Quy chế mới của Bộ Tuyên Thánh

về việc nhìn nhận các phép lạ

 

Quy chế mới của Bộ Tuyên Thánh về việc nhìn nhận các phép lạ.

Vatican (WHÐ 24-09-2016) - Hôm thứ Sáu 23 tháng Chín năm 2016, Bộ Tuyên Thánh đã công bố một sửa đổi Quy chế liên quan đến việc các chuyên viên y tế chứng nhận phép lạ, trong khuôn khổ tiến trình tuyên phong chân phước và tuyên thánh.

Theo nguyên tắc, mọi án phong chân phước đòi hỏi phải có một phép lạ (trừ các vị được công nhận là tử đạo), và mọi án phong thánh đòi hỏi phải có một phép lạ thứ hai được công nhận. Việc điều tra các phép lạ đôi khi phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, để phân định được một hiện tượng nào đó là do Thiên Chúa, chứ không phải là những hiện tượng có thể giải thích được bằng khoa học.

Sửa đổi lần này của Bộ Tuyên Thánh cập nhật Quy chế có từ năm 1976, triều giáo hoàng của Chân phước giáo hoàng Phaolô VI, chủ yếu quy định: để được nhìn nhận, một phép lạ phải được đa số (5/7 hoặc 4/6) chấp thuận; chủ tịch Ủy ban y học chỉ được đảm nhiệm hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm; số lần tái điều tra là ba lần (mỗi lần với các chuyên viên khác nhau); và tất cả mọi người tham gia vào vụ án tuyên phong chân phước hay tuyên thánh phải giữ bí mật tuyệt đối; những người này gồm các người vận động, cáo thỉnh viên, chuyên viên, nhân viên Toà án, các viên chức của Bộ.

Ngoài ra, để bảo đảm theo dõi tốt hơn công tác tài trợ cho vụ án, các chuyên viên sẽ được trả lương bằng cách chuyển khoản theo hệ thống ngân hàng.

Một giai đoạn mới trong sự phân định của Giáo hội

Tiến triển này là một giai đoạn mới trong mối quan tâm của Giáo hội từ nhiều thế kỷ nay, làm cho thủ tục công nhận các phép lạ ngày càng đáng tin cậy hơn và nghiêm túc hơn. Từ thời Phúc Âm, các cuộc chữa lành kỳ diệu trở thành một phần của lịch sử Kitô giáo, và được coi như những dấu chỉ Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại. Nhưng vẫn phải chứng minh tính chất kỳ diệu của việc được chữa lành, vốn đôi khi việc khỏi bệnh lại hoàn toàn có thể giải thích được về mặt khoa học.

Sự can thiệp đầu tiên của các chuyên viên y tế trong một án tuyên thánh là vào năm 1610, trong án tuyên thánh cho Ðức Tổng giám mục Milano, Charles Borromeo. Ðây là hệ thống có từ năm 1678, theo quyết định của Ðức giáo hoàng Innocent XI. Tiếp nối sự tiến triển này, Bộ Giáo Luật 1917 đã quy định bắt buộc phải có ý kiến của hai bác sĩ về việc lành bệnh có giải thích được hay không, ngay cả trước khi có cuộc kiểm tra về mặt thần học đối với các trường hợp được nghiên cứu.

Năm 1948, Ðức giáo hoàng Piô XII đã thành lập một ủy ban y học, sau đó vị kế nhiệm ngài là Thánh giáo hoàng Gioan XXIII đã ban hành một Quy chế cụ thể cho uỷ ban này vào năm 1959, rồi Chân phước giáo hoàng Phaolô VI cập nhật vào năm 1976. Quy chế này, phù hợp với Bộ Giáo Luật 1983, vẫn có hiệu lực trong suốt 40 năm qua.

Quy chế mới được giới thiệu là kết quả của mười tháng làm việc, khởi đầu hồi tháng Chín 2015, do một ủy ban thực hiện, đứng đầu là Thư ký Bộ Tuyên Thánh, Ðức Tổng giám mục Marcello Bartolucci. Quy chế này được trình bày tại Hội nghị thường lệ của Bộ vào tháng Sáu 2016 và được hồng y Quốc vụ khanh Toà thánh Pietro Parolin nhân danh Ðức giáo hoàng chuẩn nhận vào ngày 24 tháng Tám vừa qua.

Vẫn có thể có những luật trừ

Việc tuyên phong chân phước và tuyên thánh thuộc quyền Ðức giáo hoàng, tuy nhiên ngài có thể tuyên thánh và tuyên phong chân phước mà không cần thông qua các thủ tục thông thường, như trường hợp tuyên thánh cho Ðức giáo hoàng Gioan XXIII hồi tháng Tư năm 2014. Phép lạ thứ hai bắt buộc trong án tuyên thánh cho vị Giáo hoàng trên ngai toà Phêrô từ năm 1958 đến 1963 chưa được chính thức công nhận trước, khác với phép lạ được xác nhận đối với Ðức Gioan Phaolô II, được tuyên thánh cùng ngày hôm ấy. Việc tuyên thánh "tương đương" đối với Thánh Phêrô Favre và Thánh Angela Foligno cũng được thực hiện qua sắc lệnh của Ðức giáo hoàng mà không cần công nhận phép lạ trước. Nhưng đó là những trường hợp ngoại lệ.

(Vatican Radio)

 

Minh Ðức

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page