Ðức tin tại Thế Vận Hội Rio 2016
Ðức tin tại Thế Vận Hội Rio 2016.
Rio (VietCatholic News 24-08-2016) - Ðối với khá nhiều khán giả của Thế Vận Hội Rio 2016, hình ảnh xúc động nhất là hình ảnh Abbey D'Agostino của đội Hoa Kỳ đụng Nikki Hamblin của Tây Tân Lan trong vòng sơ khởi của giải chạy bộ 5,000 mét nữ. Cả hai đã té nhào. Lúc đó, D'Agostino không biết nhưng thực ra cô bị hư dây chằng chữ thập phía trước đầu gối (anterior cruciate ligament). Tuy nhiên, cô Hamblin đã dừng lại và giúp cô D'Agostino. Cả hai đã cùng nhau hoàn tất cuộc đua, dù D'Agostino rõ ràng bị thương. Cô rời sân đấu trên một chiếc xe lăn và, sau đó, không thể chấp nhận lời đề nghị của các trọng tài cho phép cả hai vận động viên được dự giải chung kết vì tinh thần mã thượng thể thao của họ.
Ðó là câu truyện ai ai cũng biết và biết trong cả xúc động nước mắt nữa. Nhưng tại sao cô Nikki Hamblin đã dừng lại để giúp đỡ, trong khi các động viên khác vượt xa cô? Hãng tin Catholic News Service đã nhìn khía cạnh này, một khía cạnh thực ra không khó tìm bao nhiêu. Cô tâm sự:
"Mặc dù các hành động của tôi lúc ấy có tính bản năng, nhưng cách duy nhất tôi có thể và đã giải lý nó là: Thiên Chúa đã chuẩn bị trái tim tôi cách ấy. Toàn bộ thời gian ở đây, Người đã làm cho tôi hiểu rõ rằng trải nghiệm của tôi ở Rio sẽ không hoàn toàn chỉ là thực hiện cuộc đua, và khi Nikki đứng lên, tôi biết đúng là như thế".
Trước đó, cô từng thuật lại việc cô trông cậy vào Thiên Chúa đã giúp cô làm dịu các lo lắng căng thẳng của cô như thế nào trước một cuộc thi đấu lớn. "Bất chấp thành quả cuộc thi đấu ra sao, tôi cũng sẽ chấp nhận nó... Tôi hết sức biết ơn và bị lôi cuốn vào điều tôi cảm thấy như là biểu hiện việc Chúa làm thực sư trong đời tôi". Cô nói với Hanlon rằng các vết thương trước đây buộc cô "phải lệ thuộc vào Chúa một cách mà cô chưa hề sẵn sàng trước đó".
Dĩ nhiên, truyền thông chính dòng ít khi lưu ý tới khía cạnh trên tại thế vận hội Rio 2016, chỉ họa hiếm mới có những cơ quan như Sports Illustrated. Ðiều này dễ hiểu. Chính D'Agostino cũng cho hay: cô rất ngại đề cập tới dức tin của mình nơi công cộng. Cô nói: "Tôi không muốn cảm thấy mình đang cải đạo và đập nó vào mặt thiên hạ. Nhưng đồng thời, nó rất chân chính, khi tôi nói tới nó. Suốt năm qua, nó đã là hành trình thực sự đối với tôi. Làm thế nào tìm được tiếng nói của mình trong lãnh vực truyền thông xã hội và thực sự sở hữu nó?"
Cô nói thêm: "Tôi nghĩ thiên hạ cảm thấy như tôi đang cố gắng rao bán nó. Tôi rất sợ điều này. Tôi không muốn là người rao bán Kitô Giáo. Không phải như thế. Sự thật của Thiên Chúa có thể tự đứng một mình. Nó không cần được rao bán, trong tâm trí tôi, nó chân thực... Nhưng rất khó trình bầy các niềm tin của mình một cách vừa linh hứng, vừa khích lệ và dịu dàng, và đây là cách tôi muốn tiếp nhận nó. Và đó cũng là cách tôi đã tiếp nhận nó".
Theo Terry Mattingly, chỉ có hai trang mạng là đã cố gắng lập danh sách một số câu truyện tôn giáo trong Thế Vận Hội Rio. Trang mạng đầu tiên là trang mạng Công Giáo Aleteia với bài "10 vận động viên thế vận không sợ chia sẻ đức tin của mình". Mười vận động viên này cho thấy: "trong khi họ cố gắng khép thân xác họ vào kỷ luật để đoạt huy chương vàng, họ vẫn không quên nuôi dưỡng linh hồn họ bằng của ăn thiêng liêng".
