Phỏng vấn Linh Mục Antonio Spadaro
và Linh Mục Federico Lombardi
về Tổng tu nghị lần thứ 36 của dòng Tên
Phỏng vấn Linh Mục Antonio Spadaro và Linh Mục Federico Lombardi về Tổng tu nghị lần thứ 36 của dòng Tên.
Roma (SD 27-09-2016; Vat. 11-10-2016) - Từ ngày mùng 2 tháng 10 năm 2016, 215 đại biểu dòng Tên đến từ 66 tỉnh dòng khắp nơi trên thế giới, trong đó có 212 vị có quyền bầu cử, đã bắt đầu họp Tổng tu nghị lần thứ 36 với khẩu hiệu "Ra khơi, hướng tới nơi sâu nhất". Khẩu hiệu được gợi ý bởi khích lệ của Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra cho các tu sĩ trong lần gặp gỡ năm 2014, trong đó ngài đã khuyên các tu sĩ biết phân định trong các thời điểm khó khăn và cùng nhau chèo chống con thuyền của dòng trong việc phục vụ Giáo Hội. Như là tu sĩ dòng Tên Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tham dự hai Tổng tu nghị lần thứ 32 và thứ 33 của dòng.
Mục đích của tổng tu nghị lần thứ 36 là để bầu bề trên Tổng quyền thứ 31 thay thế cha Adolfo Nicolas 80 tuổi, và thảo luận về các vấn để của dòng, đặc biệt là việc canh tân cuộc sống dòng Tên và sứ mệnh của dòng trong Giáo Hội. Trước hết tổng tu nghị có nhiệm vụ chấp nhận việc từ chức của cha Adolfo Nicolas, rồi tiến hành việc bầu tân bề trên tổng quyền, sau đó duyệt xét các vấn đề của dòng. Sau khi chấp thuận việc từ chức của cha Adolfo Nicolas, các đại biểu nghe tường trình về hiện tinh của dòng để nhận ra đâu là các đặc tích mà vị tân bề trên tổng quyền cần phải có. Từ đó trở đi trong mấy ngày là thời gian cầu nguyện, thinh lặng và chay tịnh, cũng còn gọi là thời gian "thì thầm", trong đó các đại biểu có thể hỏi tin tức, nói chuyện riêng với nhau, với tính cách cá nhân và trao đổi ý kiến. Ðây là thời gian phân định. Cấm mọi quảng cáo hay đối chiếu nhóm với nhau. Ðể được trúng cử cần phải có hơn 50% tổng số phiếu, hay 50 phần trăm cộng 1, tức ít nhất 107 phiếu. Tên của cha tân tổng quyền sẽ được thông báo cho Ðức Thánh Cha Phanxicô, rồi được công bố chính thức.
Dòng Tên đã được thánh Ignazio thành Loyola thành lập năm 1540 và được Ðức Giáo Hoàng Phaolô III phê chuẩn ngày 27 tháng 9 năm 1540. Hiện nay dòng có tất cả 16,740 tu sĩ, trong đó có 12,000 linh mục, 1,300 tu huynh, 2,700 kinh viện và 753 tập sinh. Số ơn gọi gia tăng tại Á châu và Phi châu: 60% các tu sĩ kinh viện và tập sinh đến từ Á châu và Phi châu, trong khi số tu sĩ Âu châu và Mỹ châu giảm sút. Âu châu có 5,000, Mỹ châu 5,000, trong đó có 2,600 Bắc Mỹ và 2,400 Nam Mỹ, 5,600 đến từ Á châu trong đó có 4,000 đến từ Ấn Ðộ, và có 1,600 đến từ Phi châu.
- Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định của cha Federico Lombardi, nguyên Tổng giám đốc đài phát thanh Vaticăng, nguyên giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh, hiện là phụ tá và tổng cố vấn tổng tu nghị.
