Bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô

trong Ðêm Canh Thức

Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Ðêm Canh Thức Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Krakow (VietCatholic News 31-07-2016) - Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự đêm canh thức tối thứ Bảy 30 tháng 7 năm 2016 với các bạn trẻ thế giới. Sau đây là bản dịch Việt ngữ Bài giảng của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Ðêm Canh Thức Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới:

Các bạn trẻ thân mến, chào các con!

Quả là điều tốt đẹp được ở đây với các con trong buổi Canh Thức Cầu Nguyện này!

Vào cuối chứng từ mạnh mẽ và cảm động của mình, Rand đã yêu cầu chúng ta một điều. Anh nói: "Tôi tha thiết xin các bạn cầu nguyện cho đất nước thân yêu của tôi". Câu chuyện của anh, liên quan đến chiến tranh, đau buồn và mất mát, đã kết thúc bằng lời xin cầu nguyện. Còn cách nào tốt hơn cho chúng ta để bắt đầu buổi canh thức này bằng cách cầu nguyện?

Chúng ta đã đến đây từ các nơi khác nhau trên thế giới, từ các lục địa, các quốc gia, các ngôn ngữ, các văn hóa và dân tộc khác nhau. Một số người trong chúng ta là con trai và con gái của các quốc gia rất có thể đang mâu thuẫn và can dự vào các cuộc xung đột khác nhau hoặc thậm chí cả chiến tranh công khai nữa. Nhiều người khác trong chúng ta đến từ các quốc gia rất có thể có "hòa bình", không có chiến tranh và xung đột, nơi mà hầu hết những điều khủng khiếp xảy ra trong thế giới của chúng ta, chỉ đơn giản là một câu chuyện trên tin tức buổi tối. Nhưng các con hãy nghĩ về điều này. Ðối với chúng ta, ở đây, hôm nay, đến từ các nơi khác nhau trên thế giới, sự đau khổ và những cuộc chiến mà nhiều người trẻ đang trải nghiệm không còn vô danh, một điều gì đó chúng ta đọc trong các báo chí. Chúng có một cái tên, chúng có một khuôn mặt, chúng có một câu chuyện, chúng rất gần gũi. Hôm nay, cuộc chiến ở Syria đã gây ra đau đớn và đau khổ cho rất nhiều người, cho nên nhiều người trẻ như người bạn Rand tốt lành của chúng ta, người đã đến đây và yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho đất nước thân yêu của mình.

Một số tình huống có vẻ xa xôi cho đến khi, một cách nào đó, chúng ta đụng đến chúng. Chúng ta không đánh giá một số sự việc vì chúng ta chỉ nhìn thấy chúng trên màn hình của một chiếc điện thoại di động hoặc một máy vi tính. Nhưng khi chúng ta tiếp xúc với cuộc sống, với cuộc sống của người ta, không chỉ là hình ảnh trên một màn hình, một điều gì đó mạnh mẽ đang xảy ra. Chúng ta cảm thấy cần phải can dự vào. Cần nhận ra rằng không còn những "thành phố bị lãng quên" nữa, nói theo từ ngữ của Rand, hoặc không còn anh chị em của chúng ta "bị bao vây bởi cái chết và giết chóc" nữa, hoàn toàn bất lực. Các con thân mến, Cha yêu cầu chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho những đau khổ của tất cả các nạn nhân chiến tranh và cho nhiều gia đình Syria yêu quý và các nơi khác trên thế giới chúng ta. Một lần mãi mãi, ước gì chúng ta có thể nhận ra rằng không có gì biện minh cho việc đổ máu một người anh em hay chị em; không có gì quý giá hơn người bên cạnh chúng ta. Khi yêu cầu các con cầu nguyện cho điều này, Cha cũng xin cảm ơn Natalia và Miguel đã chia sẻ những đấu tranh và xung đột nội tâm của mình. Các con nói với chúng ta về cuộc đấu tranh của các con, và về cách các con thành công trong việc khắc phục chúng. Cả hai con đều là dấu chỉ sống động của những gì lòng thương xót của Thiên Chúa muốn thực hiện trong chúng ta.

