Giáo Hội Nhật Bản và chiến dịch

"Mười ngày cầu nguyện cho hoà bình"

lần thứ 35

 

Giáo Hội Nhật Bản và chiến dịch "Mười ngày cầu nguyện cho hoà bình" lần thứ 35.

Tokyo (Vat. 14-08-2016) - Cách đây 71 năm vào lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945 không quân Hoa Kỳ đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên tên là "Little Boy" "Thằng bé" xuống thành phố Hiroshima. Ba ngày sau đó quả bom nguyên tử thứ hai tên là "Fat Man" Người Mập" được thả xuống trên thành phố Nagasaki. Hai quả bom nguyên tử đầu tiên được sử dụng trong lịch sử chiến tranh thế giới đã khiến cho 200,000 người thiệt mạng, đa số là thường dân.

Trong chuyến công du Nhật Bản vào hạ tuần tháng 2 năm 1981, Ðức Gioan Phaolô II đã viếng thăm các nạn nhân còn sống sót tại nhà thương "Ðồi thương xót" ngày 26 tháng 2 năm 1981 trước khi rời Nhật Bản. Ngỏ lời với họ ngài nói: "Sự đau khổ anh chị em phải chịu cũng gây ra một vết thương trong con tim của từng người trên trái đất này. Cuộc sống của anh chị em ngày hôm nay ở đây là lời kêu gọi có tính thuyết phục nhất có thể hướng tới tất cả mọi người thiện chí, lời kêu gọi thuyết phục nhất chống lại chiến tranh và cổ võ hoà bình. Trong lúc này đây tôi nghĩ tới các lời ông thị trưởng thành phố Hiroshima nói hai năm sau vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên ấy: "Những người sống kinh nghiệm này đã ý thức được một cách tràn đầy nỗi khổ đau và tội lỗi là chiến tranh; họ tố cáo một cách vô điều kiện chiến tranh như cơn hấp hối cuối cùng, và họ ước mong hoà bình với sự tha thiết lớn lao nhất". Chúng tôi tất cả đều mắc nợ anh chị em, vì anh chị em là lời kêu gọi sống động và liên tục cho hoà bình".

Hôm trước đó 25 tháng 2 năm 1981 trong buổi gặp gỡ các nhà khoa học, các giới trí thức văn hoá và giáo dục Nhật Bản Ðức Gioan Phaolô II đã bầy tỏ xác tín sâu xa đây là một dịp lịch sử cho phép cùng nhau suy tư về trách nhiệm của khoa học và kỹ thuật trong thời đại của chúng ta, đuợc ghi dấu bởi biết bao nhiêu hy vọng và biết bao nhiêu lo âu... Các vết thương mà người dân hai thành phố Hiroshima và Nagasaki phải gánh chịu cũng là các vết thương của toàn gia đình nhân loại: dã có ít biến cố trong lịch sử gây ra các hậu quả trên lương tâm con người như vậy... Là những người tận hiến cuộc đời cho các khoa học tân tiến quý vị có thể lượng định các thảm họa mà một cuộc chiến nguyên tử có thể gây ra cho gia đình nhân loại# Tiềm năng này không trung lập, nó có thể được dùng cho sự tiến bộ cũng như cho sự suy đồi của con người.

Từ nay trở đi chỉ có sự lựa chọn và một đường lối chính trị ý thức có thể giúp nhân loại sống còn: đó là sự lựa chọn sử dụng tài nguyên của trí thông minh, của khoa học và nền văn hoá để phụng sự hoà bình và xây dựng một xã hội mới, một xã hội thành công trong việc loại bỏ các lý do của các cuộc chiến huynh đệ tương tàn, bằng cách quảng đại kiếm tìm tiến bộ toàn diện cho từng cá nhân và toàn nhân loại. Hoà bình là một trong các thành công cao quý nhất của nền văn hóa, và vì thế nó xứng đáng với tất cả nghị lực thông minh và tinh thần của chúng ta... Phải, tương lai của con người tuỳ thuộc nơi nền văn hóa. Phải, nền hoà bình của thế giới tuỳ thuộc nơi tình yêu thương... Nhân loại được mời gọi tiến thêm một bước nữa, một bước hướng tới nền văn minh và sự khôn ngoan. Việc thiếu nền văn minh, thiếu hiểu biết các giá trị của con người có nguy cơ huỷ hoại nhân loại. Chúng ta phải trở nên khôn ngoan hơn# Tôi uớc mong ngỏ lời với các tư tưởng gia nam nữ của Nhật Bản, và qua họ tới các tư tưởng gia của toàn thế giới, để khích lệ họ tiếp tục theo đuổi nhiệm vụ tái xây dựng xã hội và luân lý một cách hữu hiệu hơn, mà thế giới của chúng ta nóng lòng chờ đợi. Cùng nhau làm việc để bênh vực và thăng tiến giữa tất cả dân tộc của quốc gia chúng ta và của toàn thế giới, tư tưởng về một thế giới công bằng hơn, một thế giới phù hợp với con người, một thế giới khiến cho con người có thể khai thác các khả năng của mình, một thế giới trợ giúp con người trong các nhu cầu vật chất, luân lý và tinh thần của nó...

