Thư của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

góp ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo

 

Thư của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam góp ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo.

Sàigòn (VietCatholic News 8-09-2016) - Ban Thường Vụ Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã chuyễn tới Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Ðồng Quốc Hội Khóa XIV Thư của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam góp ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo như sau:

 

Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Ðộc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Sàigòn, ngày 26 tháng 8 năm 2016

 

Kính gửi: Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Ðồng,

Quốc Hội Khóa XIV

 

Chúng tôi đã nhận được Văn thư số 22 / UBVHGDTTN14 của quý Ủy Ban đề nghị góp ý cho Dự thảo 17.8.2016 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, với tinh thần xây dựng để ích nước lợi dân. Việc Quốc hội hỏi ý kiến các tổ chức tôn giáo về Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo là điều đáng trân trọng, bày tỏ thái độ tôn trọng, cầu thị, lắng nghe của những nhà làm luật đối với các tổ chức và cá nhân liên quan trực tiếp đến tác động của bộ luật trên đời sống và hoạt động của họ. Chúng tôi tán thành và hoan nghênh việc làm này của Quốc hội, chỉ tiếc rằng việc hỏi ý kiến bị giới hạn trong khung thời gian quá chật hẹp (18-31/8/2016), vì thế khó lòng có được những ý kiến rộng rãi và sâu sắc. Nhân danh Hội đồng giám mục Việt Nam, chúng tôi, Ban Thường vụ, kính gửi đến Quốc hội một số nhận định và góp ý.

I. Những Ðiểm Tích Cực

So với Dự thảo 4, chúng tôi nhận thấy Dự thảo lần này (17/8/2016) có những tiến bộ đáng khích lệ. Cụ thể là:

1. Công nhận tư cách "pháp nhân phi thương mại" của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (Ðiều 30).

2. Bớt đi từ "đăng ký" và thay bằng từ "thông báo" hoặc "đề nghị", ví dụ tại điều 33A: "Tổ chức tôn giáo sau khi thực hiện việc phong chức, phong phẩm.... thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước". Vấn đề không chỉ là thay đổi từ ngữ nhưng còn là thay đổi cách nhìn và cách làm việc, thoát khỏi cơ chế xin-cho. Tự do tôn giáo là quyền căn bản của con người chứ không phải là ân huệ để xin và cho. Khi Nhà nước đã công nhận một tổ chức tôn giáo thì cũng phải tôn trọng họ và những sinh hoạt của họ.

3. So với Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo 21/2004, dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có nêu quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo về tín ngưỡng, tôn giáo (Ðiều 62).

4. Các tổ chức tôn giáo "được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân" (Ðiều 53). Chúng tôi hiểu việc thành lập cơ sở giáo dục này là ở mọi cấp: mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học. Cũng thế, tổ chức tôn giáo "được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội" (Ðiều 54). Ðây là những quy định đúng đắn, thoát ra khỏi thái độ phân biệt đối xử trong cộng đồng dân tộc, đồng thời mở ra cơ hội cho các tổ chức tôn giáo tham gia vào lãnh vực giáo dục và y tế, vì lợi ích chung của toàn xã hội.

II. Những Ðề Nghị

Bên cạnh những nhận xét tích cực trên, chúng tôi có một số đề nghị cụ thể:

Ðiều 2. Giải thích từ ngữ

1. Giải thích thêm những từ ngữ sau:

- Thông báo: đơn vị thông báo không phải chờ kết quả trả lời của nhà nước. Tuy nhiên nhà nước có quyền yêu cầu không thực hiện hoạt động trong thông báo, yêu cầu hủy bỏ kết quả đã thông báo bằng văn bản có nói rõ lý do.

- Ðăng ký: đơn vị thông báo phải chờ kết quả trả lời của nhà nước. Nhà nước có quyền từ chối hoặc chấp thuận cấp đăng ký. Nếu từ chối phải trả lời bằng văn bản có nói rõ lý do.

- Ðề nghị: đơn vị đề nghị phải chờ kết quả trả lời của nhà nước. Nhà nước có quyền công nhận, từ chối. Nếu từ chối phải trả lời bằng văn bản có nói rõ lý do.

