Tổ chức "Cứu Trẻ Em"

và chiến dịch "Cho tới trẻ em cuối cùng"

 

Tổ chức "Cứu Trẻ Em" và chiến dịch "Cho tới trẻ em cuối cùng".

Roma (Vat. 27-10-2016) - Trong các ngày từ 17 tháng 10 cho tới mùng 8 tháng 11 năm 2016 tổ chức "Cứu Trẻ Em" phân bộ Italia đã phát động chiến dịch quyên góp với khẩu hiệu "Cho tới trẻ em cuối cùng" để trợ giúp chục hàng triệu trẻ em không may mắn phải sống trong cảnh nghèo túng, bệnh tật, thất học và bị kỳ thị. Chiến dịch này được sự ủng hộ của các nghệ sĩ cũng như các lực sĩ thể thao thể dục. Số tiền quyên góp được sẽ dành để tài trợ cho các chương trình do tổ chức đề ra tại Italia, Mozambic, Etiopia, Malawi và Nepal.

Theo thống kê của tổ chức hiện nay trên thế giới hằng năm có 6 triệu trẻ em phải chết vì các thứ bệnh có thể chữa được rất dễ dàng và có thể phòng ngừa, và có 60 triệu trẻ em trong lứa tuổi 6 tới 11 tuổi không được cắp sách tới trường, trong đó có 58 triệu trẻ em thuộc các nước nghèo nhất. Trên thế giới có 400 triệu trẻ em duới 13 tuổi phải sống trong cảnh nghèo túng cùng cực, và 400 triệu trẻ em bị kỳ thị vì lý do tôn giáo, chủng tộc, vì tàn tật hay vì phái tính.

Thật ra đây chỉ là các phỏng đoán, vì ngoài các quốc gia tây âu tân tiến ra, tại các nước nghèo Á châu, Phi châu và châu Mỹ Latinh không có các thống kê chính thức, và có lẽ nhiều chính quyền cũng không tha thiết gì với việc cải tiến an sinh cho dân, nên các loại thống kê lại càng hiếm hơn.

Khi duyệt lại lịch sử thế giới trong các thập niên qua, người ta nhận thấy đã có các tiến bộ quan trọng trong việc chống lại số tử vong của các trẻ em và tạo điều kiện cho các trẻ em được học hành. Từ năm 1990 số trẻ em chết dưới 5 tuổi vì các bệnh có thể phòng ngừa và chữa được đã giảm phân nửa và từ năm 2000 số trẻ em không đi học giảm xuống 42%. Tuy nhiên, vẫn còn có hàng chục, nếu không nói là hàng trăm triệu trẻ em bị loại khỏi các tiến bộ này. Các em thiếu mọi sự kể cả những gì tối thiểu nhất như thực phẩm, nước uống, các săn sóc sức khoẻ và không được giáo dục học hành. Ông Valerio Neri giám đốc tổ chức "Cứu Trẻ Em" phân bộ Italia nói: "Chúng là những trẻ em không có tương lai".

Bản tường trình của tổ chức Cứu Trẻ Em phân bộ Italia cũng cho biết cảnh nghèo túng và khoảng cách xã hội với các hiện tượng đi kèm là các vấn đề không chỉ liên quan tới các quốc gia nghèo hay các nước đang trên đường phát triển. Trong các nước có lợi tức cao nền kinh tế tiến triển đã cho phép cải tiến các mức sống thoải mái của người dân. Tuy nhiên, trong các quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu châu có khoảng 27% trẻ em vị thành niên có nguy cơ sống trong nghèo túng và bị loại trừ khỏi cuộc sống xã hội. Chỉ riêng tại Italia có 1 triệu trẻ em không có những gì cần thiết để lớn lên, và không có cơ may được giáo dục, trong khi có 2 triệu trẻ em sống trong tình trạng túng thiếu tương đối. Vẫn tại Italia một phần mười trẻ em không thể có quần áo mới, và một phần hai mươi trẻ em không có một bữa ăn đầy đủ chất đạm mỗi ngày.

Liên quan tới số tử vong của trẻ em trên thế giới còn có rất nhiều trẻ em không có quyền sống, hay không có tuổi thơ và tuổi thanh niên chắc chắn, như được Bản tuyên ngôn quyền của các trẻ em thừa nhận. Bản tường trình của tổ chức "Cứu Trẻ Em" cho biết mỗi ngày có 16,000 trẻ em dưới 5 tuổi phải chết vì các bệnh có thể phòng ngừa hay chữa trị một cách dễ dàng. Các môi trường xã hội càng nghèo số tử vong của trẻ em càng cao, vì các em phải sống trong các điều kiện vệ sinh, y tế và dinh dưỡng yếu kém, kể cả việc không có nước trong lành để uống. Chỉ cần nghĩ tới sự kiện chỉ có 68% tổng số dân sống trong các nước nam sa mạc Sahara có nước trong lành để uống, thì có thể hiểu được tầm nghiêm trọng của vấn đề.

