy nhất, tuy với các chiều kích khác nhau; thỉnh thoảng chiều kích này hay chiều kích khác có thể nổi lên mạnh hơn. Sự ràng buộc tìm ra các mô thức mới, và đòi buộc quyết định luôn luôn tái thiết lập nó một cách mới mẻ. Nhưng không phải chỉ để duy trì nó, mà cũng để làm cho nó lớn lên nữa. Ðó là con đường cần được xây dựng mỗi ngày. Nhưng không có gì trong tất cả những điều này có thể, nếu ta không khẩn nài Chúa Thánh Thần, nếu ta không mỗi ngày kêu lên xin ơn thánh của Ngài, nếu ta không kiếm tìm sức mạnh siêu nhiên của Ngài, nếu ta không âu lo xin Ngài đổ lửa của Ngài xuống trên tình yêu của chúng ta để củng cố nó, hướng dẫn nó trong mọi hoàn cảnh.

 

Linh Tiến Khải

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page