Tuổi trẻ Mỹ và Úc tham dự

Ðại Hội Giới Trẻ Krakow

 

Tuổi trẻ Mỹ và Úc tham dự Ðại Hội Giới Trẻ Krakow.

Krakow (VietCatholic News 17-07-2016) - Khoảng 30,000 khách hành hương Hoa Kỳ sẽ tham dự Ðại Hội Giới Trẻ Krakow cùng với khoảng 2 triệu rưỡi khách hành hương năm châu. Họ được khuyến cáo "chuẩn bị tâm hồn bằng cách cầu nguyện thường xuyên và ngoan ngoãn, xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn và mở tâm hồn đón nhận các hồng ân của Người".

Càng gần tới ngày Ðại Hội, tuổi trẻ Hoa Kỳ càng được cung cấp nhiều chỉ dẫn về phương diện hậu cần, thiêng liêng và cả kỹ thuật số nữa. Con số 30,000 người trẻ Hoa Kỳ tham dự Ðại Hội Giới Trẻ Thế giới ở bên ngoài Bắc Mỹ lần này được kể là con số cao nhất xưa nay.

Ðức Cha Frank J. Caggiano của giáo phận Bridgeport, tiểu bang Connecticut, liên lạc viên hàng giám mục của các giám mục Hoa Kỳ, trong cuộc họp báo ngày 7 tháng 7 năm 2016, cho biết bất chấp các lo ngại về an ninh tại Liên Hiệp Âu Châu hiện nay, "không có chứng cớ nào về một đe dọa có thể có".

Paul Jarzembowski, phối trí viên Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới toàn quốc, nói rằng văn phòng của ông đang làm việc với Tòa Ðại Sứ Ba Lan ở Washington D.C., cùng với các chính phủ Mỹ và Ba Lan, để bảo đảm sự an toàn cho khách hành hương Mỹ.

Tại cuộc họp báo, ông khuyến khích các tham dự viên Ðại Hội đọc trang mạng Ðại Hội của Bộ Ngoại Giao và ký tham gia Chương Trình Ghi Danh Làm Người Du Lịch Thông Minh, một chương trình cung cấp các cấp báo và cảnh giác du lịch cho người Mỹ ở ngoại quốc.

Nhóm Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới cũng khuyến khích khách hành hương hoàn tất việc đăng ký nếu họ chưa làm. Ngoài số 30,000 người đã đăng ký đầy đủ, khoảng 10,000 người nữa vẫn chưa hoàn tất việc đăng ký và chưa trả tiền.

Ðức Cha Caggiano nhắc nhở các tham dự viên thông báo cho ngân hàng của họ biết việc họ sẽ lên đường, mang theo đủ thuốc men, nghỉ ngơi đàng hoàng trước khi lên đường và đừng để mất nước tại Ba Lan.

Về phương diện thiêng liêng, ngài nói: người hành hương nên chuẩn bị tâm hồn bằng cách cầu nguyện thường xuyên và ngoan ngoãn, xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn và mở tâm hồn đón nhận các hồng ân của Người.

Ðức Cha nhận định rằng "không một ai bị đứng ngoài cuộc hành hương". Những người ở nhà vẫn có thể theo dõi trên các phương tiện truyền thông xã hội hoặc qua các áp dụng điện tử của Ðại Hội sẽ có nay mai.

Matt Palmer, chuyên viên truyền thông xã hội tại Phòng Công Vụ của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng công bố rằng một video 360 độ sẽ được dùng để ghi một số biến cố của Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Jarzembowski khuyến khích những người ở nhà dành giờ theo dõi các áp dụng điện tử hoặc tham dự các buổi tụ họp nhân Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức khắp nức Mỹ, kể cả Washington, Connecticut và Detroit.

Tuổi trẻ Úc

Tuổi trẻ Úc tham gia Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần này chỉ vào khoảng 1 phần 10 của tuổi trẻ Mỹ. Tuy nhiên, sự hăng say của họ không hẳn kém.