Nhà nước có quyền yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải đề nghị, đăng ký, thông báo các hoạt động nhưng Nhà nước cũng có trách nhiệm phải trả lời đúng hạn bằng văn bản có nêu rõ lý do nếu không đồng ý. Việc phải nêu rõ lý do là để các tổ chức tôn giáo có thể khiếu nại, khởi kiện, tố cáo theo Ðiều 62 Dự thảo 17/8/2016. Ðể tránh việc cơ quan chức năng im lặng không trả lời làm thiệt hại cho các tổ chức tôn giáo thì đề nghị có thêm chi tiết sau: "các tổ chức tôn giáo phải đề nghị, đăng ký, thông báo các hoạt động theo đúng những qui định trong luật này nhưng nhà nước cũng có trách nhiệm phải trả lời đúng hạn bằng văn bản có nêu rõ lý do. Nếu quá thời hạn qui định mà cơ quan chức năng không trả lời thì người đề nghị, đăng ký, thông báo có quyền thực hiện theo nội dung đã đề nghị, đăng ký, thông báo".

2. Sửa lại định nghĩa về sinh hoạt tôn giáo

Ð2, K10. Sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo của cá nhân.

Ðề nghị: Thêm từ cộng đồng cho đủ nghĩa: "Sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo của cá nhân và cộng đồng."

3. Giải thích rõ hơn "phạm vi phụ trách của chức sắc" (Ð6, K5) qui định: phạm vi phụ trách của các chức sắc là toàn bộ địa bàn mà các vị chức sắc phụ trách. Thí dụ phạm vi phụ trách của Giám mục là toàn bộ địa bàn giáo phận.

Ðiều 3. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Ð3, K1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng...

Ð3, K3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản...

Nhận xét: Nói "Nhà nước bảo hộ" thì hóa ra các tổ chức tôn giáo chỉ là tổ chức bù nhìn sao?

Ðề nghị: Thay thế từ "bảo hộ" bằng từ "bảo đảm": Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng... cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Ðiều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

Ð5, K4. Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xâm hại quốc phòng, trật tự công cộng, môi trường;...

Nhận xét: Ðiều khoản này dễ bị lạm dụng để giới hạn, đe dọa và phá hủy quyền tự do tôn giáo đích thực của người dân.

Ðề nghị: Xác định rõ và liệt kê những lý do "xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng".

Ðiều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người

Ð6, K5. Chức sắc, chức việc có quyền tự do thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách; giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

Nhận xét: Khái niệm "phạm vi phụ trách" tại khoản 5 chưa rõ nên dễ gây xung đột.

Ðề nghị: Qui định rõ phạm vi phụ trách trong Ðiều 2, giải thích từ ngữ theo hướng phạm vi phụ trách của các chức sắc là toàn bộ địa bàn mà các vị chức sắc phụ trách.

Ðiều 16. Thông báo việc sinh hoạt tôn giáo tập trung

Nhận xét: Có một vấn đề từ lâu gây rắc rối giữa chính quyền và giáo dân (nhất là giáo dân Công Giáo) khi có nhiều giáo dân ở cùng địa điểm nhưng chưa có chỗ sinh hoạt tôn giáo. Khi xin phép chính quyền để được tập trung sinh hoạt tôn giáo thì thường bị từ chối với lý do là pháp luật về tôn giáo chưa có qui định. Ðiều này trước đây đã được giải quyết hợp lý theo Ðiều 5 Nghị định 92.

Ðề nghị: theo phương án 1 và xin viết lại như sau cho rõ nghĩa:

1. Người theo tôn giáo chưa có chỗ sinh hoạt tôn giáo, dù thuộc các tổ chức tôn giáo đã được hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, được tập trung để sinh hoạt tôn giáo.

2. Thời gian thông báo bằng văn bản đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức sinh hoạt tôn giáo thời hạn 10 ngày trước khi tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung, và chỉ cần thông báo một lần và sau đó tiếp tục sinh hoạt theo thông báo.

Ðiều 21: Ðiều kiện công nhận tổ chức tôn giáo

Ð21, K3: Có người đại diện tổ chức là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích.

Nhận xét: Qui định không có án tích chưa thỏa đáng vì Ðiều 63 Bộ Luật hình sự năm 1999 về xoá án tích qui định: "Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Toà án cấp giấy chứng nhận".

