Tin tức liên tôn đại kết

 

Tin tức liên tôn đại kết.

Roma (VietCatholic News 7-04-2016) - Các vấn đề liên tôn đại kết, từ Công Ðồng Vatican II, đã rất được lưu ý trong Giáo Hội Công Giáo. Ðặc biệt dưới thời Ðức Phanxicô, chúng đã nhận được rất nhiều thúc đẩy tích cực. Trong tuần này, có hai biến cố đáng lưu ý về hai phương diện này, đó là phiên họp thứ 23 của Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo-Do Thái Quốc tế (ILC) tại Warsaw từ ngày 4 tới ngày 7 tháng Tư năm 2016 và Ðại Biểu Quốc Tế Giám Lý (Methodist) tới yết kiến Ðức Phanxicô tại Rôma ngày 7 tháng Tư năm2 016.

Phiên họp lần thứ 23 của ILC, với chủ đề " 'Người khác' trong Truyền Thống Do Thái và Công Giáo: Người Tỵ Nạn trong Thế Giới Ngày Nay", được đặt dưới sự đồng chủ tọa của Ðức Hồng Y Kurt Koch, Chủ Tịch Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo với Người Do Thái của Tòa Thánh, và Ông Martin Budd, Chủ Tịch Ủy Ban Do Thái Quốc Tế Tham Khảo Liên Tôn, với sự tham dự của các đại diện Do Thái và Công Giáo năm châu. ILC được thành lập năm 1971 để đánh dấu việc thiết lập các mối liên hệ chính thức giữa Tòa Thánh và Cộng Ðồng Do Thái thế giới.

Ðại kết "người khác"

Theo bản tuyên bố chung kết thúc phiên họp, Ðức Hồng Y Koch nhấn mạnh rằng trong các năm qua, một trong các kết quả rất đáng hoan nghinh của ILC là việc khai triển các tình bằng hữu đích thực giữa các người tham dự và cảm thức hợp tác song đôi chân chính giữa các cộng đồng được họ đại diện. Ông Budd thì làm nổi bật tầm quan trọng có tính biểu tượng của phiên họp tại Warsaw này, nơi có bề dài lịch sử và vào dịp kỷ niệm 50 năm tuyên ngôn Nostra Aetate, đồng thời là thời điểm có nhiều thách thức luân lý cho những người có đức tin.

Về chủ đề của phiên họp, tuyên bố chung cho hay phiên họp đã bắt đầu với việc phân tích sâu rộng các truyền thống và nguồn Do Thái và Công Giáo đã coi "người khác" ra sao. Mỗi học giả đều thừa nhận sự căng thẳng biện chứng nội tại giữa thể đặc thù và thể phổ quát trong mỗi truyền thống, và nhấn mạnh tới tầm quan trọng và toàn vẹn tính luân lý của việc chấp nhận "người khác" như là thành tố chủ yếu của việc mỗi truyền thống tự hiểu biết chính mình. Các trình bầy và thảo luận sau đó đã làm nổi bật điều này: các Thánh Kinh liên hệ đã cung cấp cho ta một khuôn khổ để nói tới các vấn đề xã hội cấp bách như các cuộc khủng hoảng tỵ nạn hiện nay. Ðứng trước các mệnh lệnh tôn giáo của Kitô hữu và của người Do Thái Giáo, phiên họp đã lượng giá cuộc khủng hoảng tỵ nạn hiện đang làm ngột ngạt phần lớn Âu Châu, nhìn nhận sự căng thẳng giữa các nghĩa vụ yêu thương người lạ cũng như phẩm giá của việc họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và các lo lắng về an ninh và các lo sợ phải thay đổi.

