Hành trình từ đau khổ sau phá thai

đến nhận ơn tha thứ của Katherine White

 

Hành trình từ đau khổ sau phá thai đến nhận ơn tha thứ của Katherine White.

Roma (CNS 04-08-2016; Vat. 12-09-2016) - Vào năm 1974, một năm sau khi việc phá thai được hợp pháp hóa tại Hoa kỳ, Katherine White lúc bấy giờ đang học năm cuối đại học, có những dấu hiệu khác thường của người có thai. Cô đến một dưỡng đường điều hòa sinh sản để làm xét nghiệm máu và đã nhân kết quả dương tính; cô có thai. Ðiều này đến thật bất ngờ! Khi biết mình có thai, White muốn phủ nhận sự thật. Cô hoảng sợ và quá xấu hổ, không dám nói với cha mẹ cô, những người đang rất hãnh diện chờ ngày đứa con đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp. Tuy thế, White cũng còn hy vọng là bạn trai của cô sẽ ủng hộ cô, rồi hai người sẽ làm đám cưới và sẽ có con. Nhưng trái với suy nghĩ của cô, bạn trai cô đã từ chối và không muốn có trách nhiệm gì với bào thai cô đang mang trong bụng.

Ngày đó, còn khác với bây giờ rất nhiều; trong xã hội lúc ấy việc các bà mẹ đơn thân bị kỳ thị là chuyện có thật; Giáo hội Công giáo cũng không nói cách công khai rộng rãi đến việc phá thai; rồi cũng không có những giảng dạy giúp người ta hiểu rằng một phôi thai hay một thai nhi thực sự là một sự sống. Thời đó các máy siêu âm cho phép các phụ nữ thấy được sự sống đang lớn lên trong họ cũng chưa có, còn phá thai thì không còn phải lén lút đàng sau các hành lang nhưng là một chọn lựa hợp pháp thay thế cho việc sinh con. Phá thai được diễn tả như một quá trình đơn giản để người nữ trở lại chu kỳ sinh lý bình thường của mình. Và White đã phá thai tại một dưỡng đường ở Pittsburgh và không bao giờ nói đến từ "em bé". Tự sâu trong tâm lòng White có lẽ biết, nhưng để thuyết phục mình phá thai, cô tự nhủ: đó không thực sự là một đứa trẻ; và cũng không ai thuyết phục cô khác đi.

Sau khi phá thai, cô trở về ký túc xá của trường và cuộn mình như một trái banh trong suốt 2 ngày. White đã giữ sự thật đau đớn này trong lòng suốt 40 năm. Nó đã thay đổi White mãi mãi. Cô đã xa rời Giáo hội Công giáo trong một ít năm bởi vì cô cảm thấy xấu hổ và ác cảm với Thiên Chúa vì tin là Người không còn yêu thương cô. Sợ hãi sự đoán phạt của Thiên Chúa. White đã rơi vào nghiện ngập rượu chè và bị trầm cảm nhiều năm trong thời gian 40 năm này. White cũng cố gắng không đọc bất cứ thứ gì viết về phá thai vì nó thật sự quá đau khổ.

Rồi trong một thời điểm đen tối năm 2015, bà White đã có một ơn soi sáng. Lúc đó bà đang sinh hoạt với nhứng người ủng hộ cuộc sống và nghe về sứ điệp của năm Từ bi thương xót, bà nhận ra vấn đề của mình bắt nguồn từ sự không thể đôi diện với những gì bà đã làm mấy chục năm trước. Cuối cùng bà đã đối diện với nó, khi nhận ra rằng bà đã thực sự tước đoạt một sự sống. Bà biết là mình cần xưng tội. Bà đã tìm đến một linh mục khôn ngoan và cảm thông và bà đã nhận bí tích thống hối và hòa giải. Trước đó bà cũng sợ khi nghĩ đến những điều mà linh mục giải tội nghĩ về bà, tuy vậy bà đã đi xưng tội. Ðiều này đã đưa bà vào con đường được chữa lành. Bà cho biết việc bà xưng tội thật là đẹp. Khi bà đến với vị linh mục, bà thấy bàn tay của Chúa Kitô và nghe thấy tiếng nói của ngài. Bà thật sự tin Chúa đã gửi linh mục đến với bà vì bà đã đau khổ quá nhiều.

Tuy thế việc chữa lành không xảy ra ngay lập tức, bà phải chiến đấu để đón nhận sự tha thứ cho tội lỗi không thể tha thứ của bà. Bà nói: "Phá thai không chỉ là giết một đứa bé mà còn gây thương tổn tinh thần nơi linh hồn của người phụ nữ. Bà White tiếp tục xin cha giải tội của bà hướng dẫn, và vị linh mục này đã giúp bà nhận ra điều bà cần là khiêm nhường quy phục Thiên Chúa và đón nhận quà tặng nhưng không - ơn tha thứ từ Thiên Chúa, Ðấng tha thứ mọi tội lỗi, ngay cả tội phá thai. Cha giải tội cũng giúp bà bắt đầu nhận ra đứa trẻ, con bà đang ở trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Cha cũng khuyên bà tham dự vào chương trình cuối tuần "Vườn nho của Rachel", một chương trình tĩnh tâm giúp các người nam nữ có cơ hội chấp nhận và than khóc về mất mát của họ từ việc phá thai và cuối cùng hướng họ đến hòa giải và binh an.

Bà White chia sẻ: "Tôi không bao giờ nghĩ là tôi có thể nói với một ai về một điều quá riêng tư và đau đớn như thế. Tôi muốn thương khóc cho con của tôi nhưng tôi đã cảm thấy mình không xứng đáng. Chương trình "Vườn nho của Rachel" cho phép tôi chia sẻ nỗi đau của tôi với những phụ nữ khác, những người cũng đã có cùng nỗi đau mất con vì phá thai. Các câu chuyện của chúng tôi khác nhau nhưng sự đau khổ thì giống nhau. Chúng tôi không chỉ xứng đáng than khóc, nhưng nó còn là một bước cần thiết trong việc phục hồi, chữa lành của chúng tôi". Các buổi tĩnh tâm chữa lành cuối tuần đầy nước mắt đã cho phép bà White chấp nhận cách chân thành rằng bà là một bà mẹ và đã có một đứa con. Trước đó bà thường nói về đứa trẻ như một đồ vật nhưng bây giờ bà cầu nguyện cho con của bà và xin con cầu nguyện cho mình. Bà hình dung con mình sẽ đón chào mình trên thiên đàng. Bà White cũng đã thật sự cảm nhận và hiểu thế nào là lòng thương xót. (CNS 04/8/2016)

 

Hồng Thủy

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page