Lễ Nhận Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng
của Ðức Cha Giuse Châu Ngọc Tri
Lễ Nhận Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng của Ðức Cha Giuse Châu Ngọc Tri.
Lạng
Sơn (VietCatholic News 10-04-2016) - Lúc 9 giờ 30 sáng 9 tháng 4 năm
2016, đoàn đón rước Ðức Cha Giuse của Giáo phận Lạng Sơn
Cao Bằng từ Hà Nội về đến nhà Thờ Chính Tòa. Cộng
đoàn Giáo phận Lạng Sơn Cao bằng, Thân nhân, Ân nhân,
khoảng 300 Giáo dân Giáo phận Ðà Nẵng và Khách mời,
đứng hai bên đường làm hàng chào danh dự, từ cổng vào
đến nhà thờ, hân hoan chào đón Ðức Cha Giuse - Tân Giám
mục Giáo phận.
Lễ Nhận Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng của Ðức Cha Giuse Châu Ngọc Tri. |
Ðức Cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, Giám mục Ðà Nẵng - Nguyên Giám mục Lạng Sơn Cao Bằng và Linh mục đoàn Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng đã tặng vòng hoa, trao hôn bình an rất cảm động. Ði ngang đội kèn chào mừng, Ðức Tân Giám mục rất vui, dừng lại ít phút, tay nhẹ nhàng đánh nhịp, làm tăng thêm niềm vui chung và sự động viên cho đội kèn của Giáo phận. Con cái Giáo phận Ðà Nẵng mến thương Ngài, tuôn ra vây quanh người Cha yêu quí.
Tiếp đó, Ðức Cha Giuse và đoàn tháp tùng tiến đến Cửa Năm Thánh, Ngài quì cầu nguyện ít phút, trước khi Ngài tiến vào trước Cung Thánh cầu nguyện. Cầu nguyện xong, Ngài trở về Tòa Giám mục (bên cạnh nhà thờ Chính Tòa).
Ðúng 10 giờ, đoàn rước trọng thể từ Tòa Giám Mục đến nhà thờ Chính Tòa gồm: Thánh Giá đèn hầu, đội trống, đoàn khách Giáo phận Ðà Nẵng, đội kèn, Quý Tu sĩ, Sách Tin Mừng, 8 Vị Ðại diện các thành phần Dân Chúa của Giáo phận thần phục Ðức Tân Giám mục, hơn 50 Cha đồng tế, 25 Ðức Giám Mục của Hội Ðồng Giám mục Việt nam và Ðức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli - Ðại diện Ðức Thánh Cha tại Việt Nam. Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục - Tổng Giáo phận Hà Nội Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn Chủ sự Nghi Lễ nhận Giáo phận đi cuối đoàn rước.
Khi Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục vào đến cửa nhà thờ, Linh mục Chưởng nghi mời gọi cộng đoàn hiện diện hướng về cuối nhà thờ. Tại đây Ðức Hồng Y giới thiệu Ðức Cha Giuse cho Cha Niên trưởng Ban Tư vấn và cộng đoàn Giáo phận, Ngài đã được Ðức Thánh Cha Phan-xi-cô bổ nhiệm làm Tân Giám mục Giáo phận Lạng Sơn Cao bằng.
Cha Niên trưởng ôm hôn Ðức Cha Giuse và thân thưa: "Chúng con hết lòng cám ơn Ðức Hồng Y, trong tư cách là Tổng Giám mục Tổng Giáo phận nhà, đã giới thiệu Ðức Tân Giám mục Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng cho chúng con".
Tiến lên Cung thánh, sau khi làm dấu Thánh Giá và chào bình an, Ðức Hồng Y hỏi và mời Ðức Cha Giuse trình và đọc Tông Sắc bổ nhiệm. Ðức Cha Giuse đã trao Tông Sắc cho Cha Nguyên (đại diện Ngài) tiến đến thư đài, đọc Tông Sắc của Ðức Thánh Cha bổ nhiệm Ngài, một niềm vui mừng cao độ đến với cộng đoàn.