Ðề nghị: Nên qui định "không có án tích hoặc đã được xóa án tích"

Ðiều 30: Công nhận pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Ð30, K1. Tổ chức tôn giáo được công nhận là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Ðiều 66 Luật này.

Nhận xét: Trước đây từ "pháp nhân" đã được sử dụng với ý nghĩa khác nhau trong việc công nhận tổ chức tôn giáo.

Ðề nghị: Ghi rõ "Tổ chức tôn giáo được công nhận là pháp nhân phi thương mại theo Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13."

Ðiều 33: Thông báo người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử

Ðề nghị: Theo phương án 1, chỉ cần thông báo.

Ðiều 36: Ðiều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo

Ð36, K3. "có dự kiến cụ thể về chương trình, nội dung đào tạo trong đó có môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam"

Nhận xét: Trong Hội Thánh Công Giáo chúng tôi, các tu sinh theo học tại các cơ sở đào tạo (chủng viện, học viện) đều đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng, nên đã học về lịch sử và pháp luật Việt Nam ở trường rồi. Vì thế, chúng tôi cho rằng yêu cầu này là không cần thiết.

Ðề nghị: Bỏ câu "trong đó có môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam".

Ðiều 38. Hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo

- Ð38, K1. Trong thời hạn 20 ngày trước khi hoạt động đào tạo, người đại diện cơ sở đào tạo gửi thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương về việc thành lập cơ sở đào tạo; quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế tuyển sinh; chương trình đào tạo; cơ cấu tổ chức, nhân sự; nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất để bảo đảm hoạt động của cơ sở đào tạo.

Nhận xét: Những tài liệu này đã có trong hồ sơ đề nghị.

Ðề nghị: Chỉ cần thông báo về thời gian bắt đầu hoạt động kèm theo quyết định thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo.

- Ð38, K4. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả đào tạo của từng khóa học với cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có kết quả.

Nhận xét: Ðây chính là việc can thiệp quá sâu vào sinh hoạt nội bộ của các tổ chức tôn giáo.

Ðề nghị: bỏ K4 Ðiều 38.

Ðiều 40: Mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo

Nhận xét: Việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo là chuyện hoàn toàn nội bộ của các tổ chức tôn giáo và thường chỉ được tổ chức trong khuôn viên của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, không gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Ðề nghị: Chỉ cần thông báo cho UBND cấp xã trước 7 ngày là hợp lý. Không phải đăng ký.

Ðiều 41. Thông báo hoạt động tôn giáo

Ð41, K3. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã thông báo thì thông báo bổ sung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Ðiều này trong thời hạn 20 ngày trước khi diễn ra hoạt động.

Nhận xét: Những hoạt động ngoài chương trình thường là những hoạt động đột xuất. Ðột xuất mà phải báo trước đến 20 ngày thì bất khả thi.

Ðề nghị: Rút ngắn thời gian báo trước xuống còn bằng hoặc dưới 7 ngày.

Ðiều 42. Hội nghị của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Nhận xét: Hội nghị thường niên theo điều lệ của tổ chức tôn giáo là những hoạt động thường niên và bình thường. Yêu cầu của Ðiều 42, khoản 1 là can thiệp quá sâu vào nội bộ các tổ chức tôn giáo. Nhà Nước phải tôn trọng sinh hoạt nội bộ của họ.

Ðề nghị: Bỏ điều khoản này hoặc sửa lại cho đúng tinh thần tự do tôn giáo.

- Ð42, K2: Thời gian xem xét trả lời của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở điều khoản này 45 ngày là quá dài.

Ðề nghị: thời gian xem xét trả lời ở Khoản 2 này là 15 ngày.

Ðiều 43. Ðại hội của tổ chức tôn giáo

Nhận xét: Ðại hội của tổ chức tôn giáo theo điều lệ của tổ chức tôn giáo là những hoạt động thường xuyên nên có thể trình bày trong Thông báo hoạt động tôn giáo hàng năm. Ðại hội theo điều lệ thường chỉ được tổ chức trong khuôn viên của một cơ sở tôn giáo, không ảnh hưởng đến trật tự công cộng nên không cần phải đăng ký.

Ðề nghị: Ðưa thông tin về Ðại hội của tổ chức tôn giáo trong Thông báo hoạt động tôn giáo hàng năm để giảm bớt thủ tục hành chánh.