Hỏi: Thưa cha, cha nghĩ gì về tổng tu nghị của dòng Tên mà cha là một trong các thành viên đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, như Giám tỉnh của dòng tại Italia?
Ðáp: Ðây là một kinh nghiệm quan trong cả trên bình diện cuộc sống tinh thần nữa. Trong 4 ngày một người có thể có rất nhiều cuộc nói chuyện và gặp gỡ cá nhân. Dĩ nhiên là mỗi đại biểu dành thời giờ để cầu nguyện và suy tư, nhưng cũng có thể hiểu biết và tìm gặp các tu sĩ của các vùng khác nhau trên thế giới, và đưa ra các câu hỏi nhắm mục đích của tu nghị. Sự kiện khó giải thích, nhưng thực sự xảy ra là trong các ngày này sự đồng thuận nảy sinh mà không cần phải có các cuộc thảo luận hay gặp gỡ chung, nhưng chỉ nhờ mạng lưới liên tục tích cực trao đổi và thông truyền cá nhân này mà thôi. Như thế điều lo âu rất đẹp của thánh Ignazio đó là tránh các phe nhóm, tạo áp lực và kiểu tiến hành này bảo đảm cho điều ấy. Việc lưu hành các tin tức hữu ích để có một tư tưởng giúp định hướng hiện hữu, và nó hiện hữu một cách mạnh mẽ. Trong nghĩa này, như tôi đã nói, sự thực là trong các lần bầu cử cuối cùng, và tôi tin là trong rất nhiều lần bầu cử trước đó nữa, sự đồng thuận được đạt tới một cách rất là nhanh chóng.
Hỏi: Thưa cha, ba vị Tổng quyền cuối cùng của dòng Tên đã xin từ chức. Ðây có phải là một sự mới mẻ đối với quá khứ không?
Ðáp: Trong Hiến Pháp dòng Tên, do thánh Ignazio soạn thảo việc bầu làm bề trên kéo dài trọn đời, nghĩa là không có thời hạn. Và nó tiếp tục có hiệu lực. Dòng đã không thảo luận về vấn đề này. Ðồng thời cũng không loại bỏ một khả thể và một tiến trình thích hợp cho việc từ chối hay các từ nhiệm. Thật ra trong một thế giới như thế giới của chúng ta, trong đó cuộc sống kéo dài hơn, vì các điều kiện y tế tốt hơn, thì ngày càng thường xuyên sự kiện thích hợp có một thời hạn, chứ một trách nhiệm không kéo dài quá lâu, khi vì lý do cao niên hay vì các bệnh tật hoặc lý do nào khác mà sức lực giảm sút. Vì vậy từ vài thập niên qua cũng đã có tiến trình từ nhiệm: Bề trên tổng quyền có thể bầy tỏ ước muốn từ nhiệm, nhưng có một loạt các tham khảo ý kiến cần làm, và đề nghị việc từ nhiệm lên Tổng tu nghị, là cơ quan duy nhất có quyền chấp thuận và bầu vị tân tổng quyền kế vị. Cha Arupe đã đề nghị từ nhiệm, nhưng đã không thể làm. Rồi cha bị tai biến mạch máu não và không thể thi hành chức vụ nữa. Vì thế đã xảy ra việc từ nhiệm và bầu người kế vị, khi ngài đã bệnh nặng. Hai vị cuối cùng là cha Kolvenbach và cha Nicolas trái lại đã khiến cho tiến trình này hoạt động, và đã loan báo ý định từ nhiệm.
- Tiếp theo đây là một vài nhận định của cha Antonio Spadaro, giám đốc nguyệt san Văn Minh Kitô của dòng Tên.
Hỏi: Thưa cha cha nghĩ gì về Tổng tu nghị lần này của dòng Tên?