Tiếp đó, Ðức Cha Giuse quỳ trước Ðức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli - Ðại diện Ðức Thánh Cha, Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng và Ðức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh Ðại diện Hội Ðồng Giám mục Việt Nam, ngay trước Bàn thờ: Ngài Tuyên xưng Ðức Tin trong: Kinh Tin Kính, Chân lý trong Lời Chúa, những điều Giáo Hội dạy... và hứa trung thành với Giáo Hội, vâng phục Ðức Thánh Cha, thừa nhận tuân phục Ðại diện Giáo Hoàng, chăm lo giảng dạy, thánh hóa đoàn Dân Chúa, duy trì hiệp nhất, bảo vệ kho tàng Ðức Tin Giáo Hội mà các Tông Ðồ truyền lại... tỏ lòng phụ tử với đoàn Dân Chúa, hứa sống thánh thiện, chu toàn trách vụ, bảo vệ kỷ luật Giáo Hội, tuân giữ Giáo luật, cử hành các Bí Tích... Ngài tỏ tình đặc biệt đến Tu sĩ nam nữ, chuyên chăm cầu nguyện và chăm lo công trình truyền Giáo. Ngài đã xin nhờ ơn Chúa giúp khi đặt tay trên sách Thánh để tuyên hứa những điều đó, và Ngài đã ký các bản tuyên thệ và biên bản nhậm chức ngay trước mặt cộng đoàn tham dự.
Tiếp đó, Ðức Hồng Y trao gậy cho Ðức Giám Mục Giáo phận và mời Ngài ngồi vào Tòa của Giám mục Giáo phận. Từ đây, Ðức Cha Giuse Châu Ngọc Tri chính thức lãnh đạo Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng.
Sau đó đoàn Ðại diện Giáo phận 8 người: Cha Niên trưởng Giuse Trần Ðức Hạnh, Cha Phê-rô Vũ Văn Tạo, Cha Gioan Lê Quang Vinh (SDB), 3 Sơ (Ðaminh, Phao-lô, Mến Thánh Giá) và 2 Giáo dân (1 Thất Khê, 1 Chính Tòa), tiến đến trước mặt Ðức Cha. Cha Ðại diện có lời chào mừng và tỏ lòng vâng phục và tôn kính Ngài, Cha đã sơ lược hiện tình Giáo phận có 13 Giáo xứ, 22 Linh mục, 37 Nữ tu, 6,000 Giáo dân... Ðất rộng 17,815 Km2, đồi núi và nhiều khó khăn..., cám ơn Ðức Cha đã vâng phục Tòa Thánh để đến phục vụ Giáo phận và hứa vâng phục, hiệp nhất mọi thành phần Dân Chúa để làm Vinh Danh Thiên Chúa.
Sau các nghi lễ, Ðức Cha chính thức cai quản Giáo phận, Ngài Chủ sự Thánh Lễ, bắt đầu bằng Kinh Vinh Danh Thiên Chúa.
Trong bài giảng lễ: Ðức Cha Anphong Nguyễn Hữu long - Giám Mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa chia sẻ xoáy vào 3 vấn đề chính: Hiệp nhất, Cầu Nguyền và Truyền Giáo. Ngài nói: "Hiệp nhất là điều căn bản của mọi cơ cấu gia đình và xã hội, thiếu hiệp nhất, cơ cấu sẻ đổ vỡ... Hiệp nhất là trách nhiệm của Giám mục". Ðức Cha Anphong thuật lại lời của Ðức Thánh Cha trong khóa thường huấn các Giám mục tại Roma ngày 19 tháng 9 năm 2014: "...hiệp nhất, thắng vượt sự chia rẽ...". Ngài tiếp: Hiệp nhất với Chúa là chất keo gắn kết mọi người. Ngày 22 tháng 1 năm 2016 Ðức Thánh Cha nhắc nhở: "...Giám mục ở với Chúa trong cầu nguyện, cộng đoàn Giáo phận mạnh...". Ðức Cha Anphong mời gọi cộng đoàn sống hiệp nhất, cầu nguyện, chính Thiên Chúa là dây liên kết mọi thành phần Giáo phận và từ đó loan báo Tin Mừng cho anh chị em xung quanh.
Cuối Thánh lễ, Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng Ðại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam chúc mừng Ðức Cha Giuse được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm trong con đường mới mục vụ và truyền Giáo. Ngài hứa Hội Ðồng Giám Mục sẽ tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ để cộng đoàn Giáo phận Lạng Sơn Cao bằng trở thành cộng đoàn hiệp nhất, cầu nguyện và truyền Giáo.
