Viễn Tượng Học Viện Công Giáo Việt Nam
Lễ Khai Giảng Khóa Cao Học Thần Học
Viễn
Tượng Học Viện Công Giáo Việt Nam: Lễ Khai Giảng Khóa Cao
Học Thần Học.
Viễn Tượng Học Viện Công Giáo Việt Nam: Lễ Khai Giảng Khóa Cao Học Thần Học. |
Sàigòn (WHÐ 14-09-2016) - Viễn Tượng Học Viện Công Giáo Việt Nam: Lễ Khai Giảng Khóa Cao Học Thần Học.
Trọng kính Ðức Tổng Phaolô, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) Chưởng ấn Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN),
Trọng kính quý Ðức Cha,
Kính thưa quý Cha Bề Trên các Hội Dòng,
Kính thưa quý Khách,
Kính thưa quý Cha, quý Dì và quý Anh Chị trong Ban Giáo sư và Ban Ðiều hành của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN),
Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ - Sinh viên của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN),
Hôm nay, giấc mơ của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) về Ðại Học Công Giáo được chính thức thành hình trong những bước đầu. Ðây là kết quả của sự cộng tác và nhiệt tâm của nhiều thành phần Dân Chúa, dưới sự lãnh đạo của các Giám mục Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo (UB.GDCG) của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN).
I. Tòm Lược Những Bước Hình Thành Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN)
Hôm nay là ngày Khai giảng năm học 2016 - 2017 của Khóa Cao học Thần học, mà hơn nữa còn là ngày chính thức khai mào sinh hoạt của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN). Vì vậy, chúng con xin được trình bày tóm lược những bước hình thành của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN).
1. Trong Hội Nghị Thường niên Kỳ I năm 2010, 05-09/4/2010, tại Bãi Dâu, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) đã bàn thảo và quyết định thành lập "Học Viện Thần Học Cao Cấp cho Giáo Hội Việt Nam". Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, khi đó là Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo và sau đó, Ðức Cha Tôma Vũ Ðình Hiệu, Chủ Tịch nhiệm kỳ tiếp theo, đã bắt tay vào công việc khó khăn của những bước đầu qua việc tham khảo ý kiến của nhiều thành phần Dân Chúa.
2. Ngày 28/01/2014 Dự Án "Học Viện Thần Học Cao Cấp" được Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo chính thức gửi đến quý Ðức Hồng Y, quý Ðức Tổng, quý Ðức Cha trong Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN), quý Cha Giám Ðốc các Ðại Chủng Viện, Học Viện Thần Học và quý Bề Trên các Hội Dòng để xin ý kiến.
3. Từ những ý kiến nhận được, Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo đã soạn thảo Dự Án về Học Viện Thần Học với danh xưng Học Viện Công Giáo Việt Nam. Dự án này được Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) bàn đến trong Hội Nghị Thường Niên Kỳ I năm 2014, tổ chức từ ngày 21-15/4/2014, tại Trung Tâm Công Giáo Tổng Giáo Phận Sàigòn và được chấp thuận ngày 22/4/2014
4. Ngày 29/4/2014, Ðức Cha Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trình bày Dự án "Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN)" lên Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc.
5. Ngày 02/5/2014, Ðức Cha Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trình bày Dự án "Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN)" lên Bộ Giáo Dục Công Giáo (GDCG) của Tòa Thánh.
6. Ngày 25/5/2014, Ðức Tổng Phaolô, Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) gửi văn thư sang Bộ Giáo Dục Công Giáo của Tòa Thánh, xin thành lập một Phân Khoa Thần Học cho Giáo Hội Việt Nam.
7. Ngày 12/6/2014, Bộ Giáo Dục Công Giáo của Tòa Thánh gửi văn thư chấp thuận chủ trương cho Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) thành lập một Học viện Thần Học tự lập (Autonomous Institute of Theology), tức là một Phân Khoa Thần Học.
8. Ngày 02/01/2015, Ðức Tổng Phaolô, Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) gửi văn thư đến Thủ Tướng Chính Phủ xin được thành lập Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN).
9. Ngày 07/7/2015, Ban Tôn Giáo Chính Phủ gửi đến Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) văn thư cho chủ trương thành lập Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN).
10. Ngày 06/8/2015, Ban Tôn Giáo Chính Phủ trao Quyết Ðịnh cho thành lập Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN).
11. Ngày 14/9/2015, Lễ Suy tôn Thánh Giá, Bộ Giáo Dục Công Giáo của Tòa Thánh ký Sắc lệnh thành lập Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) và ngày 21/10/2015 chính thức trao Sắc lệnh này cho Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) cùng với văn thư bổ nhiệm Ðức Cha Giuse Ðinh Ðức Ðạo, Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công giáo, làm Viện Trưởng Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN), trong thời kỳ phôi thai của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN).
12. Ngày 05-06/7/2016, Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) mở cuộc thi tuyển Khóa Cao học Thần học.
13. Ngày 14/9/2016, Khai giảng Khóa Cao học Thần học. Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) chính thức bước vào thời kỳ hoạt động.
