Phỏng vấn Ðức Tân Hồng Y John Ribat,

Tổng Giám Mục Port Moresby Paupua Tân Guinea

 

Phỏng vấn Ðức Tân Hồng Y John Ribat, Tổng Giám Mục Port Moresby Paupua Tân Guinea.

Paupua Tân Guinea (Oss. Rom 17-11-2016; Vat. 5-12-2016) - Ngày 19 tháng 11 năm 2016 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ nghi vinh thăng 17 Tân Hồng Y, trong đó có Ðức Hồng Y John Ribat, Tổng Giám Mục . Ðức Hồng Y John Ribat là vị Hồng Y đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội tại Papua Tân Guinea. Ðức Tân Hồng Y sinh năm 1957, là tu sĩ dòng Thánh Tâm. Ngài đã từng là giáo tập của dòng tại Rabaul trên quần đảo Fiji, rồi là Giám Mục giáo phận Bereina, và từ năm 2007 là Tổng Giám Mục Port Moresby bên Papua Tân Guinea. Bài phỏng vấn được thực hiện và đăng trên nhật báo Quan Sát Viên Roma của Toà Thánh số ra ngày 17 tháng 11 năm 2016. Papua Tân Guinea rộng 850,000 cây số vuông, có 7.5 triệu dân, 84% là dân bản địa, 13% gốc Âu châu, 1% gốc Indonesia và 2% thuộc các sắc dân khác. Trên bình diện tôn giáo 69% theo Kitô giáo, trong đó có 36% là tín hữu công giáo. Số còn lại gồm 30% theo các đạo cổ truyền, và khoảng 1% theo Hồi giáo

Hỏi: Thưa Ðức Cha John Ribat, tin Ðức Cha được Ðức Thánh Cha Phanxicô chỉ định làm Hồng Y đã được dân chúng Papua Tân Guinea đón nhận như thế nào?

Ðáp: Ðó đã thực sự là một ngạc nhiên. Tôi đã không biết gì. Khi Ðức Tổng Giám Mục Kurian Matthew Vayalunkal, Sứ Thần Toà Thánh, đã nhận tin từ Roma và ban tối muộn đã gọi điện thoại báo cho tôi biết có một sứ điệp quan trọng cho tôi. Ngài hỏi tôi khi nào đi ngủ. Tôi trả lời là khoảng 10 giờ 10 rưỡi. Ngài dặn tôi đừng đi ngủ, vì ngài sẽ đến gặp tôi. Tôi hơi lo lắng và tự hỏi có chuyện gì đang xảy ra vậy? Tôi dã làm gì hay đã quên làm điều gì? Ðức Sứ Thần tới, chúng tôi ngồi vào bàn nói chuyện. Ngài nắm lấy tay tôi và nói: "Xin chúc mừng Ðức Cha, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ định Ðức Cha làm Hồng Y. Tôi im lặng một lúc vì không biết trả lời ra sao. Rồi tôi nói: "Nếu đó là ý của Thiên Chúa, thì xin Ngài ban cho con sức mạnh hỗ trợ con trong trách nhiệm này".

Hỏi: Từ khi còn bé lớn lên trong một làng quê nhỏ Ðức Cha đã có bao giờ tưởng tượng chuyện này có thể xảy ra không?

Ðáp: Chắc chắn là không rồi, nhưng tôi luôn nhớ một giai thoại lạ lùng xảy ra khi tôi đang theo học trung học. Lúc đó tôi khoảng 15 tuổi và đang nghỉ hè. Trong lúc đi du ngoạn, có một anh bạn nói với tôi: "Một ngày kia cậu sẽ cho tớ rước lễ". Thật ra tôi không biết tại sao anh bạn lại nói với tôi như thế, vì chúng tôi đâu có ở trong chủng viện, và tôi cũng không nghĩ tới chuyện gia nhập chủng viện. Nhưng trong các ngày này tôi lại nghĩ tới câu chuyện trên. Anh bạn đó bây giờ là em rể tôi.

