Tìm hiểu Công Ðồng Toàn Chính Thống

dự thảo văn kiện về mối liên hệ

với các giáo hội Kitô Giáo

ngoài Chính Thống Giáo

 

Tìm hiểu Công Ðồng Toàn Chính Thống: dự thảo văn kiện về mối liên hệ với các giáo hội Kitô Giáo ngoài Chính Thống Giáo.

Hy Lạp (VietCatholic News 21-06-2016) - Một trong các mối lo ngại và cuối cùng thúc đẩy một số Giáo Hội Chính Thống rút lui khỏi Công Ðồng Toàn Chính Thống đang họp tại Crete, Hy Lạp là dự thảo văn kiện nói về các mối liên hệ giữa Giáo Hội Chính Thống với phần còn lại của Kitô Giáo. Chúng tôi nhấn mạnh các chữ phần còn lại, một kiểu nói được Hội Nghị chuẩn bị tổ chức tại Chambésy, Thụy Sĩ, cuối năm 2015, cố tình chọn lựa vì tuy nội dung văn kiện có nhắc tới các Giáo Hội Kitô Giáo khác, nhưng trong thâm tâm, Giáo Hội Chính Thống không thừa nhận bất cứ ai khác ngoài họ là Giáo Hội cả. Người Chính Thống bảo thủ sợ Công Ðồng sẽ bị lèo lái theo khuynh hướng của Thượng Phụ Barthôlômêô I muốn từ bỏ địa vị độc tôn làm Giáo Hội của mình.

Muốn hiểu sự kình chống ngấm ngầm và công khai trong Giáo Hội Chính Thống đối với vấn đề đại kết, không gì bằng đọc chính dự thảo văn kiện và chờ xem Công Ðồng Toàn Chính Thống, cuối cùng, sẽ đọc nó ra sao.

 

Công Ðồng Toàn Chính Thống: Các Liên Hệ của Giáo Hội Chính Thống với Phần Còn Lại của Thế Giới Kitô Giáo

Nguồn: Văn Phòng Truyền Thông DECR, ngày 28 tháng Giêng, 2016

Dự Thảo Văn Kiện của Công Ðồng Toàn Chính Thống, đã được Hội Nghị Tiền Công Ðồng tại Chambésy các ngày 10-17 tháng Mười năm 2015 chấp nhận.

Ðược công bố phù hợp với quyết định của Hội Nghị Toàn Thể (Synaxis) Các Giáo Chủ Các Giáo Hội Ðịa Phương, Chambésy, các ngày 21-28, Tháng Giêng năm 2016.

- Giáo Hội Chính Thống, vốn là Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện Công Giáo và Tông Truyền, trong ý thức Giáo Hội sâu xa của mình tin chắc chắn rằng mình chiếm vị thế trung tâm trong các vấn đề liên quan tới việc cổ vũ sự hợp nhất Kitô Giáo trong thế giới ngày nay.

- Giáo Hội Chính Thống Giáo đặt cơ sở cho sự hợp nhất của mình trên sự kiện mình được thiết lập bởi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng như trên việc hiệp thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi và trong các bí tích. Sự hợp nhất này được biểu lộ qua việc kế thừa tông đồ và truyền thống giáo phụ và cho đến nay vẫn được sống bên trong mình. Sứ mệnh và nghĩa vụ của Giáo Hội Chính Thống là chuyển giao và công bố sự thật, trong tính viên mãn của nó, chứa đựng trong Thánh Kinh và trong Thánh Truyền, một sự thật vốn đem lại cho Giáo Hội đặc điểm Công Giáo của nó.

- Trách nhiệm của Giáo Hội Chính Thống và sứ mệnh đại kết của nó liên quan tới sự hợp nhất đã được các Công Ðồng Chung phát biểu. Các Công Ðồng này đã đặc biệt nhấn mạnh đến dây nối kết bất khả phân giữa đức tin đích thực và hiệp thông bí tích.

- Giáo Hội Chính Thống, người không ngừng cầu nguyện "cho sự kết hợp mọi người", luôn cổ vũ việc đối thoại với các người phân ly khỏi mình, cả xa lẫn gần, bằng cách đóng vai trò lãnh đạo trong việc tìm các cách và phương thế để phục hồi sự hợp nhất mọi người tin vào Chúa Kitô, tham dự phong trào đại kết ngay từ lúc nó mới khởi đầu, và góp phần vào việc thành lập ra nó và phát triển nó. Thêm vào đó, vì tinh thần đại kết và tình yêu đối với nhân loại mà Giáo Hội rất trổi vượt, và để phù hợp với ủy nhiệm thư của Chúa "muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý" (1Tm 2:4), Giáo Hội Chính Thống luôn tranh đấu cho việc phục hồi sự hợp nhất Kitô Giáo. Do đó, việc tham dự của Chính Thống Giáo vào phong trào nhằm phục hồi sự hợp nhất Kitô Giáo không hề đi ngược lại bản chất và lịch sử của Giáo Hội Chính Thống. Nó là một biểu thức nhất quán của đức tin tông truyền và Thánh Truyền trong một bối cảnh lịch sử mới.

