Lễ nghi đóng Cửa Thánh
và thánh lễ kết thúc Năm Lòng Thương Xót
Lễ
nghi đóng Cửa Thánh và thánh lễ kết thúc Năm Lòng Thương
Xót.
Ðức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lễ nghi đóng Cửa Thánh đền thờ thánh Phêrô trước khi dâng thánh lễ kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại thềm đền thờ. |
Vatican (Vat. 20-11-2016) - Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 20 tháng 11 năm 2016 lễ Chúa Kitô Vua, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ nghi đóng Cửa Thánh đền thờ thánh Phêrô trước khi dâng thánh lễ kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại thềm đền thờ. Cùng đồng tế với Ðức Thánh Cha có hàng trăm vị gồm các Hồng Y và Tân Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và mấy ngàn Linh Mục. Tham dự thánh lễ có ngoại giao đoàn và phái đoàn chính thức của nhiều nưóc, trong đó có phái đoàn của chính phủ Italia, do tổng thống Matarella hướng dẫn và hơn 100,000 tín hữu và du khách hành hương.
Trước khi bước lên đóng Cửa Thánh Ðức Thánh Cha đã đọc lời nguyện sau đây: "Ôi lậy Cha thánh thiện và toàn năng trong tình yêu, là Ðấng qua Con Cha là Ðức Giêsu, sinh bởi Trinh Nữ Maria, đã biểu lộ gương mặt lòng thương xót vô cùng của Cha, xin hãy thương nhìn Giáo Hội Cha tụ họp trong lời cầu nguyện kết thúc Năm Thánh. Tri ân về những ơn thánh đã nhận lãnh và được khích lệ làm chứng cho sự dịu hiền của tình yêu thương xót của Cha trong lời nói và việc làm chúng con đóng Cửa Thánh: xin Thần Linh thánh hóa canh tân niềm hy vọng của chúng con nơi Chúa Kitô Cứu Thế, là cửa luôn luôn rộng mở cho người tìm Cha với con tim chân thành, cửa duy nhất dẫn vào Nước đang đến. Xin dâng lên Cha, là Ðấng Tạo Hóa và yêu thương sự sống, qua Chúa Giêsu Kitô là Vua và là Chúa chúng con, trong Chúa Thánh Thần Ðấng an ủi, mọi danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen
Các bài sách Thánh đã được đọc bằng tiếng Anh, và tiếng Pháp. Thánh vịnh và Phúc Âm đã được hát bằng tiếng Ý.
Giảng trong thánh lễ Ðức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc và nêu bật bản chất vương quyền của Chúa Kitô Vua, mà lễ mừng kết thúc năm phụng vụ. Ngài nói:
Vương quyền của Ngài mâu thuẫn: ngai của Ngài là thập giá, triều thiên của Ngài là mạo gai; Ngài không có một vương trượng, nhưng có một cây sậy trong tay; Ngài không mặc y phục sang trọng, nhưng bị lột áo khoác; Ngài không có các nhẫn lóng lánh trên các ngón tay, nhưng tay bị đinh đâm thâu; Ngài không có một kho tàng, nhưng bị bán với 30 đồng bạc. Nước của Chúa Giêsu không thuộc thế gian này, nhưng nơi nó chúng ta tìm được ơn cứu độ và tha thứ. Bởi vì sự cao cả của Vương quốc Ngài không phải là quyền năng theo thế gian, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có khả năng đạt tới và chữa lành mọi sự. Vì tình yêu ấy Chúa Kitô đã hạ mình xuống cho tới chúng ta, đã mặc lấy sự bần cùng nhân loại của chúng ta, đã cảm nhận điều kiện tật nguyền của chúng ta: bất công, phản bội, bỏ rơi; đã sống kinh nghiệm cái chết, bị chôn trong mộ và xuống ngục tổ tông. Qua đó Vua của chúng ta đã đi tới tận cùng các ranh giới của vũ trụ để ôm và cứu rỗi mọi sinh linh. Ngài đã không kết án chúng ta, Ngài cũng không chinh phục chúng ta , ngài đã không bao giờ vi phạm sự tự do cuả chúng ta, nhưng đã mở đường với tình yêu khiêm tốn, tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả" (1 Cr 13,7). Chỉ có tình yêu đó đã chiến thắng và tiếp tục chiến thắng các thù địch to lớn của chúng ta là tội lỗi cái chết và sự sợ hãi.
