Bài giảng của Ðức Thánh Cha
trong Thánh lễ tại Sân vận động Mikheil Meskhi
Ðức
Thánh Cha Phanxicô tông du Gruzia ngày thứ hai: Bài giảng của
Ðức Thánh Cha trong Thánh lễ tại Sân vận động Mikheil Meskhi.
Ðức Thánh Cha cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Mikheil Meskhi. |
Tbilisi (WHÐ 02-10-2016) - Các hoạt động của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong ngày thứ hai tông du Gruzia - tức thứ Bảy 01 tháng Mười năm 2016, gồm có: cử hành Thánh lễ lúc 10g tại Sân vận động Mikheil Meskhi; buổi chiều, Ðức Thánh Cha gặp các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và nhân viên mục vụ tại nhà thờ Mông Triệu, gặp những người điều hành các cơ sở bác ái của Giáo hội cùng với những người được giúp đỡ tại Trung tâm từ thiện của Dòng Camillô; cuối cùng, Ðức Thánh Cha đến thăm nhà thờ chính toà Thượng phụ Svietyskhoveli ở Mskheta.
Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài giảng của Ðức Thánh Cha trong Thánh lễ tại Sân vận động Mikheil Meskhi:
* * *
Trong nhiều kho tàng của đất nước tuyệt diệu này, có một kho tàng nổi bật là tầm quan trọng của phụ nữ. Như Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, mà chúng ta mừng kính hôm nay, đã viết: "Phụ nữ yêu mến Thiên Chúa với số lượng đông hơn nhiều so với nam giới" (Tự truyện, Bản thảo A, 66). Ở Gruzia này có một số đông những người bà và những người mẹ không ngừng bảo vệ và truyền lại đức tin đã được gieo vào miền đất này của Thánh Nino; và họ đã mang lại dòng nước an ủi tươi mát của Thiên Chúa cho biết bao hoàn cảnh cằn cỗi và xung đột.
Ðiều này cho chúng ta ca ngợi nét đẹp của sứ điệp của Thiên Chúa trong bài đọc I: "Như người mẹ an ủi con thơ, Ta cũng sẽ an ủi các ngươi" (Is 66,13). Như một người mẹ mang lấy gánh nặng và những mệt mỏi của con cái mình, Thiên Chúa cũng gánh tội và những lo lắng của chúng ta. Ngài biết chúng ta và yêu thương chúng ta vô cùng, Ngài lắng nghe lời chúng ta cầu nguyện và lau khô nước mắt của chúng ta. Ngài nhìn đến chúng ta, Ngài luôn chạnh lòng yêu thương bằng một tình yêu từ nơi sâu thẳm của Ngài, vượt xa hơn bất kỳ điều xấu xa nào chúng ta có thể làm, chúng ta vẫn là con cái của Ngài; Ngài muốn ôm lấy chúng ta trong vòng tay mình, bảo vệ chúng ta, và giải thoát chúng ta khỏi nguy hiểm và sự dữ. Chúng ta hãy để những lời này của Chúa vang lên trong tâm hồn chúng ta: "Như người mẹ an ủi con thơ, Ta cũng sẽ an ủi các ngươi".
Niềm an ủi chúng ta cần đến, trong những quay cuồng của cuộc sống, chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta là nguồn an ủi đích thực, ở trong chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, mang lại bình an và cho chúng ta thêm niềm vui. Thế nên, nếu muốn cảm nghiệm được Chúa an ủi, chúng ta phải quy phục Chúa trong đời sống chúng ta. Và để cho Chúa luôn ở trong lòng mình, chúng ta phải mở cửa lòng cho Chúa chứ đừng để Ngài đứng ở ngoài. Có những cánh cửa an ủi phải luôn được mở ra, vì Chúa Giêsu rất thích bước vào qua những cửa ấy: Tin Mừng chúng ta đọc mỗi ngày và mang theo bên mình, âm thầm cầu nguyện thờ lạy Chúa, xưng tội, rước lễ. Qua những cửa ấy Chúa sẽ bước vào và ban cho thực tại một hương vị mới. Nhưng khi cánh cửa trái tim chúng ta đóng lại, ánh sáng của Chúa không vào được và tất cả vẫn tối tăm. Thế là chúng ta cứ bi quan, cứ ở trong những điều sai trái và thực tế chẳng bao giờ thay đổi. Cuối cùng chúng ta chìm đắm trong nỗi buồn của chính mình, trong đau khổ tột cùng, trong cô đơn. Trái lại nếu chúng ta mở rộng cánh cửa an ủi, ánh sáng của Chúa sẽ ùa vào!