Ðáp: Ðây là Tổng tu nghị đầu tiên triệu tập dưới triều đại của một Giáo Hoàng dòng Tên. Dĩ nhiên, nó thật là một thời điểm rất đặc biệt đối với thế giới có các thách đố lớn thuộc mọi bình diện văn hoá và chính trị, cũng như đối với dòng Tên là dòng, do ý muốn của các Giáo Hoàng, luôn luôn ở biên giới, tại các nơi và các ngã tư, tại các nơi có sự trao đổi mạnh mẽ giữa đức tin và nền văn hóa. Như thế, Tổng tu nghị lần này sẽ được mời gọi mở lớn mắt trên toàn cầu với các đại biểu đến từ nhiều lục địa, vì thế với các phong phú và phức tạp của từng vùng. Dĩ nhiên là có thách đố lớn của việc bầu cha Tổng quyền hướng dẫn Dòng trong các năm tới trong sứ mệnh của nó.
Hỏi: Thưa cha, có rất nhiều đại biểu đến từ miền Nam bán cầu, đặc biệt là từ Á châu? Sự kiên này có tạo ra sức nặng nào không?
Ðáp: Vấn đề ở đây không phải là chiều kích địa lý, mà là chiều kích tinh thần: nghĩa là hiểu biết sự tươi mát của các Giáo Hội. Chắc chắn các Giáo Hội từ đó phát xuất nhiều tu sĩ dòng Tên - đa số các tu sĩ của dòng - là các Giáo Hội có sự tươi mát, và sẽ đặt các câu hỏi mới cho Dòng và cho Giáo Hội nói chung.
Hỏi: Khi nào thì Tổng tu nghị sẽ bầu cha Tân tổng quyền thưa cha?
Ðáp: Chúng tôi không biết. Tôi phải nói rằng thời gian cho Dòng là thời gian tinh thần, không phải thời gian đo đếm. Thánh Ignazio trong các cuộc linh thao đã không muốn các thời gian cứng nhắc, nhưng đã muốn các thời gian của Chúa Thánh Thần. Vì thế chúng tôi cũng không biết, thí dụ khi nào tổng tu nghị sẽ kết thúc: nó có thể kéo dài 4, 5, 6 tuần, chúng tôi không biết. Vì vậy điều này cũng tùy thuộc tiết nhịp bên trong nữa, và đây là điều rất đẹp, bởi vì chúng ta dành không gian cho hoạt động của Chúa Thánh Thần: không đóng kín, không có các lược đồ định sẵn, và đây là hơi thở đẹp và thiêng liêng của dòng Tên.
Hỏi: Tổng tu nghị này đã chú ý nhiều tới truyền thông, trong giai đoạn chuẩn bị một đàng đã dùng các địa chỉ Web đàng khác đã dùng cả các phương tiện khác như Twitter, Facebook, Instagram và các địa chỉ khác nữa cho công việc của tổng tu nghị, có đúng thế không thưa cha?
Ðáp: Vâng, đúng vậy, các đại biểu tham dự tổng tu nghị cũng sẽ không dùng nhiều giấy viết: mỗi một vị có một máy vi tính và làm mọi sự trên máy vi tính. Ðiều này giúp đơn giản hóa, và cả trên việc thông truyền bên ngoài, để cống hiến một ý nghĩa cho điều xảy ra. Ðương nhiên là bởi vì tổng tu nghị là một tiến trình tinh thần, cần phải giữ gìn nó. Chúng ta hãy nhớ điều Ðức Thánh Cha Phanxicô đã xin cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục: Thượng Hội Ðồng Giám Mục là một nơi suy tư tinh thần, tổng tu nghị cũng thế. Như vậy sẽ có sự truyền thông bên trong. Ðàng khác chúng tôi cũng muốn thông truyền cho bên ngoài biết đâu là bầu khí của tu nghị qua các hình ảnh trên Instagram và Tweet. Do đó nó là một truyền thông phức tạp, nhưng tôn trọng sự năng động của tổng tu nghị.
(SD 27-9-2016)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)