Ở đây không có thời gian để tố cáo bất cứ ai hay bất cứ cuộc đánh nhau nào. Chúng ta không muốn phá bỏ. Chúng ta không muốn chinh phục hận thù bằng nhiều hận thù hơn, bạo lực bằng nhiều bạo lực hơn, khủng bố bằng nhiều khủng bố hơn. Chúng ta đang ở đây hôm nay vì Chúa đã kêu gọi chúng ta đến với nhau. Phản ứng của chúng ta đối với một thế giới có chiến tranh có một cái tên: tên của nó là tình anh em, tên của nó là sự hiệp thông, tên của nó là gia đình. Chúng ta chào mừng sự kiện này: phát xuất từ nhiều nền văn hóa khác nhau, chúng ta đã đến với nhau để cầu nguyện. Hãy để lời lẽ tốt nhất của chúng ta, lập luận tốt nhất của chúng ta, thành sự hiệp nhất của chúng ta trong lời cầu nguyện. Chúng ta hãy dành một phú để im lặng và cầu nguyện. Chúng ta hãy đặt trước mặt Chúa các chứng từ của bạn hữu chúng ta, và chúng ta hãy gắn bó với những người mà với họ "gia đình là một khái niệm vô nghĩa, căn nhà chỉ là một nơi để ngủ và ăn", và với những người sống với nỗi sợ hãi rằng những sai lầm của họ và tội lỗi đã khiến họ bị ruồng bỏ. Chúng ta cũng hãy đặt trước mặt Chúa "các trận chiến" của riêng mình, những cuộc đấu tranh nội tâm mà mỗi người các con mang trong tim mình.

Khi chúng ta cầu nguyện, Cha nghĩ tới các Tông Ðồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Việc hình dung ra các vị có thể giúp chúng ta đánh giá cao tất cả những gì Thiên Chúa ước mơ hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta, trong chúng ta và với chúng ta. Ngày hôm đó, các môn đệ tụ họp nhau sau những cánh cửa khóa kín, vì sợ hãi. Các ngài cảm thấy bị đe dọa, bị bao vây bởi một bầu không khí bách hại từng dồn các ngài vào một căn phòng nhỏ và khiến các ngài câm lặng và tê liệt. Sợ hãi đã trùm phủ các ngài. Thế rồi, trong tình huống đó, một điều gì đó hết sức ngoạn mục, một điều gì đó hết sức vĩ đại, đã xảy ra. Chúa Thánh Thần và những chiếc lưỡi như lửa đến đậu trên mỗi người trong các ngài, thúc đẩy các ngài hướng tới một cuộc phiêu lưu chưa từng mơ ước.

Chúng ta đã nghe ba chứng từ. Trái tim chúng ta đã xúc động bởi các câu chuyện của họ, bởi cuộc sống của họ. Chúng ta đã thấy, giống các môn đệ, họ đã trải qua những khoảnh khắc tương tự, sống qua những thời điểm sợ hãi lớn lao, khi xem ra mọi sự đều đã đổ vỡ tan tành. Sự sợ hãi và khổ não phát sinh từ việc biết rằng rời khỏi nhà có thể có nghĩa là không bao giờ nhìn thấy người thân yêu nữa, sợ không còn cảm thấy được đánh giá cao và yêu thương nữa, sợ không còn sự lựa chọn nữa. Họ chia sẻ với chúng ta cùng những kinh nghiệm mà các môn đệ đã có; họ cảm thấy một thứ sợ hãi chỉ dẫn đến một điều: cảm thấy mình bị khóa cứng trong chính mình, bị mắc kẹt. Một khi chúng ta cảm thấy như vậy, sự sợ hãi của chúng ta bắt đầu day dứt và thế nào cũng bị "người chị em song sinh" của nó là tê liệt đến tham gia: ta cảm thấy tê liệt. Nghĩ rằng trong thế giới này, trong các thành phố và cộng đồng của chúng ta, không còn bất kỳ chỗ nào để trưởng thành, để ước mơ, để sáng tạo, để ngắm nhìn những chân trời mới - tắt một lời, để sống - là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho chúng ta trong cuộc sống. Khi chúng ta bị tê liệt, chúng ta bỏ lỡ sự kỳ diệu của việc gặp gỡ những người khác, kết bạn, chia sẻ những ước mơ, đi bộ bên cạnh những người khác.