Hỏi: Tại sao Ðức Cha đã quyết định trở thành Linh Mục?

Ðáp: Tôi nghĩ ảnh hưởng sâu đậm nhất trong cuộc sống tôn giáo đã đến từ cha mẹ tôi. Chúng tôi sống tại một làng quê và cha mẹ tôi là các tín hữu công giáo sùng đạo thuộc thế hệ thứ hai. Các ngài là những người đơn sơ, không học học thức lắm, nhưng có đức tin rất vững vàng. Chúng tôi sống xa thành phố nơi có trường học và là nơi các thừa sai cử hành thánh lễ. Chúng tôi đã phải đi bộ và đi ca nô qua sông để đến tham dự thánh lễ. Không có đường lộ tốt cho xe chạy, và lộ trình có khi kéo dài tới 8 giờ đồng hồ. Các thừa sai là người Ðức. Tôi rất khâm phục công việc và lòng tận tụy của các vị, và nhận thấy người dân tin tưởng các vị vô điều kiện. Chắc chắn là đã có cái gì đó bắt đầu lớn lên trong tôi, một cách thầm lặng nhưng sâu đậm, khi tôi còn bé. Sau đó tôi theo bậc trung học công lập đệ nhị cấp, có học sinh nam nữ, và trong số các giáo viên có vài sư huynh La San. Rất nhiều học sinh theo Công Giáo và cũng có các tu sĩ nam nữ dậy học. Họ rất giỏi trong việc giáo dục giới trẻ trong môi trường kitô. Các sư huynh La San sống rất gần gũi với người trẻ và khích lệ chúng tôi sống đạo tốt. Các sư huynh giúp chúng tôi chuẩn bị cho phụng vụ thánh thể, trong khi các học sinh lớn hơn giúp các em nhỏ hơn. Tất cả chúng tôi lần hạt Mân Côi chung với nhau. Và hồi đó tôi đã quyết định trở thành Linh Mục.

Hỏi: Các thừa sai đã có các tương quan nào đối với nền văn hoá truyền thống bản địa thưa Ðức Cha?

Ðáp: Các thừa sai đã có các tương quan tích cực, mặc dù đương nhiên là các vị không tin tưởng nơi một vài khía cạnh trong các truyền thống của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng trong các nền văn hoá của chúng tôi, thiếu sót một cái gì đó. Xã hội của chúng tôi được xây dựng trên các đơn vị nhỏ, hay trên nhiều bộ tộc khác nhau, và không có ý thức tuỳ thuộc rộng lớn hơn giữa các bộ lạc khác nhau. Và điều này không chỉ liên quan tới việc sở hữu đất đai và của cải vật chất. Thí dụ có các cử hành và lễ nghi chỉ thuộc một bộ lạc, và không hề được các bộ lạc khác biết tới. Ðức tin kitô đã quy tụ và hiệp nhất chúng tôi là những người thuộc các bộ tộc khác nhau. Kitô giáo đã đã làm thành một đại gia đình, đã mở rộng căn tính của chúng tôi, và ý thức tuỳ thuộc của chúng tôi. Và tôi nghĩ đó chính là điều thiếu trong các nền văn hóa truyền thống của chúng tôi.

Hỏi: Ðức Cha đã là chủng sinh trong thời hậu Công Ðồng Chung Vaticăng II. Hồi đó việc hội nhập văn hóa đã là một khía cạnh quan trọng của công tác truyền giáo. Ðức Cha nhớ gì về giai đoạn này?