Sự kiện không thể có các quyền nền tảng cần thiết cho sự sống như quyền có thực phẩm và nước uống đối với các trẻ em nghèo nhất thường có nghĩa là án tử, và là lý do khiến cho các em chết trước khi lên 5 tuổi. Nhưng không phải chỉ có điều kiện kinh tế xác định các khả thể sống sót của một trẻ em. Các trẻ em sống trong các vùng ngoại ô, các khu xóm ổ chuột nghèo có nguy cơ chết 1.7 lần nhiều hơn so với các trẻ em sống trong các thành phố.

Ngay từ khi sinh ra các trẻ em của vài vùng trên trái đất đã phải gánh chịu thiệt thòi hơn: tại vùng Ðông và Nam Phi châu chỉ có 45% các bà mẹ mang thai đi khám 4 lần như tổ chức sức khỏe thế giới OMS khích lệ, và chỉ có 49% phụ nữ là được trợ giúp bởi nhân viên y tế chuyên nghiệp khi sinh con, tức là thua mức trung bình toàn cầu 26 lần. Các trẻ em sống trong các vùng quê lại càng thiệt thòi hơn nữa. Vì chỉ có 22% là được hưởng các săn sóc y tế, trong khi tại các thành phố là 56%. Số tử vong của các bà mẹ vùng quê chết khi sinh con cũng cao hơn 2,5 lần số tử vong của các bà mẹ sống trong các thành phố.

Ông Valerio Neri cũng nêu bật rằng các trẻ em dễ bị tổn thương nhất là các trẻ em vô hình và bị lãng quên. Ðó là các trẻ em phải sống trong các nước có chiến tranh, hay chỉ đơn sơ là trong các vùng xa xôi hẻo lánh, hoặc bị thiệt thòi. Chúng là những người nghèo nhất trong các người nghèo. Bên cạnh đó còn có các trẻ nữ, các trẻ em di cư tỵ nạn, các trẻ em tàn tật, hay các trẻ em thuộc các chủng tộc và tôn giáo thiểu số. Các em không có được những gì mà mỗi trẻ em phải có: thực phẩm, nước uống, các săn sóc y tế đầy đủ, trường học. Cả khi trong các năm qua thế giới đã có các tiến bộ lớn, nhưng vẫn còn có 145 triệu trẻ em dưới 5 tuổi là nạn nhân của nạn thiếu dinh dưỡng kinh niên. Và đây là điều không thể chấp nhận được.

Trong số các trẻ em phải chết trước khi lên 5 tuổi cũng có các trẻ em phải sống trong những vùng có các tai ương thiên nhiên vì khí hậu thay đổi. Có khoảng 26.5 triệu trẻ em sống trong các nước Ðông và Nam Phi châu đã là nạn nhân của hiện tượng El Ninho, gây ra cảnh nóng nực và các vụ lũ lụt. Cũng là nạn nhân các cộng đoàn thường phải di chuyển để tìm nước uống, thực phẩm, đồng cỏ cho súc vật, và tìm công ăn việc làm, và họ càng xa rời các dịch vụ sức khỏe và an ninh xã hội hơn.

Liên quan tới việc thiếu đào tạo giáo dục. Việc đào tạo giáo dục là một trong các dụng cụ hữu hiệu nhất giúp bẻ gẫy cái vòng luẩn quẩn của nghèo túng. Tuy có các tiến bộ kể từ năm 2000 tới nay vẫn còn có rất nhiều trẻ em trên thế giới chưa được cắp sách đến trường. Trong các nước nghèo nhất có 58 triệu trẻ em không được đi học, trong đó có 18 triệu sống tại vùng Trung và Tây Phi châu, sinh ra và lớn lên trong các vùng đồng quê và không có cơ may đi học. Trong các vùng này chỉ có 79% dân theo học mẫu giáo so với 91% tại các vùng thành thị. Trẻ em sinh ra ở thành thị có 1.4 cơ may nhiều hơn trẻ em sinh ra tại các vùng ngoài thành phố. Trong 63 quốc gia có lợi tức thấp và lợi tức trung bình 20% dân chúng nghèo có nguy cơ không được giáo dục học hành tốt 4 lần cao hơn so với lớp người giầu.