- Các cuộc đối thoại thần học song phương mà Giáo Hội Chính Thống đang tiến hành hiện nay, cũng như việc tham dự của mình vào phong trào phục hồi sự hợp nhất Kitô Giáo, được đặt cơ sở trên ý thức Chính Thống Giáo và trên tinh thần công đồng (ecumenicity), và nhằm tìm kiếm sự hợp nhất Kitô Giáo đã mất dựa trên đức tin và truyền thống Giáo Hội xưa của Bẩy Công Ðồng Chung.

- Sự hợp nhất nhờ đó Giáo Hội nổi bật trong chính bản chất hữu thể của mình là điều không thể phá vỡ được. Giáo Hội Chính Thống nhìn nhận sự hiện hữu trong lịch sử của các Giáo Hội và tuyên tín Kitô khác hiện không hiệp thông với mình, và đồng thời tin rằng các mối liên hệ của mình với họ nên dựa vào việc các Giáo Hội này mau chóng làm sáng tỏ một cách chính xác hơn tất cả các chủ đề Giáo Hội học, nhất là giáo huấn về các Bí Tích, ơn thánh, chức linh mục, và việc kế thừa tông đồ như một toàn thể. Do đó, vì các lý do thần học và mục vụ, Giáo Hội Chính Thống luôn sẵn lòng đối thoại với các Giáo Hội và tuyên tín Kitô đa dạng, và tham dự vào phong trào đại kết hiện nay nói chung, vì tin rằng nhờ thế mình có thể làm chứng tích cực cho tính viên mãn của sự thật về Chúa Kitô và các kho tàng thiêng liêng của mình trước mặt những người ở bên ngoài mình, và theo đuổi một mục đích khách quan: tiến bước trên con đường hợp nhất.

- Chính trong tinh thần ấy mà ngày nay các Giáo Hội Chính Thống Thánh Thiện Ðịa Phương đều đang tham dự tích cực các cuộc đối thoại thần học chính thức, và đa số các Giáo Hội này tham dự việc làm của các tổ chức liên Kitô Giáo quốc gia, vùng và quốc tế đa dạng, bất chấp cuộc khủng hoảng trầm trọng trong phong trào đại kết. Các hoạt động nhiều mặt như thế của Giáo Hội Chính Thống phát xuất từ ý thức trách nhiệm và từ xác tín rằng việc hiểu biết, hợp tác hỗ tương và các cố gắng chung nhắm tới việc hợp nhất Kitô Giáo có tầm quan trọng nền tảng, để đừng "gây trở ngại cho Tin Mừng của Chúa Kitô" (1Cr 9:12).

- Trong khi tiến hành cuộc đối thoại với các Kitô hữu khác, Giáo Hội Chính Thống không hề đánh giá thấp các khó khăn phát sinh từ đó, nhưng biết rõ các trở ngại đang hiện diện trên đường tiến tới một hiểu biết chung đối với truyền thống của Giáo Hội cổ xưa. Giáo Hội Chính Thống hy vọng rằng Chúa Thánh Thần, Ðấng "gắn bó toàn bộ định chế Giáo Hội lại với nhau" (Thánh Ca Kinh Chiều Lễ Hiện Xuống), sẽ hàn gắn mọi vết thương" (lời nguyện trong lúc truyền chức). Về phương diện này, Giáo Hội Chính Thống không những, trong mối liên hệ của mình với phần còn lại của thế giới Kitô Giáo, dựa vào các cố gắng nhân bản của những người tham dự cuộc đối thoại, mà trước nhất và trên hết, nhờ ơn thánh của Thiên Chúa, Ðấng vốn cầu nguyện rằng "cho mọi người nên một" (Ga 17:21), còn dựa vào sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần.