Hôm nay chúng ta công bố chiến thắng đặc biệt ấy, qua đó Chúa Kitô đã trở thành vua đời đời, Chúa của lịch sử, chỉ với sự toàn năng của tình yêu, là bản tính của Thiên Chúa, là chính sự sống của Ngài, và nó sẽ không bao giờ cùng. Chức là Chúa của Ngài biến đổi tội lỗi thành ơn thánh, cái chết thành sự phục sinh, sự sợ hãi thành niềm tin cậy... Nhưng mọi sự ấy sẽ vô ích, nếu chúng ta không chấp nhận Ngài là Chúa của đời mình một cách riêng tư, và không chấp nhận kiểu cai trị của Ngài.
Tiếp tục bài giảng Ðức Thánh Cha đã phân tích thái độ của các nhân vật trong trình thuật Phúc Âm kể lại cái chết của Chúa Kitô Vua: sự xa cách của dân chúng đứng nhìn xem điều xảy ra, không đến gần nữa như họ đã làm khi có nhu cầu được Chúa cứu giúp. Trước các hoàn cảnh cuộc sống hay các chờ mong không hiện thực chúng ta cũng có thể bị cám dỗ đứng xa vương quyền của Chúa Giêsu, không hoàn toàn chấp nhận gương mù tình yêu khiêm tốn của Ngài, gây âu lo và khó chịu cho cái tôi của chúng ta. Nhưng dân thánh có Chúa Giêsu là Vua được mời gọi đi theo con đường tình yêu cụ thể của Ngài, và mỗi ngày tự hỏi "tình yêu của Chúa đòi hỏi tôi điều, thúc đẩy tôi tới đâu? Tôi trả lời với Chúa Giêsu ra sao với cuộc sống của tôi ?"
Các nhân vật thứ hai là nhóm các thủ lãnh, binh lính và một tên trộm cướp. Họ khiêu khích và cám dỗ Chúa Giêsu hãy tự cứu lấy mình , khước từ cai trị theo kiểu của Thiên Chúa, làm theo cái luận lý của thế gian xuống khỏi thập giá, đánh bại kẻ thù, tỏ lộ quyền năng cao vươt là Thiên Chúa... Ðó là cám dỗ dễ sợ nhất, cám dỗ đầu tiên và cuối cùng trong Phúc Âm. Nhưng trước sự tấn kích ấy Chúa Giêsu tiếp tục yêu thương, tha thứ, sống thời điểm của sự thử thách theo ý muốn của Thiên Chúa Cha, và xác tín rằng tình yêu sẽ đem lại hoa trái.
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng: để tiếp nhận vương quyền của Chúa Giêsu chúng ta được mời gọi chiến đấu chống lại cám dỗ này, dán chặt cái nhìn vào Chúa bị đóng đanh, để luôn trung thành với Ngài hơn. Có biết bao lần chúng ta cũng tìm các an ninh hấp dẫn thế gian cống hiến cho chúng ta. Có biết bao lần chúng ta bị cám dỗ xuống khỏi thập giá. Sức mạnh lôi cuốn của quyền lực và thành công xem ra là một con đường dễ dãi và mau chóng giúp phổ biến Tin Mừng, và chúng ta mau chóng quên vương quốc của Thiên Chúa hoạt động như thế nào. Áp dung vào Năm Thánh kết thúc Ðức Thánh Cha nói:
Năm Thánh Lòng Thương Xót này mời gọi chúng ta tái khám phá ra trọng tâm, trở về với điều nòng cốt. Thời điểm này mời gọi chúng ta nhìn lên gương mặt của Vua chúng ta, gương mặt rạng ngời trong ngày Phục Sinh, và tái khám phá ra gương mặt tươi trẻ của Giáo Hội, sáng ngời khi tiếp đón, tự do, trung thành, nghèo nàn trong các phương tiện và giầu có trong tình yêu thương truyền giáo. Khi đưa chúng ta vào trong trung tâm của Phúc Âm, lòng thương xót cũng khích lệ chúng ta từ bỏ các thói quen và tập quán có thể ngăn cản viêc phục vụ Nước Thiên Chúa, chỉ tìm hướng tới vương quyền khiêm tốn vĩnh cửu của Chúa Giêsu, chứ không thích ứng với các vương quyền tạm bợ và các quyền bính hay thay đổi của mọi thời đại.