Ðức
Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli - Ðại diện Ðức Thánh Cha cũng
chúc mừng, Ngài đem bình an và phúc lành của Ðức Thánh
Cha đến với Ðức Cha Giuse. Ðức Tổng Giám Mục mời gọi
mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận bước theo Vị Chủ chăn
với tất cả lòng tin yêu và quí mến. Ðức Tổng so sánh
một hình tượng rất vui và nhiều tràng pháo tay, khi Ngài
nói: "Chúa Giê-su bắt đầu Sứ vụ tại biển hồ Galilê,
sau đó Chúa đi lên núi gặp Ðức Chúa Cha qua việc cầu
nguyện để đi rao giảng Tin Mừng Nước trời. Ðức Cha Giuse
cũng vây, Bắt đầu Sứ vụ tại biển Ðà Nẵng, lên núi
Lạng Sơn, cầu nguyện gặp Chúa để rao giảng Tin Mừng yêu
thương." Ðức Tổng trích dẫn việc Chúa làm phép lạ 2
con cá và 5 chiếc bánh nuôi 5,000 người ăn, để khuyến
khích Ðức Tân Giám mục Giáo phận nuôi dưỡng Giáo dân
bằng Bánh Lời Chúa và Cá Bí Tích, con số người ăn Trong
phép lạ gần tương đương số Giáo dân Giáo phận Lạng Sơn
Cao Bằng hiện nay. Với kinh nghiệm quản trị và tài tổ chức
của Ðức Cha Giuse, Ðức Tổng Giám Mục hy vọng tương lai
Giáo phận sẽ phát triển và nhà thờ Chính Tòa phải làm
rộng lớn hơn, vì không còn đủ chổ cho Giáo dân tham dự
phụng vụ (do quá đông).
Lễ Nhận Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng của Ðức Cha Giuse Châu Ngọc Tri. |
Trước lúc kết lễ, Ðức Tân Giám mục nói lên tâm tình với cộng đoàn: Ngài cám ơn Ðức Thánh Cha; Ðức Leopoldo Girelli - Ðại diện Tòa Thánh; Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Hà Nội là Người cha nâng đỡ tinh thần và tiếp nhận Ngài; Cám ơn Ðức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế, Quý Ðức Cha; Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt và Ðức Cha Giuse Ðặng Ðức Ngân tiền nhiệm; Quý Cha, Quý Dòng; Cám ơn Chính Quyền đã tạo mọi điều kiện cho Lễ diễn ra tốt đẹp, Ngài hy vọng cùng Chính Quyền lo lắng cho đời sống tinh thần - Tôn Giáo và mọi mặt vì lợi ích chung của địa phương và Ðất Nước. Ðức Giám Mục Giuse đã chúc mừng các Thành viên Lãnh đạo Chính Phủ vừa mới được tín nhiệm và đắc cử; Cám ơn tất cả Ân nhân, Thân nhân (cách riêng Bà Cố, Ngài đã giới thiệu Bà Cố của Ngài cho cộng đoàn), Giáo dân Giáo phận Ðà Nẵng - sự hiện diện nói lên tình hiệp thông 2 Giáo phận, đội kèn và mọi người đã tận tâm tận lực cộng tác giúp đỡ để Lễ nhận Giáo vụ của Ngài diễn ra tốt đẹp.
Thật cảm động khi Ngài mời cộng đoàn Giáo phận đứng lên, cùng nói lời biết ơn Ðức Cha tiền nhiệm. Ngài muốn trở nên người của mọi người (người Kinh của người Kinh, người Tày của người Tày, người Nùng của người Nùng, người Dao của người Dao...) Ngài quyết tâm cùng với Quý Cha, Quý Tu sĩ và cộng đoàn Dân Chúa làm cho Giáo phận hiệp nhất, cầu nguyện, loan báo Tin Mừng và phát triển toàn diện.
Phép lành trọng thể đã kết thúc Thánh lễ nhận Giáo vụ của Ðức Cha Giuse - Giám mục Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng..
Sau Thánh lễ, Các Ðức Giám Mục và cộng đoàn chụp hình lưu niệm tại tiền đường nhà thờ và tiệc mừng tại Tòa giám mục thật là vui vẻ hạnh phúc.