Ðiều 44. Cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp

Nhận xét: Thời gian xem xét từ 25 đến 30 ngày là quá lâu khiến đơn vị tổ chức rất bị động.

Ðề nghị: Rút ngắn thời hạn xem xét chấp thuận xuống còn bằng hoặc dưới 7 ngày.

Ðiều 47. Người nước ngoài theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam

Nhận xét: Người nước ngoài đến Việt Nam học tập tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam không khác với người nước ngoài đến Việt Nam học tập tại cơ sở giáo dục khác (như đại học). Người nước ngoài đến Việt Nam học tập tại cơ sở giáo dục khác đâu có phải xin phép cơ quan nào ở trung ương mà chỉ cần đáp ứng điều kiện tuyển sinh của nhà trường. Vậy nên đối xử như nhau.

Ðề nghị: Bỏ khoản 2 và 3 điều này. Thay được cơ sở đào tạo tôn giáo đề nghị ở K1 bằng được cơ sở đào tạo tôn giáo chấp thuận.

Ðiều 48. Tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài

Nhận xét: Người Việt Nam tham gia hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo tôn giáo ở nước ngoài không có ảnh hưởng gì đến an ninh trật tự của Việt Nam nên không phải xin phép đến tận trung ương.

Ðề nghị: Bỏ điều này.

Ðiều 66: Ðiều khoản chuyển tiếp

Ð66, K2: Tổ chức tôn giáo đã được công nhận; tổ chức tôn giáo trực thuộc đã được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất theo quy định tại Pháp lệnh tín ngưỡng, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải hoàn thiện các điều kiện theo quy định tại Ðiều 21 và Ðiều 29 Luật này để được công nhận là pháp nhân phi thương mại.

Nhận xét: Qui định như thế này chẳng khác gì buộc các tổ chức tôn giáo; tổ chức tôn giáo trực thuộc đã được công nhận phải làm hồ sơ để được công nhận lại. Việc này là không cần thiết. Ðiểm chính yếu ở đây là phải làm thủ tục để được công nhận là pháp nhân, vì thế các hồ sơ chỉ nên gồm có các tài liệu cần thiết cho việc công nhận pháp nhân, đó là các tài liệu: đơn đề nghị, quyết định thành lập, hiến chương, địa chỉ trụ sở và danh sách lãnh đạo. Các tài liệu khác là không cần thiết vì các tổ chức tôn giáo đã được công nhận rồi, không nên buộc các tổ chức tôn giáo phải làm lại.

III. Những Ðiều Chưa Ðược Quan Tâm

Ngoài những đề nghị trên, có những việc liên quan trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức tôn giáo nhưng chưa được đề cập đến trong Dự thảo này, vì thế chúng tôi mong Quốc hội quan tâm.

1. Ðiều 57 nói đến việc "cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, tôn giáo". Chúng tôi hiểu đây là những cơ sở cũ, nay cần được cải tạo, nâng cấp, hoặc xây lại. Tuy nhiên Dự thảo không nói gì đến việc xây dựng những cơ sở thờ phượng tại những nơi mới. Trong nền kinh tế thị trường ngày nay, địa bàn dân cư có rất nhiều biến động. Có những nơi trước đây không có nhà thờ hoặc chùa chiền vì không có người Công Giáo hoặc Phật giáo. Nhưng ngày nay, theo đà phát triển của xã hội, nhiều người Công Giáo hoặc Phật giáo quy tụ về đó sinh sống và họ cần có nơi thờ phượng. Quốc hội nên quan tâm đến nhu cầu này của người dân và đưa ra những quy định cụ thể, ví dụ, khi một nơi có 50 hoặc 100 người cùng niềm tin tôn giáo thì được phép xây dựng nơi thờ phượng chung.

2. Hiện nay, khi muốn xây dựng nơi thờ phượng mới, các tổ chức tôn giáo phải mua đất rồi làm giấy giao miếng đất đó cho Nhà nước, rồi Nhà nước mới "cấp lại" cho tổ chức tôn giáo đó. Thiết nghĩ đây là một quy trình hết sức phi lý! Nếu Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo thì Quốc hội cần phải xem xét lại quy trình này và đưa ra hướng đi cụ thể.

 

TM. Ban Thường Vụ Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

Phó Tổng Thư Ký

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page