Trong bài báo trên, ký giả Philip Kosloski, ngoài D'Agostino đã nói trên đây, đã liệt kê 9 vận động viên khác:
a) David Boudia và Steele Johnson, huy chương bạc nhào lộn đồng bộ 10 mét nam. Sau khi đoạt giải, Boudia nói thế này: "Có một lượng áp lực rất lớn. Tôi cảm thấy thế... Ðây chẳng qua là cuộc khủng hoảng căn tính. Khi tâm trí tôi để ý tới việc nhào lộn này, và nghĩ rằng mình được xác định bởi nó, tâm trí tôi hết sức phấn khích. Nhưng cả hai chúng tôi biết rằng căn tính của chúng tôi là ở nơi Chúa Kitô, và chúng tôi rất biết ơn được dịp may này để nhào lộn trước mặt Bâ Tây và Hoa Kỳ". Cũng nên biết, Boudia từng trình bầy đức tin của anh trong một cuốn sách mới đây, tựa là "Greater Than Gold: From Olympic Heartbreak to Ultimate Redemption".
b) Simone Manuel - Ngay sau cuộc đua bơi tự do 100 mét, được NBC phỏng vấn, Manuel đã trả lời như sau: "Tôi chỉ muốn nói: Vinh danh Thiên Chúa, chắc chắn đây là một một hành trình dài trong bốn năm qua... và tôi rất diễm phúc được huy chương vàng". Cô không sợ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội (tweeter và Instagram) của mình để chia sẽ xác tín Kitô Giáo của mình, trích dẫn Thư Philiphê 4:13 (Với Ðấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết) và viết thêm: "Vinh Danh Thiên Chúa! Người Tuyệt diệu xiết bao! Tôi cực kỳ diễm phúc".
c) Brianna Rollins, sau khi đoạt huy chương vàng giải chạy vượt trở ngại 100 mét nữ, đã nói với NBC: "Tôi luôn giữ Thiên Chúa ở hàng đầu và liên tục để Người hướng dẫn tôi qua vòng thi đấu này... Sáng nay, chúng tôi (với đồng hương Nia Ali huy chương bạc và Kristi Castlin huy chương đồng của cùng một giải) đã tổ chức một vòng cầu nguyện và để Người hiện diện giữa chúng tôi... xin Người giúp chúng tôi đến đây và tiếp tục vinh danh Người và làm hết sức như mình có thể và đó là điều chúng tôi đã làm". Trên phương tiện truyền thông xã hội, cô viết: "tôi muốn phá kỷ lục thế giới và chiếm huy chương vàng, nhưng tôi cũng muốn được biết đến như một vận động viên muốn vinh danh Thiên Chúa bằng cách thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình".
d) Usain Bolt của Jamaica: "Người đàn ông nhanh nhất thế giới" không nói, mà chỉ chứng tỏ đức tin bằng cử chỉ. Anh thường làm dấu Thánh Giá trước mỗi cuộc thi và hãnh diện đeo ảnh Ðức Mẹ hay làm phép lạ quanh cổ. Sau mỗi cuộc thi đấu, anh thường một tay để trên ngực, một tay chỉ thẳng lên trời. Nhiều người không hiểu biểu tượng này. Thực ra tay trên ngực chỉ vào mẫu ảnh Ðức Mẹ hay làm phép lạ. Tay chỉ lên trời là chỉ Chúa Giêsu, có ý nói đến thành ngữ tuyệt diệu đã trở thành cổ diển: Per Mariam ad Jesum (Qua Maria đến với Giêsu). Hãng tin Catholic News Agency vừa tường trình rằng "Toà Thánh mời Usain Bolt nói chuyện tại Ðại Hội bàn về Tự Do Tôn Giáo. Hãng này đưa tin thêm: "Là một người Công Giáo, Bolt nổi tiếng đã làm dấu Thánh Giá mỗi lần thi đấu. Anh còn mang tên đệm (Thánh) Lêô".
