Cầu nguyện đại kết tại Iraq
cho thành phố Mosul, Iraq
Cầu nguyện đại kết tại Iraq cho thành phố Mosul, Iraq.
Iraq (WHÐ 31-10-2016) - Năm 2017 sẽ là "Năm hoà bình ở Iraq", được các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô giáo tại Iraq cử hành để thúc đẩy hoà giải dân tộc và cứu đất nước khỏi tay các lực lượng ly khai vẫn luôn đe dọa sự thống nhất quốc gia, ngay cả sau khi Mosul và vùng Nineveh được giải phóng khỏi sự kiểm soát của lực lượng tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS). Ðây là đề nghị "thiết thực" của Ðức Thượng phụ Louis Raphael I Sako trong buổi cầu nguyện đại kết cho Mosul được giải phóng, cử hành hôm thứ Ba 25 tháng 10 năm 2016 tại Ankawa, một vùng ngoại ô của Erbil nơi sinh sống chủ yếu của các Kitô hữu.
Trong số đông đảo tham dự viên buổi cầu nguyện đại kết - diễn ra tại nhà thờ dâng kính Ðức Maria, Mẹ Hằng Cứu Giúp -, là các linh mục, tu sĩ nam nữ và nhiều giáo dân, cũng như các chính trị gia Kitô giáo, còn có Tổng giám mục Mar Gewargis III Sliwa, Thượng phụ Erbil thuộc Giáo hội phương Ðông Assyria; và Tổng giám mục Nicôđêmô Daoud Matti Sharaf của giáo phận Mosul thuộc Giáo hội Chính thống Syria.
Sau khi đọc Thánh vịnh và một đoạn trích Tin mừng theo Thánh Gioan, Ðức Thượng phụ Raphael Louis (Giáo hội Công giáo Canđê) phát biểu bày tỏ niềm hy vọng chung - nhờ lời cầu nguyện - rằng tiến trình giải phóng sẽ sớm diễn ra, và gây ít thương vong về nhân mạng nhất.
Vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Canđê bày tỏ lòng biết ơn tất cả các lực lượng tham gia vào các hoạt động quân sự, cụ thể là quân đội chủ lực Iraq và lực lượng dân quân Peshmerga của người Kurd. Ngài cũng nói đến các binh sĩ "Kitô giáo và Hồi giáo, Ả Rập, người Kurd và Turkmenia". Ðặc biệt, Ðức Thượng phụ Raphael Louis đề nghị công bố năm 2017 là "Năm hoà bình ở Iraq", với những buổi cầu nguyện đại kết và sáng kiến chung trong các Giáo hội để nuôi dưỡng "nền văn hoá hoà bình và cùng tồn tại" trong một đất nước đang bị xâu xé bởi cuộc xung đột giữa các giáo phái.
Theo Ðức Thượng phụ Raphael Louis, việc công bố Mosul được giải phóng sẽ kết hợp các lực lượng khác nhau và có thể trở thành khởi đầu của tiến trình hoà giải dân tộc dựa trên những lập trường và quan điểm chung, để tái lập ổn định và sự đoàn kết đã mất đi. Ðức Thượng phụ đã báo trước việc thành lập một ủy ban quy tụ các đại diện chính trị, xã hội, tôn giáo và văn hóa, được mời gọi cùng nhau vẽ lại tương lai của khu vực được giải phóng khỏi quân IS, trong cuộc đối thoại với cả chính quyền trung ương lẫn khu tự trị của người Kurd.
Trong bài phát biểu, Ðức Thượng phụ cũng nhắc lại rằng phải cấp thiết bảo vệ - bằng những sáng kiến cụ thể chứ không phải bằng lời nói suông - các nhu cầu của những Kitô hữu đã trốn chạy khỏi Mosul và các thành phố của vùng Nineveh trước đà tiến quân của lực lượng thánh chiến.
Ðối với Ðức Thượng phụ Raphael Louis, quốc gia Iraq, với nhiều thành phần dân tộc và tôn giáo khác nhau, phải "học được bài học này" và tận dụng cơ hội của cuộc giải phóng lịch sử thành phố Mosul để bắt đầu xây dựng một nền pháp trị thực sự, dựa trên nguyên tắc quyền công dân và có thể bảo đảm sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, không phân biệt đối xử dựa trên thành phần dân tộc và tôn giáo.
(Agenzia Fides)
Minh Ðức