Nhưng Thiên Chúa không chỉ an ủi chúng ta trong tâm hồn; qua tiên tri Isaia, Chúa còn nói: "Tại Giêrusalem các ngươi sẽ được an ủi" (66,13). Tại Giêrusalem, nghĩa là trong thành của Thiên Chúa, trong cộng đoàn: đó là khi chúng ta hiệp nhất và hiệp thông, khi ấy niềm an ủi của Thiên Chúa sẽ hoạt động trong chúng ta. Trong Giáo hội, chúng ta tìm được sự an ủi, đó là ngôi nhà an ủi: ở đây Thiên Chúa muốn an ủi chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: Tôi là ai trong Giáo hội, mà mang lại sự an ủi của Thiên Chúa? Tôi có biết đón nhận người khác như các vị khách và an ủi những người mà tôi thấy họ mệt mỏi và thất vọng không? Ngay cả khi đang gặp sầu khổ và bị từ khước, một Kitô hữu cũng luôn được mời gọi mang lại hy vọng cho tâm hồn những ai thất vọng, khích lệ những ai nản chí, mang ánh sáng của Chúa Giêsu, sự hiện diện ấm áp và ơn tha thứ của Người có sức phục hồi chúng ta. Biết bao người bị thử thách, bất công và sống trong âu lo. Tâm hồn chúng ta cần được xức dầu an ủi của Thiên Chúa, điều đó không làm cho các vấn đề của chúng ta biến mất, nhưng cho chúng ta sức mạnh để yêu thương, để chịu đựng nỗi đau cách bình an. Ðón nhận và mang niềm an ủi của Thiên Chúa: đó là sứ vụ cấp bách của Giáo hội. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đón nhận tiếng gọi này: đừng chôn mình trong những điều sai trái chung quanh chúng ta hay buồn rầu vì thiếu hài hòa giữa chúng ta. Không phải là điều hay khi chúng ta trở nên quen thuộc với "môi trường nhỏ bé" của một giáo hội đóng kín; nhưng thật tốt đẹp nếu biết chia sẻ những chân trời rộng lớn, chân trời mở ra cho hy vọng, can đảm để khiêm tốn mở rộng cửa của chúng ta và bước ra ngoài.
Tuy nhiên, có một điều kiện cơ bản để nhận được sự an ủi của Thiên Chúa, và Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: đó là trở nên nhỏ bé như trẻ thơ (x. Mt 18,3-4), là "giống như trẻ thơ yên lặng nép vào lòng mẹ" (Tv 130,2). Ðể đón nhận được tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cần có tâm hồn bé nhỏ ấy: chỉ những ai bé nhỏ mới được mẹ bồng ẵm trên tay.
Chúa Giêsu dạy chúng ta: Ai trở nên như trẻ thơ "sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời" (Mt 18,4). Sự lớn lao thực sự của con người hệ tại việc làm cho mình nên bé nhỏ trước mặt Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không phải được nhận biết qua những tư tưởng cao siêu và nghiên cứu sâu rộng, mà là qua sự bé nhỏ của một tâm hồn khiêm hạ và phó thác. Ðể nên lớn lao trước Ðấng Tối Cao không đòi hỏi phải có nhiều danh dự và uy tín hoặc của cải trần thế và thành công, nhưng phải trở nên trống rỗng hoàn toàn. Một đứa trẻ không có gì để cho đi nhưng phải đón nhận mọi sự. Một đứa trẻ dễ bị tổn thương, và phải phụ thuộc vào cha mẹ nó. Ai trở nên như trẻ thơ thì nghèo trong chính mình nhưng giàu có trong Thiên Chúa.
