Tông du Georgia:

từ lạnh lùng đến ấm áp

 

Tông du Georgia: từ lạnh lùng đến ấm áp.

Tbilisi (VietCatholic News 30-09-2016) - Ðức Phanxicô đã tới thủ đô Tbilisi của Georgia để chính thức thăm viếng quốc gia này trong hai ngày. Ra đón ngài tại sân bay, có Tổng Thống Giorgi Margvelashvili và Vị đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Georgia, Thượng Phụ Ilia II.

Nhân dịp này, tờ Civil Georgia nói sơ qua về hiện tình mối liên hệ giữa hai Giáo Hội Chính Thống Georgia và Giáo Hội Công Giáo Rôma.

Ngày 21 tháng Chín năm 2016, một nhóm Chính Thống Giáo, trong đó, có một số linh mục của Giáo Hội này, đã tụ tập bên ngoài Tòa Sứ Thần của Vatican tại Tbilisi để phản đối cuộc viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng; một số mang biển ngữ với các hàng chữ "Vatican là kẻ gây hấn thiêng liêng" và "Kitô Giả hãy tránh xa Georgia". Nhóm này cũng đã tụ tập tại phi trường Tbilisi khi Ðức Giáo Hoàng tới đây.

Ngày 28 tháng Chín năm 2016, Giáo Hội Chính Thống Georgia ra một tuyên bố viết sẵn, tự tách mình khỏi nhóm này khi nói rằng chủ trương của nhóm "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Cũng trong bản tuyên bố này, Tòa Thượng Phụ Georgia nhắc lại rằng mình sẽ không tham dự buổi cầu nguyện đại kết với người Công Giáo.

Bản tuyên bố viết: "Ðức Giáo Hoàng Phanxicô I sẽ viếng thăm Georgia theo lời mời của Tổng Thống Georgia và của Thượng Phụ Toàn Georgia [Ilia II]. Tòa Thượng Phụ Georgia sẽ chào đón vị khách một cách tôn kính và hy vọng rằng chuyến viếng thăm sẽ góp phần thâm hậu hóa mối liên hệ nhiều mặt và củng cố hoà bình trong vùng".

Tòa Thượng Phụ viết thêm: "Ðồng thời, chúng tôi muốn tuyên bố là hoàn toàn không thể nào chấp nhận được những tuyên bố hết sức tiêu cực đã được công khai nói lên liên quan đến chuyến viếng thăm [của Ðức Giáo Hoàng] bởi một số nhân vật tâm linh của Giáo Hội Chính Thống Georgia; chúng tôi muốn kêu gọi họ và kêu gọi mọi người nên bình thản".

"Chúng tôi cũng xin lưu ý rằng các liên hệ giữa chúng ta và Giáo Hội Công Giáo Rôma về phương diện Kinh Nguyện Thánh Thể đã bị cắt đứt từ Thời Trung Cổ và, theo giáo luật, các tín hữu Chính Thống không tham dự các buổi lễ tôn giáo (của người Công Giáo) bao lâu các dị biệt tín lý vẫn còn đó".

Tòa Thượng Phụ cũng nhấn mạnh rằng: "Ðức Giáo Hoàng sẽ cử hành một Thánh Lễ [tại vận trường] cho người Công Giáo và, trái với một số quan điểm, không thể coi đây là biểu thức của chủ nghĩa cải đạo".

Tờ báo viết thêm rằng cuộc tranh chấp lâu dài về quyền sở hữu một số nhà thờ ở Georgia vẫn còn đang tiếp diễn và cộng đồng Công Giáo địa phương đã và đang can dự vào một cuộc đấu tranh bằng pháp luật với văn phòng thị trưởng Rustavi, gần Tbilisi, nơi vốn không chịu cho phép xây dựng nhà thờ Công Giáo tại thị xã này vì sợ gây phẫn nộ cho các cử tri thuộc Giáo Hội Chính Thống Georgia. Ðầu tháng Sáu năm 2016, Tòa Án thị xã Rustavi đã phán quyết có lợi cho bên Công Giáo liên quan tới dự án này.

Tháng Chín năm 2014, bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, Ðức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti từng viếng thăm Tbilisi. Trước đó, hồi tháng Chín năm 2003, Ðức Hồng Y Jean-Louis Tauran, bấy giời là bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, cũng tới thăm Tbilisi để ký thỏa hiệp liên quốc gia, thừa nhận tư cách pháp nhân của Giáo Hội Công Giáo tại Georgia. Nhưng vào phút chót, chiều theo áp lực của Giáo Hội Chính Thống Georgia, các nhà cầm quyền Georgia đã quay đủ 360 độ và từ chối không ký thoả hiệp ấy. Năm 2011, bất chấp sự phản đối của Giáo Hội Chính Thống Georgia, nhà cầm quyền Georgia đã cho phép các nhóm tôn giáo thiểu số được đăng ký là các thực thể pháp nhân dưới luật lệ công cộng. Quyết định này đã được Vatican hoan nghinh.

Ðiều nên nhớ là tất cả các biến cố trên đều diễn ra dưới thời Thượng Phụ Ilia II, vì ngài được bầu làm Thượng Phụ Toàn Georgia từ năm 1977. Nay thì đã khác. Theo Nicole Winfield của A.P., khi đến Tbilisi, Ðức Phanxicô xa gần nhắc tới "chủ quyền" của Georgia đối với các vùng của nước này đang bị Nga chiếm đóng, nhưng lời kêu gọi này không mấy ai chú ý bằng sự nghinh đón nhiệt tình một cách bất ngờ của "Thượng Phụ Ilia II, nhà lãnh đạo Chính Thống già nua, nhân vật được kính trọng nhất tại Georgia. Tựa vào chiếc gậy chống, ngài chào đón Ðức Phanxicô như là 'người anh em thân mến của tôi'".

