Ðại hội lần thứ XI

Liên Hội đồng Giám mục Á Châu

Các tham luận của các

Hội đồng Giám mục và những buổi họp nhóm

 

Ðại hội lần thứ XI Liên Hội đồng Giám mục Á Châu: Các tham luận của các Hội đồng Giám mục và những buổi họp nhóm.

Colombo (WHÐ 02-12-2016) - Theo đúng chương trình, hai ngày đầu của Ðại hội Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) được dành cho các tham luận của các Hội đồng Giám mục và những buổi họp nhóm.

Châu Á là lục địa mênh mông với dân số chiếm 2/3 thế giới, cùng với những nền văn hóa lâu đời, đa dạng và phong phú, cũng như bối cảnh xã hội và kinh tế khác nhau; vì thế Hội Thánh Chúa Kitô hiện diện trên lục địa này cũng mang những sắc thái khác nhau. Có những miền đất tại Trung Á và Nam Á đang phải đối diện với các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo rất đáng ngại, gây ảnh hưởng trực tiếp trên các gia đình. Có những vùng trù phú như các nước Ðông Á nhưng lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa thế tục và duy vật, nên đời sống hôn nhân và gia đình cũng ở trong tình trạng giống các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Lại có những miền đất nghèo và phải chịu nhiều thiên tai, khiến đời sống gia đình bị tổn thương do sự nghèo đói, tình trạng di dân và thay đổi nơi ở thường xuyên để kiếm sống.

Lắng nghe các tham luận của các Hội đồng Giám mục để thấy sự đa dạng của khuôn mặt Hội Thánh, để hiểu được những vấn đề mà gia đình Công giáo ngày nay phải đối diện khi cố gắng trở thành Hội Thánh tại gia, nhằm thi hành sứ vụ thương xót trong hoàn cảnh cụ thể của xã hội.

Cùng với những tham luận, các tham dự viên của Ðại hội còn được chia thành nhiều nhóm nhỏ để thảo luận: Trung Á, Ðông Á, Ðông Nam Á, Nam Á. Ðây là cơ hội để các giám mục cũng như những tham dự viên khác chia sẻ những vấn đề cụ thể về gia đình và mục vụ gia đình trong môi trường xã hội hiện nay. Những chia sẻ và góp ý này sẽ bổ túc cho Tài liệu làm việc của Ðại hội được đầy đủ và phong phú hơn, làm nền tảng cho những định hướng mục vụ về gia đình tại châu Á.

Hiệp thông trong những thao thức mục vụ cũng như trong những kinh nghiệm được chia sẻ là cảm nhận chung của mọi tham dự viên. Sự hiệp thông đó được khơi nguồn từ Thánh Lễ mỗi sáng và giờ cầu nguyện cuối ngày, vì chính Chúa là Ðấng quy tụ các môn đệ của Ngài, và chỉ nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, mọi nỗ lực mục vụ mới có hi vọng đem lại hoa trái phong phú cho các gia đình mà Ðại hội quan tâm.

Ðại hội lần XI của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu đang tiến dần đến cao điểm và không thể không ghi nhận một nét riêng của Ðại hội lần này: mối quan tâm của Chính phủ Sri Lanka cũng như của các tôn giáo bạn.

Mối quan tâm này được thể hiện cụ thể qua bữa tiệc chiêu đãi tại dinh Tổng thống Sri Lanka. Ðích thân Tổng thống đến khai mạc bữa tiệc bằng một diễn văn ngắn nhưng súc tích. Ông bày tỏ niềm vinh hạnh được đón tiếp các giám mục Á châu đến dự Ðại hội, sự trân trọng đối với Hội đồng Giám mục Sri Lanka, cách riêng Ðức hồng y Malcom Ranjith và những đóng góp của ngài cho đất nước. Nét nổi bật của bữa tiệc không phải là ẩm thực nhưng là văn hóa, với những điệu múa truyền thống của Sri Lanka và dàn nhạc tạo bầu khí nghệ thuật và trang nhã cho bữa ăn.

Bên cạnh đó, tại nghị trường, các giám mục và tham dự viên còn đón tiếp các đại diện của Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, và một giám mục Anh giáo. Trong tinh thần đối thoại, các vị trình bày quan điểm của tôn giáo mình về gia đình và chia sẻ những mối quan tâm về đời sống gia đình trong thế giới ngày nay.

Ðây là những điều chưa từng có tiền lệ trong những lần Ðại hội trước. Khi được hỏi, một giám mục Sri Lanka cho biết là do hoàn cảnh đặc thù của Sri Lanka, một đất nước có nhiều truyền thống tôn giáo lâu đời, đồng thời đã từng có kinh nghiệm đau đớn về xung đột tôn giáo. Hội Thánh Công giáo, tuy chỉ là thiểu số, được đánh giá rất cao vì uy tín trong tiến trình hòa giải dân tộc cũng như những đóng góp lớn cho xã hội, cách riêng trong lãnh vực giáo dục.

Ðã hẳn đây là hoàn cảnh riêng của Sri Lanka, tuy nhiên đây cũng là nội dung mà Liên Hội đồng Giám mục Á Châu muốn làm nổi bật trong thời đại hiện nay tại châu Á, với những cuộc xung đột nhân danh tôn giáo. Hơn bao giờ hết, tôn giáo phải trở thành "khí cụ bình an" để thi hành sứ vụ thương xót đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu. Con đường đối thoại, tuy khó khăn và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, vẫn là chọn lựa đã có từ ban đầu của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu và cần được tiếp tục trong hoàn cảnh xã hội ngày nay.

 

WHÐ

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page