Caritas các nước vùng Ðại Hồ
và chiến dịch chống lại nạn nghèo đói
Caritas các nước vùng Ðại Hồ và chiến dịch chống lại nạn nghèo đói.
Trung Phi (Vat. 23-09-2016) - Trong các ngày từ mùng 3 tới mùng 5 tháng 9 năm 2016 tổ chức Caritas của ba nước vùng Trung Phi châu quanh vùng Dại Hồ là Burundi, Cộng hòa dân chủ Congo và Rwanda đã nhóm đại hội tại Kinshasa và phát động chiến dịch chống lại nạn nghèo đói trong vùng. Chiến dịch kéo dài 3 năm 2016-2019.
Chương trình ba năm chống nạn nghèo đói tập trung vào năm mục tiêu sau đây: thứ nhất phát triển và củng cố các cơ cấu và khả năng giúp thực hiện dự án; thứ hai thăng tiến việc quản trị tốt; thứ ba củng cố việc đáp ứng các tình trạng cấp bách; thứ bốn thăng tiến mạng lưới truyền thông; thứ năm thăng tiến việc phát triển huy động các tài nguyên.
Chương trình ba năm chống nạn nghèo đói này đã được ba vị tổng thư ký ba Caritas của các Hội Ðồng Giám Mục ba nước Trung phi châu soạn thảo dựa trên vài điểm quan trọng theo chương trình chiến thuật của Caritas toàn Phi châu 2015-2019, và theo gợi hứng của tổ chức Caritas quốc tế. Như thế Caritas của cả ba nước cùng nhau dấn thấn trong dự án này với phần đóng góp của Uỷ ban Công lý và Hòa Bình của các Hội Ðồng Giám Mục ba nước Trung Phi.
Trong thông cáo chung kết, Ba vị Tổng thư ký Caritas ba nước đã cám ơn các Giám Mục gửi các vị tới để chung lo cho chương trình mục vụ quy mô này trong vùng. Thông cáo có đoạn viết: Chúng tôi canh tân nỗ lực sống sứ vụ bác ái bằng cách làm việc chung với nhau hầu góp phần tìm ra các giải pháp cho nhiều vấn đề trong vùng, trong đó có vấn đề các người di cư tỵ nạn, tình hình bất an ninh chính trị và nạn nghèo đói trong một vùng có đầy dẫy các tài nguyên phong phú quan trọng.
Linh Mục Jean Bosco Nintunze, tổng thư ký Caritas Burundi, ông Bruno Miteyo, tổng thư ký Caritas Cộng hòa dân chủ Công và linh mục Jean Marie Vianney Twagirayezu, tổng thư ký Caritas Rwanda, đã cùng làm việc với vị Tổng thư ký các Hội Ðồng Giám Mục vùng Trung Phi và Ủy ban Công Lý và hòa bình toàn vùng trong việc soạn thảo các chi tiết dự án ba năm chống lại nạn nghèo đói. Ngoài ra, các vị cũng quyết định tổ chức các cuộc họp hằng năm gần với địa điểm và thời gian hội họp của Ban Thường Vụ các Hội Ðồng Giám Mục toàn vùng, trong mức độ có thể để có thể tường trình, trao đổi và phối hợp các dự án một cách hữu hiệu hơn với các Giám Mục. Các vị viết trong thông cáo: Liên quan tới tình hình của từng vùng, chúng tôi dấn thân theo đuổi các hoạt động nhân đạo, theo các chỉ thị của các Giám Mục, và cung cấp cho các vị các yếu tố nghiên cứu để củng cố nền hòa bình và hòa giải giữa các thành phần xã hội tại các quốc gia liên hệ.
Trong các ngày nhóm họp các vị cũng đã tham dự "Diễn đàn Quê hương" và đánh giá cao phần đóng góp của các phương tiện truyền thông xã hội công giáo cho việc phát triển nhân bản toàn diện, mà mạng lưới Caritas Cộng hòa dân chủ Congo đã thiết lập được tại địa phương. Trong các ngày hội nghị các tham dự viên cũng đồng ý chỉ định Caritas Congo là phối hợp viên các trợ giúp của Caritas toàn Trung Phi với nhiệm kỳ 3 năm, sau khi Caritas Burundi hết nhiệm kỳ. Và hai bên đã bàn giao công việc cho nhau.
- Burundi rộng hơn 27,834 cây số vuông, có hơn 11 triệu dân, 85% thuộc chủng tộc Hutu, 14% thuộc chủng tộc Tutsi và 1% thuộc chủng tộc Twa. Trên bình diện tôn giáo 65% theo Công giáo, 26% theo Tin lành, 5% theo đạo cổ truyền phi châu, 3% theo Hồi giáo, 1% theo các tôn giáo khác và 1% không theo tôn giáo nào.