Nhắc tới người trộm lành và lời ông xin Chúa Giêsu nhớ tới ông và câu Chúa trả lời ông sẽ ở trên thiên đàng với Ngài, Ðức Thánh Cha nói: Thiên Chúa nhớ tới chúng ta, vừa khi chúng ta cho ngài khả thể này. Ngài sẵn sàng xóa bỏ hoàn toàn và luôn mãi tội lỗi, bởi vì ký ức của Ngài không ghi nhận sự dữ đã phạm và không luôn mãi chú ý tới các sai lầm phải chịu như ký ức của chúng ta. Thiên Chúa không nhớ tới tội lỗi, nhưng nhớ tới từng người trong chúng ta là con cái được Ngài yêu thương. Và Ngài luôn tin rằng có thể bắt đầu trở lại và đứng lên.
Chúng ta cũng hãy xin ơn có ký ức rộng mở và sống động này. Chúng ta hãy xin được ơn không bao giờ đóng cửa của sự hoà giải và tha thứ, nhưng biết vượt qua sự dữ và các khác biệt, bằng cách mở rộng mọi con đường của niềm hy vọng. Như Thiên Chúa tin tưởng nơi chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi trao ban hy vọng, và cho tha nhân cơ may. Bởi vì cả khi Cửa Thánh có đóng, cửa lòng thương xót thật, là Trái Tim Chúa Giêsu, luôn luôn rộng mở. Từ cạnh suờn bị đâm thâu của Chúa Phục Sinh vọt lên lòng thương xót, sự ủi an và niềm hy vọng cho đến tận cùng thời gian.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và nhớ rằng chúng ta đã được mặc lấy các tâm tình của lòng thương xót để trở nên dụng cụ lòng xót thương. Xin Mẹ Maria, là Mẹ dịu hiền của Giáo Hội, Ðấng đứng dưới chân thập giá, trông thấy người trộm lành nhận ơn tha thứ của Chúa, và nhận môn đệ của Chúa Giêsu làm con mình, xin Mẹ của lòng thương xót đồng hành với chúng ta. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ mọi tình trạng, mọi lời cầu hướng tới đôi mắt xót thương của Mẹ và Mẹ sẽ nhận lời.
Vào cuối thánh lễ Ðức Thánh Cha đã cám tạ ơn Chúa vì Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài cũng cám ơn các phái đoàn chính thức của các nước tham dự thánh lễ, cách riêng chính quyền Italia và các cơ cấu, về sự cộng tác và dấn thân quảng đại, các lực lượng an ninh trật tự, các nhân viên tiếp đón, các phương tiện truyền thông, các nhân viên y tế và thiện nguyện viên thuộc mọi lứa tuổi, nhất là Hội Ðồng Toà Thánh tái truyền giảng Tin Mừng và các cộng sự viên. ÐTC cũng cám ơn tất cả những người góp phần thiêng liêng cho Năm Thánh được thành công: đặc biệt là các bệnh nhân và người già đã dâng hy sinh, đau khổ, liên lỉ cầu nguyện cho Năm Thánh. Một cách đặc biệt Ðức Thánh Cha cám ơn các nữ tu dòng kín, mà Giáo Hội nhớ tới trong ngày 21 tháng 11. Các chị dành trọn đời cầu nguyện cho mọi thành phần dân Chúa, và các chị cũng cần tình liên đới tinh thần và vật chất của chúng ta.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người.
Ðức Thánh Cha đã ký Tông thư "Misericordia et Misera" khích lệ toàn thể Giáo Hội tiếp tục sống lòng thương xót với cùng sự sâu đậm như đã sống trong suốt Năm Thánh ngoại thường này. Sau đó ngài đã trao Tông thư cho Ðức Hồng Y Tagle, Tổng Giám Mục Manila, là một trong các giáo phận đông tín hữu nhất thế giới, Ðức Cha Cushey, Tổng Giám Mục Saint Andrrews Edinburg, hai Linh Mục thừa sai lòng thương xót đến từ Cộng hòa dân chủ Congo và Brasil, một phó tế vĩnh viễn và gia đình, hai nữ tu một Mêhicô và một Nam Hàn; một gia đình Mỹ gồm ba thế hệ; một đôi bạn trẻ đính hôn, hai bà mẹ giáo lý viên; một người tàn tật và một bệnh nhân.
Sau khi chào các Hồng Y, Giám Mục, Ðức Thánh Cha đã lên xe díp đi mấy vòng chào các tín hữu và du khách tham dự thánh lễ kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)