Kiên nhẫn chịu đựng

các quấy rầy của người khác

 

Kiên nhẫn chịu đựng các quấy rầy của người khác.

Vatican (Vat. 16-11-2016) - Gương sống nhẫn nhục của Chúa Giêsu dậy cho chúng ta biết kiên nhẫn chịu đựng các quấy rầy của người khác. Nó cũng nhắc nhớ chúng ta hai công việc khác của lòng thương xót là cảnh cáo kẻ có tội và dậy bảo người dốt nát.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với khoảng 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp chung sáng thứ tư 16 tháng 11 năm 2016.

Mở đầu bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói:

Chúng ta dành bài giáo lý hôm nay cho một công việc của lòng thương xót mà mọi người đều biết rõ, nhưng có lẽ chúng ta không thực thi như đáng lý phải làm: đó là kiên nhẫn chịu đựng những người quấy rầy. Chúng ta tất cả đều rất giỏi trong việc nhận diện ra một người có thể làm phiền chúng ta: xảy ra là khi chúng ta gặp ai đó trên đường, hay khi chúng ta nhận một cú điện thoại# chúng ta nghĩ ngay: "Cho tới bao giờ tôi còn phải nghe các lời than van, các bép xép, các xin xỏ hay các khoe khoang của người này?" Ðôi khi cũng xảy ra là những người quấy rầy chúng ta là những người gần chúng ta nhất: giữa các bà con thân thuộc luôn luôn có người nào đó; tại nơi làm việc cũng không thiếu và cả trong lúc tự do cũng không thiếu những người như vậy. Chúng ta phải làm gì với những người quấy rầy đây? Và cả chúng ta nữa đôi khi chúng ta cũng sách nhiễu người khác. Tại sao trong số các công việc của lòng thương xót lại có cả chuyện này nữa: kiên nhẫn chịu đựng những người quấy rầy?

Trong Thánh Kinh chúng ta thấy rằng chính Thiên Chúa cũng phải dùng lòng thương xót để chịu đựng các than van của dân Ngài. Chẳng hạn trong sách Xuất Hành dân chúng thật là không chịu được: trước đó thì họ khóc lóc vì là nô lệ bên Ai Cập, và Thiên Chúa giải thoát họ; rồi trong sa mạc họ than van vì không có ăn (x.. Xh 16,3) và Thiên Chúa cho họ chim cút và bánh manna (x. 16,13-16); nhưng dù vậy họ không ngừng than van. Ông Môshê làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân, và đôi khi cả ông nữa cũng sẽ quấy rầy Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã kiên nhẫn, và như vậy ngài dậy cho ông và dân chúng biết chiều kích nòng cốt này của đức tin.

Và một câu hỏi tự phát đến trong tâm trí chúng ta: chúng ta có bao giờ xét mình xem đôi khi cả chúng ta nữa cũng có thể quấy rầy người khác hay không? Thật là dễ chỉ tay chống lại các tệ hại và thiếu sót của người khác, nhưng chúng ta phải học biết đặt mình trong địa vị của tha nhân.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu: trong ba năm của cuộc sống công khai Ngài đã phải kiên nhẫn biết bao nhiêu! Có lần khi đi với các môn đệ, Ngài đã bị bà mẹ của Giacôbê và Gioan chặn lại và xin: "Xin Thầy cho hai đứa con con đây ngồi một người bên phải một người bên trái Thầy trong vương quốc của Thầy" (Mt 20,21). Bà mẹ tạo địa vị thanh thế cho các con trai mình, nhưng đó là bà mẹ... Cả từ trường hợp này nữa Chúa Giêsu cũng lấy đó làm đề tài dậy cho các môn đệ một giáo huấn nền tảng: vương quốc của Ngài không phải là một vương quốc của quyền bính và không phải là một vương quốc của vinh quang như các vương quốc trần gian, nhưng là việc phục vụ và dâng hiến cho người khác. Chúa Giêsu dậy chúng ta luôn luôn đi tới điểm nòng cốt và nhìn xa hơn để lãnh lấy sứ mệnh của mình với tinh thần trách nhiệm. Ở đây chúng ta có thể trông thấy lời mời gọi thực thi hai công việc khác của lòng thương xót tinh thần: là răn bảo các kẻ có tội và dậy dỗ kẻ dốt nát. Chúng ta hãy nghĩ tới dấn thân lớn lao có thể làm, khi trợ giúp người ta lớn lên trong đức tin và cuộc sống. Chẳng hạn tôi nghĩ tới các giáo lý viên - trong đó có biết bao bà mẹ và biết bao nhiêu nữ tu - tận hiến thời giờ để dậy dỗ người trẻ các yếu tố nền tảng của đức tin. Thật là mệt nhọc biết bao, khi các trẻ em thích chơi giỡn hơn là lắng nghe giáo lý!

