Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự

"Ngày cầu nguyện cho hoà bình" tại Assisi

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự "Ngày cầu nguyện cho hoà bình" tại Assisi.

Roma (WHÐ 19-08-2016) - Ngày 20 tháng Chín năm 2016 Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi Assisi (Italia) lần thứ ba để tham dự "Ngày cầu nguyện cho hoà bình" cùng với các nhà hữu trách tôn giáo và chính trị: cha Mauro Gambetti, tu viện trưởng Tu viện Phanxicô tại Umbria, đã vui mừng loan báo tin trên. Sự kiện này đánh dấu kỷ niệm 30 năm cuộc gặp gỡ cầu nguyện liên tôn đầu tiên do Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng.

Trong một thông cáo đưa ra vào ngày 18 tháng 08 năm 2016, cha Mauro Gambetti cho biết Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ trở lại thành phố của vị thánh bổn mạng của ngài trong dịp bế mạc ba ngày hội thảo và cầu nguyện cho hoà bình - từ ngày 18 đến 20 tháng Chín năm 2016 - do các tu sĩ Phanxicô, giáo phận Assisi và cộng đồng Thánh Egidio đồng tổ chức. Sau đó Phòng Báo chí Toà Thánh cũng xác nhận thông tin này vào buổi chiều cùng ngày.

Ngoài Ðức Thượng phụ Bartholomaios và Tổng thống Cộng hoà Italia Sergio Mattarella, hơn 400 đoàn đại biểu của giới tôn giáo, chính trị và văn hóa dự kiến sẽ tham dự cuộc gặp gỡ với chủ đề "Khát vọng hoà bình. Ðối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa". Cuộc gặp gỡ này diễn ra ba mươi năm sau "Ngày cầu nguyện cho hoà bình" lần đầu tiên được tổ chức theo ý của Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 27 tháng 10 năm 1986.

Ðây sẽ là chuyến viếng thăm lần thứ ba của Ðức Thánh Cha Phanxicô đến thành phố của Poverello, người nghèo bé nhỏ thành Assisi. Lần thứ nhất, ngày 04 tháng 10 năm 2013, Ðức Thánh Cha Phanxicô hành hương đến mộ Thánh Phanxicô và Thánh Clara. Ngài cũng gặp gỡ các trẻ em bệnh nhân hoặc khuyết tật và người nghèo. Sau đó, lần thứ hai, vào ngày 04 tháng Tám năm 2016, nhân kỷ niệm 800 năm ơn "ơn đại xá Portiuncula", Ðức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại Assisi để cầu nguyện trong ngôi nhà nguyện nhỏ Portiuncula, nơi Thánh Phanxicô được ơn hoán cải, đã thành lập Dòng Anh Em Hèn mọn, và đã chọn cái chết nghèo giữa những người nghèo.

Tinh thần Assisi

Chính trong thành phố nơi diễn ra cuộc gặp gỡ của Thánh Phanxicô Assisi với Sultan Al-Kamel -cuộc gặp gỡ đã trở thành điển hình cho công cuộc đối thoại liên tôn -, mà Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khai mở cuộc gặp gỡ vì hoà bình giữa các tôn giáo lần đầu tiên, trong khuôn khổ Năm quốc tế Hoà bình do Liên hiệp quốc phát động. Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô II còn lặp lại lời mời ấy khi cuộc chiến ở vùng Balkan đang sôi động vào năm 1993. Và đề nghị một cuộc gặp gỡ khác, sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ ngày 11 tháng 09 năm 2001; cuộc gặp gỡ ấy đã diễn ra ngày 29 tháng 01 năm 2002.

Tiếp nối tinh thần Assisi, đến lượt Ðức giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngài đã mời các tôn giáo tham dự cuộc gặp gỡ vì hoà bình vào ngày 27 tháng 10 năm 2011, nhân kỷ niệm 25 năm cuộc gặp gỡ đầu tiên. Ðức Bênêđictô XVI cũng mời cả người không tin tham dự cuộc gặp gỡ này.

Tại cuộc gặp gỡ năm 1986, Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích "Tinh thần Assisi" như sau:

"Chúng ta đến đây không phải với ý định tìm kiếm sự đồng thuận giữa các tôn giáo của chúng ta hoặc để thương lượng về niềm tin của chúng ta. Cũng không có nghĩa là các tôn giáo có thể hoà giải với nhau trên bình diện một cam kết chung, trong sự thỏa hiệp với chủ nghĩa tương đối về niềm tin tôn giáo, bởi vì mọi người đều phải tuân theo lương tâm ngay thẳng của mình một cách trung thực, với ý hướng tìm kiếm chân lý và vâng phục chân lý ấy. Cuộc gặp gỡ của chúng ta chỉ muốn chứng tỏ, và đó là ý nghĩa lớn nhất của cuộc gặp gỡ này, cho mọi người trong thời đại chúng ta rằng, trong cuộc chiến lớn lao vì hoà bình, nhân loại, dù rất đa dạng, phải kín múc nơi những suối nguồn sâu thẳm nhất và sống động nhất, là nơi lương tâm được hình thành và hành vi đạo đức của con người được xây dựng trên đó".

Câu trả lời cho một thế giới đang chiến tranh

Năm 2016 chương trình gặp gỡ gồm hai ngày thảo luận bàn tròn và một ngày cầu nguyện. Trong cuộc trao đổi với Ðài phát thanh Vatican hồi tháng Ba năm 2016, cha Mauro Gambetti nói rằng ngoài các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà chính trị và các đại diện của giới khoa học và văn hóa, tất cả các "người xây dựng hoà bình" cũng được mời tham dự.

Cha nói thêm: Ðối mặt với một thế giới đang bị tàn phá bởi những xung đột, các tham dự viên sẽ đáp lại bằng "cầu nguyện và đưa ra một tiếng nói chung, là kết quả của một suy tư chung".

Ðây là một số đề tài sẽ được các tham dự viên thảo luận trong bàn tròn: những nguyên tắc để chung sống hoà bình được tất cả các tôn giáo nhìn nhận; sự đóng góp của chính trị, khoa học, văn hoá cho hoà bình; bảo vệ môi trường.

(Theo Zenit)

 

Minh Ðức

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page