Ðức Thánh Cha kêu gọị cầu nguyện

cho hoà bình hoà giải tại Iraq

 

Ðức Thánh Cha kêu gọị cầu nguyện cho hoà bình hoà giải tại Iraq.

Vatican (Vat. 23-10-2016) - Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho hoà bình tại Iraq. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với khoảng 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trưa Chúa Nhật 23 tháng 10 năm 2016 Ðức Thánh Cha đã mời mọi người hợp ý cầu nguyện cho dân nước Iraq. Ngài nói:

Trong các giờ thê thảm này, tôi gần gũi toàn dân Iraq, đặc biệt dân thành Mossul. Tâm hồn chúng ta bị rúng động bởi các hành động bạo lực người ta đang vi phạm từ quá lâu chống lại dân chúng vô tội, hồi giáo cũng như kitô, thuộc các chủng tộc và các tôn giáo khác nhau. Tôi đau đớn nghe tin việc sát hại lạnh lùng nhiều người con của vùng đất thân yêu này, trong đó có biết bao nhiêu là trẻ em. Sự tàn ác này khiến cho chúng ta khóc và không nói lên lời. Cùng với tình liên đới là việc bảo đảm của tôi nhớ tới họ trong lời cầu nguyện, để Iraq, tuy bị đánh phá khốc liệt, nhưng mạnh mẽ và vững vàng trong niềm hy vọng có thể tiến tới một tương lai an ninh, hoà giải và hoà bình. Vì thế xin tất cả mọi người hiệp ý cầu nguyện trong thinh lặng.

Sau một chút thinh lặng Ðức Thánh Cha đã cùng tín hữu đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện theo ý chỉ này. Ngài cũng chào các tín hữu Ba Lan về hành hương Roma trong ngày lễ nhớ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II 22 tháng 10, và dịp mừng 1,050 năm ngày Ba Lan lãnh nhận Tin Mừng. Ðức Thánh Cha cũng chào các ca viên tham dự Năm Thánh các ca đoàn Italia, các bạn trẻ thành viên các huynh đoàn các giáo phận Italia, cũng như cộng đoàn Perù sống tại Roma với hình Ðức Bà de los Milagros.

Trước đó Ðức Thánh Cha đã giải thích thư thứ 2 thánh Phaolô gửi Timôthê, cộng sự viên thân tín và là con của ngài, trong đó thánh nhân suy tư về cuộc sống tông đồ của ngài đã hoàn toàn thánh hiến cho việc truyền giáo (2 Tm 4,6-8.16-18). Ðức Thánh Cha nói: khi thấy việc kết thúc cuộc sống dương thể của ngài đã tới gần, thánh Phaolô miêu tả nó bằng cách quy chiếu về ba thời điểm: hiện tại, quá khứ và tương lai.

Ngài giải thích hiện tại với ảm tỷ hy lễ: "Tôi sắp đổ máu ra làm lễ tế" (c.6). Với quá khứ thánh nhân chỉ cho thấy cuộc đời đã sống với các hình ảnh của "trận chiến đấu tốt" và "cuộc chạy đua" của một người trung thực với các dấn thân và trách nhiệm của mình (c.7), và đối với tương lai ngài tín thác cho sự thừa nhận của Thiên Chúa, là thẩm phán "công bằng" (c.8). Ðức Thánh Cha giải thích như sau:

Nhưng sứ mệnh của thánh Phaolô được hữu hiệu, đúng đắn và trung thành chỉ nhờ sự gần gũi và sức mạnh của Chúa, là Ðấng đã làm cho ngài trở thành một người loan báo Tin Mừng cho tất cả các dân tộc. Thánh nhân nói: "Nhưng có Chúa đứng bên cạnh và đã ban sức mạnh cho tôi, để tôi có thể hoàn thành việc loan báo Tin Mừng và để tất cả mọi người được lắng nghe Tin Mừng" (c. 17).

Ðức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Trong trình thuật này của thánh Phaolô phản ánh Giáo Hội, đặc biệt hôm nay là Ngày Quốc Tế Truyền Giáo có đề tài là "Giáo Hội truyền giáo, chứng nhân của lòng thương xót". Nơi thánh Phaolô cộng đoàn kitô tìm thấy mẫu gương của mình trong xác tín rằng chính sự hiện diện của Chúa khiến cho công tác tông đồ và công việc rao giảng Tin Mừng được hữu hiệu. Kinh nghiệm của Tông Ðồ dân ngoại nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta phải dấn thân trong các hoạt động mục vụ và truyền giáo, một đàng như kết quả tùy thuộc nơi các cố gắng của chúng ta với tinh thần hy sinh của lực sĩ không dừng lại cả trước các thất bại; nhưng đàng khác biết rằng sự thành công đích thực trong sứ mệnh của chúng ta là món quà của Ơn Thánh: chính Chúa Thánh Thần khiến cho việc truyền giáo của Giáo Hội trong thế giới được hữu hiệu.

Ngày nay là thời của việc truyền giáo và thời của lòng can đảm! Can đảm củng cố các bước chân chao đảo, can đảm lấy lại khẩu vị của việc tiêu hao cho Tin Mừng, tái chiếm lại sự tin tưởng nơi sức mạnh, mà việc truyền giáo có trong chính nó. Ðây là thời can đảm, cả khi can đảm không có nghĩa là có bảo đảm và thành công. Ðức Thánh Cha nói thêm:

Chúng ta được đỏi hỏi có can đảm để chiến đấu, không nhất thiết để chiến thắng; để loan báo, không nhất thiết để hoán cải. Chúng ta được đòi hỏi có can đảm để là các giải pháp khác cho thế giới, nhưng không trở thành tranh cãi hay hiếu chiến. Chúng ta được đòi hỏi có can đảm rộng mở cho tất cả mọi người, mà không bao giờ giảm thiểu sự tuyệt đối và tính cách duy nhất của Chúa Kitô, là Ðấng cứu độ duy nhất của tất cả mọi người. Chúng ta được đòi hỏi có can đảm để kháng cự lại sư nghi ngờ, mà không trở thành ngạo mạn. Chúng ta cũng được đỏi hỏi có lòng can đảm của người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay, khiêm tốn không dám hướng mắt lên trời, nhưng đấm ngực nói: "Lậy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi". Hôm nay là thời điểm của lòng can đảm! Ngày nay cần lòng can đảm!

Xin Ðức Trinh Nữ Maria, mẫu gương của Giáo Hội "đi ra" và ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta tất cả là môn đệ truyền giáo, nhờ sức mạnh Bí tích Rửa Tội của chúng ta, để đem sứ điệp cứu rỗi tới cho toàn gia đình nhân loại.

Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page