e) Missy Franklin (Mỹ), dù không đạt thành tích bơi lội tại Rio, nhưng đức tin của cô đã giúp cô nhìn ra mặt tích cực của sự vật. Trước đó, cô có cho các phóng viên biết về đức tin của cô: "Các trải nghiệm của tôi tại Trung Học Regis Jesuit tuyệt đối đã tác động lên cuộc sống tâm linh của tôi rất nhiều cách. Tôi đang xem xét việc trở lại Công Giáo; hiện tôi là người Thệ Phản... Lúc đến Trung Học Regis Jesuit, đức tin của tôi chưa phải là khía cạnh lớn lao lắm trong đời tôi. Nhưng khi theo lớp thần học đầu tiên, đi dự Thánh Lễ, tham gia các buổi tĩnh tâm thứ nhất, tôi bắt đầu nhận ra rằng Thiên Chúa quan trọng xiết bao trong đời tôi và tôi yêu mến Người và cần Người biết chừng nào".
f) Katie Ledecky, siêu sao Mỹ, chiếm 5 huy chương bơi lội tại Thế Vận Rio, trong đó có 4 huy chương vàng. Trước khi đi Rio, cô nói với các phóng viên: trước mỗi cuộc thi, cô đều cầu nguyện "Tôi luôn đọc một hoặc hai kinh trước mỗi cuộc thi đấu. Kinh Kính Mừng là lời kinh đẹp đẽ và tôi thấy kinh này làm tôi thanh thản". Cô cho rằng việc cô học trường Công Giáo đã góp phần vào thành công của cô ở hồ bơi lẫn ở trong đời.
g) Simone Biles, Mỹ, 4 huy chương vàng, 1 huy chương đồng, giải thể dục thẩm mỹ tại Rio 2016. Trong một cuộc phỏng vấn trước Thế Vận Hội, ký giả yêu cầu cô dốc túi xách ra xem có bí quyết thành công nào không, thì ỡ giữa các vật dụng lỉnh kỉnh, người ta thấy cỗ tràng hạt trắng. Biles giải thích "Má Nellie của em cho em cỗ tràng hạt này ở nhà thờ. Em không dùng nó để cầu nguyện trước một cuộc thi đấu. Em chỉ cầu nguyện bình thường ở trong lòng, nhưng em mang theo nó lỡ cần".
h) Michael Phelps, Mỹ, vận dộng viên bơi lội vĩ đại nhất trong lịch sử bơi lội xưa nay với tổng số 23 huy chương vàng, hơn tổng số huy chương vàng của Việt Nam đến 23 lần! Anh là một người đã thay đổi, vứt bỏ hẳn bề ngoài thiếu chín chắn của mình, và khởi đầu dành lại đời mình cho Chúa Kitô. Anh được biến đổi nhờ đọc cuốn The Purpose Driven Life của Mục Sư Rick Warren, mà hậu vệ Ray Lewis của Ðội Baltimore Ravens tặng cho. Phelps không những đọc cuốn sách này; anh còn bắt đầu chia sẻ nó với người khác, đến độ có biệt danh là "Giảng Viên Mike".
Trang mạng thứ hai là trang mạng bảo thủ Newsbusters. Trang mạng này cung cấp tới 15 vận động viên gây cảm hứng tôn giáo qua bài Be Inspired by the Olympic Faith of These 15 Christian Athletes. Trong đó, ngoài những người trùng với danh sách của Aleteia, Newsbusters liệt kê những người sau đây:
i) Jenny Simpson -1 huy chương đồng giải chạy bộ 1,500 mét. Cô viết trên trang mạng Beyond the Ultimate: "Trong đời tôi, Chúa Kitô là Ðấng thường hằng kỳ diệu vì Người luôn luôn như một, Người không bao giờ biến đổi, và giá trị tôi có được, khi tôi nhìn đời tôi qua đôi mắt của Người và thấy giá trị Người ban cho tôi, điều này cũng không thay đổi. Bất kể tôi là một vận viên vĩ đại hay quyết định về hưu và trở thành một bà mẹ, hay nếu tôi muốn có một nghề nghiệp khác, giá trị của tôi đều không thay đổi".
j) Trayvon Bromell - điền kinh: Anh nói với tờ Tampa Bay Times: "Không có Thiên Chúa, không có đức tin, tôi đã không có khả năng chạy điền kinh. Ðó chính là điều giúp tôi đạt tới điểm này. Tôi có nhiều cuộc chiến đấu, không những trên sân, mà còn ở trong đời nữa. Bây giờ, tôi muốn dùng vị trí hiện nay để chứng tỏ cho người khác thấy bạn có thể đạt được một điều gì đó".