Nhưng trong cuộc sống, có một loại tê liệt khác, thậm chí còn nguy hiểm hơn. Ta khó có thể hiểu lý do của nó. Cha muốn mô tả nó như một sự tê liệt xuất phát từ việc lẫn lộn nó với hạnh phúc của chiếc ghế sofa. Nói cách khác, là nghĩ rằng để được hạnh phúc, điều ta cần chỉ là một chiếc ghế sofa tốt. Một chiếc sofa khiến chúng ta thấy thoải mái, yên tĩnh, an toàn. Một chiếc sofa giống như một trong những chiếc chúng ta hiện có ngày nay với một đơn vị xoa bóp lắp sẵn để đưa chúng ta vào giấc ngủ. Một chiếc sofa hứa hẹn đem lại cho chúng ta nhiều giờ thoải mái giúp chúng ta trốn vào thế giới của trò chơi video và dành mọi thời gian để ngồi trước màn hình máy vi tính. Một chiếc sofa giữ chúng an toàn tránh khỏi bất cứ loại đau đớn và sợ hãi nào. Một chiếc sofa cho phép chúng ta ở nhà, không cần phải làm việc, hay lo lắng, bất cứ điều gì. "Hạnh phúc sofa"! Ðó có lẽ là hình thức độc hại và nguy hiểm nhất của tê liệt, vì từ từ, từng chút một, không hề nhận ra nó, chúng ta bắt đầu gà gật, trở nên lơ mơ và thẫn thờ trong khi những người khác - có lẽ tỉnh táo hơn chúng ta, nhưng không nhất thiết tốt hơn chúng ta- quyết định tương lai cho chúng ta. Thực thế, đối với nhiều người, có được những đứa trẻ lơ mơ và thẫn thờ, nhầm lẫn hạnh phúc với ghế sofa là điều dễ chịu và tốt đẹp hơn. Ðối với nhiều người, điều này thuận lợi hơn việc có những người trẻ tỉnh táo và ưa tìm hiểu, cố gắng đáp ứng giấc mơ của Thiên Chúa và mọi nỗi bồn chồn hiện có trong trái tim con người.

Mặc dù sự thật là một điều khác. Các người trẻ thân mến, chúng ta không vào thế giới này để "sống vô vị", để dễ dãi, để biến cuộc sống ta thành chiếc sofa thoải mái và thiếp ngủ trên đó. Không, chúng ta đến đây vì một lý do khác: để lại một dấu ấn. Quả rất buồn khi sống trên đời mà không để lại một dấu ấn nào. Nhưng khi chúng ta chọn dễ dãi và thuận lợi, chọn lẫn lộn hạnh phúc với tiêu thụ, thì kết cục, chúng ta sẽ phải trả một giá cao thực sự: chúng ta đánh mất tự do của mình.

Sẽ là một hình thức tê liệt rất lớn, bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu nghĩ rằng hạnh phúc y hệt như thoải mái và tiện nghi, được hạnh phúc là có được một cuộc thiếp ngủ, hoặc được uống thuốc an thần, cách duy nhất để được hạnh phúc là được sống trong sương mù. Chắc chắn, ma túy là điều xấu, nhưng có rất nhiều loại ma túy khác được xã hội chấp nhận, mà kết cục nô dịch chúng ta không kém. Cách này hay cách khác, chúng cướp đi của chúng ta kho báu lớn nhất: tự do của chúng ta.

