Các Giám Mục và Giáo Hội Venezuela

trước hiện tình thê thảm của đất nước

 

Các Giám Mục và Giáo Hội Venezuela trước hiện tình thê thảm của đất nước.

Venezuela (SD 8-07-2016; Vat. 10-08-2016) - Trong các tuần vừa qua báo chí thế giới đã tường thuật cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế xã hội thê thảm tại Venezuela khiến cho người dân nước này đang phải sống trong tình trạng kiệt quệ vì thiếu thực phẩm, thuốc men và mọi sự cần thiết nhất cho cuộc sống thường ngày. Các đài truyền hình quốc tế cho thấy dân chúng trong thủ đô Caracas phải sắp hàng cả buổi trước các hàng quán để mong mua được một ít nhu yếu phẩm và thuốc men, mà cũng không có.

Chính trong tình trạng khủng hoảng này ngày mùng 7 tháng 7 năm 2016 Hội Ðồng Giám Mục Venezuela đã nhóm phiên khoáng đại thường niên lần thứ 106 trong thủ đô Caracas. Trong diễn văn khai mạc Ðức Cha Diego Padrón, Tổng Giám Mục Cumaná, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, đã duyệt xét hiện tình xã hội thê thảm của dân nước Venezuela, và mạnh mẽ khẳng định rằng một chính quyền không có đường lối chính trị nào mà chỉ hành động theo hứng, lại còn đàn áp người dân đói khát biểu tình phản đối vì thiếu thực phẩm thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống, là một chính quyền không có uy tín luân lý để đối thoại.

Mở đầu bài phát biểu Ðức Cha chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục cho biết trong ngày khai mạc đại hội này các chủ chăn nghĩ tới dân Chúa và nâng lên Thiên Chúa Cha của lòng thương xót lời cầu xin Ngài củng cố mọi người trong mọi khổ đau để có thể trao ban cho những ai đau khổ sự ủi an nhận được từ Thiên Chúa.

Ðức Cha đã chào Ðức Hồng Y Jorge Urosa Savino Tổng Giám Mục Caracas, các Giám Mục, linh mục viện trưởng đại học công giáo, các Bề trên tổng quyền các dòng tu nam nữ, chủ tịch và các thành viên Hội đồng giáo dân toàn quốc, cũng như của Hiệp hội giáo dục công giáo, và các đại diện thế giới truyền thông theo dõi đại hội.

Tiếp đến ngài đi thẳng vào việc phân tích tình hình của Giáo Hội và xã hội Venezuela. Trước hết là hiện tình Giáo Hội. So sánh với các vấn đề mà dân chúng đang phải sống, Giáo Hội như là cơ cấu, có được sức khỏe tinh thần tốt. Năm Thánh Lòng Thương Xót đang được sống với tinh thần giản dị phù hợp với sự hoán cải cá nhân, nhưng với việc tham dự sốt sắng vào các cử hành phụng vụ và tình liên đới giữa các giáo xứ, giáo phận, cộng đoàn, hiệp hội, phong trào, và giữa các thành phần khác nhau của Giáo Hội.

Ðức Cha chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Venzuela khẳng định rằng Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về gia đình "Niềm vui yêu thương" đã trợ giúp chúng ta trong nỗ lực này. Các linh mục tu sĩ và mọi tầng lớp giáo dân nhân viên mục vụ gia đình, các phong trào và đoàn thể cũng như các gia đình và mọi thành phần Giáo Hội phải đọc, tìm hiểu và đào sâu tông huấn này. Vì nó cống hiến cho chúng ta một cái nhìn tổng quát toàn vẹn về gia đình, kết quả các suy tư sâu rộng của toàn thể Giáo Hội trình bầy từ các khiá cạnh văn hóa và xã hội khác nhau, nhưng được hệ thống hoá trong hai Thượng Hội Ðồng Giám Mục về gia đình. Nó là một cái nhìn dựa trên lời Chúa và truyền thống ngàn đời của Giáo Hội, cũng như thực tại cụ thể của gia đình trong mọi lục địa. Chính Ðức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng tài liệu này đề cập tới nhiều đề tài khác nhau với giọng văn khác nhau, vì thế nó dài. Cần đọc nó từ từ, từng phần một và tìm thấy trong đó điều cần thiết cho mọi trạng huống cụ thể. Tông huần gồm 9 chương. Các gia đình được nhận diện trong hai chương 4 và 5, trong khi các nhân viên mục vụ gia đình có thể chú ý đến chương 6 và tất cả mọi người được gọi hỏi trong chương 8. Hy vọng việc đọc nó sẽ giúp chúng ta yêu thương gia đình hơn, vì gia đình không phải là một vấn đề, mà là một cơ may. Không có chương nào quan trọng hơn chương nào, nhưng tất cả làm thành một tổng thể có tổ chức và đa diện như thân thể con người.

Sự kiện Ðức Thánh Cha đặt để Tông huấn vào trong bối cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót rất ý nghĩa, vì nó như là một đề nghị đối với các gia đình kitô và nó khích lệ các gia đình đánh giá cao món quà hôn nhân và gia đình. Thứ đến nó khích lệ tất cả mọi nguời làm cho các gia đình trở thành các dấu chỉ lòng thương xót và sự gần gũi tại nơi mà cuộc sống gia đình không được thực hiện một cách hoàn toàn, hay không diễn ra với sự an bình và niềm vui.