k) Maya DiRado - Bơi lội (2 huy chương vàng, 1 bạc, 1 đồng): Cô nói với tờ Christianity Today: "Tình yêu Chúa Giêsu dành cho tôi và toàn thể nhân loại là điều luôn giúp tôi yêu thương người chung quanh tôi tốt hơn khi sự việc trở nên khó khăn. Còn về nghề bơi của tôi, đức tin đã giúp tôi nhớ rằng còn nhiều điều quan trọng hơn đáng làm ở trong đời. Bơi lội là một sinh hoạt khá ích kỷ, và do đó, tôi luôn biết rằng nó không thể là cả thế giới của tôi".
l) Jordan Burroughs - Ðấu vật: anh viết trên blog riêng của mình: "Tôi tin rằng đức tin là khía cạnh quan trọng nhất của môn thể thao của ta và đời của ta. Là một người thi đấu, ngày đầu tiên chúng ta mang đôi giầy đấu vật và bước vào vòng trong và bắt tay nhau, ta cần đức tin trước khi thắng bất cứ giải nào. Tôi là người mạnh mẽ tin Chúa Kitô".
m) Gwen Jorgensen - Ba môn phối hợp (1 huy chương vàng). Cô từng nói: "Tôi thực sự nghĩ rằng bạn phải luôn lấy Thiên Chúa làm tiêu điểm của bạn và biết rằng Người là số một. Khi bạn làm như thế, nó sẽ giúp bạn có được viễn ảnh về mọi sự ở trong đời, không chỉ là môn thể thao dai sức".
m) Laurie Hernandez - Thể dục (1 huy chương vàng, 1 bạc). Cô viết: "Tôi cảm thấy mỗi ngày Thiên Chúa đều nắn tôi thành một ai đó theo ý Người muốn tôi trở nên. Do đó, (tôi cảm thấy) điều này có nghĩa (Người muốn tôi) nói với đồng đội hay giúp họ thoát bí, hay năng đăng tải một câu Thánh Kinh nào đó lên Twitter hay Instagram. Có một câu tôi mới đăng tải gần đây và tôi nghĩ đây là một câu tôi ưa thích. Ðó là câu Châm Ngôn 31:25 - "Trang phục của nàng là quyền uy danh giá, nàng mỉm cười khi nghĩ đến tương lai"- khi tôi nghe câu này, đó chính là tôi trong đó. Tôi không sợ tương lai nữa".
n) DeAndre Jordan - Bóng rổ (1 huy chương vàng). Anh viết trên tờ The Cauldron: "Bạn thấy đó, điều kỳ diệu nhất về việc có đức tin và tin là: một khi bạn đã hiến mình cho Chúa, bạn có thể sống tự do. Bạn sẽ không cần phải lo âu điều gì đã xẩy ra, điều gì sẽ xẩy đến, hay điều gì bạn muốn xẩy ra nữa; bạn chỉ cần là một người tốt và chăm chỉ làm việc, vì bạn biết Thiên Chúa đã có kế hoạch dành cho bạn".
o) Allyson Felix - Ðiền Kinh (2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc). Cô viết trên Instagram: "Ðêm qua không kết thúc như tôi mong ước. Tôi thất vọng. Nhưng rồi tôi mau chóng được nhắc tới muôn vàn lý do để tự hào, biết ơn và cám ơn. Tôi đã đấu tranh gian khổ hết sức mình và hiến tặng mọi sự. Tôi hết sức tự hào vì chưa bao giờ từ bỏ các mơ ước của mình dù gặp nghịch cảnh. Nay tôi hết sức khiêm cung vì đã trở thành nữ vận động viên thế vận hội nhiều huy chương nhất trong lịch sử Ðiền Kinh Hoa Kỳ. Mọi Vinh danh dâng lên Thiên Chúa!"