Dù chưa bình phục khỏi chứng bệnh lạ về miễn nhiễm thần kinh, Ðức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, O.P., giám mục đặc trách việc tổ chức Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 tại Sydney, một đại hội không lớn bằng đại hội năm 2005 tại Cologne, nhưng về phương diện tổ chức có phần chu đáo hơn, ít nhất cũng về phương diện kỹ thuật, cũng đang hiện diện tại Krakow để tham dự Ðại Hội 2016 tại đây.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây tại Krakow, Ðức Tổng Giám Mục Fisher cho hay: ngài tha thiết cầu nguyện cho các nhà tổ chức ở Ba Lan, vì ngài biết họ phải kinh qua những gì: giống như 5 phút cuối cùng phải soạn xong bữa ăn Tạ Ơn hoặc bữa ăn Giáng Sinh, cứ gọi là cuống cuồng cả lên. Làm sao để các địa điểm được sẵn sàng, các biến cố được tập dượt và nhiều chuyện khác phải diễn ra cách này cách khác: nuôi ăn gần 2 triệu rưỡi người, làm thế nào họ không bị chia trí khỏi mục đích thiêng liêng của cuộc hành hương là Ðại Hội Giới Trẻ Thế giới!

Ngài tin người Ba Lan sẽ thành công, vì họ là nước trước đây vốn tổ chức Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới đầu tiên ở bên ngoài Rôma. Họ cũng đã tham dự nhiều Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới đại qui mô ở nhiều nơi khác. Lần này, sự thành công của họ sẽ tuyệt vời vì Ðại Hội lần này được tổ chức tại thành phố của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Cha Ðẻ của Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới và đô thị vĩ đại của Lòng Thương Xót Chúa trong Năm Thánh Thương Xót.

Ðối với giới trẻ Sydney, chỉ khoảng một ngàn người sẽ tham gia Ðại Hội. Ðây là con số đáng kể vì Sydney ở mút tận cùng xa xôi so với Krakow. Ðức Tổng Giám Mục Fisher nghĩ rằng đây là dịp may hiếm có không những để họ gặp gỡ Chúa Kitô, qua đại diện của Người là Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, gặp gỡ giới trẻ thế giới, mà còn được làm thế trên quê hương của Ðức Gioan Phaolô II. Họ tới đây qua ngả Ðất Thánh và nhiều đền thánh dâng kính Ðức Mẹ cũng như qua ngả nhiều thành phố khác của Ba Lan.

Tuổi trẻ Úc, theo Ðức Tổng Giám Mục Fisher, trên đường du hành như thế, đã được cung cấp nhiều tín liệu và trải nghiệm để chuẩn bị cho họ, giống như cày bừa thửa đất tâm hồn họ để tiếp nhận hạt giống của Ðại Hội mong sao chúng bén rễ và sinh hoa kết trái trong những năm sau đó.

Ngài cho hay: "Chúng tôi cũng đặt kế hoạch cho những điều chúng tôi có thể làm với người trẻ khi họ trở về. Chúng tôi muốn đảm bảo sẽ thực sự có việc theo dõi tốt đẹp. Một số lớn người từ Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới trở về đã rực lửa đức tin, mong muốn được học hỏi hơn nữa và được nói lên đức tin của mình cách mới mẻ. Chúng tôi mong có khả năng nắm bắt họ khi họ trở về với sự hăng say đó và dành chỗ để họ bầy tỏ năng lực của họ".

Ðức Tổng Giám Mục Fisher cho rằng sau mỗi Ðại Hội Giới Trẻ Thế giới, ơn gọi làm linh mục và tu sĩ đều gia tăng tại Úc. Ngài không có con số thống kê chính xác, nhưng có tớỉ phần tư những người dự tu làm linh mục và tu sĩ nhắc tới Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới, coi nó như một chủ điểm trong hành trình ơn gọi của họ.

Về ơn gọi hôn nhân cũng thế. Ðức Tổng Giám Mục Fisher cho rằng ngài cũng không có con số thống kê chính xác, nhưng ngài quen nghe người ta nói rằng chính tại Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới, họ thường suy nghĩ chín chắn về việc Thiên Chúa đứng ở đâu trong kế hoạch của đời họ và họ thường cầu xin Người giúp họ biết rõ kế hoạch đời họ. Ðại Hội Giới Trẻ cũng thường là nơi họ gặp được một ai đó kết cục trở thành người phối ngẫu của họ hoặc ít nhất biện phân được cách rõ ràng họ được mời gọi vào cuộc sống hôn nhân.

