Cha Giosuè Bonzi giúp
người khuyết tật Hongkong
tái hội nhập vào xã hội
Cha Giosuè Bonzi giúp người khuyết tật Hongkong tái hội nhập vào xã hội.
Hong Kong (Vat. 25-07-2016) - Ngày 7 tháng 5 năm 2016, cha Giosuè Bonzi đã kỷ niệm 50 năm Linh mục. 50 năm trong thiên chức Linh mục thật đáng mừng vì đó là 50 năm hồng ân Thiên Chúa dành cho người tôi tớ của Ngài. Nhưng đối với cha Bonzi thì còn đáng ghi nhớ, vì 50 năm trong đời Linh mục đã qua thì cha đã đi truyền giáo và sống ở Hồng kông đến 49 năm và đã giúp đỡ cho bao nhiêu người khuyết tật ở vùng đất này, đặc biệt là các người thiểu năng trí tuệ.
Cha Giosuè Bonzi sinh năm 1940 tại Italia. Năm 26 tuổi cha được lãnh nhận thiên chức Linh mục trong Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại thường gọi tắt là PIME. Cuộc đời truyền giáo của cha, cha xác tín, là một hành trình đầy những cuộc gặp gỡ kỳ diệu dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Theo cha, cuộc gặp gỡ kỳ diệu đầu tiên chính là gặp người Trung hoa. Cha nhớ lại ngày còn học ở chủng viện, các chủng sinh thường cầu xin Chúa Giê-su trợ giúp để mang Tin mừng đến cho "bọn vô thần". Thật ra lúc đó là trước Công đồng Vatican II, ý niệm truyền giáo khác với bây giờ. Thật may mắn là Công đồng đã giúp cho Giáo hội và việc truyền giáo phù hợp với thế giới.
Cách đây 49 năm, khi vừa đặt chân đến Hồng kông, lúc đó còn là thuộc địa của Anh quốc, cha Bonzi không biết mình sẽ làm gì để có thể đóng góp cho việc loan báo Tin mừng cho những người Trung hoa ở đây. Cha cảm thấy bị choáng ngợp bởi sự bất lực của mình; rồi những vấn đề sức khỏe thể lý với bịnh đau cột sống đã làm cho tình hình càng tệ hơn. Cha đã tìm nói chuyện với Bề trên Tổng quyền của Hội Truyền giáo và xin được trở về lại Italia hoặc đến một nơi khác phù hợp với cha hơn để có thể giúp cho việc truyền giáo nhiều hơn. Nhưng Bề trên đã trả lời cha: Tôi gửi cha đến nơi nào mà tôi muốn. bây giờ cha cứ ở lại đó. Chào cha!". Những lời của Bề trên bắt đầu cho một hành trình mới và thật dài của cha; và cha cũng không còn nghi ngờ đâu là nơi mình sẽ thi hành sứ vụ, nhưng đã ở lại đó và tìm những cách thế để truyền giáo.
Ðầu tiên cha nghĩ đến việc làm việc như một người thợ vì lúc đó ở Hồng kông ngành công nghiệp đang bùng phát, nhưng rồi cha bị thoát vị đĩa đệm và việc này đã ngăn cha trở thành một công nhân. Cha đã trải qua 20 cuộc phẫu thuật khác nhau và không còn khả năng thích hợp để làm các công việc tay chân nặng nhọc. Lúc này cha cũng sống những giây phút chán nản, nhưng vẫn cảm thấy là con đường của cha vẫn ở đâu đó. Chính trong lúc này, Thiên Chúa quan phòng đã giúp cha tìm được và ở gần một người anh em đầy cảm thông, đó là cha Enea Tapella. Chính cha Tapella đã khuyến khích cha Bonzi bắt đầu con đường đồng hành và chia sẻ với những người yếu đuối nhất của Hồng kông. Thật ra thì cha Tabella đã bắt đầu bước đầu tiên của việc hội nhập những người khuyết tật, những người khuyết tật thể lý cũng như thiểu năng trí tuệ của lãnh thổ này vào lại với xã hội. Cha Bonzi chia sẻ: sự kỳ thị của xã hội và sự giam cầm mà những người khuyết tật phải sống vào thời đó thật kinh khủng. Khó mà thấy có người khuyết tật nào ngoài đường, vì các phụ huynh thường che dấu những đứa con bị khuyết tật vì coi đó như là một điều đáng xấu hổ. Cùng với cha Tapella, cha Bonzi đã bắt đầu những việc nho nhỏ để hội nhập những người khuyết tật vào xã hội, bắt đầu từ các người trẻ.
Chẳng may một tai nạn xe hơi đã cướp đi mạng sống của cha Tabella khi chỉ 48 tuổi, người anh em đồng hành đồng chí hướng, rất quan trọng của cha Bonzi. Cái chết của cha Tabella đã làm cha Bonzi quyết tâm tiếp tục công việc người bạn đã khởi sự, đặc biệt là suy tư về chủ đề của việc loan báo Tin mừng và vai trò của các người bé nhỏ trong xã hội, những người yếu đuối và dễ tổn thương trong sứ vụ của Giáo hội. Những người đã có tác động nhiều đến cha Bonzi là Jean Vanier, người cũng đã giúp đỡ các người khuyết tật; cha Henry Nouwen người Hà lan, giáo sư nổi tiếng tại đại học Yale, Hoa kỳ và cũng nổi tiếng về các tác phẩm tu đức mà cha Bonzi đã đọc rất nhiều; và Mẹ Tê-rê-sa Calcutta mà cha đã gặp ở Hông kông khi đang là cha giải tội cho các nữ tu của dòng Thừa sai bác ái. Cuối cùng chính là tấm gương trường kỳ của các người khuyết tật. Cha nói: "Họ chính là nguồn mạch quý giá mà Ðấng quan phòng đã đem đến cho tôi, để hiểu biết sâu sắc hơn. Tôi nhìn thấy gương mặt của Chúa Ki-tô trong sự yếu đuối khuyết tật của họ".
Ðể giúp đỡ các người khuyết tật, cha Tapella và cha Bonzi đã nỗ lực thành lập Hội Phúc Hồng (Fu Hong) cách đây gần 40 năm. Công việc đầu tiên của Hội là giúp những người khuyết tật và gia đình của họ trong những khó khăn của cuộc sống hàng ngày. Cha cho biết, với thời gian Hội đã thành công trong việc tạo lập các nhà nuôi dưỡng, những cơ sở để trợ giúp những người thiểu năng trí tuệ và phát triển việc tái hội nhập các người khuyết tật vào xã hội. Ngày nay Hội có khoảng một ngàn người làm việc toàn thời gian, giúp đỡ khoảng 4,000 người, đa số là thiểu năng trí tuệ và những bệnh nhân cũ bị bịnh viện đẩy ra ngoài. Các nhà nuôi dưỡng là căn bản của Hội, mà một trong những nhà này là nơi cha đang sống với nhứng người thiểu năng trí tuệ; những nhà này có mục đích làm chiếc cầu nối giữa cơ sở y tế và thế giới. Hội đã mở các trung tâm và cơ sở trong toàn thế giới Trung hoa như Trung quốc, Ðài loan và Ma Cao.
Nhưng đối với cha Bonzi, điều quan trọng nhất và vì đó cha tạ ơn Chúa, đó là vinh dự đồng hành và được đồng hành bởi các bạn bè khuyết tật, những người đã dạy cha và giúp cha cảm thấy là Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta, mỗi ngày, nếu chúng ta nhận ra Người ở đó, nơi Người đã chọn để mình được tìm thấy trong những người bé nhỏ của vương quốc Người.
(Radio Vatican)