Tóm lược tông huấn Amoris Laetitia

 

Tóm lược tông huấn Amoris Laetitia.

Roma (VietCatholic News 8-04-2016) - Không phải là chuyện tình cờ khi Niềm Vui Yêu Thương (NVYT), tức tông huấn hậu thượng hội đồng về Tình Yêu Gia Ðình, đã được ký vào ngày 19 tháng Ba năm 2016, ngày lễ trọng kính Thánh Giuse. Tông huấn này tổng hợp các kết quả của hai Thượng Hội Ðồng về gia đình do Ðức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập trong các năm 2014 và 2015. Tông huấn rất hay trích dẫn các phúc trình sau cùng của hai thượng hội đồng này; các văn kiện và giáo huấn của các vị tiền nhiệm của ngài; và nhiều bài giáo lý của chính ngài về gia đình. Thêm vào đó, cũng như các văn kiện giáo huấn trước đây, Ðức Giáo Hoàng cũng sử dụng các đóng góp của nhiều hội đồng giám mục khắp thế giới (Kenya, Úc, Á Căn Ðình#) và trích dẫn nhiều nhân vật tiếng tăm như Martin Luther King và Erich Fromm. Ngài còn trích dẫn cả cuốn phim Babette's Feast để minh họa ý niệm cho không (gratuity).

Dẫn Nhập (1-7)

Tông Huấn đáng lưu ý về bề dầy và chi tiết của nó. 325 đoạn của nó được phân chia thành 9 chương. Bẩy đoạn dẫn nhập đã trình bầy một cách đơn giản tính phức tạp của một chủ đề hiện đang rất cần được học hỏi thấu đáo. Các can thiệp của các nghị phụ Thượng Hội Ðồng đã tạo nên một "viên ngọc nhiều mặt" (NVYT 4), một đa diện qúy báu, mà ta phải duy trì giá trị của nó. Nhưng Ðức Giáo Hoàng cảnh giác rằng "không phải mọi cuộc thảo luận về các vấn đề tín lý, luân lý hay mục vụ đều cần được giải quyết bằng các can thiệp của huấn quyền". Thực vậy, đối với một số câu hỏi, "mỗi quốc gia hay miền# có thể tìm các giải pháp tốt hơn thích đáng với văn hóa của họ và mẫn cảm với các truyền thống và nhu cầu địa phương của họ. Vì 'các nền văn hóa, thực ra, hết sức đa dạng và mọi nguyên tắc tổng quát# cần được hội nhập văn hóa, nếu chúng muốn được tôn trọng và áp dụng" (NVYT 3). Nguyên tắc hội nhập văn hóa này áp dụng vào việc phải phát biểu các vấn đề như thế nào và phải đề cập đến chúng ra sao và, ngoại trừ các vấn đề tín điều đã được huấn quyền Giáo Hội định tín rõ ràng, không một phương thức nào thuộc loại này có thể "được hoàn cầu hóa". Trong diễn văn kết thúc thượng hội đồng năm 2015, Ðức Giáo Hoàng nói rất rõ ràng rằng: "Ðiều xem ra bình thường đối với một giám mục ở một lục địa, có thể bị coi là bất thường và hầu như gây tai tiếng, hầu như!, đối với một giám mục ở một lục địa khác; điều được coi là vi phạm một quyền ở một xã hội lại là một qui luật hiển nhiên và bất khả vi phạm ở một xã hội khác; điều đối với một số người là tự do lương tâm thì đối với một số khác lại chỉ là hỗn độn đơn thuần".

Ðức Giáo Hoàng tuyên bố rõ ràng rằng trên hết, chúng ta cần phải tránh việc đặt kề nhau một cách vô dụng các đòi hỏi thay đổi và việc áp dụng tổng quát các qui luật trừu tượng. Ngài viết: "các cuộc tranh luận đang tiếp diễn trong truyền thông, trong một số ấn phẩm và cả giữa các thừa tác viên của Giáo Hội, diễn biến từ một ước muốn vô độ nhằm thay đổi toàn diện không cần suy nghĩ hay đặt cơ sở gì cả, tới một thái độ muốn giải quyết mọi sự bằng cách áp dụng các qui luật tổng quát hay rút ra các kết luận quá đáng từ những xem xét thần học đặc thù" (NVYT 2).

