Bài giảng của Ðức Thánh Cha

trong Thánh lễ tại nhà thờ

Ðức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội ở Azerbaijan

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô tông du Azerbaijan: Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong Thánh lễ tại nhà thờ Ðức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội ở Azerbaijan.


Ðức Thánh Cha Phanxicô tông du Azerbaijan 2016.


Azerbaijan (WHÐ 03-10-2016) - Sau hai ngày tông du tại Gruzia, sáng Chúa nhật 02 tháng 10 năm 2016 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã rời quốc gia này để lên đường sang Azerbaijan, quốc gia cũng thuộc vùng Caucasus và có chung biên giới với Gruzia.

Lúc 9g30 Ðức Thánh Cha đã đến sân bay quốc tế "Heydar Aliyev" ở Baku, thủ đô của Azerbaijan. Ra đón Ðức Thánh Cha tại sân bay có Phó thủ tướng Azerbaigian Yaqub Eyyubov, Thứ trưởng ngoại giao Khalaf Khalafov và linh mục Vladimir Fekete, Dòng Salêdiêng, Phủ doãn Tông toà Azerbaijan. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Ðức Tổng giám mục Marek Solczýnski người Ba Lan, Sứ thần Toà Thánh tại Azerbaijan, Armenia và Gruzia, ngài tháp tùng Ðức Thánh Cha từ Gruzia.

Các hoạt động của Ðức Thánh Cha trong chuyến tông du một ngày tại Azerbaijan gồm có: cử hành Thánh lễ lúc 10g30 tại nhà thờ Ðức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội của Trung tâm Salêdiêng và đọc kinh Truyền tin, sau đó dùng bữa trưa với cộng đoàn Salêdiêng. Buổi chiều, sau nghi thức chào đón tại Phủ Tổng thống, Ðức Thánh Cha đến thăm Ðài tưởng niệm những người hy sinh vì nền độc lập. Lúc 17g, Ðức Thánh Cha gặp giới chức chính quyền tại Trung tâm Heydar Aliyev. Cuối củng, Ðức Thánh Cha có buổi gặp gỡ liên tôn tại Thánh đường Hồi giáo "Heydar Aliyev" với vị Sheikh của người Hồi giáo vùng Caucasus và các đại diện các Cộng đồng tôn giáo khác.

Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài giảng của Ðức Thánh Cha trong Thánh lễ tại nhà thờ Ðức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội:

* * *

Hôm nay Lời Chúa cho chúng ta thấy hai khía cạnh thiết yếu của đời sống Kitô hữu: đức tin và sự phục vụ. Về đức tin, có hai lời khẩn cầu dâng lên Chúa.

Lời thứ nhất viết trong sách tiên tri Habacúc. Vị tiên tri là người nài xin Thiên Chúa can thiệp để tái lập nền công lý và hoà bình mà con người đã phá tan bằng bạo lực, cãi vã và tranh chấp; ông nói: "Lạy Chúa, con kêu cứu đến bao giờ mà Ngài chẳng nghe?" (1,2). Ðáp lại lời kêu cứu ấy, Thiên Chúa không can thiệp trực tiếp, không giải quyết tình hình một cách đột ngột, không hiện diện bằng cách biểu dương sức mạnh. Nhưng Ngài mời gọi kiên nhẫn chờ đợi, mà không đánh mất hy vọng; trước hết, Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin, vì con người sống nhờ đức tin (x. Hab 2,4). Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta theo cách ấy: Ngài không nhượng bộ những mong mỏi của chúng ta cứ muốn thay đổi thế giới và người khác ngay lập tức và liên tục. Nhưng Ngài chỉ muốn chữa lành tâm hồn, tâm hồn của tôi, tâm hồn của bạn, và tâm hồn của mỗi người; Thiên Chúa thay đổi thế giới bằng cách thay đổi con tim của chúng ta, và Ngài không thể làm được nếu không có chúng ta. Chúa muốn chúng ta mở rộng con tim mình để Ngài bước vào. Và hành động mở ra cho Ngài ấy, niềm tin tưởng phó thác nơi Ngài ấy chính là "chiến thắng thế gian, đó là đức tin của chúng ta" (1 Ga 5,4). Vì khi Chúa gặp được một con tim rộng mở và tin tưởng, Ngài sẽ có thể thực hiện được những việc kỳ diệu ở đó.