Ðáp: Tôi đã bắt đầu chủng viện năm 1979 khi người ta nói nhiều về việc hội nhập Tin Mừng vào lòng các nền văn hóa, và nền văn hóa của chúng tôi và Kitô giáo có thể gặp gỡ nhau như thế nào, đặc biệt trong lãnh vực phụng vụ. Ngày nay người ta vẫn còn thảo luận về việc này. Tại Papua Tân Guinea và trong quần đảo Salomon này phụng vụ rất sống động, đặc biệt ngày Chúa Nhật. Giới trẻ và các cộng đoàn có vai trò rất tích cực. Tín hữu tham dự rất năng động và mạnh mẽ. Họ không nhận thức Giáo Hội như là một cơ cấu xa lạ hay ngoại quốc, nhưng như là Giáo Hội của chúng tôi.

Hỏi: Nhưng mà khi từ các cử hành phụng vụ bước sang các lãnh vực khác như hôn nhân truyền thống, các khó khăn trên bình diện mục vụ có tiếp tục hiện hữu không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Có vài người gặp khó khăn, khi nhận lãnh bí tích hôn phối công giáo, bởi vì cần tôn trọng cả các thói quen văn hóa truyền thống nữa. Và thật không dễ dàng hoà giải chúng với giáo lý và cách thực thi công giáo. Theo truyền thống của người dân Papua Tân Guinea hôn nhân hoàn toàn có giá trị, và chỉ trọn vẹn nếu nó phong phú. Nếu không có con, các hậu quả có thể là chia ly hay sự bất trung. Ðối với ai đã nhận được một nền giáo dục công giáo, nhưng đồng thời muốn duy trì các mối dây mạnh mẽ của nền văn hoá riêng, thật không dễ dàng chấp nhận một hôn nhân không có con. Ðôi khi việc nhận con nuôi là một giải pháp, nhưng trên thực tế có vài người tìm giãn hôn nhân công giáo lại, với nhiều lý do như: "tôi chưa sẵn sàng", "tôi chưa có các quần áo cưới" vv. vì họ không muốn chấp nhận bị xâu xé. Cả cuộc sống độc thân cũng là một thách đố. Có người chuẩn bị làm linh mục, nhưng sau đó từ chối tiếp tục, vì tìm thấy một bạn gái và muốn thành lập gia đình. Có vài linh mục thì rất tiếc tìm sống thoải mái trong tiện nghi. Rất khó mà hiểu được tất cả các lý do sâu xa của nó, nhưng tôi luôn luôn nhắc nhở các linh mục tầm quan trọng của việc duy trì các tương quan với gia đình mình và với tín hữu trong giáo xứ. Tôi nghĩ có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và hài lòng như linh muc, cả khi không lập gia đình, nhưng nó tuỳ thuộc rất nhiều nơi các tương quan tích cực mà chúng ta có thể xây dựng. Ngay từ khi còn là chủng sinh, chúng tôi đã được dậy là phải tập trung sức lực thế nào để chúng giúp lớn lên trưởng thành. Nếu tập trung sức lực vào các hướng đối nghịch, vào các cung cách sống không thích hợp, thì mọi chuyện sẽ trở thành quá khó khăn. Tôi đã được dậy là phải dưỡng nuôi sự thiện trong tôi, và luôn luôn tìm các khía cạnh tích cực của tha nhân, có các cung cách hành xử giúp hiệp nhất với các anh chị em khác. Việc hướng dẫn các năng lực của tôi một cách tích cực như vậy đã giúp tôi thắng vượt các thách đố chuyên biệt đối với cuộc sống tu sĩ, bao gồm cả việc sống độc thân.

Hỏi: Liên quan tới các ưu tiên hiện nay của Giáo Hội tại Papua Tân Guinea, Ðức Cha thường nói lên các âu lo đối với các hậu quả của sự kiện khí hậu thay đổi. Nó có các hệ luỵ nào đối với vùng Melanesia thưa Ðức Cha?

