Ðức Hồng Y Turkson đề cao vai trò
của các tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường
Ðức Hồng Y Turkson đề cao vai trò của các tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường.
Stockholm (SD 29-08-2016) - Ðức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, cổ võ các tôn giáo cộng tác để bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nguồn nước.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều hôm 29 tháng 8 năm 2016, trong bài tham luận tại Hội nghị về chủ đề: "Nước và tín ngưỡng: các tổ chức tôn giáo góp phần vào chương trình gọi là "Nước để phát triển dài hạn".
Hội nghị được tổ chức tại thành phố Stockhol, Thụy Ðiển, nhân "tuần lễ thế giới về nước" do Liên Hiệp Quốc đề xướng. Tham dự Diễn đàn có nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo khác nhau.
Ðức Hồng Y Turkson đặc biệt nói về đề tài "tín ngưỡng và phát triển" và ngài nhận xét rằng "khoa học có thể cho biết số lượng sự ô nhiễm dưới biển sâu hoặc quanh các quặng mỏ, tiên đoán những hậu quả tiêu cực và đề nghị phương thức chữa trị. Nhưng khoa học không thể cung cấp động lực để hành động tốt đẹp. Cũng vậy trong lãnh vực các khoa học thiên nhiên: các nhà xã hội, kinh tế và luật gia có thể phân tích và giải thích những hậu quả tiêu cực của nạn thất nghiệp, nạn đầu cơ và tham những: họ có thể cảnh giác chúng ta về những chênh lệch, những chính sách mâu thuẫn hoặc những bất an địa lý chính trị. Nhưng xét cho cùng họ không thể cung cấp động lực để hành động tốt đẹp".
Từ đó, Ðức Hồng Y đề cao vai trò của các tôn giáo và tín ngưỡng mang lại những động lực mạnh mẽ giúp con người quan tâm đến những hiểm họa về môi sinh và dấn thân hành động, như Ðức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong thông điệp "Laudato sì" về việc bảo vệ thiên nhiên, căn nhà chung của chúng ta: "khoa học và kỹ thuật sẽ không giúp ích ở đây. Mọi giải pháp kỹ thuật sẽ bất lực "nếu chúng ta đánh mất động lực mạnh mẽ làm cho chúng ta có thể sống trong hòa hợp, hy sinh và đối xử tốt với nhau" (LS 200).
Trong bài tham luận, Ðức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình cũng đưa ra một vài đề nghị cụ thể như:
- Giáo dục giới trẻ có tinh thần liên đới, vị tha và trách nhiệm. Sau này những nhân đức đó sẽ giúp họ trở thành những người quản trị và chính trị gia lương thiện.
- Kinh thánh và các truyền thống linh đạo cho thấy nước là điều quí giá và cũng là một yếu tố thần thiêng. Nước được dùng nhiều trong phụng vụ. Ðiều này phải gợi hứng để chúng ta sử dụng nước với lòng tông trọng và biết ơn, bài trừ những nguồn nước ô nhiễm và hiểu rằng nước không phải chỉ là một tiện ích thuần tuý.
- Nên tổ chức những chiến dịch liên tôn để làm sạch các sông ngòi và hồ nước để thăng tiến sự tôn trọng lẫn nhau, hòa bình và tình thân hữu giữa các nhóm khác nhau.
- Tái khẳng định phẩm giá con người và công ích của toàn thể gia đình nhân loại để thăng tiến một phẩm trật khôn ngoan về các ưu tiên trong việc sử dụng nước, nhất là tại những nơi có nhiều nhu cầu cạnh tranh nhau về nước". (SD 29-8-2016)
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)