p) Brady Ellison - Bắn cung (1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng). Ðàm đạo với Belief Net, anh nói: "Thư Philiphê 4:13 viết: 'tôi có thể làm mọi sự nhờ Chúa Kitô củng cố tôi'. Khi đã đặt việc thắng cuộc vào tay Thiên Chúa, tôi không còn lo lắng gì nữa. Tôi chỉ đơn giản đến dự cuộc thi và thi bắn không chút sợ sệt, chỉ ráng làm tốt nhất bao nhiêu có thể còn mọi sự khác tùy ở Thiên Chúa".
r) English Gardner - Ðiền kinh (1 huy chương vàng). Sau cuộc đua 100 mét đầy thất vọng, Gardner nói: "đến cuối ngày, (tôi thấy) mình có phúc. Ðiều duy nhất tôi nghĩ được là: rất nhiều người không đạt tới vị thế của tôi. Ðược tham dự vòng chung kết thế vận, có thể tham dự việc tranh giải. Quả là diễm phúc mới được như vậy. Thiên Chúa có sẵn kế hoạch cho tôi nhưng chẳng may chưa phải là năm nay".
s) Michelle Carter - Ðiền kinh (1 huy chương vàng). Cô viết trên blog của mình: "Kế sách của Thiên Chúa dành cho đời bạn khác với kế sách bạn đặt ra cho đời bạn. Việc biết rằng Người (là Ðấng) có tiếng nói sau cùng đã dành chỗ cho nhiều thay đổi. Bạn hãy chạy theo dòng, vì điều Người không bao giờ làm là bỏ rơi bạn giữa dòng".
t) Maya Moore - Bóng rổ (1 huy chương vàng). Cô viết trên trang mạng Beyond the Ultimate: "Quả là một hành trình vĩ đại được sống và thấy kỳ hạn hoàn hảo của Thiên Chúa mở ra, và tôi vẫn đang lớn lên. Trong bức tranh vĩ đại, Thiên Chúa sắp sửa làm điều Người muốn làm trong đời tôi, và Người đã vẽ đường cho tôi đi, ban cho tôi nhiều dịp may nực cười... Tôi cũng đã cố gắng hết sức mình, tiếp nhận các hồng phúc Người ban cho và sống trọn vẹn trong tất cả các hồng phúc này. Tôi cố gắng trở thành một ai đó làm điển hình cho một nền đạo đức làm việc vĩ đại nhưng đồng thời biết vui hưởng cuộc hành trình".
Fiji, hình ảnh đức tin sáng ngời nhất
Tuy nhiên, hình ảnh đức tin sáng ngời nhất của Thế Vận Hội Rio 2016 phải dành cho đội bóng bầu dục gọi là "Rugby Seven" (Bầu Dục Bẩy Người). Theo CNN, dù đội bóng Bầu Dục Bẩy Người của Fiji đã nổi danh từ lâu, nhưng đến mãi năm 2016, lần đầu tiên họ mới đem vinh dự Huy Chương Vàng Thế Vận lại cho đất nước thân yêu của họ, đem lại một cách vẻ vang, bằng cách thắng đội Anh với tỷ số 43-7!
Thủ quân Osea Kolinisau sập qùy giữa sân đấu và câu anh phát biểu đầu tiên là: "Tôi chỉ biết cảm tạ Chúa đã chúc phúc cho chúng tôi và ban cho chúng tôi dịp may thắng cuộc tại vận đồng trường siêu thể thao là Thế Vận Hội này... Tôi chưa bao giờ mơ ước được là một vận động viên thế vận, huống chi là một người thắng giải, huống chi là một người thắng huy chương vàng. Nên tôi chỉ còn biết tạ ơn trên vì cuộc hành trình Người đã đem tôi theo".
CNN không tường trình cảnh các danh thủ Fiji, nước mắt vui đầm đìa, ôm nhau cùng hát bài hát sau bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Fiji:
Chúng ta đã thắng
Chúng ta đã thắng
Bằng máu Chiên Con
Và bằng Lời Chúa
Chúng ta đã thắng
Và từng người một, họ đã qùy cả hai đầu gối để lãnh huy chương vàng thế vận, một hình ảnh chưa bao giờ thấy ở bất cứ thế vận hội nào trong lịch sử. Một khán giả khi được mục kích hình ảnh sáng ngời này đã nhận định: "Bóng bầu dục là môn thể thao thô bạo được chơi bởi những người hiền hòa này. Cuộc chơi của họ vô sánh nhưng bài ca của họ... quả là một giây phút siêu việt diệu kỳ không ai ngờ được!"
Vũ Văn An