Ðáp: Ðây là một vấn đề rất quan trọng đối với chúng tôi, vì chúng tôi trực tiếp trông thấy các hệ lụy của việc khí hậu thay đổi. Trong một vài đảo có các vùng đã bị nước cuốn trôi, và nơi đâu truớc đây có nhà cửa đường đi, thì nay không còn gì nữa. Dân chúng đã phải tản cư đi nơi khác, mặc dù họ không muốn. Và điều này hiện đang xảy ra, chứ chúng tôi không tạo ra đâu. Vài đảo nhỏ thì đã biến mất. Hơn thế nữa có các nông dân trồng rau và trái cây như taro, khoai lang, và cassava, khi thu hoạch lại không ăn được, vì chúng mặn đắng. Và các vấn đề không chỉ hạn hẹp tại các đảo. Trên núi có các vùng thường xuyên bị hạn hán, và trong vài vùng người dân bị đói. Càng ngày càng ít mưa, rồi bất thình lình lại có mưa đá phá huỷ hoa mầu, trong khi sương muối làm cho rau cỏ chết hết. Các nông dân thường chia sẻ với Giáo Hội liên quan tới các hệ lụy của nạn khí hậu thay đổi, khiến cho cuộc sống của họ bấp bênh và khốn khổ hơn. Giáo Hội có thể góp phần quan trọng: chúng ta phải dấn thân và lên tiếng. Chúng tôi đứng về phía dân chúng, và phải hiện diện tại đó, khi chính quyền không thể trợ giúp.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, đâu là các thách đố và ưu tiên khác đối với Giáo Hội, đặc biệt là đối với tổng giáo phận thủ đô Port Moresby của Ðức Cha?

Ðáp: Tôi nghĩ có vài thay đổi khí hậu đang quá thường xảy ra một cách nhanh chóng, và điều này cũng gọi hỏi Giáo Hội. Hàng ngày đều có người từ vùng quê di cư lên thủ đô, hy vọng tìm được an ninh kinh tế và một cuộc sống dễ thở hơn. Nhưng họ mau chóng nhận ra rằng nó không dễ dàng như vậy, trái lại nó rất là đau đớn. Biết bao người rơi vào cảnh thất vọng, và việc vỡ mộng đưa tới các chuyện xấu xa hơn: tội phạm, bạo lực gia đình, nghiện ngập, rượu chè. Có người tìm trở lại đồng quê, nơi cuộc sống nghèo nàn, nhưng không tồi tệ như tại thành phố. Vấn đề đó là sau khi đã rời bỏ làng quê lâu ngày, họ đã mất mọi tiếp xúc với dân làng, nên khi trở về họ không hội nhập được nữa, và cảm thấy bơ vơ. Ðây là một vấn đề khiến cho chúng tôi rất âu lo. Tổng giáo phận của chúng tôi đang tìm đưa ra một chương trình trợ giúp những người như thế, những người vừa mới tới thủ đô Port Moresby và không có ý niệm nào về cuộc sống trong một thành phố. Chúng tôi muốn cung cấp cho họ các thông tin, giúp họ hiểu rằng tại đây họ có rất ít khả thể thực hiện các giấc mơ ban đầu của họ, phải suy tư nghiêm chình và tự hỏi có nên di cư về thủ đô sinh sống hay không. Chúng tôi sẽ thực hiện chương trình này và hy vọng các Giáo Hội Kitô khác cũng hiệp nhất với chúng tôi. Mỗi sáng lúc 5 giờ rưỡi tôi đi một vòng, và trông thấy biết bao nhiêu ngưòi ngủ trên viả hè đường phố, túi trống rỗng không có tiền. Không nhà cửa là một vấn đề nghiêm trọng đang gia tăng. Còn có một thách đố tương lai đó là nạn tục hóa. Thiên Chúa và tôn giáo là một phần quan trọng của đa số dân Papua Tân Guinea, nơi có tới 90% dân tuyên bố mình là kitô hữu. Tuy nhiên, trong phần này của thế giới các thay đổi luôn đến từ tây phương, và trên bình diện địa lý chúng tôi là phần đối đầu. Ðã có vài dấu hiệu rồi, cả khi cần có một ít thời gian, nhưng chúng tôi phải tự chuẩn bị sống trong một xã hội tục hóa hơn.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, tại Papua Tân Guinea tương quan của Giáo Hội công giáo với các Giáo Hội Kitô khác ra sao?