II. Mục Ðích Của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN)
1. Nhìn vào nhu cầu đời sống của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (GHCGVN) hôm nay, người ta có thể thấy ngay mục đích của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) là góp phần vào nỗ lực nâng cao kiến thức và khả năng thần học của mọi thành phần Dân Chúa (Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân), qua việc đào tạo các cấp Cao học và Tiến sĩ. Kiến thức sâu xa và khả năng suy tư thần học ở nơi nào và vào thời đại nào cũng hữu ích, nhưng đặc biệt cần thiết cho người công giáo Việt Nam hôm nay, đứng trước những hoàn cảnh của thời đại, nhất là hai hoàn cảnh sau đây:
- Qua các phương tiện truyền thông và qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu với nhiều thành phần trong nước và các quốc gia khác, người Công giáo Việt Nam tiếp xúc với rất nhiều trào lưu tư tưởng và nếp sống khác nhau. Những tư tưởng và nếp sống đó có thể đóng góp cho việc hiểu và sống Tin Mừng được sâu đậm và phong phú hơn, nhưng cũng có thể gây ra những khó khăn, nghi nan về nếp sống theo Tin Mừng hay về chính Tin Mừng của Chúa.
- Vì nhu cầu, cơ cấu và nếp sống của xã hội kỹ nghệ hóa và kỹ thuật hóa, cuộc sống của con người Việt Nam đang từ từ chuyển biến từ nếp sống có tính cách gia đình và cộng đoàn sang nếp sống mang đậm tính cá nhân. Trong hoàn cảnh này, truyền thống và tập tục sống đạo sẽ không đủ để nâng đỡ đời sống Ðức Tin của các tín hữu, mà còn cần có sự hiểu biết và xác tín cá nhân của người tín hữu nữa.
2. Nhìn vào chiều sâu, việc thành lập Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) còn có nhiều ý nghĩa quan trọng khác
- Trước tiên, đối với chính Giáo Hội Công giáo Việt Nam (GHCGVN), việc thành lập Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) nói lên mức độ trưởng thành của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Ðể thấy rõ ý nghĩa của nhận định nói trên, cần phải hiểu là việc đào tạo nhân sự trên khía cạnh trí thức theo hệ thống Ðại học trong Giáo hội Công giáo (GHCG) có ba cấp (Chu kỳ). Cấp I là cấp căn bản, kéo dài 5 năm và kết thúc với bằng Cử nhân Thần học; Cấp II là cấp chuyên môn, kéo dài 2 hay 3 năm, tùy theo chuyên ngành và kết thúc với bằng Cao học Thần học và Cấp III là cấp nghiên cứu chuyên ngành, kéo dài 3 hay 4 năm tùy khả năng làm việc của mỗi ứng viên và kết thúc với bằng Tiến sĩ Thần học. Cho đến nay, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mới có các Ðại Chủng viện. Chương trình học về khía cạnh trí thức của Ðại Chủng viện tương đương với chương trình học của Cấp I trong hệ thống Ðại học của Giáo Hội Công Giáo.
- Ðối với Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, qua Học viện Công giáo, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp với Giáo Hội hoàn vũ những suy tư về Ðức Tin và về những kinh nghiệm sống Ðức Tin của mình. Tuy cùng một Ðức Tin, nhưng Ðức Tin sẽ được mỗi người, mỗi dân tộc diễn tả theo sắc thái văn hóa và hoàn cảnh sống riêng biệt của mình. Ngoài ra, các suy tư thần học phát xuất từ một đời sống Ðức Tin sống động như đời sống của Giáo Hội Việt Nam hiện nay, chuyển tải sức sống của Tin Mừng và đây chắc chắn là một đóng góp quan trọng mà Giáo Hội Việt Nam có thể dâng tặng cho Giáo Hội Hoàn Vũ.
- Ðối với Quê Hương Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hy vọng có những đóng góp qua các nghiên cứu của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN). Với những suy tư dưới ánh sáng của Ðức Tin, người Công giáo sẽ làm cho nhiều yếu tố và nếp sống của truyền thống Việt Nam được rõ nét và tươi sáng hơn. Chẳng hạn về chữ Hiếu. Người Việt Nam nào cũng coi trọng lòng hiếu thảo đối với Tổ tiên và ông bà, cha mẹ vì là nét đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam, nhưng đối với người Công Giáo Việt Nam, lòng hiếu thảo còn có tính chất linh thiêng vì là lệnh truyền của Thiên Chúa. Trong đạo Công giáo có 10 Ðiều Răn của Ðức Chúa Trời. Sau 3 điều răn về bổn phận đối với chính Thiên Chúa, điều răn thứ bốn là điều răn về lòng hiếu thảo: "Hãy thảo kính Cha Mẹ". Với nền tảng văn hóa và thần học vững chắc, người Công giáo rất trân trọng chữ Hiếu và có những nếp sống về lòng hiếu thảo rất đặc biệt và sâu đậm. Chỉ cần tham dự Thánh Lễ thì biết là người Công giáo cầu nguyện cho Tổ tiên và ông bà, cha mẹ hằng ngày và nếu đến nghĩa trang của người Công giáo vào ngày 02 tháng 11 và ngày Mồng Hai Tết sẽ thấy tâm tình của người Công giáo đối với Tổ tiên và ông bà, cha mẹ của họ sâu đậm chừng nào. Những suy tư và nếp sống hiếu thảo của người Công giáo sẽ là một đóng góp cho Ðạo Hiếu của anh chị em đồng bào của mình.