Ðược độc lập khỏi nước Bỉ năm 1959 nhưng sau đó các đảng phái tranh nhau nắm quyền, và nhất là sự canh tranh giữa hai chủng tộc đã khiến cho Burundi rơi vào cảnh nội chiến giữa hai chủng tộc và cuộc diệt chủng năm 1994 khiến cho hàng trăm ngàn người thiệt mạng, và hàng trăm ngàn nguời khác phải đi cư lánh nạn. Từ đó đến nay tình hình vẫn không lắng dịu. Năm 2015 sau hai nhiệm kỳ tổng thống ông Nkurunziza muốn ra ứng cử lần thứ ba trái với Hiến Pháp, khiến cho dân chúng xuống đường biểu tình phản đối. Nhưng sau vụ đảo chánh hụt ông Nkurunziza trở về nước, thanh lọc chính quyền, và bắt giữ nhiều lãnh đạo đối lập. Tình hình này khiến cho 100,000 người phải lánh nạn. Chính tình hình chính trị bất ổn liên miên này khiến cho đất nước bị kiệt quệ và không thể phát triển kinh tế. Và đây là lý do chính khiến cho cảnh nghèo đói gia tăng.
90% lợi tức quốc gia đến từ nông nghiệp. Burundi xuất cảng cà phê chiếm 93% tổng lượng sản xuất. Ngoài ra, cũng có trồng bông, trà, khoai lang, chuối, sắn, và nuôi bò sữa. nhưng không đủ để cung cấp cho dân. Burundi là một trong 120 quốc gia có nạn đói trên thế giới.
Tình hình bất ổn chính trị khiến cho 50,000 người trốn sang Tanzania, và 140,000 người khác di cư trong nước. Tình trạng thiếu thực phẩm, điện, nước, thuốc men rất trầm trọng. Số người lớn bị bệnh Sida cũng cao. Tuy nhiên số người biết chữ lên tới 77%.
- Rwanda là quốc gia láng giềng của Brurundi, rộng 26,338 cây số vuông, có gần 12 triệu dân, 79% gốc chủng tộc Hutu, 19% gốc Tutsi và 2% gốc Twa. 74% tổng số dân theo Kitô giáo, 25% theo đạo thờ vật linh, và 1% theo Hồi giáo. Trong số các kitô hữu tín hữu công giáo chiếm 43.7%, tín hữu tin lành chiếm 37.7%, giáo phái Adventist ngày thứ bẩy chiếm 11.8%.
Ðược độc lập khỏi Bỉ năm 1962, nhưng các tranh giành và thù hận giữa hai chủng tộc Hutu và Tutsi khiến cho Rwanda rơi vào cảnh nội chiến và cuộc diệt chủng năm 1994. Nguời ta không biết chính xác đã có bao nhiêu nguời bị sát hại, nhưng chỉ nội trong vòng 100 ngày, con số người bị giết lên tới 1 triệu. Nhiều người Tutsi và người Hutu có khuynh hướng chính trị hòa hoãn đã bị sát hại. Cũng có nhiều ngưởi Twa bị giết. Tình hình bất ổn chính trị đã khiến cho hàng trăm ngàn người phải di cư lánh nạn. Chính các vết thương xã hội này khiến cho nền kinh tế Rwanda cũng không sao cất cánh lên đưọc. Rwanda lại là quốc gia phi châu có ít tài nguyên thiên nhiên nên cũng không có nhiều kỹ nghệ, và 90% dân chúng sống về nghề nông. Ðất đai lại không rộng rãi bao nhiêu nên không có các mẫu canh tác quy mô và số thực phẩm sản xuất không dáp ứng nổi số dân gia tăng nhanh. Do đó Rwanda phải nhập cảng thực phẩm để đáp ứng các nhu cầu của mình. Trong số các sản phẩm nông nghiệp có chuối chiếm một phần ba diện tích đất đai toàn nước. Bên cạnh đó có khoai lang, đậu, lúa vv.. Cà phê và trà là hai sản phẩm chính trong số các sản phẩm xuất cảng. Trong số các súc vật được nuôi nhiều có bò, dê, cừu, heo, gà và thỏ. Nghề đánh cá trong các hồ cũng phát triển, nhưng chưa được tổ chức quy mô và chưa có nhiều phương tiện tối tân, nên Rwanda vẫn phải nhập cảng cá từ nước ngoài.
Trên bình diện sức khỏe một phần năm trẻ em chết trước khi lên 5 tuổi, thường là vì bệnh sốt rét rừng. Tổng thống Kagama đã trích ra 6,5% tổng số ngân quỹ quốc gia cho lãnh vực ý tế và phát động các chương trình chống bệnh sốt rét rừng. Nhờ thế tình trạng sức khoẻ của dân chúng được cải tiến rất nhiều và Rwanda được báo chi quốc tế cũng như các tổ chức bác ái quốc tế ca ngợi. Tuy nhiên, tình trạng ý tế vẫn còn yếu ớt vì số các bác sĩ và y tá còn quá ít.