Các bạn thân mến, Chúa Giêsu là Chúa của liều lĩnh, của "nhiều hơn" vĩnh cửu. Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa của sự tiện nghi, an toàn và dễ dãi. Theo Chúa Giêsu đòi một liều lượng lớn của lòng dũng cảm, của sự sẵn sàng để đổi ghế sofa lấy đôi giày đi bộ và bước lên một con đường mới đầy thám hiểm. Ðể đi tiên phong trên những nẻo đường mở ra những chân trời mới có khả năng truyền lan niềm vui, niềm vui phát sinh từ tình yêu Thiên Chúa và vọt lên trong trái tim các con với mọi hành vi thương xót. Ðể đi theo con đường "rồ dại" của Thiên Chúa chúng ta, Ðấng dạy chúng ta gặp gỡ Người nơi những người đói, khát, trần truồng, bệnh hoạn, bạn bè gặp khó khăn, các tù nhân, những người tị nạn và di dân, và các người láng giềng cảm thấy bị bỏ rơi của chúng ta. Ðể đi theo con đường của Thiên Chúa chúng ta, Ðấng khuyến khích chúng ta trở thành chính trị gia, tư tưởng gia, nhà tranh đấu xã hội. Thiên Chúa, Ðấng kêu gọi chúng ta đặt kế sách cho một nền kinh tế lấy cảm hứng từ tinh thần liên đới. Trong tất cả mọi khung cảnh các con hiện diện, tình yêu của Thiên Chúa đều mời gọi các con đem Tin Mừng đến, biến cuộc sống của các con thành một món quà cho Người và cho người khác.

Các con có lẽ sẽ hỏi cha: Thưa cha, điều đó không dành cho mọi người, nhưng chỉ cho một vài người được chọn mà thôi. Ðúng, nhưng những người được chọn ấy đều là những người sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của họ với người khác. Như Chúa Thánh Thần biến đổi trái tim của các môn đệ vào ngày Lễ Ngũ Tuần thế nào, Người cũng đã làm thế với những người bạn đã chia sẻ chứng từ của họ với chúng ta như vậy. Này Miguel, cha sẽ sử dụng các lời lẽ của con. Con nói với chúng ta rằng ở "Facenda" trong ngày họ giao phó cho con trách nhiệm giúp làm cho nhà ấy được điều hành tốt hơn, con bắt đầu hiểu rằng Thiên Chúa đang yêu cầu con một điều gì đó. Ðó là lúc mọi sự bắt đầu thay đổi.

Các bạn thân mến, đó là bí quyết, và tất cả chúng ta được kêu gọi để tham dự vào. Thiên Chúa mong đợi một điều gì đó nơi các con. Thiên Chúa mong muốn một điều gì đó nơi các con. Thiên Chúa hy vọng nơi các con. Thiên Chúa đến để phá vỡ tất cả các hàng rào của chúng ta. Người đến để mở mọi cánh cửa của cuộc đời chúng ta, những giấc mơ của chúng ta, cách chúng ta nhìn sự việc. Thiên Chúa đến để mở toang những gì đang khóa kín các con. Người khuyến khích các con mơ ước. Người muốn làm các con thấy rằng, với các con, thế giới có thể sẽ ra khác. Vì sự thực là, trừ khi các con cung hiến điều tốt nhất của các con, thế giới sẽ không bao giờ ra khác được.

Thời chúng ta đang sống không kêu gọi những người trẻ "ngồi xem truyền hình ăn khoai chiên" nhưng kêu gọi những người trẻ mang giày, hoặc tốt hơn, mang ủng thắt dây. Nó chỉ nhận các cầu thủ ở hàng đầu, không dành chỗ cho những người ngồi ấm cả ghế dài. Thế giới ngày nay đòi các con trở thành những người chủ đạo của lịch sử vì cuộc sống luôn luôn tươi đẹp khi chúng ta chọn sống nó cách trọn vẹn, khi chúng ta chọn để lại một dấu ấn. Lịch sử ngày nay kêu gọi chúng ta bảo vệ phẩm giá của chúng ta và không để cho người khác quyết định tương lai của chúng ta. Như đã làm vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa muốn làm một trong những phép lạ lớn nhất chúng ta có thể trải nghiệm; Người muốn biến bàn tay của các con, bàn tay của cha, bàn tay của chúng ta, thành các dấu chỉ sự hòa giải, hiệp thông, sáng tạo. Người muốn bàn tay của các con tiếp tục xây dựng thế giới hôm nay. Và Người muốn xây dựng thế giới đó với các con.