- Việc tham dự vào các cuộc đối thoại thần học song phương hiện thời được công bố trong các Hội Nghị Toàn Chính Thống là kết quả của một quyết định nhất trí của mọi Giáo Hội Chính Thống Thánh Thiện Ðịa Phương, những Giáo Hội, trong việc làm của mình, có bổn phận phải luôn tham dự tích cực và bền bỉ để không gây trở ngại cho việc nhất trí làm chứng Chính Thống cho vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong trường hợp một Giáo Hội Ðịa Phương nào đó quyết định không gửi đại diện tới một cuộc đối thoại hay phiên họp của nó, thì cuộc đối thoại vẫn tiếp tục, với điều kiện quyết định này không có tính Toàn Chính Thống. Trước cuộc đối thoại hay phiên họp của nó, một ủy Ban Chính Thống phải thảo luận việc vắng mặt của Giáo Hội Ðịa Phương, nhờ thế nói lên được tình liên đới và hợp nhất của Giáo Hội Chính Thống.

- Các vấn đề được nêu lên trong các cuộc thảo luận thần học trong các ủy ban thần học hỗn hợp không luôn luôn là các cơ sở đầy đủ để một Giáo Hội Chính Thống Ðịa Phương đơn phương cho gọi đại diện của mình về và rút lui khỏi cuộc đối thoại. Như một qui luật, điều cần là phải tránh việc một Giáo Hội rút lui khỏi cuộc đối thoại và trên bình diện liên Chính Thống, phải cố gắng hết sức để bảo đảm việc này: ủy ban thần học Chính Thống tham dự cuộc đối thoại có tư cách đại diện đầy đủ. Nếu một hay nhiều Giáo Hội Chính Thống từ khước tham gia các phiên họp của ủy ban thần học hỗn hợp trong một cuộc đối thoại nào đó vì các lý do nghiêm túc về Giáo Hội học, giáo luật, mục vụ và luân lý, thì Giáo Hội này, hay các Giáo Hội này, nên thông báo cho Thượng Phụ Ðại Kết và mọi Giáo Hội Chính Thống bằng văn bản về sự từ khước của mình, phù hợp với thực hành Toàn Chính Thống. Trong cuộc thảo luận Tòan Chính Thống sau đó, Thượng Phụ Ðại Kết sẽ tìm sự nhất trí của các Giáo Hội Chính Thống xem phải làm gì, trong đó có khả thể tái thẩm định tiến độ của cuộc đối thoại thần học đó, nếu toàn thể nhất trí điều này là cần thiết.

- Phương pháp luận trong việc tiến hành các cuộc đối thoại thần học là nhằm khắc phục các dị biệt thần học vốn có xưa nay hay nhằm phát hiện các bất đồng mới có thể có và tìm cơ sở chung cho đức tin Kitô Giáo. Các phương pháp này hàm nghĩa rằng toàn thể Giáo Hội tiếp tục được thông tri về sự tiến triển của cuộc đối thoại. Trong trường hợp không thể khắc phục một dị biệt thần học nào đó, thì cuộc đối thoại thần học vẫn có thể tiếp tục, trong khi ấy dị biệt vừa được khám phá phải được ghi chép và thông báo cho mọi Giáo Hội Chính Thống Ðịa Phương để có hành động cần thiết sau đó.

- Hiển nhiên, mục đích của mọi cuộc đối thoại thần học là phục hồi trọn vẹn sự hợp nhất trong đức tin và đức mến đích thực. Tuy nhiên, các dị biệt thần học và Giáo Hội học hiện có làm ta có thể phát hiện một phẩm trật các khó khăn nào đó đang án ngữ con đường tiến tới việc đạt được các mục tiêu vốn đặt ra trên bình diện Toàn Chính Thống. Tính chuyên biệt trong các vần đề của bât cứ cuộc đối thoại song phương nào cho thấy phải dị biệt hóa các phương pháp áp dụng, chứ không phải dị biệt hóa các mục tiêu, vì mọi cuộc đối thoại đều cùng theo đuổi một mục tiêu chung.

- Nếu cần, các cố gắng phải được đưa ra nhằm phối hợp việc làm của các ủy ban thần học liên Chính Thống, vì xét rằng sự hợp nhất hữu thể bất khả phân của Giáo Hội Chính Thống cần phải được phát hiện và phát biểu cả trong lãnh vực này.

- Bất cứ cuộc đối thoại đã được chính thức thông báo nào cũng kết thúc với việc hoàn tất công việc liên hệ của Ủy Ban Thần Học Hỗn Hợp khi vị chủ tịch của Ủy Ban Liên Chính Thống đệ nạp phúc trình lên Thượng Phụ Ðại Kết, người, với sự đồng thuận của các giáo chủ các Giáo Hội Chính Thống Ðịa Phương, sẽ tuyên bố kết thúc cuộc đối thoại. Không cuộc đối thoại nào được coi là hoàn tất cho tới lúc một quyết định về việc hoàn tất của nó được tuyên bố trên bình diện Toàn Chính Thống.

