Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót
của Thiên Chúa Cha
Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha.
Vatican (Vat. 7-09-2016) - Thiên Chúa không gửi Ðức Giêsu Kitô Con của Ngài đến trần gian để đánh phạt người tội lỗi và tiêu diệt kẻ gian ác, nhưng để mời gọi họ hoán cải trở về với Ngài. Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, Ngài đi gặp gỡ tất cả mọi người để trao ban sự an ủi và ơn cứu rỗi.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 7 tháng 9 năm 2016.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha giải thích đoạn Phúc Âm thánh Mátthêu trong chương 11 kể lại sự kiện thánh Gioan Tiền Hô - đang ở trong ngục - gửi các môn đệ tới hỏi Chúa Giêsu: "Thầy có phải là Ðấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?" (Mt 11,3). Thánh nhân đang sống trong một lúc tối tăm... Gioan âu lo chờ đợi Ðấng Cứu Thế và trong lời giảng dậy của mình thánh nhân đã miêu tả Người với các mầu sắc mạnh mẽ như một thẩm phán sẽ tái lập Nước Thiên Chúa và thanh tẩy dân Ngài, thưởng công cho người tốt lành và đánh phạt các kẻ gian ác. Thánh nhân giảng như sau: "Cái riù đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa" (Mt 3,10). Giờ đây Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mệnh công khai của Ngài với một kiểu khác biệt. Gioan đau khổ và trong hai cái tăm tối - trong cái tăm tối của ngục thất, trong cái tăm tối của phòng giam và trong cái tăm tối của con tim thánh nhân không hiểu kiểu thi hành sứ mệnh này, nên muốn biết có đúng thật Ngài là Ðấng Cứu Thế hay còn phải đợi một người khác.
Và câu trả lởi của Chúa Giêsu ban đầu xem ra không đáp ứng câu hỏi của thánh Gioan Tiền Hô. Thật thế, Chúa Giêsu nói: "Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: "Người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi" (Mt 11,4-6). Ðó là câu trả lởi của Chúa Giêsu.
Ðức Thánh Cha giải thích:
Ở đây ý của Chúa Giêsu trở thành rõ ràng: Ngài trả lời Ngài là dụng cụ cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, đi gặp gỡ tất cả mọi người đem theo sự an ủi và ơn cứu rỗi, và trong cách thế đó biểu lộ sự phán xử của Thiên Chúa. Các người mù, người què, người phong cùi, người điếc chiếm hữu trở lại phẩm giá của họ, trong khi Tin Mừng được loan báo cho các người nghèo. Và điều này trở thành tổng hợp hoạt động của Chúa Giêsu, qua đó Ngài khiến cho hoạt động của chính Thiên Chúa trở thành hữu hình và có thể sờ mó được.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Sứ địêp mà Giáo Hội nhận từ trình thuật này trong cuộc sống của Chúa Kitô rất rõ ràng. Thiên Chúa không gửi Con của Ngài đến trần gian để đánh phạt người tội lỗi và tiêu diệt kẻ gian ác, nhưng để mời gọi họ hoán cải, để khi trông thấy các dấu chỉ lòng lành của Thiên Chúa họ có thể tìm ra con đường trở về, như Thánh vịnh nói: "Ôi lậy Chúa nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, để chúng con biết kính sợ Ngài" (Tv 130,3-4).