Việc xây dựng một nhân loại công bằng hơn hay một cộng đoàn quốc tế hiệp nhất hơn không phải là một giấc mơ hay một tư tưởng phù vân. Nó là một lệnh truyền luân lý, một bổn phận thánh thiêng, mà thiên tài thông minh và tinh thần của con người có thể đương đầu qua một huy động mới các tài khéo và các năng lực của từng người, và bằng cách khai thác các tài nguyên kỹ thuật và văn hoá của con người. Sự kiện gần phân nửa các nhà nghiên cứu trên thế giới dấn thân trong các lãnh vực có mục đích quân sự, đặt ra vấn đề luân lý: có hợp luân lý không, khi gia đình nhân loại còn tiếp tục hướng đi này?... Khoa học và kỹ thuật đã luôn luôn là một phần của nền văn hóa, nhưng ngày nay kỹ thuật lớn mạnh tới nỗi phá hủy thế quân bình của nó với các chiều kích của nền văn hoá, bằng cách can thiệp như một yếu tố gây chia rẽ. Ðể duy trì được căn tính của mình nền văn hóa phải tránh ba cám dỗ: thứ nhất là theo đuổi việc phát triển kỹ thuật như mục đích cho chính nó, luôn luôn phải làm điều có thể trên bình diện kỹ thuật. Thứ hai dùng sự phát triển kỹ thuật cho lợi ích kinh tế theo cái luận lý lợi nhuận và bành trướng kinh tế vô tận, mà không chú ý tới thiện ích chung của nhân loại. Thứ bà là sử dụng sự phát triển kỹ thuật cho việc chiếm hữu hay lèo lái các dân tộc để có thể thống trị họ... Hoà bình và sự sống còn của nhân loại giờ đây bị cột buộc một cách bất khả phân ly với tiến bộ, phát triển và phẩm giá của tất cả mọi người. Sự hài hoà giữa các giá trị của khoa học và các giá trị của lương tâm là thách đố luân lý lớn nhất, mà thế hệ ngày nay của chúng ta phải đương đầu."

Trong cùng ngày 25 tháng 2 năm 1981 khi viếng thăm đài tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử tại Hiroshima, Ðức Gioan Phaolô II nói: "Trên thế giới có biết bao nhiêu nơi được nhớ tới giống như Hiroshima và Nagasaki, vì chúng là chứng tá cho sự kinh hoàng và khổ đau do chiến tranh gây ra; các đài tưởng niệm các chiến sĩ trận vong, các nghĩa trang quân sự và dân sự, các trại tập trung và tàn sát trong đó con người và các quyền bất khả xâm phạm của nó bị vi phạm một cách bất xứng và tàn ác nhất, các bãi chiến trường còn không xoá bỏ được khỏi lịch sử quá khứ sự thù hận và đối nghịch của con người... Từ thành phố này và từ biến cố nó tưởng niệm nảy sinh ra một ý thức toàn cầu chống lại chiến tranh, và một cương quyết hoạt động cho hoà bình... Không có gì có thể biện minh cho việc không nêu lên vấn nạn trách nhiệm của từng quốc gia và từng người trước các cuộc chiến có thể xảy ra, và sự đe dọa của vũ khí nguyên tử." Ðức Gioan Phaolô II đã lập lại điều ngài nói khi viếng thăm Liên Hiệp Quốc hồi năm 1979: "Các chuẩn bị liên tục cho chiến tranh, được chấp thuận bởi việc sản xuất các vũ khi luôn ngày càng nhiều hơn và tinh vi hơn tại nhiều nước khác nhau, cho thấy rằng có uớc muốn sẵn sàng cho chiến tranh, và sẵn sàng có nghĩa là có thể khởi đầu nó; chúng cũng có nghĩa là có nguy cơ trong bất cứ lúc nào, tại bất cứ nơi đâu, bằng bất cứ cách nào, một ai đó sẽ có thể cho chuyển động guồng máy kinh khủng của việc hủy hoại toàn diện... Tưởng niệm Hiroshima và kinh hãi chiến tranh nguyên tử. Tưởng niệm Hiroshima là dấn thân cho hoà bình. Nhớ lại điều người dân của thành phố này đã gánh chịu là canh tân niềm tin của chúng ta nơi con người, nơi khả năng làm điều tốt lành của nó, trong sự tự do lựa chọn điều đúng đắn, trong cương quyết biến một tai ương thành một khởi đầu mới... Tất cả những ai yêu chuộng sự sống trên trái đất phải khích lệ các chính quyền và những người quyết định trong lãnh vực kinh tế và xã hội hành động trong sự hòa hợp với các đòi hỏi của hoà bình hơn là cho một lợi lộc ích kỷ. Hoà bình phải luôn luôn là đích tới, hoà bình phải được theo đuổi và bênh vực trong mọi hoàn cảnh". Tiếp theo sau lời kêu gọi này Ðức Gioan Phaolô II đã dâng lên Thiên Chúa Tạo Hoá của thiên nhiên và con người, của chân lý và vẻ đẹp lời cầu nguyện sau đây: "Lậy Chúa, xin hãy lắng nghe tiếng con, vì đó là tiếng của các nạn nhân của tất cả mọi cuộc chiến và bạo lực giữa các cá nhân và các quốc gia. Xin hãy lắng nghe tiếng con, vì đó là tiếng của tất cả các trẻ em đau khổ và sẽ đau khổ mỗi lần các dân tộc đặt để tin tưởng của họ nơi vũ khí và chiến tranh. Xin hãy lắng nghe tiếng con, khi con xin Chúa đổ tràn đầy trong trái tim con người sự khôn ngoan của hoà bình, sức mạnh của công lý và niềm vui của tình bằng hữu. Xin hãy lắng nghe tiếng con, vì con nói thay cho các đám đông của mọi quốc gia và thuộc mọi thời đại của lịch sử không muốn chiến tranh, và họ sẵn sàng bước đi trên con đường hoà bình. Xin hãy lắng nghe tiếng con, và ban cho chúng con khả năng và sức mạnh để luôn luôn có thể đáp trả lại hận thù bằng tình yêu, đáp trả lại bất công bằng việc tận hiến cho công lý, đáp trả lại nhu cầu với chính sự tham gia của chúng con, đáp trả lại chiến tranh bằng hoà bình. Ôi lậy Chúa, xin hãy lắng nghe tiếng con và ban cho thế giới luôn mãi sự bình an của Chúa."