Nhưng để có đức tin, một đức tin sống động, thì không dễ dàng; nên chúng ta bước sang lời khẩn cầu thứ hai, mà các Tông đồ xin với Chúa trong Tin Mừng: "Xin thêm đức tin cho chúng con" (Lc 17,6). Ðây là một vấn đề hay, một lời cầu nguyện mà chúng ta cũng có thể thưa trực tiếp với Chúa mỗi ngày. Nhưng câu trả lời của Chúa khiến chúng ta ngạc nhiên và trong trường hợp này còn đặt ngược lại vấn đề: "Nếu con có đức tin ...". Chính Chúa đòi chúng ta phải có đức tin. Bởi vì đức tin, tuy vốn là quà tặng của Thiên Chúa và phải luôn cầu xin, lại phải được chúng ta nuôi dưỡng. Ðức tin không phải là sức mạnh thần kỳ từ trời rơi xuống, không phải là một "tài năng" được ban cho một lần rồi thôi, không phải là một siêu sức mạnh để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Một đức tin chỉ để đáp ứng những nhu cầu của chúng ta là một đức tin ích kỷ, hoàn toàn quy vào bản thân mình. Ðức tin không được lẫn lộn với hạnh phúc hoặc cảm giác thoải mái, cảm giác được an ủi trong tâm hồn vì có bình an nội tâm. Ðức tin là sợi chỉ vàng liên kết chúng ta với Chúa, niềm vui tinh ròng được ở bên Chúa, kết hợp với Chúa; đức tin là một quà tặng kéo dài cả cuộc đời chúng ta, nhưng chỉ mang lại kết quả nếu chúng ta góp phần của mình.

Và phần của chúng ta là gì? Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu rằng đó là phục vụ. Trong Tin Mừng, ngay sau khi nói về sức mạnh của đức tin, Chúa Giêsu nói về phục vụ. Ðức tin và phục vụ không thể tách rời; trái lại, chúng liên kết chặt chẽ với nhau, đan xen vào nhau. Ðể giải thích điều này, tôi xin dùng một hình ảnh rất quen thuộc với anh chị em, đó là hình ảnh một tấm thảm đẹp. Những tấm thảm của anh chị em là những tác phẩm nghệ thuật thực sự và có một lịch sử lâu đời. Ðời sống Kitô hữu của mỗi người trong anh chị em cũng bắt nguồn từ xa xưa. Ðó là một món quà chúng ta nhận được trong Giáo hội và món quà ấy xuất phát từ trái tim của Thiên Chúa, Cha chúng ta. Ngài là Ðấng muốn làm cho mỗi người chúng ta trở thành một kiệt tác của tạo thành và của lịch sử. Mỗi tấm thảm, anh chị em biết rõ là phải được dệt bằng những sợi ngang và sợi dọc; chỉ như thế tấm thảm mới được dệt cách hài hoà. Ðời sống Kitô hữu cũng vậy: mỗi ngày phải được dệt một cách kiên nhẫn, đan xen một sợi ngang và sợi dọc cách chính xác: sợi ngang của đức tin và sợi dọc của phục vụ. Khi đức tin và phục vụ được đan vào nhau, con tim sẽ luôn mở ra và nên trẻ trung, và nó mở ra để làm việc thiện. Như vậy, như Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng, đức tin trở nên mạnh mẽ và làm được những việc lớn lao. Nếu đi theo con đường này, đức tin sẽ trưởng thành và lớn lên trong sức mạnh, với điều kiện phải luôn gắn với phục vụ.

Nhưng phục vụ là gì? Chúng ta có thể nghĩ rằng phục vụ chỉ là trung thành với bổn phận của mình hoặc làm một vài việc tốt. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì còn hơn thế. Trong bài Tin Mừng hôm nay, với những lời lẽ rất quả quyết và triệt để, Người đòi hỏi chúng ta phải hoàn toàn sẵn sàng, phải có cuộc sống hoàn toàn mở ra, không so đo tính toán và cầu lợi. Tại sao Chúa Giêsu đòi hỏi nhiều như thế? Bởi vì Người yêu thương chúng ta đến mức trở nên tôi tớ của chúng ta "cho đến cùng" (Ga 13,1), và đến "để phục vụ, và hiến mạng sống mình" (Mc 10,45). Ðiều ấy vẫn diễn ra mỗi khi chúng ta cử hành Thánh lễ: Chúa đến ở giữa chúng ta, và cho dẫu chúng ta có thể phục vụ và yêu mến Người bao nhiêu, Người vẫn luôn đi trước chúng ta, phục vụ chúng ta và yêu thương chúng ta nhiều hơn chúng ta có thể nghĩ được hoặc đáng được. Người ban cho chúng ta chính sự sống của Người. Người mời gọi chúng ta bắt chước Người: "Ai phục vụ Tôi, thì hãy theo Tôi" (Ga 12,26).

