Ðức Thánh Cha Phanxicô ban hành

Tự sắc De concordia inter Codices

điều hợp hai bộ Giáo luật Latinh và Ðông phương

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tự sắc De concordia inter Codices điều hợp hai bộ Giáo luật Latinh và Ðông phương.

Vatican (WHÐ 18-09-2016) - Ngày 15 tháng 09 năm 2016, Toà Thánh đã công bố một Tự sắc mới, nhan đề De concordia inter Codices (Về sự Tương hợp giữa các Bộ Giáo luật), của Ðức Thánh Cha Phanxicô ký ngày 31 tháng 05 năm 2016 nhằm điều hợp một số quy tắc của hai bộ Giáo luật Latinh và Ðông phương. Bộ Giáo luật Latinh ban hành năm 1983, còn Bộ Giáo luật Ðông phương năm 1990. Việc điều hợp này là do tình trạng nhiều Kitô hữu Ðông phương (Công giáo hoặc Chính thống giáo) di cư đến các nước thuộc nghi lễ Latinh và đặc biệt liên quan đến các bí tích Thánh tẩy và Hôn nhân.

Tự sắc này quy định một số thay đổi trong Bộ Giáo luật của Giáo hội Công giáo Latinh. Một trong những thay đổi được nêu trong Tự sắc liên quan đến 11 khoản luật của Bộ Giáo luật nghi lễ Latinh là các phó tế Công giáo của nghi lễ Latinh không được chứng hôn khi một người trong đôi tân hôn, hoặc cả hai, thuộc một Giáo hội theo nghi lễ Ðông phương.

Ðức giám mục Juan Ignacio Arrieta, thư ký Hội đồng Toà Thánh về các Văn bản luật, cho biết: Sau hơn 15 năm nghiên cứu và tham khảo ý kiến trên toàn thế giới, những quy định mâu thuẫn đã được giải quyết bằng cách áp dụng các thể thức của Giáo hội Công giáo Ðông phương cho cả Giáo hội Công giáo Latinh.

Trong truyền thống Công giáo Ðông phương và Chính thống giáo, bí tích Hôn nhân phải có linh mục chứng hôn mới thành sự. Trong Giáo hội nghi lễ Latinh, một phó tế cũng có thể chứng hôn. Luật mới quy định: "Chỉ linh mục mới có thể chứng hôn cách thành sự cho hôn phối của đôi tân hôn mà cả hai người thuộc nghi lễ Ðông phương hoặc giữa một người Công giáo Latinh và một người Công giáo Ðông phương hay người không Công giáo (ý nói một tín hữu Chính thống giáo)".

Ðức giám mục Arrieta nói rằng trong rất nhiều trường hợp, những thay đổi được Ðức Thánh Cha phê chuẩn liên quan đến các quy tắc trong những hoàn cảnh mà Bộ Giáo luật Latinh chưa bao giờ bao quát được, như Bộ Giáo luật của các Giáo hội Công giáo Ðông phương năm 1990 đã làm. Với con số đông đảo Kitô hữu Ðông phương - cả Công giáo lẫn Chính thống - di cư đến các vùng chủ yếu thuộc nghi lễ Latinh từ năm 1989, các vị mục tử của nghi lễ Latinh cần có những hướng dẫn, Ðức cha nói.

Những thay đổi liên quan đến việc ban bí tích không chỉ ảnh hưởng đến các tín hữu Công giáo theo nghi lễ Ðông phương, mà còn cho cả các tín hữu của Giáo hội Chính thống khi không có sẵn một linh mục thuộc Giáo hội của họ, Ðức giám mục Arrieta nói. Ðiều này đã được dự kiến trong các khoản luật của các Giáo hội Công giáo Ðông phương, vẫn thường được áp dụng ở những nơi có sự hiện diện đông đảo của các tín hữu Chính thống.

"Bộ Giáo luật Ðông phương rất nhạy bén về phương diện đại kết", Ðức cha Arrieta nói. Chẳng hạn, một trong các điều khoản của Bộ Giáo luật này quy định rằng khi không có sẵn một linh mục Chính thống, một linh mục Công giáo có thể rửa tội cho một em bé có cha mẹ đều là tín hữu Chính thống giáo và muốn dạy dỗ con mình trong Giáo hội Chính thống.

Trong trường hợp này, Ðức cha Arrieta nói, sẽ không ghi chứng nhận rửa tội vào Sổ Rửa tội của giáo xứ Công giáo; nhưng cha mẹ đứa trẻ sẽ được cấp một chứng thư Rửa tội chính thức và sẽ ghi tên con mình vào Sổ Rửa tội của một giáo xứ Chính thống sau này.

Những bổ sung cho Bộ Giáo luật Latinh cũng xác định rằng các giám mục của nghi lễ Latinh có thể ban cho các linh mục "năng quyền chứng hôn cho các Kitô hữu thuộc một Giáo hội Ðông phương không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, nếu họ tự ý xin".

Những thay đổi trong Bộ Giáo luật Latinh cũng quy định rằng một đôi tân hôn theo nghi lễ Latinh và nghi lễ Ðông phương được tự do quyết định cho con mình gia nhập Giáo hội nào; nếu họ không thể đồng thuận, thì đứa con sẽ theo nghi lễ của người cha. Nếu cả cha và mẹ là đều tín hữu Công giáo Ðông phương, thì dù đứa trẻ được rửa tội trong một giáo xứ thuộc nghi lễ Latinh, Sổ Rửa tội cũng phải ghi tên em vào Giáo hội Công giáo Ðông phương và xác định em thuộc Giáo hội nào.

Có thể kể ra các Giáo hội Công giáo Ðông phương sau đây: Ukraina, Ruthenia, Melkite, Rumani, Maronite, Armenia, Chaldea, Syria, Syro-Malankara và Syro-Malabar.

Trong một bài báo đăng trên tờ L'Osservatore Romano của Vatican, Ðức cha Arrieta viết rằng: các Bộ Giáo luật Latinh và Ðông phương "tôn trọng, như phải thế, các truyền thống luật khác nhau, mặc dù rõ ràng chúng đáp ứng những vấn đề chính yếu liên quan đến đức tin của Hội Thánh như nhau".

Ðức cha Arrieta nói, những quy tắc mâu thuẫn nhau trong hai bộ Giáo luật là rõ ràng từ khi ban hành Bộ Giáo luật Ðông phương. Và khi nhiều người Công giáo Ðông phương di cư đến những vùng đất chủ yếu thuộc nghi lễ Latinh, cần phải làm sáng tỏ các vấn đề thực hành liên quan đến các bí tích Rửa tội và Hôn nhân.

Ðức giám mục Arrieta kết luận, những thay đổi được Ðức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn, đã "đáp ứng mong muốn làm cho việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu được dễ dàng, đặc biệt trong các cộng đồng sống tản mác của hàng ngàn Kitô hữu Ðông phương rời bỏ quê hương đến sống giữa đa số tín hữu Công giáo nghi lễ Latinh".

(Theo CNS & Vatican Radio)

 

Ðức Thành

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page