Mở lòng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn

 

Mở lòng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Vatican (Vat. 6-10-2016) - Giáo lý chân thực không phải là việc tuân giữ nghiêm ngặt lề luật bị đóng khung bởi ý thức hệ, nhưng là mặc khải từ nơi Thiên Chúa mà chúng ta kiếm tìm từng ngày nhờ việc mở lòng cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ðó là lời Ðức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng thứ năm ngày 6 tháng 10 năm 2016 tại nhà nguyện thánh Marta.

Trong các bài đọc sách thánh ngày hôm nay, chúng ta gọi Chúa Thánh Thần là "quà tặng tuyệt vời từ Chúa Cha". Chúa Thánh Thần là sức mạnh làm cho Giáo Hội dũng cảm đi ra, vì Ngài dẫn dắt Giáo Hội đi về phía trước. Chúa Thánh Thần là "ngôi sao chỉ đường của Giáo Hội." Không có Ngài, thì chỉ còn "đóng kín và sợ hãi." Có ba thái độ mà chúng ta có thể có đối với Chúa Thánh Thần.

Thái độ thứ nhất: Bỏ quên Chúa Thánh Thần

Thái độ thứ nhất là điều mà thánh Phaolô nhắc nhở tín hữu Galat, khi họ tin rằng, mình được trở nên công chính nhờ tự sức tuân giữ lề luật, chứ không nhờ Chúa Giêsu là Ðấng ban ý nghĩa cho lề luật. Do đó họ quá cứng nhắc và trở thành những người mà Chúa Giêsu gọi là giả hình.

Họ giữ luật mà bỏ qua Chúa Thánh Thần. Ðừng bỏ quên sức mạnh cứu chuộc của Chúa Kitô đến từ Chúa Thánh Thần! Ðúng là có những Ðiều Răn và chúng ta phải tuân giữ các Ðiều Răn, nhưng chúng ta luôn tuân giữ nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Ðấng là quà tặng vĩ đại và Chúa Cha và Chúa Con ban cho chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta hiểu được Lề Luật. Nhưng đừng thu gọn Chúa Thánh Thần và Chúa Con lại chỉ trong những luật lệ. Vấn đề là các tín hữu Galat thời ấy đã bỏ Chúa Thánh Thần qua một bên để chỉ còn việc giữ luật. Họ đóng con mắt tâm hồn lại, và chỉ còn biết là phải làm việc này, phải làm việc kia. Ðôi khi chúng ta cũng bị rơi vào cám dỗ ấy.

Tại sao họ lại gắn chặt và bị đóng khung bởi những ý thức hệ như thế? Thánh Phaolô nhắc nhở mạnh mẽ: "Hỡi những người Galat vô tâm trí, ai đã mê hoặc anh em như thế?" Những ai rao giảng về các ý thức hệ, thì cái gì cũng đúng. Họ bị đóng khung vào cái gọi là: tất cả đều rõ ràng! Nhưng hãy nhìn xem, mặc khải của Thiên Chúa không rõ ràng sao? Mặc khải của Thiên Chúa là mỗi ngày một hơn, hơn mãi, trong mọi cách thế. Ðiều này có rõ không? Rất rõ! Ðối với những ai nghĩ rằng, mình nắm trọn chân lý trong tay, thì thánh Phaolô gọi họ là "những kẻ ngốc".

Thái độ thứ hai: Làm phiền lòng Chúa Thánh Thần

Thái độ thứ hai mà chúng ta có thể có đối với Chúa Thánh Thần, là làm phiền lòng Ngài, khi chúng ta không để cho Ngài truyền cảm hứng, không để cho Ngài thúc đẩy chúng ta tiến bộ trong đời sống Kitô hữu. Khi đó chúng ta không để cho Ngài nói với chúng ta. Khi ấy chúng ta trở nên thờ ơ, trở nên những Kitô hữu tầm thường, vì Chúa Thánh Thần không thể thực hiện những tác động tuyệt vời của Ngài nơi chúng ta.

Thái độ thứ ba: Mở lòng ra với Chúa Thánh Thần

Thái độ thứ ba là mở ra với Chúa Thánh Thần và để Ngài dẫn chúng ta về phía trước. Ðó là những gì các Tông Ðồ đã làm: họ can đảm trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Họ không còn sợ hãi vì họ mở ra để Chúa Thánh Thần hoạt động. Ðể hiểu và đón nhận những Lời của Chúa Giêsu, chúng ta cần mở lòng cho Chúa Thánh Thần. Khi một người mở lòng với Chúa Thánh Thần, thì tựa như chiếc thuyền buồm no gió tiến về phía trước, tiến mãi. Nhưng chúng ta cần cầu nguyện để có thể mở ra với Chúa Thánh Thần.

Giờ đây chúng ta có thể tự hỏi chính mình, giây phút nào trong ngày, tôi đã bỏ quên Chúa Thánh Thần? Và tôi có biết điều ấy khi tôi đi lễ Chúa Nhật không, hay chỉ đơn giản đi là đi thôi? Thứ hai, cuộc sống của tôi có phải là cuộc sống nửa vời và buồn tẻ, thiếu sức sống, trì trệ và làm phiền lòng Chúa Thánh Thần không? Sau cùng, hãy mở lòng mình, mở cuộc đời mình ra, để nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho mình niềm vui của Tin Mừng, để Ngài giúp mình hiểu được lời dạy của Chúa Giêsu, để mình không bị đóng khung, không còn ngốc nghếch, nhưng là chân thực? Ðiều ấy giúp chúng ta hiểu được đâu là điểm yếu của chúng ta, đâu là điều làm phiền lòng Ngài, và để Ngài dẫn chúng ta tiến về phía trước tới gần Chúa Giêsu, và để Ngài dạy cho chúng ta con đường cứu độ của Chúa Giêsu.

 

Tứ Quyết, SJ

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page