- Khi đã kết thúc mỹ mãn một cuộc đối thoại thần học, một quyết định, dựa trên sự nhất trí của mọi Giáo Hội Chính Thống Ðịa Phương, phải được đưa ra trên bình diện Toàn Chính Thống, liên quan tới việc phục hồi sự hiệp thông trong Giáo Hội.

- Một trong các cơ quan chính trong lịch sử phong trào đại kết là Hội Ðồng Các Giáo Hội Thế Giới (WCC). Một số Giáo Hội Chính Thống đã là thành viên sáng lập của Hội Ðồng, và sau đó, mọi Giáo Hội Chính Thống đã trở thành hội viên của nó. Là một cơ quan liên Kitô Giáo có cơ cấu, WCC, cùng với các tổ chức và cơ quan vùng liên Kitô Giáo khác, như Hội Ðồng Các Giáo Hội Âu Châu (CEC) và Hội Ðồng Các Giáo Hội Trung Ðông, đang thực hiện một sứ mệnh quan trọng nhằm cổ vũ sự hợp nhất của thế giới Kitô Giáo, dù họ không bao gồm mọi Giáo Hội và mọi tuyên tín Kitô Giáo. Các Giáo Hội Chính Thống Georgia và Bulgaria đã rút lại tư cách hội viên của WCC: Giáo Hội Georgia rút năm 1997, còn Giáo Hội Bulgaria thì rút năm 1998. Các Giáo Hội này có ý kiến riêng của họ đối với việc làm của WCC và, do đó, không tham dự các cuộc đối thoại được WCC và các tổ chức liên Kitô Giáo khác tiến hành.

- Các Giáo Hội Chính Thống Ðịa Phương hiện là thành viên của WCC đang tham dự đầy đủ và ngang hàng vào cơ cấu của WCC và bằng mọi phương thế hiện có, đang góp phần làm chứng cho sự thật và cổ vũ sự hợp nhất của các Kitô hữu. Giáo Hội Chính Thống chào mừng quyết định của WCC trong việc đáp lại lời yêu cầu của Giáo Hội liên quan tới việc thành lập Ủy Ban Ðặc Biệt về Việc Tham Dự WCC của Chính Thống Giáo; Ủy Ban này đã được thành lập để chu toàn sự ủy nhiệm của Hội Nghị Liên Chính Thống họp tại Thessaloniki năm 1998. Ủy Ban Ðặc Biệt đặt để các tiêu chuẩn do Chính Thống Giáo đề ra và được WCC chấp thuận; điều này dẫn tới việc thành lập Ủy Ban Thường Trực Nhất Trí Và Hợp Tác. Các tiêu chuẩn đã được chuẩn nhận và được lồng vào Hiến Pháp và Qui Ðịnh của WCC.

- Trung thành với Giáo Hội học của mình, với bản sắc của cơ cấu nội bộ của mình và với giáo huấn của Giáo Hội Bẩy Công Ðồng Chung ngày xưa, Giáo Hội Chính Thống, dù tham dự WCC về phương diện tổ chức, nhưng không chấp nhận ý niệm về "sự bình đẳng giữa các tuyên tín" (Equality of confessions) và không thể chấp nhận sự hợp nhất Giáo Hội như một thỏa hiệp liên tuyên tín. Trong tinh thần này, sự hợp nhất được WCC tìm kiếm không thể đơn giản chỉ là sản phẩm của một mình thỏa hiệp thần học; nó còn phải là hoa trái của một đức tin hợp nhất, được duy trì bằng bí tích và được sống trong Giáo Hội Chính Thống.