Bài giảng của Ðức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long trong Thánh Lễ nhận sự vụ của Ðức Cha Châu Ngọc Tri, giáo phận Lạng Sơn:
(Bđ I : Dcr 8, 20-23 ; Bđ II : Ep 4, 11-16 ; TM : Ga 17,11b. 17-23)
Trong đêm Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầu xin cho các môn đệ điều cần thiết nhất: Hiệp Nhất. Bốn lần trong đoạn văn Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu xin cho các môn đệ được nên một: "UT SINT UNUM".
1. Hiệp nhất là điều kiện sống còn của mọi cơ cấu, thể chế. Cơ cấu nhỏ nhất như gia đình, giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em ruột với nhau ; có cấu lớn như Giáo Hội, giáo phận, giáo xứ, giữa người lãnh đạo và các tín hữu. Thiếu nó, mọi cơ cấu sẽ tan nát, đổ vỡ.
Chúa Giêsu biết rồi đây Giáo Hội của Ngài sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ làm tan rã. Thực thế, sau khi Chúa về trời, Giáo Hội đã lập tức đối diện với thách đố này, được ghi lại trong Công Vụ, ta liệt kê hai trường hợp: 1. Các tín hữu Do thái theo văn hóa Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hàng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ rơi, khiến các tông đồ phải cắt đặt các thầy phó tế (Cv 6,1-6) ; 2. Sự chia rẽ giữa tín hữu Do thái với tín hữu gốc dân ngoại trong việc cắt bì, giữ luật Môsê, khiến các tông đồ phải triệu tập công đồng Giêrusalem (Cv 15). Rồi theo giòng lịch sử, đã xảy ra nhiều lạc thuyết, nhiều cuộc ly khai khiến Giáo Hội bị phân chia thành các Giáo Hội như Chính Thống giáo, Anh giáo, Tin Lành... Thật là vết thương lớn trên thân thể của Chúa Giêsu là Giáo Hội.
Ý thức như thế, Giáo Hội luôn nỗ lực bảo vệ sự hiệp nhất. Trong mọi thánh lễ, Giáo Hội cầu nguyện: "Xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất như ý Chúa muốn".
2. Duy trì sự hiệp nhất là trách nhiệm của mọi kitô hữu, đặc biệt là của hàng giáo phẩm, của các vị lãnh đạo: đối với Giáo Hội toàn cầu là Ðức Thánh Cha; đối với Giáo Hội địa phương (giáo phận) là Ðức Giám Mục. Ðây là trách nhiệm hàng đầu và quan trọng của giám mục, người được giao phó hướng dẫn giáo phận, linh mục và đoàn chiên. Trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng một hình ảnh rất sinh động khi viết: "Giám mục phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo này trong Giáo Hội địa phương của mình, theo lý tưởng của các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, ở đó các tín hữu đều một lòng một trí với nhau (xem Cv 4:32). Ðể làm điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hi vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại đàng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới" (EG số 31).
Ngày 19 tháng 9 năm 2014, trong cuộc tiếp kiến 120 giám mục mới được bổ nhiệm về dự khóa bồi dưỡng ở Roma (tôi hân hạnh có mặt trong khóa này), Ðức Thánh Cha Phanxicô dùng một hình ảnh khác cũng rất đẹp để nói về giám mục như sau: "Các giám mục là những lính gác, có thể đánh thức Giáo Hội của mình, là những người có thể trồng tỉa chín vàng cho cánh đồng của Chúa, là những mục tử có thể phục hồi sự hiệp nhất, thả lưới và thắng vượt sự chia rẽ".
3. Muốn bảo vệ được sự hiệp nhất này, dựa vào Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, tôi xin liệt kê những điểm thiết yếu mà một giám mục phải có:
- Hiệp nhất với Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện như sau: "để tất cả nên một, như Cha ở trong con, và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta" (c.21); và "để họ được nên một như chúng ta là một" (c.22). Ba Ngôi luôn hiệp nhất với nhau. Hiệp nhất với Chúa sẽ dẫn đến hiệp nhất với nhau. Giám mục cần kết hiệp mật thiết với Chúa, để sẽ trở thành chất keo kết nối mọi người với nhau.
