Tường thuật ngày thứ nhất
Ðức Thánh Cha Phanxicô tông du Gruzia
Tường thuật ngày thứ nhất Ðức Thánh Cha Phanxicô tông du Gruzia.
Tbilisi (WHÐ 01-10-2016) - Ngày thứ Sáu 30 tháng 09 năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã lên đường đi Gruzia, khởi đầu chuyến tông du 3 ngày tại hai quốc gia thuộc vùng Caucasus là Gruzia và Armenia.
Sau chuyến bay kéo dài bốn giờ từ sân bay Fiumicino ở Roma, máy bay của Ðức Thánh Cha đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tbilisi của Gruzia lúc 15g, giờ địa phương. Ðón Ðức Thánh Cha tại sân bay có Tổng thống Gruzia Giorgi Margvelashvili và Ðức thượng phụ Ilia II - Giáo chủ Chính thống Gruzia, cùng với hai Giám mục Công giáo, một thuộc nghi lễ Latinh và một thuộc nghi lễ Armenia.
Trong ngày đầu tiên tại Gruzia, Ðức Thánh Cha đã có buổi gặp gỡ chính quyền, cùng với các đại diện thành phần xã hội và ngoại giao đoàn tại Phủ Tổng thống. Buổi chiều, Ðức Thánh Cha gặp Ðức thượng phụ Ilia II tại Toà Thượng phụ và gặp cộng đoàn tín hữu Assyria-Canđê tại Nhà thờ Công giáo Canđê thánh Simon Bar Bassae.
Bài diễn văn trước giới chức chính quyền và ngoại giao đoàn
Trong bài diễn văn trước giới chức chính quyền và ngoại giao đoàn, Ðức Thánh Cha gợi lại lịch sử lâu đời của Gruzia; lịch sử này cho thấy "đã bắt rễ từ những giá trị thể hiện nơi nền văn hóa, ngôn ngữ và những truyền thống của Gruzia" ... "25 năm đã qua từ khi Gruzia tuyên bố độc lập. Trong khoảng thời gian này, khi Gruzia lấy lại được tự do hoàn toàn, Gruzia đã xây dựng và củng cố các cơ chế dân chủ và tìm kiếm những phương cách để bảo đảm có thể phát triển thực sự và toàn diện. Tất cả những điều đó không phải có được mà không kèm theo nhiều hy sinh mà dân tộc Gruzia đã can đảm gánh lấy để bảo đảm cho nền tự do vẫn ao ước từ lâu".
Ðức Thánh Cha kết luận: "Chúng ta cần hết lòng quan tâm trước tiên đến những con người trong hoàn cảnh hiện tại của họ, làm hết sức mình để tránh cho những khác biệt sinh ra bạo lực, bạo lực lại gây ra thảm hoạ tàn khốc cho con người và xã hội. Những khác biệt về sắc tộc, ngôn ngữ, chính trị hoặc tôn giáo, có thể và phải là nguồn phong phú hoá lẫn nhau vì thiện ích chung, chứ không được khai thác như những lý do biến sự bất hoà thành xung đột và biến xung đột thành thảm kịch không dứt. Ðiều này đòi mọi người phải tận dụng căn tính của mình, trước hết là có thể cùng chung sống hoà bình nơi quê hương của mình hoặc được tự do trở về, nếu vì lý do nào đó bị buộc phải rời bỏ quê hương. Tôi cầu mong các nhà chức trách dân sự tiếp tục quan tâm đến tình cảnh của những người này, và dấn thân tìm kiếm những giải pháp cụ thể, bất kể những vấn đề chính trị chưa được giải quyết đó là gì. Ðiều ấy cũng đòi phải có tầm nhìn xa và can đảm thừa nhận điều thiện hảo đích thực của các dân tộc và quyết tâm theo đuổi thiện hảo ấy một cách khôn ngoan. Về điểm này, điều cốt yếu là luôn nghĩ đến những đau khổ của người khác, để quyết tâm theo đuổi con đường - dù lâu dài và vất vả - nhưng cũng có sức hấp dẫn và mang lại tự do, đồng thời dẫn chúng ta đến hoà bình".
"Giáo hội Công giáo đã có mặt tại quốc gia này từ nhiều thế kỷ và được biết đến một cách đặc biệt trong việc dấn thân thăng tiến con người và những công trình bác ái, chia sẻ niềm vui và âu lo của dân tộc Gruzia, và quyết tâm góp phần trong việc xây dựng hạnh phúc và hoà bình cho Gruzia, bằng cách tích cực hợp tác với chính quyền và xã hội dân sự. Tôi hết sức mong muốn Giáo hội Công giáo có thể tiếp tục đóng góp thực sự phần mình vào sự phát triển của xã hội Gruzia, nhờ cùng nhau làm chứng cho truyền thống Kitô giáo đã liên kết chúng ta, nhờ biết dấn thân phục vụ những người túng thiếu nhất, và nhờ cuộc đối thoại được củng cố và đổi mới với Giáo hội Chính thống Gruzia kỳ cựu và với các cộng đồng tôn giáo khác của Gruzia".