Ngài tin trong lãnh vực ơn gọi, Úc, và nhất là Sydney, rõ ràng đã được hưởng lợi ích lớn lao do việc tổ chức Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney năm 2008. Một lợi ích rõ ràng khác là thừa tác vụ tuổi trẻ. Trước Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008, Sydney chỉ có khoảng 30 hay 40 nhóm tuổi trẻ trong cả ba giáo phận. Nhưng hiện nay, con số này lên tới 200 nhóm. Nhờ Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới, và dĩ nhiên Chúa Thánh Thần!

Ðại Hội loại này phát sinh thật nhiều năng lực và Ðức Tổng Giám Mục rất biết ơn khi được chuẩn bị và đăng cai nó. Ðối với nhiều người trong các nhóm trên, Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới cách nay 8 năm có thể không để lại hoài niệm gì, nhưng hiệu quả của nó thì rõ ràng còn đó, sau 8 năm!

Ðối với các thế hệ lớn tuổi hơn, Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới là khúc rẽ quan trọng khiến ta lưu ý tới các nhu cầu và ơn phúc của tuổi trẻ. Nó làm ta thay đổi cách suy nghĩ của ta về Giáo Hội và vai trò của Giáo Hội trong thế giới. Nó khiến ta ý thức rõ hơn rằng ta cần nối kết tốt hơn với tuổi trẻ và họ không phải chỉ là những người thụ động tiếp nhận những điều ta cung cấp cho họ, mà chính họ là các tác nhân của việc phúc âm hóa. Họ đem lại thật nhiều ơn phúc.

Theo Ðức Tổng Giám Mục Fisher, tất cả các điều trên, ta đều đã biết trong lý thuyết, nhưng Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới biến những điều ấy thành sờ mó được: ta nhìn rõ niềm vui, sinh lực, và lòng tốt của tuổi trẻ trên đường phố, trong phụng vụ, trong mọi sinh hoạt và cách những điều này cải đổi tâm hồn các giám mục, các linh mục và các tín hữu có tuổi, cứng lòng trở thành tươi mới trở lại như thế nào!

Nhân dịp này, Ðức Tổng Giám Mục Fisher cho biết cảm nghĩ của ngài đối với Giáo Hội tại Sydney và tại Úc. Theo ngài, Úc là một xứ rất thế tục, thế tục hơn cả Hoa Kỳ, nhưng có thể kém hơn Âu Châu. Ngài nói: "chúng tôi đang đương đầu với những câu hỏi lớn: có nên tiếp tục thế tục hóa và đẩy Thiên Chúa qua bên lề trong các cộng đồng và trong đời sống cá nhân của chúng tôi hay nên thực sự tái khám phá sự quan trọng của Thiên Chúa trong cả cuộc sống cá nhân lẫn trong các cộng đồng của chúng tôi?

"Tôi rất phấn khích được có dịp trình bầy Tin Mừng cho những người khao khát nó. Không hẳn họ có những trải nghiệm xấu về Giáo Hội hoặc họ bác bỏ Tin Mừng. Nhiều người chưa bao giờ được nghe nói về những điều này. Thành thử khi được nghe, những người này đã tiếp nhận chúng một cách nồng ấm và công khai, họ không tới với những chuyện tức giận đối với Giáo Hội hoặc những chuyện phân cực tả hữu mà một số người trong Giáo Hội thường có, hoặc những tiên kiến khiến họ bị chủng ngừa chống lại Giáo Hội".

"Phần lớn họ rất, rất cởi mở và hỏi những câu hỏi ngây thơ, gần như tiếu lâm về Kitô Giáo. Và nếu bạn trình bầy Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và truyền thống của các tông đồ cách khéo léo với sự hăng say và vui tươi, với chút hiểu biết trí thức thực sự, họ thường tỏ ra thích thú và sẵn sàng trở thành thành phần của chúng".

Còn về lo âu, Giáo Hội Úc chỉ lo mình lỡ cơ hội. Lúc này đây, chúng ta đang ở trong một vận hội mới: Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đang làm nhiều người xa cách Giáo Hội bỗng lắng nghe và nay lưu tâm. Ðức Tổng Giám Mục chỉ sợ các thế hệ tương lai sẽ trách cứ "sao qúy ngài lại để lỡ vận hội ấy đến thế!"

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page