- Gắn bó với giáo phận: (nói cách khác là hiệp nhất với giáo phận). Trong bài nói chuyện với các giám mục ngày 19 tháng 9 năm 2014 trên đây, Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các giám mục phải thường xuyên có mặt trong giáo phận mình. Ngài nói: "Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình là phải nhắc nhở các mục tử Giáo Hội, về mối ràng buộc bất khả phân ly giữa sự hiện diện thường xuyên của giám mục với sự thăng tiến của đàn chiên. Mọi cải cách thực sự trong Giáo Hội của Chúa Kitô đều bắt đầu bằng sự hiện diện, và nó khởi đầu bằng sự hiện diện của Chúa Kitô, Ðấng không bao giờ vắng mặt nhưng luôn ở cùng chúng ta, và cũng cần đến sự hiện diện của mục tử, người cai quản đại diện Chúa Kitô. Ðây không phải chỉ là một lời khuyên đạo đức. Ngài trích giáo huấn của Công đồng Trentô: "Khi mục tử trốn tránh trách nhiệm của mình và người ta không dễ gặp được ngài, thì mục tử đó đang đẩy việc chăm lo mục vụ cho đàn chiên và ơn cứu độ của các linh hồn vào vòng nguy hiểm". Có gắn bó với giáo phận thì mới làm cho giáo phận hiệp nhất được.
- Cầu nguyện. Giám mục phải là người cầu nguyện cho đoàn chiên mà Chúa giao phó cho mình, theo gương Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho các môn đệ. Trong bài giảng lễ ngày 22 tháng 01 năm 2016 tại nguyện đường thánh Matta, Ðức Thánh Cha nói: "Nhiệm vụ đầu tiên của một giám mục là ở với Chúa Giêsu trong cầu nguyện. Công việc đầu tiên của một giám mục không phải là đề ra các kế hoạch mục vụ. Cầu nguyện chính là nhiệm vụ đầu tiên! Nếu giám mục nào đó không cầu nguyện hay cầu nguyện ít, thì Giáo Hội sẽ bị suy yếu và dân Chúa phải khốn khổ". Bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Êphêsô cho biết nhờ giám mục cầu nguyện mà "dân Chúa sẽ đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Ðức Kitô".
4. Thưa quí cha và anh chị em giáo phận Lạng Sơn thân mến,
Hôm nay, anh chị em vừa tiễn Ðức Cha Ðặng đức Ngân rời giáo phận để đi nhận nhiệm sở mới là Ðà Nẵng, vừa đón Ðức Cha Châu ngọc Tri, vị chủ chăn mới. Ước gì anh chị em sẽ thực hiện được lời kêu gọi của Ðức Cha Ngân trong thư gửi giáo phận ngày 13 tháng 3 năm 2016: "Ðặc biệt, cũng như gia đình Giáo phận đã yêu thương, cộng tác giúp đỡ tôi thế nào, thì hãy tin mến, yêu quý, hiệp nhất, đồng hành và cộng tác với Ðức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Tân Giám mục Giáo phận như vậy, để cùng Ngài phát triển Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn Cao Bằng".
Ðể được vậy, xin anh chị em cũng nỗ lực thực hiện 3 điều trên đây: - Hiệp nhất với Chúa; - Gắn bó với nhau, và - Cầu nguyện cho giám mục của anh chị em. Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng nói: "Giáo Hội không thể không có giám mục. Vì vậy, tất cả chúng ta phải cầu nguyện cho các giám mục của chúng ta. Ðó là nghĩa vụ của tình yêu, nghĩa vụ của con cái đối với Cha, là nghĩa vụ của anh em để giáo phận được hiệp nhất trong việc làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô sống lại và hiện đang sống".
Ý tưởng sau cùng này cũng là điều mà ngôn sứ Zacaria đã tiên báo trong bài đọc I, và tôi mong sẽ thành hiện thực tại giáo phận Lạng Sơn - vốn là giáo phận truyền giáo - dưới sự hướng dẫn của Ðức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, đó là sự hiệp nhất trong giáo phận sẽ đưa đến hiệu quả truyền giáo: "Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giuđa mà nói: "Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em". Ước gì được như vậy. Amen.
+ Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá Hưng Hóa
Toma Trương Văn Ân