Bài diễn văn với Ðức thượng phụ Ilia
Trong bài diễn văn với Ðức thượng phụ Ilia, Ðức Thánh Cha bày tỏ niềm vui được gặp Ðức thượng phụ và ngài ca ngợi Ðức thượng phụ "là người khởi đầu một trang mới trong mối tương quan giữa Giáo hội Chính thống Gruzia với Giáo hội Công giáo khi đến viếng thăm Vatican lần đầu tiên trong tư cách một Thượng phụ Gruzia. Trong dịp đó, ngài và giám mục Roma đã trao hôn bình an và hứa cầu nguyện cho nhau. Nhờ đó, mối dây liên lạc đã có giữa chúng ta từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo đã có thể được củng cố. Những mối liên lạc ấy được phát triển, được duy trì với lòng kính trọng và trong tình thân ái, thể hiện nơi sự đón tiếp nồng hậu dành cho các vị đặc sứ và đại diện của tôi ở đây, nơi những hoạt động học tập và nghiên cứu của các tín hữu Chính thống Gruzia tại Văn khố Vatican và tại các Ðại học Giáo hoàng ở Roma, nơi sự hiện diện của một trong các cộng đoàn của ngài được đón tiếp trong một nhà thờ thuộc giáo phận của tôi, và sự hợp tác với cộng đoàn Công giáo địa phương, nhất là trong lĩnh vực văn hoá".
Và Ðức Thánh Cha liên hệ với chuyến tông du của ngài: "Nay Chúa Quan phòng lại cho chúng ta được gặp nhau một lần nữa, và đứng trước một thế giới khao khát lòng thương xót, sự hiệp nhất và bình an, Chúa Quan phòng lại đòi hỏi chúng ta làm sao cho mối liên kết giữa chúng ta có thêm động lực mới, nhiệt tình mới ... Giáo hội Chính thống Gruzia, bắt nguồn từ lời rao giảng của tông đồ, đặc biệt là Thánh Tông đồ Anrê, và Giáo hội Roma được xây dựng trên sự tử đạo của Thánh Phêrô Tông đồ ... Phêrô và Anrê thực sự là hai anh em: Chúa Giêsu bảo họ bỏ lưới lại và cùng trở thành những kẻ chài lưới người ta (Mc 1,16-17). Thưa người anh em, một lần nữa chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu nhìn chúng ta, hãy để cho lời Chúa lôi cuốn chúng ta: lời mời gọi bỏ lại những gì ngăn cản chúng ta cùng nhau trở nên những người loan báo sự hiện diện của Chúa".
Gặp gỡ cộng đoàn của Giáo hội Assyria-Canđê
Vì lý do an ninh, Ðức Thánh Cha không thể đích thân đến Iraq, nên ngài đã nhân chuyến tông du ở Gruzia để gặp gỡ một cộng đoàn của Giáo hội Assyria-Canđê tại Nhà thờ Công giáo Canđê thánh Simon Bar Bassae với khoảng 300 tín hữu, chủ yếu là người gốc Iraq.
Ðức Thánh Cha đã được Ðức Thượng phụ Canđê Louis Sako đón tiếp. Sau khi chào hỏi từng vị giám mục Canđê có mặt và nhiều tín hữu, Ðức Thánh Cha đã dâng lời cầu nguyện lên Chúa Giêsu trên Thánh giá:
"Lạy Chúa Giêsu,
chúng con thờ lạy thánh giá Chúa,
thánh giá đã giải thoát chúng con khỏi tội lỗi,
là nguồn của mọi chia rẽ và sự dữ;
chúng con loan truyền Chúa đã sống lại,
sự phục sinh của Chúa đã cứu chuộc con người
khỏi ách nô lệ của thất bại và cái chết;
chúng con chờ đợi Chúa đến trong vinh quang,
để hoàn tất Vương quốc công lý, niềm vui và bình an của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
xin dùng cuộc khổ nạn vinh quang của Chúa
mà chiến thắng cõi lòng cứng cỏi của chúng con đang bị giam hãm trong hận thù và ích kỷ;
xin dùng quyền năng phục sinh của Chúa
mà cứu rỗi những nạn nhân của bất công và ngược đãi khỏi mọi đau khổ;
xin dùng cuộc giáng lâm của Chúa
mà đánh bại nền văn hóa sự chết và làm cho niềm vui chiến thắng của sự sống được ngời sáng.
Lạy Chúa Giêsu,
xin nhận vào thánh giá Chúa những đau khổ của nhiều nạn nhân vô tội:
những trẻ em, người già, và các Kitô hữu bị bách hại;
xin dùng ánh sáng phục sinh mà bao bọc những người bị thương tích nặng nề:
những người bị lạm dụng, bị tước đoạt tự do và phẩm giá;
xin cho những ai đang sống trong cảnh bấp bênh được nếm trải sự kiên vững của vương quốc Chúa:
những người lưu vong, người tị nạn, và những người mất đi niềm vui sống.
Lạy Chúa Giêsu,
xin phủ bóng thánh giá Chúa trên các dân tộc đang bị chiến tranh;
xin cho họ học biết con đường hòa giải, đối thoại và tha thứ;
xin cho các dân tộc đã quá mệt mỏi vì bom đạn
được hưởng niềm vui phục sinh của Chúa:
xin phục hồi Iraq và Syria từ tàn phá;
xin đoàn tụ các trẻ em bị phân tán dưới vương quyền dịu hiền của Chúa:
xin nâng đỡ các Kitô hữu đang ở tản mác và ban cho họ được hiệp nhất trong đức tin và tình yêu.
Lạy Ðức Trinh Nữ Maria là Nữ vương hòa bình,
Mẹ đứng dưới chân thánh giá,
xin Mẹ hãy xin Con của Mẹ tha thứ tội lỗi cho chúng con;
Mẹ là Ðấng không hề nghi nan về chiến thắng phục sinh của Chúa,
xin nâng đỡ đức tin và niềm cậy trông của chúng con;
Mẹ là Ðấng được tôn làm Nữ hoàng vinh quang,
xin dạy chúng con con đường vương đế của phục vụ và vinh quang của tình yêu. Amen".
Minh Ðức