Mười Hai Nguyên Tắc
hướng dẫn cuộc cải tổ Giáo Triều
Mười Hai Nguyên Tắc hướng dẫn cuộc cải tổ Giáo Triều.
Roma (VietCatholic News 23-12-2016) - Chủ điểm bài nói chuyện của Ðức Phanxicô tại Sala Clementina mới đây là về cuộc cải tổ giáo triều, một sứ mệnh ngài cho hay đã nhận được từ những vị đã bầu ngài làm giáo hoàng năm 2013. Ai cũng biết, sứ mệnh này đã được ngài hết sức nghiêm túc thi hành từ những ngày đầu triều đại của ngài.
Kết quả? Dường như một số người cho rằng kết quả cải tổ không mấy chút khả quan hoặc có lẽ tiến quá chậm. Nhà báo John Allen thì gợi ý: một số viên chức Vatican cho rằng mình đang sống trong một bầu khí lo âu "cấp thấp" vì không biết liệu việc mình làm có còn đó nữa hay không khi "nhạc ngừng tấu"; vả lại thực hết sức khó khăn cho họ có thể nghĩ trước hay đưa ra các dự án lâu dài, khi không biết bao giờ cuộc cải tổ này kết thúc, ngã ngũ.
Có lẽ để trả lời cho các quan tâm ấy, Ðức Phanxicô đã không ngại liệt kê các thành tích đáng kể của cuộc cải tổ nói trên. Dù đáng kể, nhưng đó mới chỉ là một phần của cuộc cải tổ lần này. Tuy nhiên, điều được Ðức Phanxicô nhấn mạnh ở đây là cuộc cải tổ sẽ không bao giờ chấm dứt cả, vì Giáo Hội luôn cần đổi mới (semper reformanda). Và sở dĩ luôn cần đổi mới là vì Giáo Hội luôn luôn sống động. Sống động đi đôi với đổi mới.
Ngài xác nhận: "cuộc cải tổ Giáo Triều là một diễn trình tế nhị cần được thi hành trong sự trung thành với những điều cốt yếu". Nó phải được tiến hành bằng "sự biện phân liên tục, đức can đảm của phúc âm, hành động trì chí, im lặng tích cực, quyết định cứng rắn và thật nhiều cầu nguyện". Nó đòi hỏi "đức khiêm nhường sâu sắc, tầm nhìn xa rõ ràng, với những bước tiến cụ thể và, nếu cần, cả bước lùi nữa". Nó cần được thi hành "với một ý chí kiên định, sinh khí sống động, sức mạnh có trách nhiệm, đức vâng lời vô điều kiện" và "trước nhất, phó mình cho sự hướng dẫn hết sức bảo đảm của Chúa Thánh Thần, tin tưởng ở sự hỗ trợ cần thiết của Người".
Ðiều lý thú là trong những chỉ dẫn kể trên ta thấy có sự "im lặng tích cực". Ðức Hồng Y Burke, một trong bốn vị Hồng Y muốn Ðức Phanxicô phá vỡ im lặng để trả lời các "dubia" của các ngài và là người có mặt tại Sala Clementina hôm ấy, chắc hơi "chột dạ" khi nghe lời chỉ dẫn này: im lặng tích cực!
Liền sau các chỉ dẫn trên, Ðức Phanxicô liệt kê 12 nguyên tắc dùng để hướng dẫn cuộc cải tổ Giáo Triều:
1. Trách nhiệm cá nhân (hoán cải bản thân)
Một lần nữa, tôi xin tái xác nhận sự quan trọng của việc hoán cải bản thân, vì không có nó, mọi thay đổi cơ cấu đều sẽ vô ích. Linh hồn đích thực của việc cải tổ là những người đàn ông đàn bà, vốn là thành phần của nó và làm cho nó khả hữu. Thực vậy, hoán cải bản thân nâng đỡ và củng cố hoán cải cộng đoàn.
Có một sự tương tác mạnh mẽ giữa các thái độ bản thân và các thái độ cộng đoàn. Một con người đơn độc có thể đem lợi ích to lớn cho toàn thể cơ quan, nhưng cũng mang thiệt hại to lớn và dẫn tới bệnh hoạn. Một cơ quan lành mạnh là một cơ quan có thể phục hồi, chấp nhận, củng cố, săn sóc và thánh hóa các thành viên của mình.
2. Quan tâm mục vụ (hoán cải mục vụ)
Nên để ý hình ảnh người chăn chiên (xem Edk 34:16; Ga 10:1-21) và nhìn nhận rằng Giáo Triều là một cộng đồng phục vụ, "điều cũng tốt cho chúng ta, những người được kêu gọi làm mục tử trong Giáo Hội, là để gương mặt Thiên Chúa, Ðấng Chăn Chiên Lành, soi sáng chúng ta, thanh tẩy chúng ta và biến cải chúng ta, nên mới trọn vẹn, để phục vụ sứ mệnh của chúng ta. Ðể ngay trong các nơi làm viêc của chúng ta, chúng ta cảm thấy, vun sới và thực hành một cảm thức mục vụ trong lành, nhất là đối với những người chúng ta gặp hàng ngày. Ðừng để ai cảm thấy bị làm ngơ hay xử tệ, nhưng người nào cũng cảm nhận được, ở đây trước nhất, sự săn sóc và quan tâm của Ðấng Chăn Chiên Lành". Ðàng sau mọi giấy tờ đều có một con người.
