Tôn trọng sự thật
và có ý thức luân lý đạo đức mạnh mẽ
trong việc thi hành nghề nhà báo
Tôn trọng sự thật và có ý thức luân lý đạo đức mạnh mẽ trong việc thi hành nghề nhà báo.
Roma (Vat. 16-09-2016) - Ðể chế nhạo các các nhà báo, người ta thường nói "nhà báo nói láo ăn tiền", nghĩa là bịa đặt tin tức, tưởng tượng dữ kiện và nhân vật rồi viết tin giật gân làm như thật vậy. Thế mới xảy ra là có phóng viên chiến trường ngồi ở khách sạn và viết phóng sự chứ không ra ngoài chiến trường chứng kiến trận đánh rồi mới kể lại. Ðối với nền văn hóa vi tính ngày nay người ta lại còn tạo ghép cả hình ảnh nữa. Ðó là một việc làm gian dối, thất nhân ác đức, vì không tôn trọng sự thật, và không tôn trọng quyền của người đọc và dân chúng được biết sự thật. Chính vì thế trong tháng 10 năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho các nhà báo luôn được linh hoạt bởi việc tôn trọng sự thật và ý thức luân lý đạo đức mạnh mẽ trong việc thi hành nghề nghiệp của họ.
Xưa kia Chúa Giêsu đã dậy các môn đệ Ngài: "Sự thật sẽ giải phóng chúng con". Sống theo sự thật, bảo vệ bênh vực sự thật, tất cả mọi loại sự thật liên quan tới thế giới vũ trụ và nhất là liên quan tới cuộc sống con người và các quyền con người, như vậy, không phải chỉ là một bổn phận thánh thiêng, mà con là bí quyết tạo dựng cuộc sống chung tốt đẹp giữa con người với nhau nữa. Hàng lãnh đạo tôn giáo chính trị xã hội thời đó đã giết Ðức Giêsu thành Nagiarét, vì Ngài đã tuyên bố Ngài là Ðường là Sự Thật và là Sự Sống, và nhất là Ðức Giêsu đã lột mặt nạ giả hình gian dối của họ.
Tôn trọng sự thật không chỉ là một bổn phận luân lý đạo đức mà tất cả mọi người đều phải tuân hành, nhưng nó còn là một nguyên tắc hướng dẫn cuộc sống cá nhân và mọi loại cộng đoàn xã hội nữa. Nó thuộc lãnh vực lương tâm con người, và là một giá trị nội tại hướng dẫn cung cách hành xử khiến cho cuộc sống xã hội diễn ra xuôi chảy tốt đẹp, đem lại hạnh phúc cho con người. Ðây là thực tại chúng ta có thể nhận ra tại khắp nơi và trong mọi thời đại trên thế giới này. Ở đâu người ta biết tôn trọng sự thật, ở đó người dân biết những gì xảy ra một cách chính xác, và chính quyền có thể đề ra những chương trình trợ giúp can thiệp kịp thời. Ở đâu chỉ có dối trá, ở đó cuộc sống con người không còn trung thực nữa, và tất cả những gì người ta nói hay làm chỉ gây thiệt hại cho cuộc sống mà thôi, nhất là cho cuộc sống chung.
Ðây là thực tại chúng ta có thể nhận ra ngay trên đất nước Việt Nam khốn khổ hiện nay. Tầu Trung Quốc treo cờ tầu cộng vào khoan dầu, đánh cá, đâm bể tầu ngư dân Việt Nam, bắn giết và đánh đuổi ngư dân Việt Nam ngay trong hải phận của Việt Nam nhưng 800 báo đài nhà nước được lệnh phải gọi là "tầu lạ", chứ không được nói thật là tầu thuyền của Tầu Cộng vào cướp dầu hoả, cướp cá, xâm chiếm biển đảo của Việt Nam và bức tử ngư dân Việt Nam. Khi không dám nói lên sự thật, thì làm sao chúng ta có thể bảo vệ quê hương đất nước và dân tộc đây? Và ai bảo vệ chúng ta khi chúng ta ngày đêm rêu rao là không có vấn đề gì? Nói cách khác, khi không cho người dân biết sự thật và không tôn trọng sự thật, là nhà nước bắt người dân sống như người mù, người câm, người điếc, người không có lương tri và không có trí khôn.
Các chính quyền, đặc biệt là các chính quyền độc tài, bao giờ cũng chủ trương ngu dân để họ có thể thống trị luôn mãi. Song song họ dùng bạo lực đàn áp để khiến cho người dân sợ hãi khiếp nhược cúi đầu chịu trận. Ðể đạt mục đích này họ huy động giới báo chí nói dối xuyên tạc sự thật, và phát động các phong trào "đấu tố" các cá nhân các tổ chức mà họ muốn triệt hạ. Họ còn chủ trương viết lại lịch sử theo nhãn quan xã hội chủ nghĩa, lấy gian dối là quốc sách.
Và chúng ta hiểu tại sao các chế độ độc tài lại chỉ huy và lèo lái các phương tiện truyền thông. Nói thực ra trong xã hội nào các nhà báo cũng có thể gặp khó khăn, khi thi hành nghề nghiệp của mình theo lương tâm liêm chính. Và con số nhà báo bị sát hại mỗi năm đó đây trên thế giới lên tới hàng trăm. Họ luôn luôn bị coi là kẻ thù, khi muốn kể lại và phơi bầy sự thật cho người dân thế giới hiểu biết tình hình của các dân tộc trên thế giới. Trong các năm qua cuộc chiến tại vùng Trung Ðông đã khiến cho hàng chục nhà báo quốc tế bị thiệt mạng.
Trong thời chiến tranh lạnh, khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo đã tung ra rất nhiều tiền để mua chuộc giới nhà báo tây âu chống chiến tranh Việt Nam. Họ được trả tiền để nói dối, để tung tin thất thiệt và để phát động các phong trào chủ hoà xuống đường biểu tình đòi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Việt Nam. Và kết quả là những gì chúng ta đã thấy cho tới nay.
Có những nhà báo khi điều tra hay viết phóng sự về các tổ chức đa quốc buôn bán khí giới hay các tổ chức mafia tội phạm, họ bị đe dọa và bị sát hại vì dám phanh phui sự thật liên quan tới các tổ chức đen tối này. Và chúng ta hiểu tại sao hành nghề nhà báo lại nguy hiểm đến như vậy. Nhưng nhờ lòng can đảm của họ mà chúng ta biết được nhiều sự thật liên quan tới mọi vấn đề cuộc sống. Chính vì thế họ là những chứng nhân của sự thật và là các nhà báo rất đáng trân quý. Ðiều các chính quyền độc tài và cả không độc tài nữa mong muốn đó là các nhà báo đừng nói lên sự thật. Nhưng khi thi hành nghề nghiệp với lương tâm luân lý đạo đức tôn trọng sự thật là các nhà báo góp phần xây dựng xã hội, thăng tiến công ích và cuộc sống chung giữa con người và các dân tộc với nhau.
Với các tư tưởng trên đây trong tháng 10 năm 2016 hiệp ý với Ðức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta cầu xin cho các nhà báo luôn được linh hoạt bởi việc tôn trọng sự thật và ý thức luân lý đạo đức mạnh mẽ trong việc thi hành nghề nghiệp của họ.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)