Ðộng lực đàng sau cử chỉ đẹp
của Abbey D'Agostino tại Thế vận hội Rio 2016
Ðộng lực đàng sau cử chỉ đẹp của Abbey D'Agostino tại Thế vận hội Rio 2016.
Rio (CAN 17-08-2016) - Trong khi huy chương vàng Olympic là một thành công mà các vận động viên mơ ước, thì có một giải thưởng khác được trao cho một số nhỏ được chọn lựa. Hai vận động viên điền kinh Nikki Hamblin (người New Zealand) và Abbey D'Agostino (người Mỹ) không đạt huy chương vàng, đồng hay bạc, nhưng đã được trao huy chương Pierre de Coubertin, là huy chương được trao cho các vận động viên và nhân viên tiêu biểu cho tinh thần thể thao tại Thế vận hội mùa hè và mùa đông. Ðó là huy chương về "fair play" - tinh thần thượng võ. Ðây là huy chương được ví là khó đạt hơn cả huy chương vàng, vì chỉ riêng Michael Phelps, kình ngư của thế giới, đã đạt được tất cả 23 huy chương vàng, thì hai vận động viên này mới là người thứ 18 và 19 nhận huy chương này. Cặp đôi này đã trở thành đề tài trên báo chí tuần qua.
Mọi chuyện diễn ra vào ngày thứ ba, 17 tháng 8 năm 2016, trong cuộc thi chạy vòng loại 5,000 mét. Khi chỉ còn 2,000 mét là đến đích thì hai vận động viên Hamblin và D'Agostino va chạm, cùng vấp và ngã xuống đất. D'Agostino đã đứng dậy trước nhưng cô không tiếp tục cuộc chạy ngay; thay vì đó, cô đã quay lại giúp Hamblin. Rồi khi D'Agostino quá đau không thể tiếp tục cuộc thi, đến lượt Hamblin đã đứng lại với D'Agostino một lúc để giúp cô đứng dậy. Cả hai đã kết thúc cuộc đua, nhưng D'Agostino phải đi khập khễnh trong 5 vòng cuối. D'Agostino và Hamblin đã ôm nhau cách thân thiết khi kết thúc vòng đua, và sau đó D'Agostino phải lên xe lăn rời vòng đua. Dù cả 2 thất bại trong vòng loại nhưng Ủy ban Olympic phán quyết là cả 2 được vào thi vòng chung kết do tinh thần thể thao của họ. Nhưng vào phút cuối D'Agostino đã không thể tham dự vòng chung kết vì chân vẫn còn đau.
Câu chuyện đẹp được khán giả trường đua chứng kiến và các khán giả khắp thế giới theo dõi qua các mạng truyền thông ngưỡng mộ, và các hãng tin toàn thế giới cũng đã tốn giấy mực cho cử chỉ đẹp đầy tinh thần thể thao này. Sau đó, D'Agostino đã chia sẻ về việc làm của mình: động lực và sức mạnh của hành động của cô chính là Thiên Chúa. Cô nói: "Dù hành động của tôi lúc đó là bản năng, cách duy nhất tôi có thể và lý luận đó chính là Thiên Chúa đã chuẩn bị trái tim tôi phản ứng theo cách đó. Cả thời gian ở đây Người cho tôi biết rõ là kinh nghiệm của tôi ở Rio sẽ có giá trị hơn là cuộc thi của tôi, và khi Nikki đứng lên tôi đã biết điều đó."
Abbey D'Agostino 24 tuổi, lớn lên trong một gia đình Công giáo. Cô đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn dành cho podcast "Running On Om" về việc chạy đua của cô, về những lo lắng chấn thương và về đời sống cầu nguyện. D'Agostino cho biết, cô thường dùng thời gian cầu nguyện của mình để suy gẫm về những điều Thiên Chúa đã làm trong cuộc sống của cô. Cô lắng nghe thánh ca, đọc Kinh thánh và viết nhật ký. Những điều này đưa cô đến một nơi khiêm nhường, nơi cô nhận ra vị trí của mình trước nhan Chúa. Khi vào cuộc thi chạy, cô nghĩ rằng sự tin cậy vào Chúa và sự hiện diện của Chúa Thánh Thấn sẽ thêm "năng lượng" cho cô, cách ý thức hay vô thức. Cô nói: "Tôi cảm thấy bình an khi nhận biết là mình không đang chạy với sức mạnh của mình". Cô kết thúc cuộc thi chỉ với việc đón nhận Chúa Giêsu và nhận ra điều có ý nghĩa trong cuộc sống của cô.
Như các vận động viên khác, D'Agostino cũng lo sợ những chấn thương trong các cuộc thi. nhưng chính sự tín thác vào Thiên Chúa giúp cô vơi bớt những lo lắng trước các cuộc thi quan trọng. Cô nói: "Cho dù kết quả cuộc thi thế nào tôi sẽ chấp nhận nó. Tôi rất biết ơn và chỉ rút lấy những điều mà tôi cảm thấy nó bày tỏ rõ ràng việc làm của Thiên Chúa trong cuộc sống của tôi." D'Agostino cho biết những lần chấn thương trước đã thúc đẩy cô cậy dựa vào Thiên Chúa trong cách thế mà cô chưa bao giờ có trước đó. Trên lý thuyết, cô biết tín thác vào Thiên Chúa là cách duy nhất mình có thể cảm thấy bình an, vui mừng và thỏa mãn mà Người ban cho, nhưng kinh nghiệm điều này và rơi vào trong một tình trạng mà đức tin bị thử thách thì lại là một vấn đề khác. Sau những chấn thương, những lần cảm thấy cô đơn và mất tự tin đã làm cô phải xét mình; mình có thực sự tin cậy vào Thiên Chúa, để Thiên Chúa kiểm soát và làm vinh danh Thiên Chúa qua thể thao hay không. Nếu thời gian có thể quay lại, cô muốn được trò chuyện với Mẹ Têrêsa, một người rất đặc biệt với cô. (CAN 17/8/2016)
Hồng Thủy
(Radio Vatican)