Về phía hai cộng đồng, tuyên bố chung cho rằng tuy trong 50 năm qua, đã có sự cởi mở chưa từng có giữa hai cộng đồng tại nhiều nơi, kể cả trên bình diện quốc tế, nhưng trong mấy năm gần đây, đã xuất hiện nhiều vấn đề, tác động tới cả hai cộng đồng. Sau khi bàn tới việc phải khuyến khích nhau giúp đỡ người khác như thế nào, hai truyền thống đã phải lưu ý tới việc hiện chính mình đang rơi vào thế bị coi là "người khác". Chủ nghĩa bài Do Thái trong cả ngôn từ lẫn hành động đã tái xuất hiện ở Âu Châu và nhiều nơi khác, và việc bách hại các Kitô hữu, nổi bật nhất tại Trung Ðông và nhiều nơi ở Châu Phi, đã đạt tới những cấp độ chưa từng thấy xưa nay.

Các tham dự viên nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bài Do Thái là điều có thật và mang nhiều hình thức. Nó là một nguy cơ không những đối với người Do Thái mà cả đối với các lý tưởng dân chủ. Các chương trình giáo dục cải tiến và tái sinh là điều cần thiết để đấu tranh chống lại chủ nghĩa này.

Các tham dự viên nhận định rằng việc bách hại các Kitô hữu đã gia tăng hàng năm giữa các năm 2012 và 2015. Họ nhìn nhận nghĩa vụ phải đánh thức lương tâm thế giới liên quan tới vấn đề này và thừa nhận trách nhiệm tinh thần trở thành tiếng nói cho người không có tiếng nói.

Các tham dự viên đã đi thăm trại tử thần Treblinka để tưởng niệm các nạn nhân của Shoah (Diệt Chủng) cũng như cơ sở xã hội Công Giáo và Bảo Tàng Viện Lịch Sử Người Do Thái ở Ba Lan để đề cao vai trò trọng yếu của các cộng đồng Công Giáo và Do Thái trong đời sống Ba Lan hiện nay. Phiên họp cũng cử hành kinh nghiệm của người Ba Lan trong giai đoạn chuyển tiếp từ chủ nghĩa cộng sản qua tự do nghiên cứu và phát biểu tôn giáo trong xã hội mới.

Ðể duy trì tầm ý nghĩa của ILC kể từ ngày thành lập cách nay 45 năm, các đại diện đã tái khẳng định sự cam kết sẽ tiếp tục cuộc đối thoại cởi mở và xây dựng, coi nó như mẫu mực cho việc hiểu biết liên tôn và liên văn hóa trên thế giới, đặc biệt hơn cả là với các nhà lãnh đạo tôn giáo của cộng đồng Hồi Giáo. Họ cũng nhắc lại sự cam kết hợp tác để giải quyết các nhu cầu cấp thiết của các cộng đồng của họ ở bất cứ nơi nào, và chuyển đạt các thông điệp siêu việt của họ tới một thế giới đang rất cần các khẳng định chân chính và biết quan tâm do hai truyền thống tôn giáo của họ nói lên.

Dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa

Như trên đã nói, ngày 7 tháng Tư năm 2016, các thành viên của Hội Ðồng Giám Lý Thế Giới, Hội Ðồng Giám Lý Âu Châu và Giáo Hội Giám Lý Anh đã tới Rôma yết kiến Ðức Giáo Hoàng Phanxicô. Nhân dịp này, Ðức Giáo Hoàng đã ngỏ lời với Phái Ðoàn.

Khởi đầu, Ðức Phanxicô nhấn mạnh tới niềm tin chung rằng Chúa Giêsu là Chúa Tể và Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết. "Ðức tin lúc chịu Phép Rửa này đích thực biến chúng ta thành anh chị em với nhau".

Ngài hoan nghinh việc Giáo Hội Giám Lý mở Văn Phòng Ðại Kết tại Rôma, coi đây là dấu hiệu xích lại gần nhau hơn, cho thấy ước nguyện chung là vượt qua mọi trở ngại để hiệp thông trọn vẹn với nhau. "Xin Thiên Chúa chúc lành cho việc làm của văn phòng và biến nó thành một nơi người Công Giáo và người Giám Lý có thể gặp nhau và phát triển việc coi trọng đức tin của nhau, bất kể họ là các nhóm hành hương, các vị đang chuẩn bị thi hành thừa tác vụ, hay những người hướng dẫn các cộng đồng. Xin cho nó cũng trở thành một nơi sự tiến bộ từng đạt được nhờ cuộc đối thại thần học sẽ được biết đến, được cử hành và thăng tiến".

