Thánh lễ Truyền chức

Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Sàigòn

Ðức Cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng

 

Thánh lễ Truyền chức Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Sàigòn Ðức Cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng.


Thánh lễ Truyền chức Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Sàigòn Ðức Cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng.


Sàigòn (WHÐ 05-08-2016) - Sau hơn một tháng có quyết định bổ nhiệm của Ðức Thánh Cha Phanxicô, ngày 04 tháng Tám năm 2016 đã diễn ra lễ truyền chức Giám mục cho cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sàigòn vào lúc 8g30. Chủ tế Thánh lễ cũng là vị chủ phong là Ðức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Ðọc, hai Ðức giám mục phụ phong là Ðức cha Antôn Vũ Huy Chương và Ðức cha Giuse Vũ Duy Thống. Ðồng tế với Ðức Tổng giám mục Phaolô có 2 hồng y, 28 giám mục và khoảng 400 linh mục. Tham dự Thánh lễ có khoảng 3,000 tu sĩ và giáo dân.

Ngoài ra còn có các khách mời đặc biệt: Ðức giám mục Georges Colomb, giám mục giáo phận La Rochelle et Saintes; cha Laurent Gatinois, đại diện Hội Thừa sai Nước ngoài Paris (MEP); cha Gilles Berceville, đại diện Học viện Công giáo Paris; hai ông bà Tổng lãnh sự Italia; ông lãnh sự danh dự Bỉ; và đại diện Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Sàigòn.

Trong bài giảng lễ, Ðức cha Antôn Vũ Huy Chương đã nói về các nhiệm vụ của giám mục. Và để diễn tả dòng chảy liên tục của lịch sử Tổng giáo phận Sài Gòn, Ðức cha Antôn đã liên kết châm ngôn sống của vị Tân giám mục Giuse với châm ngôn của các vị Tổng giám mục Sài Gòn: "Hãy đi giảng dạy muôn dân" (Ðức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình) "Như Thầy yêu thương" (Ðức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn) để "Chúa là Nguồn Vui của con" (Ðức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Ðọc) khi con góp phần xây dựng sự "Hợp nhất trong Ðức Tin", làm cho Tổng giáo phận đạt tới tầm vóc viên mãn của Ðức Kitô.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Ðức cha Antôn:

* * *

Thi hành chỉ thị của Công đồng Vaticanô II về việc duyệt lại nghi thức truyền chức thánh"cả về nghi lễ lẫn các bản văn", Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã ban hành Sách Nghi thức mới ngày 18 tháng 6 năm 1968. Hai mươi mốt năm sau, ngày 29 tháng 6 năm 1989, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích xuất bản một ấn bản mới với một vài thay đổi, tuy nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa về Bí tích Truyền Chức Thánh, ngay trong tựa đề Sách Nghi thức.

Tựa đề ấn bản cũ là: "Việc phong chức phó tế, linh mục và giám mục"; tựa đề ấn bản mới là: "Việc phong chức giám mục, linh mục và phó tế". Như vậy là có sự đảo ngược thứ tự. Trước đây, thứ tự tính từ dưới lên: trước hết lãnh chức phó tế, rồi sau mới đến chức linh mục và giám mục; xem ra đây là thứ tự của việc thăng quan tiến chức! Bây giờ thứ tự từ trên xuống (giám mục, linh mục, phó tế): giám mục là người có chức thánh tròn đầy nhất vì các ngài kế vị các tông đồ do việc đặt tay tông truyền; linh mục và phó tế là những người được tham dự vào đó; đây là thứ tự thần học. Chắc cũng vì thế mà tại Việt Nam có những nơi thay vì dùng từ "phong chức" thì dùng từ "truyền chức" là từ đã được dùng trong kinh 7 bí tích: "thứ sáu là Phép Truyền Chức Thánh". Chỉ có một Bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng có 3 chức vụ: giám mục, linh mục và phó tế.