- Cộng hoà dân chủ Congo rộng hơn 2 triệu 345 ngàn cây số vuông, có 82 triệu dân đa số là người da đen Bantu và gồm 300 bộ lạc khác nhau, thuộc các chủng tộc Teke, Twa, Hutu, Ngbandi, Mongo và Luba. Trên bình diện tôn giáo 86% theo Kitô giáo trong đó có 41% công giáo, 31.6% tin lành, 13.4% theo các hệ phái kitô khác. Cũng có 19.7% theo các tôn giáo cổ truyền phi châu, 3.3% theo Hồi giáo và 1.4% theo các tôn giáo khác.
Tuy được độc lập khỏi chính quyền thực dân Bỉ năm 1960, Congo cũng rơi vào cảnh tranh giành quyền bính giữa các đảng phái và chế độc độc tài, nhất là dưới thời tổng thống Mobutu Seseseko. Cũng đã xảy ra hai cuộc nội chiến giữa các năm 1996-1997, và giữa các năm 1998-2003. Giữa các năm 2004-2008 xảy ra chiến tranh trong vùng Kivu, có sự tham dự của bính sĩ các nưóc Rwanda, Angola và Zimbabawe. Lý do vì vùng này có rất nhiều quặng mỏ quý hiếm trong đó có Uranium, kim cương, vàng, bạc, cobalt, đồng, kẽm, mangane và thiếc.
Chiến tranh giữa quân đội chính phủ và các phiến quân do tướng Laurent Nkunda, người Tutsi phò Rwanda cầm đầu, với sự tham dự của phiến quân thuộc nhiều nhóm khác nhau, trong đó có nhóm Uganda và Hutu Rwanda, càng khiến cho tình hình hỗn loạn hơn. Các thoả hiệp hoà bình đã không được bên nào tôn trọng, nên giao tranh vẫn tiếp diễn. Cuộc khủng hoảng chính trị đã khiến cho 38.000 người thiệt mạng mỗi tháng, và 4 triệu dân bị chết nếu tính từ khi xảy ra các cuộc xung đột. Ðây cũng là cuộc diệt chủng ít được báo chí quốc tế nhắ đến. Các trận giao tranh trong vùng bắc Kivu hồi mùa thu năm 2008 đã khiến cho gần 300,000 ngàn người phải tản cư lánh nạn.
Vì đất rộng mênh mông nên Congo có rất nhiều rừng và gỗ quý. Trong các năm qua Trung Quốc đã bỏ tiền ra mua 9 triệu mẫu đất để trồng ngũ cốc cung cấp cho nhu cầu thực phẩm mênh mông của mình. Ða số dân Congo sống về nông nghiệp và sản xuất khoai sắn, ngô, miá, cà phê, cao su, trà thuốc lá, đậu phọng vv... Trong số các súc vật chăn nuôi có gà, dê, bò. Tuy nhiên, nông nghiệp và chăn nuôi chưa được kỹ nghệ hóa và trang bị các máy móc tối tân giúp gia tăng sản xuất. Trong nhiều vùng nông dân vẫn theo các kiểu canh tác cổ truyền. Vả lại tình hình chính trị bất ổn và chiến tranh liên miên đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho nhân mạng và tài lực của quốc gia rộng mênh mông và có các nguồn tài nguyên phong phú này. Thật ra chính các nguồn tài nguyên phong phú ấy lại là một trong các lý do khiến cho cuộc sống của người dân nước này phải gánh chịu biết bao đau khổ. Và chỉ có các cường quốc cũng như các tổ chức đa quốc tìm mọi cách chiếm đoạt và khai thác các loại quặng mỏ là được lợi.
Chính bối cảnh chính trị kinh tế xã hội thê thảm của ba nước vùng Ðại Hồ đã khiến cho Caritas đề ra chương trình 3 năm chống nạn nghèo đói nói trên. Giáo Hội cố gắng làm tất cả những gì có thể để thoa dịu và nâng cao phần nào cuộc sống khốn khổ của người dân. Nhưng rất thường khi đó chỉ là giọt nước bỏ biển. Vì chiến tranh xung khắc thường cũng tàn phá những gì Giáo Hội cố công xây dựng được, trong đó có các nhà thương, trạm xá, truờng học và các trung tâm bác ái xã hội. Ðó là chưa kể đến số nhân lực của Giáo Hội bị sát hại, trong đó cũng có nhiều thừa sai nước ngoài.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)