Ðức Phanxicô nói tiếp: gần 50 năm đã qua kể từ ngày ủy ban hỗn hợp Công Giáo Giám Lý được thành lập. Dù các dị biệt vẫn còn, chúng ta đã đối thoại với nhau dựa trên sự kính trọng và tình bằng hữu, những điều hiện đang phong phú hóa cả hai cộng đồng. "Văn kiện hiện đang được soạn thảo và nên được phát hành vào cuối năm nay, rõ ràng làm chứng cho điều ấy. Dựa trên việc (Giáo Hội) Giám Lý chấp nhận Tuyên Bố Chung về Học Lý Công Chính Hóa, nó có chủ đề 'Lời Kêu Gọi Nên Thánh'. Người Công Giáo và người Giám Lý có nhiều điều học hỏi lẫn nhau về việc phải hiểu và sống thực sự thánh thiện ra sao. Tất cả chúng ta đều phải làm những gì có thể làm để bảo đảm rằng các thành viên của cả hai cộng đồng gặp gỡ nhau thường xuyên, tiến tới chỗ biết nhau, và khích lệ nhau tìm kiếm Chúa và ơn thánh của Người. Khi ta đọc Sách Thánh, đọc một mình hay từng nhóm, nhưng luôn luôn đọc trong bầu khí cầu nguyện, ta đều mở lòng ta đón nhận tình yêu Chúa Cha, được ban bố nơi Con của Người và nơi Chúa Thánh Thần. Cho dù vẫn còn những dị biệt giữa các cộng đồng của chúng ta, những dị biệt này có thể và phải trở nên những thúc đẩy để suy tư và đối thoại".

Ðức Phanxicô cho hay: "John Wesley, trong Thư Gửi Một Người Công Giáo Rôma, viết rằng người Công Giáo và người Giám Lý được kêu gọi 'giúp nhau trong bất cứ điều gì# dẫn tới Nước Trời'. Mong sao tuyên bố chung mới đã nói ở trên sẽ khuyến khích người Giám Lý và người Công Giáo giúp nhau trong đời sống cầu nguyện và sùng kính. Trong cùng lá thư này,Wesley cũng đã viết, 'nếu chúng ta vẫn chưa có thể suy nghĩ giống nhau về mọi chuyện, thì ít nhất, chúng ta có thể yêu như nhau'. Quả thực chúng ta vẫn chưa suy nghĩ như nhau về mọi sự, và về các vấn đề liên quan tới các thừa tác vụ thụ phong và đạo đức học, nhiều việc vẫn còn phải làm. Tuy nhiên, không một khó khăn nào thuộc loại này tạo nên một trở ngại đến nỗi ngăn cản chúng ta yêu thương cùng một cách và cùng làm chứng chung cho thế giới. Ðời sống thánh thiện của chúng ta phải luôn bao gồm việc phục vụ thế giới cách yêu thương; người Công Giáo và người Giám Lý cùng có bổn phận làm việc trong các cách thế khác nhau ngõ hầu làm chứng cụ thể cho tình yêu của Chúa Kitô. Khi chúng ta phục vụ những người thiếu thốn, sự hiệp thông của chúng ta trở nên lớn mạnh".

Ngài kết luận: "trong thế giới ngày nay, một thế giới chịu nhiều sự ác, điều sinh tử hơn bao giờ hết là chúng ta, các Kitô hữu, được ánh sáng Phục Sinh linh hứng, chúng ta phải cùng làm chứng chung, trở nên dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu đã chiến thắng trong sự phục sinh của Chúa Giêsu. Xin cho tình yêu này, qua việc phục vụ khiêm tốn và can đảm của chúng ta, cũng sẽ vươn tới tâm hồn và cuộc sống của nhiều anh chị em chúng ta đang mong chờ nó dù không biết gì tới nó. 'Xin đội ơn Thiên Chúa, Ðấng đã ban cho chúng ta sự chiến thắng nhờ Chúa Giêu Kitô, Chúa chúng ta' (1Cr 15:57)".

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page