Ðược Ðức Giám mục Chủ phong ủy quyền giảng lễ, trước hết xin trích đoạn bài huấn dụ trong Sách Nghi thức trong đó Giáo hội muốn nhắc nhớ về chức vụ giám mục:

- Về chức giám mục: "Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc nhân loại. Chính Người đã sai Mười Hai Tông Ðồ đi khắp thế gian, để sau khi đã được tràn đầy sức mạnh Chúa Thánh Thần, các ngài rao giảng Phúc Âm, quy tụ muôn dân vào một đoàn chiên, thánh hóa và cai quản họ. Ðể nhiệm vụ này tồn tại cho đến ngày tận thế, các Tông đồ đã chọn những vị, mà nhờ việc đặt tay, thông truyền hồng ân Chúa Thánh Thần đã lãnh nhận từ nơi Ðức Kitô... Như vậy, trải qua các thế hệ, truyền thống nguyên thủy được bảo tồn nhờ việc kế vị liên tục của các giám mục, và sự nghiệp của Ðấng Cứu Thế được lưu truyền và tăng triển cho tới thời đại chúng ta".

- Về nhiệm vụ giám mục, chính vị tiến chức sẽ công khai hứa thi hành những nhiệm vụ mà vị chủ phong thẩm vấn: một là, trung thành rao giảng Phúc Âm của Ðức Kitô, loan báo Tin Mừng cho mọi người; hai là, giữ gìn kho tàng đức tin cho tinh tuyền; ba là, xây dựng Nhiệm Thể Ðức Kitô là Hội Thánh; bốn là, vâng phục Ðức Giáo Hoàng, Ðấng Kế Vị thánh Phêrô; năm là, cùng với các linh mục và phó tế chăm sóc dân Chúa; sáu là, tử tế với mọi người, nhất là những người nghèo khổ, di dân; bảy là, luôn cầu nguyện cho dân Chúa và chu toàn nhiệm vụ thượng tế.

Các nghi thức diễn nghĩa cũng nhằm nói lên những nhiệm vụ đó: xức dầu thánh trên đầu; trao sách Phúc Âm; trao nhẫn, mũ và gậy mục tử. Tuy nhiên, Giáo hội nhắc nhớ vị mục tử: "Giám mục là danh từ chỉ công tác, chứ không phải chỉ danh dự; giám mục phục vụ công ích hơn là cai trị, vì theo huấn lệnh của Thầy Chí Thánh: ai làm lớn phải trở nên như người nhỏ, và ai quyền cao chức trọng phải trở nên như tôi tớ".

Ðức Giám mục tân cử, khi suy nghĩ về sứ vụ sắp tới trên cánh đồng truyền giáo của Tổng giáo phận Thành phố này, một bối cảnh thật đa dạng và phức tạp, với rất nhiều thành phần, đã được đánh động bởi Lời Chúa trong thư gởi tín hữu Êphêsô (x. 4, 3-7.11-13): "Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Ðức Kitô ban cho ... Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Ðức Kitô". Ðức Giám mục tân cử cảm nhận mình được mời gọi cộng tác với Chúa Thánh Thần để xây dựng "Ðức Kitô Toàn Thể", gồm có Ðầu là Ðức Kitô và Thân Thể là Giáo hội; đó cũng là điều muốn diễn tả qua huy hiệu giám mục, với mô hình Thánh giá trên nóc ngôi nhà và biểu tượng Chúa Thánh Thần trong ngôi nhà đó.

Như thế, nhằm mục tiêu loan báo Tin Mừng, Ðức cha phụ tá ước mong cùng với mọi thành phần dân Chúa xây dựng Giáo Hội tại thành phố này theo ý hướng của Chúa Giêsu là hiệp thông trong tình yêu thương, cho đến khi tất cả đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin, để loan báo Tin Mừng: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13, 35). Ðức tin càng mạnh, sự nhận biết Chúa Kitô càng sâu sắc thì sự hiệp nhất càng đậm đà, keo sơn.