Các cố gắng của mọi người đang làm việc tại Giáo Triều phải lấy hứng từ quan tâm mục vụ và nền linh đạo phục vụ và hiệp thông, vì đây là phản cực của mọi nọc độc tham vọng hư danh và thù nghịch ảo tưởng. Ðức Phaolô VI cảnh cáo rằng "Giáo Triều Rôma không nên là cơ quan bàn giấy, như một số người phê phán nó, đầy tham vọng và lãnh cảm, chuyên vụ pháp lý và nghi thức, cơ sở huấn luyện của tham vọng ngụy trang và đối lập dấu mặt, như một số người khác vốn nghĩ về nó. Ðúng hơn, nó phải là một cộng đồng thực sự của đức tin và đức ái, của cầu nguyện và sinh hoạt, của anh em và con cái Ðức Giáo Hoàng, những người thi hành các bổn phận của mình trong sự kính trọng khả năng người khác và với một cảm thức hợp tác, để phục vụ ngài như ngài vốn phục vụ các anh em ngài và con cái của Giáo Hội hoàn vũ và của tòan thế giới".
3. Tinh thần truyền giáo (lấy Chúa Kitô làm trung tâm)
Như Công Ðồng vốn dạy, mục đích chính của mọi hình thức phục vụ trong Giáo Hội là đem Tin Mừng tới tận cùng thế giới. Vì "có những cơ cấu của Giáo Hội có thể gây trở ngại cho các cố gắng phúc âm hóa, tuy nhiên, ngay các cơ cấu tốt cũng chỉ hữu ích khi có một sự sống không ngừng thúc đẩy, nâng đỡ và lượng giá chúng. Không có sự sống mới và một tinh thần phúc âm chân chính, không có lòng trung thành của Giáo Hội đối với ơn gọi của mình, bất cứ cơ cấu mới nào cũng không mấy chốc trở thành vô hiệu".
4. Rõ ràng về tổ chức
Dựa trên nguyên tắc mọi Bộ đều bằng nhau về pháp lý, nên việc tổ chức rõ ràng hơn cho các cơ quan của Giáo Triều là điều cần thiết, để làm rõ sự kiện này mỗi Bộ có phạm vi năng quyền riêng. Các phạm vi năng quyền này phải được tôn trọng, nhưng chúng cũng phải được phân phối một cách hợp lý, hữu hiệu và có kết quả. Do đó, không Bộ nào có thể lấn năng quyền của một Bộ khác, theo các qui định sẵn có của luật lệ. Mặt khác, mọi Bộ đều phúc trình trực tiếp lên Ðức Giáo Hoàng.
5. Ðiều hành cải tiến
Việc sát nhập hai hay nhiều hơn các bộ có năng quyền trong các vấn đề tương tự hay có liên hệ mật thiết với nhau để tạo nên một Bộ duy nhất, một đàng, để đem lại cho Bộ mới này một tầm quan trọng lớn hơn (cả bề ngoài nữa). Mặt khác, sự gần gũi và tương tác của các cơ quan cá thể trong một Bộ duy nhất sẽ góp phần cho việc điều hành cải tiến (như hai Bộ mới thiết lập gần đây đã chứng tỏ).
Việc điều hành cải tiến cũng đòi hỏi phải luôn duyệt lại các vai trò, tính liên quan của các phạm vi năng quyền, và các trách nhiệm của nhân viên, và do đó, diễn trình tái bổ nhiệm, thuê mướn, ngưng việc, và cả thăng thưởng nữa.
6. Hiện đại hóa (cập nhật)
Ðiều này liên hệ tới khả năng giải thích và lưu ý tới "các dấu chỉ thời đại". Theo chiều hướng này, "chúng ta quan tâm tới việc đưa ra các dự liệu để các Bộ Sở của Giáo Triều phù hợp với các hoàn cảnh thời ta và thích ứng với nhu cầu của Giáo Hội phổ quát". Ðây là yêu cầu của chính Công Ðồng Vatican II: "các bộ sở của Giáo Triều nên được tổ chức lại một cách thích đáng hơn với nhu cầu thời đại và với những vùng và nghi lễ khác nhau, nhất là về số lượng, danh xưng, năng quyền, thủ tục và cách chúng phối trí các hoạt động của mình".