Trẻ em không gặp khó khăn gì trong việc hiểu biết Thiên Chúa, nhưng có nhiều điều để dạy chúng ta: chúng bảo chúng ta rằng Thiên Chúa thực hiện những điều lớn lao nơi những ai không chống lại Ngài, những ai đơn sơ và chân thành, không lừa dối. Tin Mừng chỉ cho chúng ta thấy những kỳ công được thực hiện bằng những điều nhỏ bé ra sao: với mấy chiếc bánh và hai con cá (x. Mt 14,15-20), với một hạt cải nhỏ (x. Mc 4,30-32), với một hạt lúa mì thối đi trong lòng đất (x. Ga 12,24), với chỉ một ly nước trao tặng (x Mt 10,42), với hai đồng xu của một bà góa nghèo (x. Lc 21,1 -4), với sự khiêm hạ của Mẹ Maria, người tôi tớ của Thiên Chúa (x. Lc 1,46-55).
Ðây là sự cao cả đáng ngạc nhiên của Thiên Chúa, một Thiên Chúa đầy những bất ngờ và yêu thích điều bất ngờ: chúng ta hãy luôn giữ cho mình niềm ao ước và lòng tin tưởng vào những bất ngờ của Thiên Chúa! Ðiều đó giúp chúng ta nhớ rằng chúng ta vẫn mãi là và chỉ là con cái Thiên Chúa: không phải chúng ta là chủ cuộc sống mình, mà là con của Chúa Cha; không phải là người lớn tự lập và tự túc, mà là em bé lúc nào cũng cần bồng ẵm, yêu thương và tha thứ. Phúc thay những cộng đoàn Kitô hữu sống điều đơn giản đích thực này của Phúc Âm! Nghèo về của cải, nhưng giàu có trong Thiên Chúa. Phúc thay những mục tử nào không chạy theo logic của sự thành công thế gian, nhưng đi theo luật của tình yêu: đón nhận, lắng nghe, phục vụ. Phúc thay Giáo hội không phó mình cho các tiêu chí của chủ nghĩa chức năng và tính hiệu quả của tổ chức, hay những lo lắng về hình ảnh của mình. Hỡi đoàn chiên bé nhỏ và yêu quý Gruzia, anh chị em đang hết mình với công việc bác ái và giáo dục, hãy nhận lấy sự khích lệ của Vị Mục Tử Tốt Lành, hãy phó thác cho Ngài là Ðấng mang anh chị em trên vai và an ủi anh chị em.
Tôi xin tóm tắt những suy tư này bằng mấy lời của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu mà chúng ta mừng kính hôm nay. Thánh nữ đã chỉ cho chúng ta "con đường nhỏ bé" của ngài đến với Chúa, "sự phó thác của một em bé say ngủ trong vòng tay của Cha mà chẳng còn sợ hãi", vì "Chúa Giêsu không đòi chúng ta phải làm những việc vĩ đại, nhưng đơn giản chỉ là phó thác và biết ơn" (Tự truyện, Bản thảo B, 1). Nhưng thật đáng tiếc, như Chị đã viết, và điều này vẫn còn đúng cho ngày hôm nay: Chúa chỉ tìm được "ít người biết phó thác hoàn toàn cho Chúa, đó là những người hiểu được sự dịu dàng đích thực của tình yêu vô hạn của Ngài" (nt). Vị thánh trẻ và là Tiến sĩ Hội Thánh đã là một chuyên gia trong "khoa học về tình yêu" (nt), Chị dạy chúng ta rằng "đức ái hoàn hảo ở tại việc mang lấy những lỗi lầm của người khác, không ngỡ ngàng vì những yếu kém của họ, được cảm hoá bởi những việc đạo đức nhỏ nhất mà ta thấy họ làm"; Chị cũng nhắc nhở rằng "bác ái không được che giấu trong sâu thẳm cõi lòng chúng ta" (Tự truyện, Bản thảo C, 12). Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau xin ơn có một trái tim đơn sơ, một trái tim biết tin tưởng và sống trong sức mạnh dịu dàng của tình yêu; chúng ta hãy xin ơn biết sống trong niềm phó thác hoàn toàn vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Minh Ðức chuyển ngữ