Ðức tin chủ yếu là sự tín thác vào Thiên Chúa. Một sinh viên công giáo đến gặp tôi nói rằng anh ta "mất đức tin". Khi đề nghị anh ta nói cụ thể mất đức tin như thế nào, anh ta trả lời là không còn tin có Thiên Chúa nữa, không thể tin Thiên Chúa làm người, sinh bởi Ðức Maria đồng trinh v.v. Tôi hỏi: "Anh có đi bác sĩ khám bệnh bao giờ chưa? Sau khi anh kể bệnh cho bác sĩ nghe, bác sĩ xem xét rồi kê toa thuốc cho anh uống. Anh uống thuốc và khỏi bệnh. Nhưng trước khi uống thuốc, anh có hỏi bác sĩ thuốc đó gồm những chất gì không ?" Anh sinh viên trả lời: "Cần gì phải hỏi, cứ tin vào bác sĩ mà uống!". Sau đó, tôi giải thích: "Tin vào bác sĩ chủ yếu là tín thác vào bác sĩ chứ không phải là hiểu về toa thuốc. Anh không hiểu những chân lý đức tin nên anh nghĩ rằng anh mất đức tin, nhưng chủ yếu là anh chưa tín thác vào Thiên Chúa, chưa nhận biết Ðức Kitô, Con Thiên Chúa".

Thật vậy, Thánh Phaolô, một người đã từng đi lùng bắt các tín hữu, đã viết trong thư gửi tín hữu Galata: "Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gl 2, 20). Ðức Giám mục tân cử cũng đã chia sẻ: "Tôi tin là Chúa đã yêu tôi, chấp nhận con người đầy giới hạn và lỗi lầm của tôi, đến nỗi đã chết vì tôi khi tôi còn là tội nhân. Tôi còn học biết Chúa Giêsu đã đối xử rất nhân từ, yêu thương, chấp nhận mọi người# Trong niềm tin vào Chúa Giêsu đầy lòng thương xót đối với tôi và với mọi người như thế, tôi có thể dễ dàng xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn Giáo Hội. Khi tôi nhận biết mình là tội nhân, khi tôi tin tưởng, chấp nhận và tha thứ cho người khác, tôi sẽ dễ dàng sống với người khác, cộng tác với người khác, và lúc đó tôi đang xây dựng sự hiệp nhất".

Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe giúp chúng ta ý thức rằng: chính Chúa Thánh Thần là nguyên lý bảo toàn sự hiệp nhất như lời Sách Khôn ngoan dạy: "Thần khí của Ðức Chúa ngập tràn cõi đất, bảo toàn mối hiệp nhất giữa muôn vật muôn loài" (Kn 1,7). Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Êphêsô, lưu ý: "Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau" (Ep 4, 1-3). Chúa Giêsu, trong bữa tiệc ly, trước khi từ giã cõi đời, đã tha thiết cầu nguyện: "Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta" (Ga 4, 11b). Thánh Gioan Maria Vianney là một mẫu gương sống động cho các mục tử về việc gắn bó với Chúa Thánh Thần trong cuộc sống và sứ vụ.

Trong cuộc sống và sứ vụ, Ðức tân Giám mục như muốn hòa mình vào dòng lịch sử của Tổng giáo phận này để sống và làm việc theo những định hướng của các Vị Cha Chung: định hướng loan báo Tin Mừng của Ðức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình: "Hãy Ði Rao Giảng"; định hướng của Ðức Hồng Y Gioan Baotixita rao giảng cụ thể bằng cuộc sống yêu thương "Như Thầy Yêu Thương", và với niềm xác tín của Ðức Tổng Phaolô đương nhiệm "Chúa Là Nguồn Vui Của Con". Chúng ta hiệp ý với Ðức cha phụ tá Giuse cùng cầu nguyện với Chúa Kitô cho sự hiệp nhất, "Hiệp Nhất Trong Ðức Tin", để từ nay Ðức cha phụ tá cùng với Ðức Tổng Phaolô, với các linh mục và phó tế, với các tu sĩ nam nữ và giáo dân xây dựng Giáo hội tại Thành phố này đạt tới "tầm vóc viên mãn của Ðức Kitô".

Lạy Nữ Vương các Thánh Tông đồ, xin cầu cho chúng con!

Lạy Thánh Cả Giuse, xin cầu cho chúng con!

Lạy Thánh Gioan Maria Vianney, xin cầu cho chúng con!

 

WHÐ

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page