Tuy tông huấn "Niềm Vui Yêu Thương" là một đề nghị của Tin Mừng cho gia đình, nhưng nó không hạn hẹp cho các tín hữu công giáo, mà rộng mở cho mọi người muốn tìm hiểu và khám phá ra sự thật và vẻ đẹp của cơ chế gia đình. Họ sẽ tìm thấy trong đó một câu trả lời sâu rộng và thực tiễn cho cuộc sống phức tạp của gia đình trong thế giới tân tiến ngày nay. Tông huấn không phải là một văn bản lý thuyết, nhưng gắn liền với các vấn đề thực tiễn của người dân.

Cùng với toàn thể Giáo Hội Ðức Thánh Cha khẳng định và tái khẳng định rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Sự kết hiệp giữa hai người đồng phái không thể được coi như ngang hàng với hôn nhân kitô.

Tông huấn khước từ ý thức hệ về giống như là suy tư khép kín cho rằng các khác biệt giữa người nam và người nữ không là điều tự nhiên, nhưng là kết quả của một thoả hiệp xã hội, do các xây dựng thuần tuý văn hóa theo các luật lệ mà mỗi xã hội trao ban cho các phái tính. Một trong những khẩu hiệu nền tảng của ý thức hệ này là người nam và người nữ không đuợc sinh ra nhưng được tạo ra. Hậu quả là đồng phái là cái gì bình thường không chỉ cần tôn trọng, nhưng còn phải bênh vực, che chở và dành ưu tiên cho nó. Thật đáng lo ngại là vài ý thức hệ kiểu này yêu sách đáp trả lại vài khát vọng nào đó, đôi khi có thể hiểu được, muốn áp đặt như là một suy tư duy nhất xác định việc giáo dục các trẻ em.

Tông huấn là một tài liệu mục vụ không thừa nhận các nỗ lực nhiều khi sai lầm hay không đầy đủ liên quan tới việc thành lập một gia đình ổn định và toàn vẹn đối với một người cha, một người mẹ và các con cái của nó. Chính vì thế chương 8 trình bầy định hướng rộng rãi và có lý do tựa đề "Ðồng hành, phân định và bổ túc sự giòn mỏng". Ðối với các tình trạng gia đình khó khăn các chủ chăn phải chia động từ đồng hành trong tất cả mọi hình thái của nó. Không có gì có thể bị kết án luôn mãi, vì nó không phải là cái luận lý của Tin Mừng. Ðiều này không chỉ liên quan tới những người đã ly dị tái hôn, nhưng bất cứ tình trạng nào chúng ta gặp. Ðây là cái luận lý mục vụ của lòng thương xót. Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải kéo dài việc chuẩn bị hôn nhân qua một loại khai tâm vào bí tích hôn nhân, và việc chuẩn bị tức thì không chỉ tâp trung vào các chuẩn bị cử hành xã hội mà thôi. Trong tình hình khủng hoảng tại Venzuela hiện nay cần cấp thiết và bó buộc giảm các chi phí trong việc đưa ra danh sách chi tiêu cho đám cưới. Có những gia đình bị đổ bể hay hủy hoại vì nó. Bổn phận mục vụ của chúng ta là trợ giúp các đôi vợ chồng tương lai coi trọng việc chuẩn bị nhân bản và tinh thần hơn việc cử hành xã hội.

Trong phần thứ hai của bài phát biểu Ðức Cha chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Venezuela duyệt xét cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay. Ðức Cha ghi nhận không cần phải dài dòng về thực tại cuộc sống vất vả mà người dân đang phải gánh chịu. Ngoài hệ thống vất vả đang cai trị dân nước các người cầm quyền hiện nay cho thấy họ không có khả năng tìm ra các giải pháp cấp thiết cho các vấn để của quốc gia.

Người ta nhận ra một cách rõ ràng là các lợi lộc của giới lãnh đạo không phải là các lợi lộc của đất nước, của người dân và các cơ cấu của nó. Ngoài việc đàn áp tàn bạo ra, tình trạng không thể cai trị nổi và việc thiếu các câu trả lời nghiêm chỉnh và ổn dịnh, thắng vượt việc tuỳ hứng và dự phòng, khiến cho mọi người có cảm tưởng cuộc khủng hoảng toàn cầu trở thành tệ hại hơn và kéo dài vô tận. Nhận thức này đồng thời làm nảy sinh ra sự bất an, tuyệt vọng, trầm cảm, giận dữ và bạo lực xã hội. Các thành phố Cumaná và Tucupita, cũng như nhiều thành phố khác, đã sống kinh nghiệm hậu quả của các đường lối chính trị và xã hội và của sự ươn lười của chính quyền. Ðức Cha chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Venezuela so sánh với tình trạng xảy ra hồi năm 1989 gọi là "Caracazo", trong đó dân chúng đã tấn công và cướp phá các hàng quán và phá huỷ các cơ cấu công cộng để phản đối chính quyền gia tăng giá vé của các phương tiện di chuyển công cộng.