Chính để đáp lại lời kêu gọi hoà bình trên đây của Ðức Gioan Phaolô II Hội Ðồng Giám Mục Nhật Bản ngay từ ngày đó đã tung ra chiến dịch "Mười ngày cầu nguyện cho hòa bình" từ mùng 6 tới 15 tháng 8 hằng năm, năm nay (2016) là lần thứ 35 để tưởng niệm vụ bỏ bom nguyên tử hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, và kỷ niệm ngày chấm dứt Ðệ Nhị Thế Chiến. Các Giám Mục Nhật Bản viết trong thông cáo: "Nền hoà bình trên thế giới đã bị bể nát thành từng mảnh, và thường xuyên bị đe dọa bởi các biến cố như chiến tranh Siria, các hoạt động khủng bố của những người cuồng tín và những người khác, các xung đột vũ trang liên quan tới việc kiểm soát các tài nguyên và chỉ muốn chứng minh cho sức mạnh. Nhiều người, trong đó có các phụ nữ và trẻ em, bị giết hay bị thương, bị bó buộc trốn chạy khỏi gia cư, không có được một cuộc sống bình thường và không có cả sự sống. Các tấn công khủng bố xảy ra trong các thành phố lớn bên Âu châu, Hoa Kỳ hay trong các quốc gia hồi giáo. Cả nhiều người Nhật cũng là nạn nhân. Với sức mạnh của nhân loại và ơn thánh Chúa chúng tôi muốn thực hiện lý tưởng cao đẹp, không chỉ loại trừ các vũ khí nguyên tử, mà loại trừ tất cả mọi loại vũ khí và bạo lực khỏi thế giới. Bên trong đất nước chúng tôi không thể dửng dưng với các vụ giết người xảy ra hàng ngày, hay thờ ơ với nạn kỳ thị quốc gia, văn hoá hay phái tính, đối với bạo lực trong gia đình, các biểu lộ thù hận, sách nhiễu tình dục hay hiểu lộ quyền lực. Ở đâu có một người bị loại trừ, bị thống trị, không được tôn trọng hay bị kỳ thị, thì ở đấy không có hoà bình. Chúng ta phải bắt đầu xây dựng hoà bình trong chúng ta, bằng cách nỗ lực bổ túc việc thực hiện và hạnh phúc của con tim và thân xác, công việc làm và cuộc sống tư và các tương quan với Thiên Chúa và với con người. Chúng ta tất cả đều có thể làm điều này, và tất cả chúng ta đều phải làm điều này. Ðó là con đường chắc chắn giúp thực hiện hoà bình trên thế giới."

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page