Bản tường trình của tổ chức "Cứu Trẻ Em" cho biết tình trạng nghèo túng và cách biệt xã hội không chỉ liên quan tới dân chúng của các quốc gia có lợi tức thấp hay trung bình, mà cũng liên quan tới cuộc sống của hàng triệu trẻ em sống tại các quốc gia kỹ nghệ giầu có tân tiến hơn. Ông Neri cho biết điển hình như tại Italia vẫn còn có quá nhiều trẻ em không có cơ may, trẻ em không một ngày mai. Các em thuộc các gia đình gặp khó khăn trong việc trả tiền cho con tới vườn trẻ hay tiền ăn trưa, và không thể mua quần áo và nuôi nấng con cái đúng đắn. Các em là con cái hàng triệu cha mẹ không có tiền mua sách học cho con, hay bảo đảm cho con cái có thể tham gia các sinh hoạt ngoài trường học. Các em là những người sống trong các vùng thiếu thốn các phục vụ, và trong các khu phố nghèo của các thành phố lớn. Và tại Italia tình trạng nghèo túng và loại trừ xã hội, đặc biệt là tại miền nam Italia cao hơn vài vùng địa lý khác. Tại miền nam Italia 9% dân sống trong tình trạng nghèo túng tuyệt đối, so với 4.5% tại miền trung và miền bắc; và 20% sống tình trạng nghèo tương đối, so với 6% tại các vùng khác.

Số người trong gia đình cũng ảnh hưởng trên tình trạng nghèo túng với 31% gia đình có hơn 5 người sống trong cảnh nghèo túng tưong đối, và 17% sống trong cảnh nghèo túng tuyệt đối.

Cảnh sống thiếu thốn trong các gia đình tại Italia gây ra các âm hưởng trên đời sống của trẻ em. Chỉ cần nghĩ tới 1/10 các em không thể có quần áo mới, 1/16 các em không có đồ chơi, 1/13 các em không có các sách ngoài các sách cần cho trường học và 1/9 các em không có đủ chỗ trong gia đình để học, trong khi 1/7 các em không thể giải trí ngoài nhà. Tất cả các điều kiện này để lại các dấu vết trên hạnh phúc của các em, và cuộc sống xã hội của các em bị liên lụy vì tiềm năng và khả thể xây dựng tương lai của các em bị đe dọa nặng nề. Ông Neri khẳng định rằng thật là điều không thể chấp nhận được ngày nay trong ngàn năm thứ ba này mà còn có các điều kiện như nơi sinh, sự tuỳ thuộc chủng tộc hay tôn giáo, tình trạng kinh tế gia đình hay là trai hoặc là gái, định đoạt phẩm chất cuộc sống của một trẻ em hay chính sự sống còn của nó. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để loại trừ sự kỳ thị và chiến đấu chống lại các hàng rào ngăn cản hàng triệu trẻ em dễ bị tổn thương, không được săn sóc sức khỏe và không được giáo dục. Tắt một lời, tất cả nhũng gì hạn chế quyền lợi của các em.Và chúng tôi sẽ không đầu hàng cho tới khi nào đạt tới trẻ em cuối cùng.

Chính trong ý hướng đó trong các năm từ 2009 tới 2015 tổ chức "Cứu Trẻ Em" đã dấn thân phát động chiến dịch "Mỗi người" để chống lại số tử vong của trẻ em và bảo đảm sự sống còn cho các em dưới 5 tuổi. Chỉ nội trong năm ngoái chương trình cải tiến sức khỏe đã trợ giúp 25 triệu phụ nữ và trẻ em. Riêng tại Italia trong năm 2015 đã có 30,000 trẻ em được hưởng các can thiệp chống lại nghèo túng. Tổ chức Cứu Trẻ Em đã thành lập 18 Ðiểm Ánh Sáng, tức các trung tâm giáo dục và 6 trung tâm "Lọn Tuyết" trong nhà thương để cung cấp các thông tin, lắng nghe và yểm trợ các bà mẹ và trẻ sơ sinh trong nhà thương cũng như 6 "Không Gian các bà Mẹ" trong 5 thành phố Italia, để hỗ trợ các bà mẹ và trẻ em từ sơ sinh tới 6 tuồi chống lại cảnh nghèo túng và cung cấp cho các bà và con cái thực phẩm lành mạnh.

Chiến dịch "Cho tới trẻ em cuối cùng" không chỉ tiếp tục các sinh hoạt của chiến dịch "Mỗi người" kể trên, mà còn nới rộng thêm nhằm bảo đảm cho từng trẻ em tại Italia và trên thế giới có các săn sóc thích hợp, có thực phẩm dinh dưỡng và cơ may được giáo dục. Mọi người đều có thể tham gia tặng 2 Euros bằng cách gửi tin nhắn SMS trên các điện thoại di động TIM, Vodafone, WIND, 3, và Tiscali cho số 45567. Ngoài ra cũng có thể đóng góp qua hệ thống liên mạng. Chiến dịch quyên góp cũng được quảng cáo trên các đài phát thanh và truyền hình RAI TV, Radio RAI, Mediaset, La7, Radio Capital. Nhiều văn nghệ sĩ cũng như các cầu thủ túc cầu Italia tham gia đóng góp cho chiến dịch lạc quyên. Bên cạnh đó có nhiều hãng xưởng, tổ chức doanh thương và các hãng truyền thông cũng đóng góp và giúp phát động chiến dịch. Thêm vào đó là 1.600 thiện nguyện viên chia thành 30 nhóm hoạt động quảng bá chiến dịch rải rác khắp nơi trên toàn nước Italia.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page