Ðức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Ðồng hành trong việc kiếm tìm điều nòng cốt thật đẹp và quan trọng, bởi vì nó làm cho chúng ta chia sẻ niềm vui hưởng nếm ý nghĩa cuộc sống. Thường xảy ra là chúng ta gặp gỡ những người chỉ dừng lại trên những điều hời hợt, chóng qua và tầm thường; đôi khi vì họ đã không gặp ai khuyến khích họ tìm kiếm điều gì khác, quý chuộng các kho tàng đích thực. Dậy nhìn vào điều nòng cốt là một trợ giúp định đoạt, đặc biệt trong một thời đại như thời đại chúng ta ngày nay, xem ra đã đánh mất hướng đi và chạy theo những thoả mãn ngắn ngủi. Dậy khám phá ra điều Chúa muốn nơi chúng ta và làm sao chúng ta có thể đáp trả lại có nghĩa là bước đi trên con đường lớn lên trong ơn gọi của mình, trong con đường của niềm vui đích thật.

Và Ðức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau:

Như thế các lời Chúa Giêsu nói với bà mẹ của Giacôbê và Gioan, rồi với tất cả nhóm các môn đệ, chỉ cho thấy con đường giúp tránh rơi vào sự ghen tương, tham vọng và nịnh bợ, là các cám dỗ luôn luôn rình rập cả các kitô hữu nữa. Ðòi buộc khuyên nhủ, cảnh cáo và dậy dỗ không đuợc khiến cho chúng ta cảm thấy mình cao hơn tha nhân, nhưng truớc hết bắt buộc chúng ta đi vào trong chính mình để kiểm thực xem chúng ta có trung thực với những gì chúng ta yêu cầu người khác sống hay không. Chúng ta đừng quên các lời Chúa Giêsu nói: "Tại sao bạn nhìn thấy cọng rơm trong mắt người anh em, trong khi không nhận ra cái xà trong mắt mình?" (Lc 6,14). Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết sống kiên nhẫn trong việc kiên nhẫn chịu đựng và khuyên nhủ những người khiêm nhường và đơn sơ.

Trong số các đoàn hành hương hiện diện trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua cũng có nhiều tín hữu Việt Nam đến từ nhiều nước như Hoà Lan, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, đặc biệt phái đoàn 48 tín hữu Houston do cha Giuse Vũ Thành hướng dẫn.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt là các thành viên Tổ chức Ðông Phương, các linh mục thuộc Liên hiệp tông đồ giáo sĩ giáo phận Agen, do Ðức Cha Herbreteau hướng dẫn, cũng như các tín hữu đến từ Pháp, Bỉ và Cộng hoà dân chủ Congo, Ðức Thánh Cha nói chúng ta sắp kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, nhưng tôi xin anh chị em đừng đóng cửa tâm lòng, nhưng trái lại luôn kiên nhẫn, khiêm nhường và đơn sơ tiếp đón tha nhân.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ Anh quốc, Ailen, Ðan Mạch, Islen, Malta, Nigeria, Indonesia, Canada và Hoa Kỳ và cầu chúc các ngày cuối cùng của Năm Thánh Lòng Thương Xót đem lại cho họ và gia đình họ nhiều ơn lành, niềm vui và hoà bình của Chúa.

Ðức Thánh Cha chúc các nhóm nói tiếng Ðức những ngày hành hương Roma sốt sắng và bổ ích và noi gương Chúa biết sống thương xót.

Chào các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, đặc biệt nhóm các linh mục và tín hữu Rio de Janeiro, Vatuporanga và Patos de Minas. ngài khích lệ họ thực thi các công việc của lòng thương xót, đem niềm vui và sự ủi an đến với mọi người để là các chứng nhân tình yêu thương dịu hiền của Thiên Chúa.

Với các nhóm Ba Lan ngài nói cửa Năm Thánh sắp đóng lại, nhưng Thiên Chúa không bao giờ đóng cửa trái tim thương xót của Ngài và dập tắt sự dịu hiền của Ngài với chúng ta.

Chào mấy ngàn tín hữu Hoà Lan cùng 7 Giám Mục toàn nước về Roma hành hương Năm Thánh, Ðức Thánh Cha chúc họ khám phá ra lòng thương xót của Chúa và thực thi các công việc thương xót phần xác cũng như phần hồn đối với tha nhân.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý Ðức Thánh Cha đặc biệt chào Liên hiệp các thầy dậy nghề mừng 60 năm thành lập. Ngài cầu chúc liên hiệp tiếp tục góp phần tạo thuận tiện cho những giai tầng yếu đuối nhất có cơ may gia nhập đời sống xã hội và kinh tế. Ngài cũng chào các hiệp hội Hồng thập tự Spoltore, hiệp hội "Cam Giáng Sinh" tỉnh Camisano Vicentino, các nhóm giáo xứ và sinh viên. Ðức Thánh Cha cầu mong Năm Thánh nhắc nhở mọi người biết sống thương xót như Thiên Chúa Cha, vì tình yêu thương khiến cho con người nhân bản và kitô hơn.

Chào người trẻ các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cuới ngài nhắc tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Chúng ta hãy nhớ tới những người làm ơn cho chúng ta và các linh hồn không được ai nhớ cầu nguyện cho, bằng cách xin lễ và dâng lời cầu nguyện và các hy sinh hãm mình cho họ. Chúng ta hãy đặc biệt nhớ tới linh hồn các nạn nhân động đất miền Trung Italia, cầu nguyện cho họ, cho thân nhân của họ, và tiếp tục liên đới với tất cả những ai đã chịu các thiệt hại do động đất gây ra.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page