Ðức Cha Diego Padrón nói thêm: Một chính quyền đã không thể đánh bại được "cuộc chiến kinh tế" và cung cấp thực phẩm và thuốc men cho dân, lại còn không cho phép các tổ chức tôn giáo và xã hội có thể nhận các trợ giúp nhân đạo để làm vơi nhẹ các khổ đau của dân chúng thì không có uy tín luân lý cần thiết để xin đối thoại và hoà bình. Một chính quyền trong 18 năm, với các tài nguyên khổng lồ mà đã không thể kiểm soát và khống chế được nạn tội phạm, cũng không thể bảo đảm hoà bình và thanh bình cho dân. Chỉ đàn áp không thôi thì không phải là con đường dẫn đưa chúng ta tới hoà bình.

Sự đối thoại mà chính quyền nói tới, phải bắt đầu bằng việc thừa nhận tình hình trầm trọng trong tất cả mọi lãnh vực cuộc sống quốc gia, và việc biểu lộ các dấu chỉ hữu hình của ý chí muốn thay đổi một cách tích cực tình hình hiện nay. Việc gia tăng quyền bính quân sự sẽ không đem lại giải pháp nào cho các vấn đề luân lý đạo đức và xã hội. Một cuộc đối thoại chính trị không có các mục đích chính xác, không có giai đoạn xác định và không có các kết quả dự kiến là một cuộc đối thoại vô ích.

Ước vọng quyền bính và ý muốn tại vị không biện minh cho bất cứ hành động chính trị nào. Người dân Venezuela chúng ta đang đứng trước một ngã ba luân lý, vì thế chúng ta không thể chấp nhận và cho phép cuộc sống con người nhường chỗ cho việc thần thánh hoá ý thức hệ chính trị. Khi đứng trước một tình hình như thế, cần phải chạy tới với quyền bính nguyên thuỷ nằm trong tay người dân. Hỏi ý kiến dân, chấp nhận quyết định của họ là một bổn phận luân lý không thể bị bất cứ quyền bính nào đè lên trên. Việc trưng cầu dân ý để thu hồi quyền của tổng thống Maduro đã bắt đầu ngày mùng 6 tháng 12 năm 2015. Các lo lắng của người dân Venezuela trong lúc này đây được chia sẻ bởi nhiều tổ chức quốc gia và quốc tế. Trong một thế giới toàn cầu chúng ta không thể tuyên bố mình xa lạ với các tổ chức ấy lấy cớ là bảo vệ quyền tối thượng và sự độc lập của mình. Nền dân chủ tại Venezuela đã bị bẻ gẫy: đây là một sự thật luân lý và người có bổn phận lắng nghe và đối thoại với tất cả mọi lãnh vực xã hội không làm điều đó. Cũng không thể đối thoại, nếu trước hết không thừa nhận sự hiện hữu và sự bình đẳng của người khác. Không biết tới điều đó và loại bỏ nó là khiến cho tình trạng trầm trọng thêm.

Các Giám Mục chúng tôi không phải là các chuyên viên cũng không phải là những người chống đối. Nhân danh nhiệm vụ Thiên Chúa trao phó chúng tôi là mục tử của tất cả mọi người, chúng tôi đưa ra lời kêu gọi để tránh cho cuộc sống của người dân Venezuela trở thành tồi tệ thêm và khỏi rơi vào vòng xoáy của bạo lực và chết chóc, khi chúng ta có các cơ cấu hoà bình và hợp hiến pháp cống hiến cho chúng ta lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Chúng tôi không phải là các tiên tri của tai ương. Chúng tôi là mục tử và ngôn sử của hy vọng.

Như là thành phần Giáo Hội trong năm Lòng Thương Xót này chúng tôi kêu gọi gặp gỡ, tha thứ và hoà giải. Chúng tôi cống hiến nhiệm vụ của chúng tôi như kênh đối thoại. Chúng tôi chấp nhận các trung gian quốc tế cho một cuộc đối thoại hoà bình giữa chính quyền và phe đối lập. Cần phải thừa nhận các sai lầm. Cần phải sửa chữa các thất bại. Cần cởi mở cho óc sáng tạo không phân biệt giai tầng xã hội nào.

Sau cùng các Giám Mục Venezuela yêu cầu chính quyền cho phép đưa thuốc men vào cho dân chúng đang cần gấp. Mạng lưới Caritas và sự cộng tác của các tổ chức tư có khả năng nhận và phân phát chúng từ các trợ giúp bên ngoài. Ðây là giải pháp tạm thời giúp xoa dịu khổ đau cho dân chúng. Các vị khẩn nài Thiên Chúa Cha từ bi, qua lời bầu cử của Ðức Maria Coromoto, để các suy tư này của Hội Ðồng Giám Mục diễn tả ước vọng của đa số dân Venezuela, hy vọng nơi một giải pháp mau chóng và vĩnh viễn cho cuộc khủng hoảng đang phải sống và tiến bước trên con đường hoà bình và dân chủ. (SD 8-7-2016)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page