III. Ðặc Tính Của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN): Hiệp Nhất
Ðặc tính của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) là tinh thần hiệp nhất, biết quy tụ những yếu tố khác biệt và biến chúng thành yếu tố bổ túc cho nhau, làm cho tất cả được thêm phong phú.
Tinh thần hiệp nhất phát sinh ngay từ bản chất của Học Viện Công Giáo, vì Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) là chủ trương của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và việc thực hiện của Học viện này là kết quả của sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa của Giáo Hội Việt Nam: các Giáo phận, các Dòng tu, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân. Ban giảng huấn cũng nói lên sự hợp tác của nhiều thành phần, gồm Linh mục Giáo phận, Linh mục dòng, Tu sĩ nam nữ và Giáo dân. Xét về nguồn gốc thụ huấn, Ban Giảng Huấn gồm những vị đã được đào tạo và tốt nghiệp Tiến sĩ bên Hoa Kỳ, Úc Ðại Lợi, Pháp, Rôma, Phi luật tân, Vương quốc Bỉ, Ðức Quốc, v.v. Ngoài ra, Học viện cũng có chương trình mời một số vị thỉnh giảng từ các Ðại học quốc tế và liên kết với các Ðại học quốc tế cho một số chương trình cụ thể. Hiện nay, Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) đã có những chương trình cụ thể liên kết với Ðại học "Holy Family University" bên Philadelphia/USA và Ðại học Công giáo Leuven (Vương quốc Bỉ). Hy vọng, trong tương lai, Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) sẽ còn liên kết với một số Ðại học khác nữa.
Hôm nay, Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) được đặt trong tòa nhà Văn Phòng Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN). Chúng ta hy vọng trong một thời gian không xa, với sự hỗ trợ của nhiều người, Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) sẽ có không gian riêng, rộng rãi và xứng hợp hơn.
IV. Một Giấc Mơ
Giáo hội Công Giáo Việt Nam ước mơ về một Ðại học Công giáo có uy tín và mở rộng để phục vụ các Giáo hội địa phương trong khu vực.
Với nguồn nhân lực, cũng như trình độ và khả năng của Ban Giảng huấn, Học viện Công giáo Việt Nam đã được Bộ Giáo Dục của Tòa Thánh công nhận và cho phép hoạt động. Do đó, văn bằng Thần học của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) có giá trị sánh ngang với văn bằng Thần học của các Ðại học Công giáo quốc tế trên thế giới. Tuy nhiên, trên thế giới và ngay cả trong Giáo Hội Công giáo, có những Ðại học có nhiều uy tín hơn các Ðại học khác. Chúng ta mơ ước và đưa hết tâm lực thực hiện để Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) sẽ trở thành một Ðại học có uy tín trên thế giới.
Chúng ta muốn mơ xa hơn, đó là Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) sẽ được tham dự vào việc giáo dục ở các ngành khác, ngoài Thần học và từ từ phát triển để đáp ứng nhu cầu, không phải chỉ của GHVN và cả những nước trong khu vực. Khi sang Rôma tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới, có dịp nói chuyện với Ðức Tổng Giám Mục Nagasaki (Nhật Bản) và Ðức Cha Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Laos - Republica Khmer, các ngài tỏ lòng mong ước Việt Nam mở Ðại học Công Giáo để các ngài có thể gửi chủng sinh sang học. Cả các nhân viên Ban Tôn Giáo Chính Phủ cũng cầu mong cho Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) không những chỉ phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam, mà cả Giáo Hội tại các nước trong khu vực. Viễn tượng này đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó Ban Giáo Sư có khả năng truyền đạt kiến thức thần học bằng Anh ngữ là một yếu tố không thể thiếu.
Chúng ta tin tưởng rằng những giấc mơ của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) về Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) sẽ được thực hiện vì chúng ta không chỉ có các cộng tác viên, mà các cộng tác viên có khả năng, nhiệt thành, quảng đại và cùng hướng về giấc mơ của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) và của chung Giáo Hội Việt Nam. Ðó chính là các Linh mục, Tu sĩ và các Anh chị trong Ban Giáo Sư và Ban Ðiều Hành của Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN).
Gm Giuse Ðinh Ðức Ðạo,
Viện Trưởng Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN)