Ðức Thánh Cha tham dự
lễ tưởng niệm 500 năm cuộc Cải Cách
Ðức
Thánh Cha tham dự lễ tưởng niệm 500 năm cuộc Cải Cách.
Ðức Thánh Cha tham dự lễ tưởng niệm 500 năm cuộc Cải Cách. |
Lund (Vat. 31-10-2016) - Ngày 31 tháng 10 năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến thành phố Lund, Thụy Ðiển, để cùng với Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách của Martin Luther.
Liên hiệp này hiện qui tụ 145 Giáo Hội Tin Lành Luther tại 98 quốc gia trên thế giới với tổng số 74 triệu tín đồ.
Lễ tưởng niệm có chủ đề là "Từ xung đột đến hiệp thông - Liên kết trong hy vọng" và diễn ra tại Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund. Việc tham dự lễ tưởng niệm cũng là chủ đích nguyên thủy và chính yếu chuyến viếng thăm đại kết của Ðức Thánh Cha tại Thụy Ðiển. Sau đó chương trình được kéo dài với thánh lễ ngài cử hành cho cộng đoàn Công Giáo Thụy Ðiển sáng ngày 1 tháng 11 năm 2016, lễ Các Thánh.
Thụy Ðiển rộng với 450 ngàn cây số vuông và dân số gần 9 triệu 750 ngàn dân, đa số theo Tin Lành Luther, vốn là quốc giáo tại Thụy Ðiển cho đến năm 2000.
Giáo Hội Công giáo chỉ được tái lập vào cuối thế kỷ 18 tại Thụy Ðiển và các tín hữu chỉ được hành đạo riêng tư. Hiện nay, Cộng đoàn Công Giáo tại đây họp thành một giáo phận duy nhất là giáo phận Stockholm với 115 ngàn tín hữu có đăng ký và con số thực tế nhiều gấp đôi nếu kể cả những người không đăng ký. Họ thuộc 44 giáo xứ do 127 Linh Mục coi sóc, cùng với 30 phó tế vĩnh viễn và 168 nữ tu, theo niên giám mới nhất của Tòa Thánh..
Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Ðiển là Giáo Hội gồm những người nhập cư với khoảng hơn 80 ngôn ngữ khác nhau trong các giáo xứ. Các thứ tiếng có nhiều tín hữu nhất là Arập, Eritreo, Croat, Ba Lan, Sloveni, Ucraina và Việt Nam. Hơn 80% các tín hữu Công Giáo tại nước này là người nhập cư hoặc con cái của những người nhập cư. Có một số nhỏ là người Tin Lành Thụy Ðiển trở lại Công Giáo.
Buổi cầu nguyện đại kết tưởng niệm
Ðức Thánh Cha đã từ Roma bay tới phi trường thành phố Malmoe, có 323 ngàn dân cư, lúc gần 11 giờ sáng ngày 31 tháng 10 năm 2016 và được thủ tướng Stefan Loefven, cùng với bà Bộ trưởng văn hóa và dân chủ, Alice Bah-Kuhnke, đón tiếp cùng với một số vị lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là các Giám Mục Công Giáo Bắc Âu và một số thành viên Liên Hiệp tin lành Luther thế giới.
Lúc quá một giờ rưỡi trưa, Ðức Thánh Cha đã đến hoàng cung Kunghuset ở thành phố Lund, để gặp gỡ hoàng gia với vua Carl XVI Gustav và hoàng hậu Silvia. Tiếp đến ngài đến Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund để tham dự buổi tưởng niệm cuộc cải cách.
Lund chỉ có 82 ngàn dân cư, được chọn làm nơi cử hành buổi lễ tưởng niệm, vì đây là nơi các Giáo Hội Tin Lành Luther trên thế giới đã nhóm họp năm 1947 để thành lập Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới, năm 2017 là kỷ niệm 70 năm thành lập. Ngày 31 tháng 10 được chọn để nhắc lại ngày cải cách: 31 tháng 10 năm 1517, Martin Luther yết thị 95 mệnh đề của ông tại cửa Nhà thờ lâu đài Wittemberg bên Ðức.
Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund rất cổ kính, có từ hơn 1 ngàn năm nay, được xây cất hồi năm 1080. Khi đến nay, lúc gần 2 giờ 30, Ðức Thánh Cha đã được bà Tổng Giám Mục Antje Jackelén, giáo chủ Tin Lành Luther Thụy Ðiển và Ðức Giám Mục Công Giáo Anders Arborelius của giáo phận Stockholm chào đón tại cửa thánh đường và cùng đi rước tiến lên bàn thờ chính. Cùng thuộc đoàn rước này có các đại diện của Liên hiệp Luther thế giới.
Trong số 600 khách mời hiện diện tại buổi cầu nguyện có hoàng gia Thụy Ðiển và chính quyền nước này.
Trong buổi cầu nguyện, hai đại diện của Tin Lành Luther và Công Giáo đã nhìn nhận những đau thương các tín hữu hai Giáo Hội đã gây ra cho nhau trong lịch sử và cầu xin ơn tha thứ của Chúa.
Sau các bài đọc sách thánh, là bài giảng của Mục Sư Martin Junge, Tổng thư ký Liên Hiệp Tin Lành Luther thế giới. Mục sư diễn giải ý nghĩa bài đọc Tin Mừng theo thánh Gioan về lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ ở lại trong Người như nhánh gắn vào thân cây nho.
Mục Sư Tổng thư ký
Mục sư Junge nói: Khi thấy Chúa Giêsu Kitô ở giữa chúng ta, chúng ta bắt đầu nhìn nhau một cách khác. Chúng ta nhìn nhận có rất nhiều điều liên kết chúng ta hơn là những điều chia rẽ. Chúng ta là một trong bí tích rửa tội. .. Chúng ta họp nhau nơi đây và sẵn sàng tái khám phá chúng ta là ai trong Chúa Kitô. .. Phép rửa tội là lời loan báo ngôn sứ chữa lành và hiệp nhất giữa thế giới bị tổn thương của chúng ta, nhờ đó biến thành một hồng ân hy vọng giữa một cộng đoàn nhân loại khao khát sống an bình trong công lý và trong sự khác biệt được hòa giải. Thật là một mầu nhiệm sâu xa dường nào: điều mà các dân tộc và cá nhân đang sống trong những tình trạng bạo lực và áp bức đang kêu gào cũng là điều phù hợp với điều mà Thiên Chúa nói nhỏ vào tai chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô, là gốc nho đích thực mà chúng ta được gắn liền vào. Khi kết hiệp với gốc nho ấy, chúng ta sẽ mang lại hoa trái an bình, công lý, hòa giải, thương xót và liên đới mà dân Chúa đang cầu xin và Thiên Chúa tạo nên.
Bài giảng của Ðức Thánh Cha
Về phần Ðức Thánh Cha, trong bài giảng, ngài đi từ câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: "Các con hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong các con" (Ga 15,4) để nói lên ước muốn này: Cũng như Chúa Giêsu hiệp nhất với Chúa Cha, cả chúng ta cũng phải hiệp nhất với Chúa nếu chúng ta muốn mang lại hoa trái. Ngài nói:
"Trong cuộc gặp gỡ cầu nguyện này ở thành Lund này, chúng ta muốn biểu lộ ước muốn chung của chúng ta hiệp nhất với Chúa để có sự sống. Chúng ta cầu xin: "Lạy Chúa, xin giúp chúng con bằng ơn thánh của Chúa, để chúng con hiệp nhất hơn với Chúa để cùng nhau làm chứng tá tin cậy mến hữu hiệu hơn". Và đây cũng là lúc cảm tạ Thiên Chúa vì sự dấn thân của bao nhiêu anh chị em chúng ta, thuộc các cộng đoàn Giáo Hội khác nhau, không cam chịu sự chia rẽ, nhưng đã duy trì sinh động niềm hy vọng hòa giải giữa tất cả những người tin nơi Chúa duy nhất".
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng:
"Người Công Giáo và Luther chúng ta đã bắt đầu đồng hành trên con đường hòa giải. Giờ đây, trong bối cảnh kỷ niệm chung cuộc cải cách năm 1517, chúng ta có cơ hội mới để đón nhận một hành trình chung, đã hình thành trong 50 năm qua, với cuộc đối thoại đại kết giữa Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới và Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta không thể cam chịu sự chia rẽ và xa cách mà sự chia rẽ đã tạo ra nơi chúng ta. Chúng ta có thể sửa chữa trong một thời điểm quan trọng của lịch sự chúng ta, vượt thắng những tranh cãi và hiểu lầm thường ngăn cản chúng ta cảm thông nhau...
"Chúng ta cũng cần nhìn lại quá khứ của chúng ta trong tinh thần yêu thương và lương thiện và nhìn nhận lỗi lầm, rồi xin lỗi: chỉ có Thiên Chúa là thẩm phán. Với cùng tinh thần yêu và lương thiện, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng sự chia rẽ của chúng ta xa rời trực giác nguyên thủy của Dân Chúa, vốn tự nhiên mong ước điệp hiệp nhất, và sự chia rẽ ấy được kéo dài trong lịch sự do những người quyền thế ở trần gian này hơn là do ý muốn của dân trung thành, luôn luôn và tại mỗi nơi, họ đang cần được vị Mục Tử Nhân Lành hướng dẫn một cách vững chắc và dịu dàng. Tuy nhiên có một ý chí chân thành từ cả hai bên muốn tuyên xưng và bảo vệ đức tin chân chính; và chúng ta cũng ý thức rằng chúng ta khép kín nơi chính mình vì sợ hãi hoặc vì thành kiến đối với đức tin mà người khác tuyên xưng với sắc thái và ngôn ngữ khác nhau. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã từng nói: "Chúng ta không được để cho mình bị hướng dẫn do ý hướng muốn đặt mình làm người xét xử lịch sử, nhưng chỉ do ý hướng hiểu rõ hơn những biến cố và trở thành những người mang chân lý" (Sứ điệp gởi Ðức Hồng Y Johannes Willebrands, 31-10-1983). Thiên Chúa là chủ vườn nho, và với lòng yêu thương bao la, Ngài nuôi dưỡng và bảo vệ vườn nho; chúng ta hãy để cho mình cảm động vì cái nhìn của Thiên Chúa; điều duy nhất mà Chúa muốn, đó là chúng ta hiệp nhất như cành nho gắn vào Chúa Giêsu Con của Ngài". Sau buổi cầu nguyện vào lúc gần 4 giờ chiều, Ðức Thánh Cha giã từ hoàng gia, rồi cùng đoàn xe tiến về thành phố Malmoe cách đó 28 cây số về hướng đông nam để cử hành phần thứ 2 của lễ tưởng niệm cải cách. Phần này có sự tham dự của 10 ngàn tín hữu, kể cả đại diện của nhiều Giáo Hội Kitô khác.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)