Và như vậy, chúng ta không được kêu gọi phục vụ chỉ để được thưởng công, mà là để bắt chước Thiên Chúa, Ðấng trở nên tôi tớ vì yêu chúng ta. Cũng không phải chúng ta được kêu gọi để phục vụ một vài lần, nhưng để sống trong phục vụ. Như thế phục vụ là một lối sống; phục vụ gồm tóm toàn bộ lối sống của người Kitô hữu: phục vụ Thiên Chúa trong việc thờ phượng và cầu nguyện; cởi mở và sẵn sàng; yêu thương người thân cận của chúng ta với những hành động thiết thực; hăng say làm việc vì thiện ích chung.

Ðối với các Kitô hữu cũng vậy, không thiếu những cám dỗ kéo chúng ta ra khỏi con đường phục vụ và rốt cuộc làm cho cuộc sống trở nên vô dụng. Ở đâu không có phục vụ, ở đó cuộc sống là vô dụng. Ở đây chúng ta cũng có thể xác định hai thứ cám dỗ. Cám dỗ thứ nhất là để cho con tim mình nhạt đi. Một con tim nhạt nhẽo sẽ giam mình trong một cuộc sống lười biếng và dập tắt ngọn lửa tình yêu. Một người nhạt nhẽo chỉ sống để thoả mãn những tiện nghi của riêng mình mà chẳng bao giờ đủ, và rồi không bao giờ hài lòng; dần dần người ấy đi đến chỗ bằng lòng với một cuộc sống tầm thường. Người nhạt nhẽo dành cho Thiên Chúa và cho người khác một "tỷ lệ" thời gian và tấm lòng của mình, không bao giờ vượt quá, lại còn luôn tìm cách tằn tiện nữa. Như thế, họ đánh mất đi hương vị cuộc sống: cuộc sống giống như một tách trà thật ngon, nhưng khi đã nguội thì không uống được. Nhưng tôi chắc chắn rằng khi anh chị em nhìn vào tấm gương của những người đã đi trước anh chị em trong đức tin, anh chị em sẽ không để cho con tim của mình trở nên nhạt nhẽo. Toàn thể Giáo hội đặc biệt yêu mến anh chị em, nhìn đến anh chị em và khích lệ anh chị em: anh chị em là đoàn chiên bé nhỏ rất quý giá trong mắt của Thiên Chúa.

Có một cám dỗ thứ hai mà chúng ta có thể sa vào không phải vì chúng ta thụ động, nhưng vì chúng ta "quá năng động": đó là cám dỗ "suy nghĩ như những chủ nhân": cho đi chính mình để được lợi một điều gì đó hoặc trở thành ai đó. Khi ấy phục vụ trở thành một phương tiện chứ không phải là mục đích, bởi vì mục đích đã trở thành uy tín; rồi đến quyền lực, muốn trở nên vĩ đại. Chúa Giêsu nhắc nhở tất cả chúng ta: "Giữa anh em thì không được như vậy, ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ" (Mt 20:26). Giáo hội đã được phát triển và trở nên xinh đẹp bằng cách ấy. Hãy lấy lại hình ảnh của tấm thảm và áp dụng vào cộng đoàn tốt đẹp của anh chị em: mỗi người trong anh chị em giống như một sợi tơ lộng lẫy; nhưng chỉ khi nào anh chị em được dệt lại với nhau thì những sợi khác nhau mới làm thành một tấm thảm đẹp; còn nếu đứng riêng rẽ, thì sẽ vô dụng. Hãy luôn hiệp nhất với nhau, sống khiêm tốn trong bác ái và niềm vui; Chúa là Ðấng tạo nên sự hài hoà từ những khác biệt, sẽ gìn giữ anh chị em.

Ước gì chúng ta được phù trợ nhờ lời chuyển cầu của Ðức Maria Vô nhiễm nguyên tội và các thánh, đặc biệt là Thánh Têrêsa Calcutta; mà những hoa trái đức tin và sự phục vụ của các ngài đang ở giữa anh chị em. Chúng ta hãy nhắc lại những lời tuyệt đẹp của Thánh nữ để tóm tắt sứ điệp của ngày hôm nay: "Hoa trái của đức tin là tình yêu. Hoa trái của tình yêu là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an" (Một con đường đơn sơ, Lời giới thiệu).

 

Minh Ðức chuyển ngữ

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page