Công lý mà Gioan Tiền Hô đặt ở trung tâm lời rao giảng của mình, ở nơi Chúa Giêsu được biểu lộ ra trước hết như là lòng thương xót. Và các nghi ngờ của Vị Tiền Hô chỉ diễn tả trước sự kinh ngạc mà Chúa Giêsu sẽ dấy lên sau đó với các hành động và lời nói của Ngài. Và khi đó ngưòi ta hiểu kết luận câu trả lời của Chúa Giêsu: "Phúc cho người nào không vấp ngã vì tôi" (c. 6). Gương mù gương xấu có nghĩa là "chướng ngại". Vì thế Chúa Giêsu cảnh cáo một nguy cơ đặc biệt: nếu chướng ngại cho việc tin là các hành động lòng thương xót của Ngài, thì điều này có nghĩa là người ta có một hình ảnh sai lầm về Ðấng Cứu Thế. Trái lại, phúc cho những ai trước các cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu, vinh danh Thiên Chúa Cha ở trên Trời. ÐTC lưu ý mọi người như sau:
Lời cảnh cáo của Chúa Giêsu luôn luôn thời sự: cả ngày nay nữa người ta cũng xây dựng các hình ảnh về Thiên Chúa ngăn cản việc hưởng nếm sự hiện diện thực sự của Ngài. Vài người cắt ra một lòng tin "tự làm lấy", giản lược Thiên Chúa vào không gian hạn hẹp của các ước muốn và xác tín của riêng mình. Nhưng niềm tin này không phải là việc trở về với Chúa là Ðấng tự tỏ hiện, trái lại, nó ngăn cản Ngài khiêu khích cuộc sống và lương tâm của chúng ta. Kẻ khác nữa thì giản lược Thiên Chúa vào một thần tuợng giả; họ dùng danh thánh Chúa để biện minh cho các lợi lộc riêng, hay tệ hơn cho sự thù hận và bạo lực. Ðối với các người khác nữa thì Thiên Chúa chỉ là nơi ẩn núp tâm lý trong đó họ được trấn an trong những lúc khó khăn: nó là một niềm tin khép kín trong chính nó, không thể thấm ướt được trước sức mạnh tình yêu thương xót của Chúa Giêsu là Ðấng thúc đẩy chúng ta tiến tới với các anh em khác. Có những người khác nữa chỉ coi Chúa Kitô như là một thầy dậy tốt của các giáo huấn luân lý đạo đức, một trong biết bao nhiêu bậc thầy trong lịch sử. Sau cùng, có người bóp nghẹt niềm tin nơi một tương quan thuần tuý duy thân tình với Chúa Giêsu, mà huỷ bỏ sức thúc đẩy truyền giáo có khả năng biến dổi thế giới và lịch sử. Chúng ta các kitô hữu chúng ta tin nơi Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, và ưóc muốn của Ngài là ước muốn lớn lên trong kinh nghiệm sống động của mầu nhiệm tình yêu Ngài.
Vì thế chúng ta hãy dấn thân đề đừng đặt bất cứ chướng ngại nào trươc hành động thương xót của Thiên Chúa Cha, nhưng hãy xin ơn có một đức tin lớn lao để chúng ta cũng trở thành các dấu chỉ và dụng cụ của lòng thương xót.
Ðức Thánh Cha đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện: các nhóm nói tiếng Pháp đến từ Phap, Thụy Sĩ, Bỉ, Libăng và đặc biệt từ Senegal, do Ðức Cha Paul Abel Mamba hướng dẫn. Ngài nhắc cho biết hôm nay là lễ Sinh Nhật Ðức Mẹ và mời gọi mọi ngưòi biết kinh ngạc về các việc thương xót Chúa Giêsu làm trong cuộc sống của mình để hoán cải và trở thành những người sống lòng thương xót.
Ðức Thánh Cha cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ Anh quốc, Êcốt, Malta, Australia, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Canada và Hoà Kỳ. Ngài cầu mong năm thánh là dịp giúp họ sống tươi vui an bình và là thừa sai lòng thương xót Chúa trong gia đình và cộng đoàn.
Trong số các đoàn hành hương nói tiếng Ðức và Hoà Lan, Ðức Thánh Cha đặc biệt chào các tín hữu Passau do Ðức Cha Stefan Oster hướng dẫn. Họ khiến ngài nhớ tới đền thánh Ðức Bà Altoeting.
Ngài cũng chào các đoàn hành hương Bồ Ðào Nha, Mozambic và Brasil, đặc biệt các nhóm đến từ các giáo phận Faro, Funchal, Maputo và Aparecida do các Giám Mục hướng dẫn. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót củng cố niềm tin của họ nơi Chúa Kitô.
Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh Cha mời gọi rộng mở con tim cho tình yêu và sự tha thứ của Chúa, cũng như trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa giữa lòng xã hội.
Ðức Thánh Cha cũng chào nhiều đoàn hành hương Ý đặc biệt đến từ các giáo phận Alife-Caiazzo, Chiavari, Tricarico, do các Giám Mục hướng dẫn, cũng như các chủng sinh Verona và các tham dự viên Trại hè đo Hội Ðồng Giám Mục Ialia tổ chức. Ngoài ra cũng có các trẻ em lãnh bí tích Thêm Sức giáo phận Verona, và các đoàn hành hương Frosinone, Livorno và các thành viên Liên hiệp đi xe đạp vùng Legnanese. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma củng cố đức tin và đem lại cho họ và các thân nhân đã qua đời nhiều hoa trái thiêng liêng của Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Chào các bạn trẻ, ngưòi đau yếu và các đôi tân hôn Ðức Thánh Cha nói chúng ta vừa cử hành lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têresa Calcutta. Uớc chi các bạn trẻ trở thành các tông đồ của lòng thương xót như Mẹ, người đau yếu cảm thấy sự gần gủi của Mẹ trong những lúc khổ đau, và các cặp vợ chồng mới cưới biết khẩn cẩu Mẹ giúp họ sống quảng đại chú ý tới những người yếu đuối nhất.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)