"Xin Chúa chúc lành cho Giáo Hội Công Giáo Rôma" Ðức Ilia nói như thế khi chúc rượu Ðức Giáo Hoàng tại Tòa Thượng Phụ. "Xin Chúa ban cho ngài, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, được trường thọ".

Thật khác với buổi nghinh đón Ðức Gioan Phaolô II năm 1999. Lúc ấy, các căng thẳng giữa hai Giáo Hội mạnh đến nỗi, Giáo Hội Chính Thống Georgia thúc ép các tín hữu của họ tránh xa Thánh Lễ do Ðức Gioan Phaolô II cử hành. Thượng Phụ Ilia, làm thượng phụ từ năm 1977, nhắc đến ngài như là một quốc trưởng, chứ không phải một nhân vật tôn giáo, và từ khước không chia sẻ lời kêu gọi tăng cường mối liên hệ đại kết của ngài.

Lần này, Thượng Phụ Ilia, dù không đích thân tham dự, nhưng có gửi một phái đoàn chính thức tới tham dự Thánh Lễ của Ðức Phanxicô vào thứ Bẩy. Và hôm thứ Sáu, Thượng phụ đã nhấn mạnh tới các liên hệ xưa giữa hai Giáo Hội. Ngài nói: "Chúng ta từng sống trong tình yêu huynh đệ từ 20 thế kỷ qua. Tôi phải nói rằng chúng ta vốn có nhiều vần đề, nhưng chúng ta đã vượt qua được các vấn đề này bằng lời cầu nguyện và phúc lành của Thiên Chúa".

Các nhà phân tích Georgia cho rằng việc xoay chiều thái độ nói trên không hẳn có liên quan tới nhân cách cho bằng dựa vào các tham vọng địa chính trị của Georgia. Nước này đang lo lắng gia nhập khối NATO và cũng đang theo đuổi việc trở thành hội viên của Liên Hiệp Âu Châu hiện gồm 28 quốc gia. Cuộc viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng tại Georgia được coi như một cố gắng của chính phủ nhằm chiếm thêm đồng minh trong số các quốc gia Công Giáo của Âu Châu.

Dĩ nhiên, còn vấn đề Nga "chiếm đóng" nữa. Nga đã chiếm hai vùng Abkhazia và Nam Ossetia sau một cuộc chiến tranh ngắn năm 2008. Georgia coi các lãnh thổ này bị "chiếm đóng" và vốn yêu cầu để hơn 200,000 người Georgia được "hồi cư". Trong diễn văn ở đây, Ðức Phanxicô ủng hộ lời yêu cầu của Georgia khi nói rằng các nhóm sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau nên được phép "sống chung hòa bình tại quê hương họ, hoặc được tự do trở về quê hương nếu vì một lý do nào đó, họ đã bị cưỡng bức phải rời bỏ nó".

Ngài nói thêm: "Tôi hy vọng các nhà cầm quyền dân sự sẽ tiếp tục tỏ mối quan tâm đối với tình thế của những người này, và cam kết trọn vẹn đối với việc tìm ra các giải pháp cụ thể bất chấp bất cứ vấn nạn chính trị chưa được giải quyết nào".

Một phúc trình của Liên Hiệp Quốc năm 2014 viết rằng các chức quyền kiểm soát vùng Nam Ossetia và các vùng phụ cận vẫn không chịu để cho người sắc tộc Georgia trở về nguyên quán của họ. Phúc trình này cũng nói tới việc các chức quyền này giam giữ những người Georgia dám vượt biên. Ðức Phanxicô có tiếng là người bênh vực quyền lợi của người tỵ nạn trên khắp thế giới.

Tổng Thống Giorgi Margvelashvili từng cám ơn Tòa Thánh vì đã từ chối không thừa nhận điều ông gọi là "sự chiếm đóng" của Nga.

Nhìn chung, cả tín hữu Công Giáo lẫn tín hữu Chính Thống Giáo đều hài lòng với chuyến viếng thăm của Ðức Phanxicô, cho thấy các Kitô hữu ngày một đoàn kết với nhau hơn trước sự đe dọa của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo.

"Tôi nghĩ trong thế kỷ 21, khi những điều như thế xảy ra trên thế giới, khi tại nhiều vùng, các Kitô hữu phải đối diện với sự đe dọa gần như bị tận diệt, tất cả chúng ta nên đoàn kết để bảo vệ hoà bình", Lali Sadatierashvili, một người Công Giáo được dưỡng dục ở phía tây Georgia, nơi cô phải dấu diếm đức tin của mình thời Sôviết, nói như thế. "Chuyến viếng thăm Georgia của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô là lời kêu gọi hòa bình, lời kêu gọi vượt qua các khác biệt".

Bachuka Gelashvili, một kỹ sư 50 tuổi, đứng ngoài nhà thờ Kashveti hôm thứ Sáu 30 tháng 9 năm 2016 để chờ Ðức Giáo Hoàng tới thăm, nói rằng: "đúng, có những người trong số người Chính Thống Giáo chúng tôi chống lại [chuyến viếng thăm] nhưng đây chỉ là chuyện chính trị nội bộ. Tôi là và vẫn sẽ là người chính thống giáo nhưng điều này không khiến chúng ta thôi không tiếp xúc với nhau. Chúng ta vốn có cùng một Thiên Chúa".

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page