Ðức Hồng Y Muller
Amoris Laetitia không hề cho phép
người ly dị tái hôn rước lễ
Ðức Hồng Y Muller: Amoris Laetitia không hề cho phép người ly dị tái hôn rước lễ.
Roma (VietCatholic News 10-05-2016) - Theo hãng tin Công Giáo Infocatholica.com của Tây Ban Nha, đầu tháng Năm năm 2016, nhân qua Tây Ban Nha cổ vũ cho cuốn sách mới xuất bản của ngài về lòng hy vọng, Ðức Hồng Y Gerhard Muller, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, đã quả quyết và tái xác nhận quan điểm truyền thống về hôn nhân và việc không thể có thay đổi gì đối với quan điểm này.
Ngài nói: "không thể sống trong ơn thánh của Thiên Chúa trong khi sống trong một hoàn cảnh tội lỗi". Những người hiện đang sống trong tội lỗi "không thể lãnh nhận Thánh Thể trừ khi họ đã lãnh nhận sự tha tội trong bí tích thống hối". Quan trọng hơn nữa, ngài nói thêm: "Giáo Hội không có quyền thay đổi Thiên Luật" và "Ngay vị giáo hoàng hay một công đồng cũng không thể thay đổi được nó". Ngài cũng cho rằng chính việc "đọc sai" tông huấn của Ðức Giáo Hoàng đã tạo ra tranh cãi đến thế.
Theo nhật báo Công Giáo Ðức Die Tagespost, Ðức Hồng Y Muller còn đưa ra nhiều tuyên bố khác liên quan tới những người ly dị tái hôn trong một bài nói chuyện tại chủng viện ở Oviedo, Tây Ban Nha. Theo đó, Ðức Hồng Y Muller cho rằng hiện có nhiều lối giải thích khác nhau về Tông Huấn Amoris Laetitia. Một trong các lối này dám cho rằng "cửa đã mở để những người tái hôn được lãnh nhận các bí tích theo từng trường hợp cá biệt một". Nhật báo này viết tiếp, "Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin có ý kiến khác". Vì trong bài nói chuyện này, ngài "dứt khoát" nói rằng "trong khi Amoris Laetitia nói về các hoàn cảnh nói chung, chứ không tập trung vào các hoàn cảnh cụ thể, như trong các trường hợp tái hôn dân sự sau cuộc hôn nhân bí tích đầu tiên, các lời tuyên bố trước đó của Huấn Quyền Giáo Hội vẫn còn giá trị đối với các hoàn cảnh cụ thể này". Tờ báo viết tiếp "và điều này vẫn còn áp dụng rõ ràng đối với việc lãnh nhận Phép Thánh Thể của các người ly dị tái hôn. Ðiều đã được giảng dậy bởi Ðức Gioan Phaolô II trong Familiaris Consortio và bởi Ðức XVI trong Sacramentum Caritatis vẫn còn giá trị, không hề thay đổi". Trong bối cảnh "có những nhận định khác cho rằng Amoris Laetitia đã hủy bỏ kỷ luật trước đây, vì, ít là trong một số trường hợp, nó cho phép các người ly dị tái hôn được rước lễ mà không đòi họ phải thay đổi lối sống phù hợp với Familiaris Consortio, số 84 - nghĩa là từ bỏ dây nối kết mới hay sống như anh trai em gái", tờ báo trích dẫn luận bác của Ðức Hồng Y Muller:
"Nếu Amoris Laetitia có ý định hủy bỏ kỷ luật có gốc rễ sâu xa và có cân lượng đến thế, thì chắc hẳn nó đã nói lên một cách rõ ràng và đưa ra các lý do biện hộ cho nó rồi. Tuy nhiên, một tuyên bố như thế với ý nghĩa như thế không hề có trong đó [Amoris Laetitia]. Không chỗ nào Ðức Giáo Hoàng đã đặt nghi vấn đối với các luận điểm của các vị tiền nhiệm của ngài. Các luận điểm này không đặt căn bản trên ý thức tội chủ quan của các anh chị em này của chúng ta, nhưng đúng hơn, trên lối sống hữu hình, khách quan đi ngược lại lời dậy dỗ của Chúa Kitô".
Ðàng khác, Ðức Hồng Y Muller còn thảo luận cả vấn đề há đã không có sự thay đổi nào đó trong ghi chú số 351 của tông huấn đó sao. Ghi chú này cho rằng "Giáo Hội có thể cung ứng sự trợ giúp bí tích cho những người đang sống trong một hoàn cảnh tội lỗi khách quan". Ngài trả lời câu hỏi này như sau: "Không vào sâu hơn câu hỏi này, chỉ xin nhấn mạnh điều này là đủ: ghi chú này nói đến các hoàn cảnh tội lỗi khách quan một cách chung chung, chứ không nói tới các trường hợp chuyên biệt của những người ly dị tái hôn dân sự. Vì hoàn cảnh sau có các đặc điểm khác biệt của nó làm nó khác với các hoàn cảnh khác". Ở đây, Ðức Hồng Y Muller nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội như sau: người ly dị tái hôn sống đối nghịch với Bí Tích Hôn Phối và do đó cũng đối nghịch với Kỷ Luật Bí Tích. Bởi thế, ghi chú 351 không "đụng tới kỷ luật trước đây. Các qui định trong Familiaris Consortio số 84 và Sacramentum Caritatis số 29 và việc áp dụng chúng vào mọi trường hợp vẫn tiếp tục còn giá trị".