Ðáp: Ðại kết là một trong các ưu tiên của chúng tôi, và trong các năm qua chúng tôi đã có các bước tiến xây dựng trong chiều hướng này. Chúng tôi có Hội Ðồng đại kết các Giáo Hội Kitô Papua Tân Guinea hiệp nhất các Giáo Hội Kitô trong các lãnh vực lo cho thiện ích chung. Năm 2010 chúng tôi đã thành lập "Liên hiệp lãnh đạo kitô chống bệnh liệt kháng AIDS" với nhiệm vụ tìm đưa ra câu trả lời kitô cho dịch liệt kháng. Tại Papua Tân Guinea và các vùng lân cận căn bệnh này vẫn gây sợ hãi và kỳ thị. Nói chung, tương quan của Giáo Hội công giáo với các Giáo Hội Kitô khác tốt đẹp, nhưng chúng tôi có vài vấn đề với các nhóm nhỏ hơn. Có vài nhóm không muốn liên hệ gì với Giáo Hội Công giáo. Chúng tôi ý thức được điều này, và nó cũng ảnh hưởng trên vài tín hữu công giáo. Có thêm các nhóm mới tìm đến Papua Tân Guinea, đặc biệt là các nhóm Pentecostal và các nhóm khác như "Tin Mừng của sự thịnh vượng" lôi kéo vài tín hữu công giáo. Tôi luôn luôn khích lệ tín hữu công giáo vững vàng trong đức tin của mình, nhưng cũng yêu thương tất cả các kitô hữu khác. Chúng ta không được qauy lưng lại với họ, nhưng phải tiếp đón họ, và làm cho họ được thoải mái như ở nhà họ. Có thể là khó đấy, nhưng chúng ta phải cầu chúc mọi người điều tốt đẹp nhất, và đối xử với họ như Chúa Kitô đòi hỏi.

Hỏi: Sự yểm trợ của gia đình đối với ÐC như thế nào và mọi người đã phản ứng ra sao đối với việc Ðức Cha được chỉ định làm Hồng Y?

Ðáp: Họ đang tổ chức một lễ mừng lớn cho tôi tại Port Moresby. Trong suốt cuộc đời tôi đã luôn luôn có thể cậy dựa nơi sự yểm trợ liên lỉ của một gia đình rất hiệp nhất. Tôi coi đó là một phúc lành. Cha tôi đã qua đời hồi năm 1972, và mẹ tôi qua đời năm 2004. Chúng tôi có 9 anh em, và tôi là người thứ bẩy. Chúng tôi đã không bao giờ thấy cha mẹ cãi nhau. Chúng tôi đã thảo luận, nhưng không bao giờ cãi nhau, và cha tôi đã không bao giờ đánh mẹ tội. Khi chúng tôi con bé, cha tôi luôn dặn chúng tôi: "Chúng con phải đễ thương đối với nhau và không được đánh nhau". Trước khi qua đời, mẹ tôi nói với chúng tôi: "Mẹ hạnh phúc vì đã nuôi tất cả các con khôn lớn, và trông thấy gia đình nới rộng với các cháu, và thấy tất cả sống trong hoà thuận. Ðó là niềm vui của mẹ. Mẹ ra đi hạnh phúc, và mẹ cầu chúc các con hạnh phúc". Chúng tôi đã luôn luôn tìm sống các lời đạy bảo của các ngài, và cả ngày nay nữa gia đình chúng tôi cũng tiếp tục sống trong an bình.

(Oss. Rom 17-11-2016)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page