7. Tính đơn giản
Ðây là điều người ta vốn gọi là đơn giản hóa và hợp lý hóa Giáo Triều. Ðiều này bao gồm việc kết hợp hay sát nhập các Bộ dựa trên phạm vi năng quyền; đơn giản hóa bên trong các Bộ cá thể; việc dẹp bỏ các văn phòng không còn đáp ứng nhu cầu liên hệ; việc hội nhập vào các Bộ hay giảm các Ủy Ban, Hàn Lâm Viện, Ủy Ban, v.v... tất cả nhằm những điều thật cần thiết cho việc làm chứng thích đáng và chân chính mà thôi.
8. Tính phụ đới
Ðiều này liên hệ tới việc sắp xếp lại các phạm vi năng quyền chuyên biệt đối với các Bộ khác nhau, hoán chuyển chúng khi cần từ Bộ này sang Bộ nọ, nhằm đạt được sự độc lập, sự phối trí và tính phụ đới trong phạm vi năng quyền và việc tương tác hữu hiệu để phục vụ.
Cả ở đây nữa, phải tỏ rõ sự tôn trọng đối với nguyên tắc phụ đới và việc tổ chức rõ ràng liên quan tới các liên hệ với Phủ Quốc Vụ Khanh và, trong Phủ này, giữa các phạm vi năng quyền khác nhau, để khi thi hành các bổn phận riêng của mình, nó trở thành người trợ giúp trực tiếp và tức khắc của Ðức Giáo Hoàng. Ðiều này cũng cải thiện sự phối trí giữa các phòng sở khác nhau của các Bộ và Văn Phòng của Giáo Triều. Phủ Quốc Vụ Khanh sẽ có khả năng thi hành chức năng quan trọng của nó khi đạt được sự hợp nhất, liên lập và phối trí giữa các phòng sở và khu vực khác nhau của mình.
9. Tính công đồng (Synodality)
Việc làm của Giáo Triều phải có tính công đồng, với các cuộc gặp gỡ thường xuyên của các vị đứng đầu Bộ dưới sự chủ tọa của Ðức Giáo Hoàng; thường xuyên phải dự liệu các buổi yết kiến Ðức Giáo Hoàng của các vị đứng đầu các Bộ và thường xuyên có những cuộc họp liên bộ. Con số giảm thiểu các Bộ sẽ cho phép các vị Bộ Trưởng yết kiến Ðức Giáo Hoàng thường xuyên hơn và có hệ thống hơn cũng như các cuộc họp hữu ích của các vị đứng đầu các Bộ, vì điều này khó thực hiện được khi có quá nhiều các Bộ Sở.
Tính công đồng cũng phải hiển hiện trong việc làm của từng Bộ, với sự chú ý đặc biệt dành cho Hội Nghị Toàn Thể (Congress) và ít nhất Các Phiên Họp Thông Thường có tính thường xuyên hơn. Mỗi Bộ phải tránh sự phân mảnh gây ra do các nhân tố như việc nhân thừa các phòng chuyên môn, vốn có xu hướng tự qui chiếu vào chính mình. Sự phối trí chúng phải là nhiệm vụ của vị Thư Ký hay vị Phó Thư Ký.
10. Tính Công Giáo
Giữa các viên chức, ngoài các linh mục và những người tận hiến, tính Công Giáo của Giáo Hội phải được phản ảnh trong việc thuê mướn nhân viên trên khắp thế giới, và thuê muớn các phó tế vĩnh viễn và tín hữu giáo dân, cẩn thận lựa chọn dựa trên đời sống thiêng liêng và luân lý ngoại hạng và khả năng chuyên môn của họ. Ðiều thích hợp là dự liệu việc thuê mướn số lượng đông đảo các tín hữu giáo dân, nhất là trong các Bộ nơi họ có khả năng hơn các giáo sĩ và người tận hiến. Ðiều cũng quan trọng là vai trò gia tăng của phụ nữ và tín hữu giáo dân trong đời sống Giáo Hội và việc hội nhập họ vào các vai trò lãnh đạo tại các Bộ, đặc biệt lưu ý tới chủ nghĩa đa văn hóa.
11. Tính chuyên nghiệp
Mỗi Bộ phải có chính sách đào tạo liên tục cho nhân viên của mình, tránh rơi vào hủ tục hay trở thành chết cứng trong các thói quen hành chánh của mình.
Cũng thế, điều chủ yếu là dứt khoát bãi bỏ thói quen promoveatur ut amoveatur (thăng thưởng để ngồi chơi sơi nước hay để tống khứ đi). Ðây là một chứng ung thư.
12. Tính tiệm tiến (biện phân)
Tính tiệm tiến có liên quan tới nhu cầu biện phân đòi hỏi bởi các diễn trình lịch sử, dòng đời trôi qua với các giai đoạn khai triển, lượng giá, sửa sai, thí nghiệm, và chấp nhận để thử nghiệm. Trong các trường hợp này, không phải là vấn đề thiếu cương quyết, mà là sự mềm dẻo cần thiết để đạt được sự cải tổ đích thực.
Vũ Văn An