Nhật báo Tagespost cũng trình bầy một tuyên bố mở rộng của Ðức Hồng Y Muller về những người ly dị tái hôn: "Nguyên tắc là không ai có thể thực sự muốn lãnh nhận một bí tích, bí tích Thánh Thể, mà không cùng một lúc có ý chí sống phù hợp với các bí tích khác, trong đó, có bí tích hôn phối. Bất cứ ai sống một cách mâu thuẫn với dây hôn phối đều đi ngược lại dấu hiệu hữu hình của bí tích Hôn Phối. Về phương diện hiện hữu của họ trong thân xác, họ đã tự biến mình thành một "dấu hiệu phản lại" tính bất khả tiêu dù về phương diện chủ quan, họ không có tội. Chính vì sự sống trong thân xác họ đi ngược lại dấu hiệu, nên họ không thể là dấu hiệu của Phép Thánh Thể, trong đó, Tình Yêu nhập thể của Chúa Kitô đã được biểu lộ ra, qua việc Rước Lễ. Nếu cho những người như thế rước lễ, Giáo Hội sẽ phạm điều được Thánh Tôma Aquinô gọi là "gian lận trong dấu hiệu bí tích thánh thiêng".
Nên nhớ rằng trong Familiaris Consortio số 84, Ðức Gioan Phaolô II dạy rằng "vì sự thật" các mục tử "buộc phải thi hành việc biện phân các hoàn cảnh một cách thận trọng". Dù các người ly dị tái hôn nên tham dự vào đời sống Giáo Hội bao nhiêu có thể, nhưng tông huấn quả quyết rằng "thói quen không cho phép người ly dị tái hôn rước lễ, trừ khi họ sống 'hoàn toàn tiết dục', vốn đặt căn bản trên Sách Thánh".
Còn trong Sacramentum Caritatis số 29, Ðức Bênêđíctô XVI viết rằng: nếu "các hoàn cảnh khách quan làm cho việc sống chung không thể nào chấm dứt được", Giáo Hội khuyến khích các cặp này "cam kết sống mối liên hệ của họ một cách trung thành đối với các đòi hỏi của lề luật Thiên Chúa, như bạn bè, như anh trai em gái". Theo cách này, "họ có thể trở lại với Bàn Tiệc Thánh Thể"...
Ðức Phanxicô tránh nói "thẳng thừng" tới việc rước lễ của người ly dị tái hôn
Tóm lại, luận điểm của Ðức Hồng Y Muller là: nếu không nói rõ và trình bầy lý do đầy đủ về việc rước lễ của người ly dị tái hôn, Amoris Laetitia không thay đổi gì trong thói quen không cho những người này rước lễ. Nhưng Ðức Tổng Giám Mục Bruno Forte, thư ký đặc biệt do chính Ðức Phanxicô liên tiếp đề cử trong hai thượng hội đồng vừa qua, có ý nghĩ khác. Theo LifeSiteNews ngày 9 tháng 5, trong cuộc ra mắt tông huấn Amoris Laetitia vừa qua, vị tổng giám mục này tiết lộ: tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Gia Ðình, Ðức Phanxicô nói với ngài rằng ngài không muốn "thẳng thừng" tới vấn đề cho phép người ly dị tái hôn rước lễ vì làm thế sẽ gây "rắc rối kinh khủng".
Theo Ðức Tổng Giám Mục Forte, Ðức Phanxicô nói với ngài: "Nếu ta nói một cách minh nhiên đến việc rước lễ của những người ly dị tái hôn, Ðức Cha không biết ta sẽ gây ra sự rắc rối kinh khủng nào đâu. Nên, ta đừng nói tơí nó một cách thẳng thừng, hãy nói đến nó một cách cho thấy các tiền đề có sẵn đó rồi, tôi chỉ cần rút ra các kết luận mà thôi".
Tiết lộ trên không đủ để cho thấy Ðức Phanxicô minh nhiên cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ. Cùng lắm chỉ có thể suy đoán là ngài không minh nhiên bác bỏ khả thể ấy và chắc chắn ngài khích lệ một thái độ cởi mở hơn đối với những người này, một thái độ có thể giúp họ đạt được sự viên mãn bí tích hoặc khích lệ diễn trình suy tư, cầu nguyện, "hoán cải ký ức" tập thể chào đón bất cứ khả thể nào Thiên Chúa, vốn là Tình Yêu, có thể ban cho trong tương lai.
Vũ Văn An