Ðức Giêsu dạy chúng ta
những thực hành lành mạnh
Ðức Giêsu dạy chúng ta những thực hành lành mạnh.
Vatican (Vat. 9-06-2016) - Phải là điều này hoặc không gì cả. Thái độ ấy không phải là tâm tình của người Công giáo mà là dị giáo. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến cáo như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, 09 tháng 06 năm 2016, tại nhà nguyện Thánh Marta. Bài giảng của ngài tập trung vào những việc thực hành tốt lành mà Ðức Giêsu đã dạy cho các môn đệ của mình. Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh đến hậu quả tai hại xảy ra với Dân Thiên Chúa khi những người trong Giáo hội nói một đường nhưng lại làm một nẻo. Từ đó, Ðức Thánh Cha cũng mời gọi hãy vượt thoát khỏi một thứ chủ nghĩa duy lý tưởng cứng nhắc, ngăn cản người ta hòa hợp với nhau.
'Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.' Ðức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu bài giảng của mình với những suy tư khởi đi từ bài Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, thuật lại lời mời gọi của Ðức Giêsu dành cho các môn đệ, qua đó, Ngài muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực hành Kitô giáo. Dân chúng có chút thất vọng, vì những người dạy dỗ lề luật lại không nhất quán trong chứng tá cuộc sống của họ. Vì thế, Ðức Giêsu mời gọi hãy vượt qua điều này, hãy bước đi xa hơn. Chẳng hạn, lấy điều răn thứ nhất làm ví dụ: Mến Chúa và yêu người thân cận. Luật xưa dạy: Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Ðức Giêsu lại mong muốn một điều xa hơn: bất cứ ai giận anh em mình, thì đã đáng bị đưa ra tòa.
Xúc phạm người anh em cũng giống như giơ tay ra tát vào linh hồn người ta
"Dường như chúng ta rất quen với những từ đánh giá người khác. Chúng ta có những thuật ngữ rất sáng tạo để xúc phạm hay làm nhục tha nhân. Ðây là một tội, cũng giống như giết người vậy. Bởi vì nó giống như một cái tát vào tâm hồn, vào phẩm giá của người anh em. Mỉa mai thay, nhiều khi chúng ta hay nói với người khác về lòng bác ái bằng những từ xấu xa.
Tác hại của việc nói một đường làm một nẻo
Ðức Giêsu mời gọi đám đông dân chúng đang mất phương hướng hãy nhìn lên trên và tiến về phía trước. Bao nhiêu những tác hại xấu đã xảy ra với Dân Thiên Chúa bởi những phản chứng của Kitô hữu.
Rất nhiều lần, chúng ta nghe thấy trong Giáo hội những điều này. Linh mục đó, ông bà thuộc tổ chức Công giáo đó, vị Giám mục đó, Ðức Giáo Hoàng đó nới với chúng ta: 'Anh chị em phải làm như thế này.' Nhưng chính các vị ấy lại làm điều trái ngược. Như thế, họ đã gây ra những tác hại làm thương tổn dân chúng và không để cho Dân Chúa lớn lên, triển nở. Dân không được tự do. Cũng vậy, trong bài Tin Mừng, dân chúng đã nhìn thấy sự chai cứng của các kinh sư và người Pha-ri-sêu. Mỗi khi có một ngôn sứ đến mang theo một làn gió mới và niềm vui cho dân chúng, họ liền bắt bớ và sát hại vị ngôn sứ ấy. Không có chỗ cho các ngôn sứ. Ðức Giêsu nói với các kinh sư và người Pha-ri-sêu: 'Các ông đã bách hại và giết chết các ngôn sứ, là những người mang đến một làn gió mới.'
Những thực hành tốt lành trong Giáo hội, đừng theo chủ nghĩa duy lý tưởng và sự cứng nhắc
Lòng quảng đại, sự thánh thiện mà Ðức Giêsu mời gọi chúng ta là phải bước ra ngoài và không ngừng tiến lên phía trước. Bước ra trong sự tiến lên. Ðây chính là sự giải thoát khỏi tình trạng cứng nhắc của lề luật cũng như của chủ nghĩa duy lý tưởng, là những thứ không mang lại cho chúng ta bình an và hạnh phúc. Ðức Giêsu biết chúng ta rất rõ. Ngài cũng biết rõ bản chất căn cốt của mỗi người chúng ta. Ngài cũng mời gọi chúng ta đạt tới một sự đồng thuận, một sự hòa hợp mỗi khi có những bất hòa xảy ra. Ðức Giêsu dạy chúng ta những cách thức thực hành lành mạnh. Cho dù chúng ta không thể làm mọi thứ cách hoàn hảo, nhưng hãy cố gắng làm những gì có thể và hãy hòa hợp với nhau.
Ðây là cách thức thực hành lành mạnh trong Giáo hội Công giáo. Giáo hội không dạy nhất quyết phải là điều này hay phải là điều kia. Thái độ đó không phải là của Giáo hội. Nhưng Giáo hội nói cách uyển chuyển hơn: điều này và điều kia. Hãy nên hoàn hảo. Hãy làm hòa với người anh em. Ðừng mắng mỏ người khác nhưng hãy yêu thương. Nếu có xung đột, ít nhất là hãy cố đạt tới một đồng thuận với nhau, chứ đừng gây chiến. Ðây là những thực hành lành mạnh. Thái độ khẳng định phải là điều này hay không là gì hết thì không phải tinh thần của Kitô giáo, nhưng là một thứ dị giáo nào đó. Ðức Giêsu luôn bước đi với chúng ta, đem đến cho ta lý tưởng và đồng hành với ta để đạt đến lý tưởng ấy. Ngài giải thoát chúng ta khỏi gông cùm cứng ngắc của những luật lệ và nói với ta: 'Con cứ làm tốt bao nhiêu sức con có thể. Vậy là được rồi.' Chúa rất hiểu chúng ta. Ngài là Cha của chúng ta và đã dạy dỗ chúng ta điều ấy.
Làm hòa với nhau, một chút thánh thiện trong thỏa hiệp
Chúa mời gọi chúng ta đừng giả hình, giả bộ; đừng đến ca ngợi Chúa với cùng một ngôn ngữ mà chúng ta dùng để xúc phạm người anh em. Hãy làm điều mà chúng ta có thể. Ðó là điều mà Ðức Giêsu mời gọi. Ðừng gây chiến tranh nhưng hay cố hòa hợp với nhau.
Tôi xin nói với anh chị em một từ có vẻ hơi lạ tai: Một chút thánh thiện trong thỏa hiệp. Tôi không thể làm tất cả mọi sự, nhưng tôi mong muốn làm tất cả. Tôi muốn hòa thuận với bạn. Hay ít là chúng ta không xúc phạm hay lăng nhục nhau. Chúng ta không gây chiến. Chúng ta cùng sống trong hòa bình. Ðức Giêsu thật vĩ đại! Ngài giải thoát chúng ta khỏi tất cả những khổ đau, giải thoát chúng ta khỏi chủ nghĩa duy lý tưởng, một thứ chủ nghĩa không có tính Công giáo. Xin Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta, trước hết, biết bước ra khỏi những cứng cỏi mà tiến lên phía trước để có thể thờ phượng và ngợi khen Chúa. Xin Thiên Chúa dạy chúng ta biết cách hòa giải với nhau và tiến tới một sự hòa thuận trong mức độ mà chúng ta có thể."
Vũ Ðức Anh Phương, SJ
(Radio Vatican)