- Các Giáo Hội Chính Thống thành viên của WCC coi như điều kiện không có không được để họ tham gia WCC là điều khoản chủ yếu trong Hiến Pháp của mình; điều khoản này quả quyết: chỉ những Giáo Hội và tuyên tín nào nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Ðấng Cứu Rỗi, phù hợp với Thánh Kinh, và tin vào Thiên Chúa đã được hiển vinh trong Ba Ngôi, Cha, Con, và Thánh Thần, phù hợp với Kin Tin Kính Nixêa-Constantinốp, mới trở thành hội viên của WCC. Các Giáo Hội này xác tín rằng các giả định Giáo Hội học trong Tuyên Bố Toronto về Giáo Hội, Các Giáo Hội và Hội Ðồng Các Giáo Hội Thế Giới năm 1950 có tầm hết sức quan trọng để Chính Thống Giáo tham dự Hội Ðồng. Do đó, điều rõ ràng là WCC không phải và không thể nào là một "siêu Giáo Hội". "Mục đích của WCC không phải là thương thảo việc hợp nhất giữa các Giáo Hội, một điều chỉ có thể thực hiện được bởi chính các Giáo Hội hành động dựa vào sáng kiến riêng của họ, nhưng là đem các Giáo Hội tới việc tiếp xúc sống động với nhau và cổ vũ việc nghiên cứu và thảo luận các vấn đề về việc hợp nhất Giáo Hội" (Tuyên Bố Toronto - 2).

- Các viễn ảnh tiến hành các cuộc đối thoại thần học giữa Giáo Hội Chính Thống và các Giáo Hội và tuyên tín Kitô Giáo khác luôn phải được dẫn khởi từ các tiêu chuẩn giáo luật của Truyền Thống Giáo Hội lâu đời (điều 7 của Công Ðồng Chung Thứ Hai và điều 95 của Công Ðồng Chung Quinisext).

- Giáo Hội Chính Thống muốn hỗ trợ việc làm của Ủy Ban Ðức Tin và Trật Tự Giáo Hội và luôn chăm chú theo dõi sự đóng góp của nó cho tới tận nay về thần học. Xét chung, Giáo Hội có quan điểm thuận lợi đối với các tài liệu thần học được Ủy Ban chấp thuận với sự tham gia và đóng góp giá trị của các nhà thần học Chính Thống, liên quan tới việc tiếp nhận các tài liệu này như một bước quan trọng hướng tới việc xích lại gần nhau của các Kitô hữu. Tuy nhiên, Giáo Hội Chính Thống không tỏ bầy sự nhất trí trọn vẹn đối với lối giải thích các vấn đề nền tảng về đức tin và trật tự được các tài liệu này đưa ra.

- Giáo Hội Chính Thống tin rằng bất cứ mưu toan nào nhằm phá vỡ sự hợp nhất Giáo Hội, bất kể của các cá nhân hay của các nhóm dưới chiêu bài duy trì hay bảo vệ Sự Chính Thống đích thực, phải bị kết án. Như đã được chứng tỏ bằng trọn đời sống của Giáo Hội Chính Thống, việc duy trì đức tin Chính Thống chỉ có thể có nhờ cơ cấu công đồng mà từ thời xa xưa Giáo Hội vốn coi là tiêu chuẩn mạnh mẽ và cuối cùng trong các vấn đề đức tin.

- Chung cho Giáo Hội Chính Thống là ý thức về sự cần thiết phải tiến hành cuộc đối thoại thần học liên Kitô Giáo và do đó, tin rằng đối thoại phải luôn được kèm theo việc làm chứng cho thế giới bằng các hành vi hiểu biết và thương yêu nhau; các hành vi này phản ảnh niềm vui khôn tả của Tin Mừng (1Pr 1:8), loại bỏ bất cứ thực hành cải đạo (proselytism) nào hay bất cứ biểu hiện chống báng liên tuyên tín quá đáng nào. Cũng thế, Giáo Hội Chính Thống coi là quan trọng việc tất cả Kitô hữu chúng ta, được linh hứng bởi cùng những nguyên tắc nền tảng chung về đức tin, phải cố gắng hết sức để sẵn lòng nhất tề giải đáp các vấn đề khó khăn do thế giới ngày nay đặt ra cho chúng ta. Giải đáp này phải đặt cơ sở trên mẫu mực lý tưởng của con người mới trong Chúa Kitô.

- Giáo Hội Chính Thống biết rõ sự kiện này: phong trào phục hồi sự hợp nhất Kitô Giáo mang nhiều hình thức mới trong việc đáp ứng các hoàn cảnh mới và các thách đố mới. Ðiều cần là Giáo Hội Chính Thống tiếp tục làm chứng cho thế giới Kitô Giáo đang chia rẽ dựa trên Truyền Thống tông đồ và đức tin của mình.

Chúng ta cầu xin để mọi Kitô hữu cùng làm việc với nhau ngõ hầu đem lại gần hơn ngày trong đó, Chúa sẽ thể hiện đầy đủ niềm hy vọng của các Giáo Hội Chính Thống, và sẽ chỉ có một đoàn chiên, và một người chăn chiên (Ga 10:16).

Chambésy, 15 Tháng Mười năm 2015

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page