Chương Một: "Dưới ánh sáng Lời Chúa" (8-30)

Tiếp theo lời dẫn nhập nói trên, Ðức Giáo Hoàng bắt đầu các suy nghĩ của ngài về Sách Thánh ở chương thứ nhất, một chương được diễn biến như một bài suy niệm về Thánh Vịnh 128 (vốn được đọc trong phụng vụ hôn phối của Do Thái cũng như trong phụng vụ hôn phối của Kitô Giáo). Thánh Kinh "đầy các gia đình, sinh nở, truyện yêu thương và khủng hoảng gia đình" (NVYT 8). Ðiều này thúc đẩy ta suy niệm về việc gia đình không phải là một lý tưởng trừu tượng như thế nào nhưng đúng hơn như một "chuyên nghề" (trade) thực tiễn (NVYT 16), một chuyên nghề được thi hành với tình âu yếm (NVYT 28), nhưng vốn cũng bị tội lỗi đối chất ngay từ thuở ban đầu, khi mối liên hệ yêu thương bị biến thành khống chế (xem NVYT 19). Do đó, Lời Thiên Chúa "không phải là một loạt các ý niệm trừu tượng mà đúng hơn là nguồn an ủi và đồng hành đối với mọi gia đình đang trải nghiệm khó khăn hay đau khổ. Vì nó chỉ cho họ mục tiêu cuộc hành trình của họ..." (NVYT 22).

Chương Hai: "Các trải nghiệm và thách đố của các gia đình" (31-57)

Xây dựng trên nền Thánh Kinh, trong chương hai, Ðức Giáo Hoàng xem xét tình huống hiện nay của các gia đình. Dù "đặt cơ sở vững vàng trên tính thực tại" của các trải nghiệm gia đình (NVYT 6), Ðức Giáo Hoàng cũng đã rút tỉa khá nhiều từ các bản tường trình sau cùng của hai thượng hội đồng. Các gia đình hiện đang đối mặt với nhiều thách đố, từ việc di dân tới việc ý thức hệ bác bỏ các dị biệt giữa các giới tính ("ý thức hệ phái tính" NVYT 56); từ nền văn hóa tạm bợ tới não trạng chống sinh nở và tác động của kỹ thuật sinh học đối với lãnh vực sinh đẻ; từ việc thiếu nhà ở và việc làm tới văn hóa khiêu dâm và lạm dụng vị thành niên; từ việc không lưu ý tới những người khuyết tật tới việc thiếu kính trọng người cao niên; từ việc dùng luật pháp tháo bỏ gia đình tới việc dùng bạo lực chống lại phụ nữ. Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh tới tính cụ thể, vốn là ý niệm then chốt trong Tông Huấn. Chính tính cụ thể, tính hiện thực và đời sống hàng ngày đã tạo thành sự dị biệt thực chất giữa "các lý thuyết" có thể chấp nhận được để giải thích thực tại và "các ý thức hệ" võ đoán.

Trưng dẫn Familiaris consortio, Ðức Phanxicô quả quyết rằng "ta rất đúng khi tập chú vào các thực tại cụ thể, vì 'lời kêu gọi và các đòi hỏi của Thần Khí vang vọng trong các biến cố của lịch sử' và qua các biến cố này, 'Giáo Hội cũng được dẫn tới một cái hiểu sâu sắc hơn về mầu nhiệm khôn lường của hôn nhân và gia đình" (NVYT 31). Ngược lại, nếu ta không chịu lắng nghe thực tại, ta không thể hiểu được các nhu cầu của hiện tại hay các chuyển động của Thần Khí. Ðức Giáo Hoàng nhận định rằng chủ nghĩa duy cá nhân hung hăng khiến con người ngày nay khó có thể hiến thân một cách đại lượng cho người khác (xem NVYT 33). Ðây là một bức tranh đáng lưu ý về tình huống hiện nay: "sợ cô đơn và ước muốn ổn định và trung thành hiện hữu song song với nỗi sợ mỗi ngày một lớn bị lừa vào một mối liên hệ rất có thể ngăn cản mình đạt được các mục tiêu bản thân" (NVYT 34).