Có lẽ các con sẽ bảo cha: thưa cha, nhưng con có nhiều giới hạn, con là một kẻ tội lỗi, con có thể làm gì? Khi Chúa kêu gọi chúng ta, Người không lo lắng xem chúng ta là gì, đã là gì, hoặc chúng ta đã thực hiện hoặc không thực hiện những gì. Hoàn toàn ngược lại. Khi Người kêu gọi chúng ta, Người nghĩ tới mọi thứ chúng ta phải cho đi, mọi tình yêu chúng ta có khả năng truyền lan. Người đánh cuộc trên tương lai, trên ngày mai. Chúa Giêsu hướng chúng ta về tương lai.

Vì vậy, hôm nay, thưa các bạn, Chúa Giêsu đang mời các bạn, đang gọi các bạn, để lại dấu của bạn trên cuộc sống, để lại dấu ấn trên lịch sử, lịch sử của riêng các bạn và lịch sử của nhiều người khác nữa.

Cuộc sống ngày nay cho chúng ta biết: tập trung vào những gì chia rẽ chúng ta, những gì phân rẽ chúng ta là điều dễ dàng hơn nhiều. Người ta cố gắng làm chúng ta tin rằng khóa kín trong chính mình là cách tốt nhất để giữ mình an toàn, khỏi bị tổn hại. Hôm nay, các người trưởng thành chúng tôi cần các bạn dạy chúng tôi làm thế nào để sống trong sự đa dạng, trong đối thoại, để trải nghiệm chính sách đa văn hóa không như một mối đe dọa mà như một cơ hội. Các bạn hãy có can đảm dạy chúng tôi rằng xây cầu mới là điều dễ dàng hơn! Cùng nhau, chúng tôi yêu cầu các bạn thách thức chúng tôi đi theo con đường của tình huynh đệ. Ðể xây những cây cầu. .. Các bạn có biết cây cầu đầu tiên đã được xây dựng không? Ðó là cây cầu mà chúng ta có thể xây dựng ở đây và bây giờ - bằng cách vươn tay ra và nắm lấy tay nhau. Nào, các bạn hãy xây dựng nó ngay bây giờ, ngay ở đây, cây cầu đầu tiên này: các bạn hãy nắm lấy tay nhau. Ðây là cây cầu vĩ đại của tình anh em, và ước chi các cường quốc thế giới biết học hỏi để xây dựng nên nó. .. không phải để chụp hình đăng trên bản tin buổi tối nhưng để xây dựng những cây cầu ngày càng lớn hơn. Ước mong sao cây cầu nhân bản này sẽ là sự khởi đầu của thật nhiều cây cầu khác; nhờ cách này, nó sẽ để lại một dấu ấn.

Hôm nay Chúa Giêsu, Ðấng là đường, là sự thật và là sự sống, đang kêu gọi các bạn để lại dấu ấn của bạn trên lịch sử. Người, Ðấng là sự sống, đang yêu cầu mỗi người trong các bạn để lại một dấu ấn mang lại sự sống cho chính lịch sử của riêng bạn và lịch sử của nhiều người khác. Người, Ðấng là sự thật, đang yêu cầu các bạn từ bỏ những con đường bác bỏ, chia rẽ và trống rỗng. Các bạn có làm được điều này không? Bằng bàn tay và bàn chân, các bạn sẽ có câu trả lời nào cho Chúa, Ðấng là đường, là sự thật và là sự sống?

 

Vũ Văn An dịch

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page