Ðức Thánh Cha Phanxicô

hành hương Assisi

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô hành hương Assisi.

Assisi (WHÐ 05-08-2016) - Ðức Thánh Cha Phanxicô thinh lặng cầu nguyện một mình trong ngôi nhà nguyện nhỏ Portiuncula: đó là hình ảnh ấn tượng của chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha đến Assisi hôm thứ Năm 04 tháng 08 năm 2016, nhân kỷ niệm 800 năm ơn "ơn đại xá Portiuncula". Gần ba năm sau chuyến viếng thăm lần trước vào ngày 04 tháng 10 năm 2013, chuyến viếng thăm lần này của Ðức Thánh Cha rất ngắn gọn và mang tính biểu tượng, chỉ kéo dài hai giờ, theo bước chân của Thánh Phanxicô, trong ngôi nhà nguyện bằng đá khiêm tốn, nơi "Poverello, người-nghèo-bé-nhỏ thành Assisi" được ơn hoán cải, đã thành lập Dòng Anh Em Hèn mọn, và đã chọn cái chết nghèo giữa những người nghèo.

Trước 3,000 người gồm khách hành hương, các tín hữu và các tu sĩ dòng Phanxicô ngồi chật kín Vương cung thánh đường Nữ Vương các Thiên thần, Ðức Thánh Cha đã giải thích bài dụ ngôn theo Tin Mừng theo Thánh Matthêu về tên mắc nợ không biết thương xót. Ngài mời gọi mọi người hãy biết tha thứ như Chúa là Ðấng hay thương xót đã dạy chúng ta.

"Tôi muốn đưa tất cả anh chị em vào Thiên đàng!" Trước đông đảo các tín hữu, Ðức Thánh Cha đã nhắc lại lời này của Thánh Phanxicô tại Portiuncula cách nay 800 năm. Và để "đến được Thiên đàng, con đường tha thứ chắc chắn là con đường chính mà chúng ta phải theo", Ðức Thánh Cha nói. Chú giải dụ ngôn Chúa Giêsu nói với Phêrô, Ðức Thánh Cha đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta phải tha thứ cho những người đã làm hại chúng ta?"

Trong câu chuyện này, một người đầy tớ mắc nợ rất lớn với nhà vua đã được vua thương xót tha hết nợ, nhưng anh lại đi đòi người chỉ mắc nợ anh một số tiền nhỏ. Ðức Thánh Cha nói: "Anh ta đã đi tóm cổ người ấy và nói: 'Trả nợ cho ta'. Trong cảnh này, chúng ta thấy được toàn bộ tấn bi kịch về các mối tương quan giữa con người của chúng ta. Và ngài nhấn mạnh: "Khi chúng ta mắc nợ người khác, chúng ta muốn được thương xót; trái lại, khi chúng ta là chủ nợ chúng ta lại đòi thi hành công lý! Hãy thú nhận rằng chúng ta vẫn luôn làm như thế, nhưng đó không phải là lối sống của người Kitô hữu". Khi "Chúa Giêsu dạy chúng ta tha thứ", là tha thứ không giới hạn.

"Bởi vì chúng ta đã nhận được ơn tha thứ trước hết, và tha thứ luôn mãi". Ðức Thánh Cha nói tiếp: "Ðó là sự tha thứ dịu dàng". Và dụ ngôn muốn nói với chúng ta điều này: Thiên Chúa là Ðấng kiên nhẫn, "như Chúa đã tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải tha thứ cho những người làm hại chúng ta".

Ðức Thánh Cha cảnh báo: "Chúng ta biết rõ rằng chúng ta đầy những khiếm khuyết và chúng ta thường phạm đi phạm lại cùng một tội", nhưng "Thiên Chúa chẳng hề mệt mỏi, Ngài luôn ban ơn tha thứ mỗi khi chúng ta đến xin Ngài: tha hết, tha tất cả". Một ơn toàn xá như Thánh Phanxicô đã xin Ðức giáo hoàng Honorius III ban cho vào năm 1216 tại Portiuncula, Assisi. Trong Năm Thánh Lòng Thương xót này, "ơn tha thứ ấy thực sự có thể làm cho Giáo hội và thế giới được đổi mới", bởi vì ngày hôm nay vẫn còn "quá nhiều người sống giam mình trong hận thù oán ghét, họ không có khả năng tha thứ, họ phá hỏng cuộc sống của chính mình và của người khác thay vì đi tìm niềm vui của sự thanh thản và bình an. Thế giới cần đến sự tha thứ".

Ðức Thánh Cha kết luận bằng cách lặp lại hai lần câu này: "Làm chứng cho lòng thương xót trong thế giới ngày nay là một nhiệm vụ mà không ai trong chúng ta được thoái thác".

Sau đó Ðức Thánh Cha đến bệnh xá gặp các tu sĩ đau yếu hay già cả đang được các tu sĩ trẻ chăm sóc. Ðức Thánh Cha đã dùng trà với họ trong căn phòng nhỏ của toà nhà bên cạnh Nhà thờ Nữ Vương các Thiên thần.

Trong chuyến viếng thăm lần này, Ðức Thánh Cha đã giải tội cho 19 người, đa số là các hướng đạo sinh trẻ. Ðức Thánh Cha cũng gặp vị imam của Perugia, vị này đang có mặt ở Assisi.

Cuối cùng Ðức Thánh Cha cảm ơn các tín hữu đã chào đón ngài, đồng thời nhắc nhở họ đừng quên hãy tha thứ luôn, tha thứ thật lòng. Ngài nêu câu hỏi: "Ở đây có ai không cần tha thứ không? Không, ai cũng muốn được tha thứ"; sau đó ngài mời mọi người cùng cầu nguyện với Ðức Mẹ.

(Theo Vatican Radio)

 

Minh Ðức

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page