Lòng khiêm tốn của tính hiện thực giúp ta tránh được việc trình bầy "một lý tưởng thần học quá trừu tượng và hầu như giả tạo về hôn nhân, quá xa vời so với các tình huống cụ thể và các khả thể thực tiễn của các gia đình chân thực" (NVYT 36). Chủ nghĩa duy lý tưởng không cho phép hôn nhân đươc hiểu đúng theo bản chất của nó, tức "ngả đường năng động để phát triển và hoàn thành bản thân". Quả không hiện thực chút nào khi nghĩ rằng các gia đình có thể tự nâng đỡ chính mình "chỉ bằng việc nhấn mạnh tới các vấn đề tín lý, đạo đức sinh học và luân lý mà thôi, mà không khuyến khích người ta cởi mở đối với ơn thánh" (NVYT 37). Cho rằng một số phương thức "tự phê phán" không đủ đối với kinh nghiệm hôn nhân và gia đình, Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh cần phải dành chỗ cho việc đào tạo lương tâm tín hữu: "chúng ta được kêu gọi đào luyện các lương tâm, chứ không thay thế chúng" (NVYT 37). Chúa Giêsu đề ra một lý tưởng đầy đòi hỏi nhưng "không bao giờ lại không tỏ lòng cảm thương và gần gũi đối với tính yếu đuối của các cá nhân như người đàn bà Samaria hay người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình" (NVYT 38).

Chương Ba: "Nhìn lên Chúa Giêsu: ơn gọi của gia đình" (58-88)

Chương thứ ba dành cho việc bàn tới một số yếu tố chủ yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Chương này quan trọng vì 30 đoạn của nó mô tả xúc tích ơn gọi của gia đình theo Tin Mừng và như Giáo Hội đã quả quyết xưa nay. Trước hết, nó nhấn mạnh tới các chủ đề bất khả tiêu, bản chất bí tích của hôn nhân, việc truyền sinh và giáo dục con cái. Gaudium et Spes của Vatican II, Humanae Vitae của Ðức Phaolô VI, và Familiaris Consortio của Ðức Gioan Phaolô II đã được trưng dẫn rất nhiều.

Chương này cung cấp một cái nhìn bao quát và đụng tới cả các "tình huống bất toàn" nữa. Thực thế, chúng ta có thể đọc thấy " 'việc biện phân sự hiện diện của các hạt giống Lời Chúa' trong các nền văn hóa khác (xem Ad Gentes 11) cũng có thể áp dụng vào thực tại hôn nhân và gia đình. Song song với hôn nhân tự nhiên đích thực, các yếu tố tích cực quả có hiện hữu trong các hình thức hôn nhân tìm thấy nơi các truyền thống tôn giáo khác', dù có lúc khá mù mờ" (NVYT 77). Suy tư này cũng bao gồm "các gia đình bị thương tổn"; về các gia đình này, Ðức Giáo Hoàng đã trích dẫn Bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Ðồng năm 2015 để nói rằng "luôn cần phải nhớ nguyên tắc tổng quát này" 'các mục tử phải biết rằng, vì chân lý, các ngài buộc phải thi hành việc biện phân các hoàn cảnh một cách thận trọng' (Familiaris Consortio, 84). Mức độ trách nhiệm không như nhau trong mọi trường hợp và có thể có các nhân tố khiến khả năng đưa ra quyết định bị hạn chế. Do đó, dù quả quyết giáo huấn của Giáo Hội cách rõ ràng, các mục tử phải tránh các phán đoán không đếm xỉa gì tới tính phức tạp của các hoàn cảnh đa dạng, và các ngài phải lưu ý, nhất thiết phải lưu ý tới việc người ta trải nghiệm ra sao và chịu đựng thế nào các buồn phiền do hoàn cảnh của họ gây ra" (NVYT 79).

(Còn tiếp)

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page