Các phản ứng nhân dịp

sắp công bố Tông Huấn

Hậu Thượng Hội Ðồng Gia Ðình

''Amoris Laetitia''

 

Các phản ứng nhân dịp sắp công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Gia Ðình ''Amoris Laetitia''.

Roma (VietCatholic News 31-03-2016) - Ðiều đáng lưu ý gần đây là: người nôn nóng nhất mong Tông Huấn hậu thượng hội đồng về gia đình được công bố là Ðức Hồng Y Walter Kasper. Thực vậy, theo ký giả Edward Pentin, ngày 16 tháng Ba năm 2016, vị Hồng Y này cho biết: tông huấn này sẽ được công bố vào thứ Bẩy 19 tháng Ba năm 2016, nhằm Lễ Thánh Cả Giuse, quan thầy các gia đình.

Khi loan tin đó, vị Hồng Y trên còn tiên đoán cả "bước thứ nhất" trong cuộc canh tân Giáo Hội mà phải mất gần hai nghìn năm, ta mới đạt được!

Cụ thể hơn, ngài cho biết: Ðức Thánh Cha sẽ "dứt khoát cho biết quan điểm của ngài về các vấn đề gia đình đã được bàn thảo ở Thượng Hội Ðồng về Gia Ðình, và đặc biệt về sự tham dự của các tín hữu ly dị và tái hôn vào đời sống tích cực của cộng đồng Công Giáo".

Mạnh mẽ hơn, ngài còn nhấn mạnh rằng "chúng ta không nên nhắc lại những công thức quá khứ và tự án ngữ mình phía sau bức tường của chủ nghĩa chuyên nhất và chủ nghĩa giáo sĩ trị". Trái lại, Giáo Hội phải sống trong thời hiện tại và "biết giải thích nó".

Cũng nên biết: trong bài thuyết giảng năm 2014 nhằm khai diễn cuộc thảo luận về Thượng Hội Ðồng Gia Ðình, vị Hồng Y trên đã dẫn khởi khả thể cho phép người ly dị tái hôn rước lễ sau "một thời gian đền tội". Từ đó trở đi, ngài thường xuyên lên tiếng bênh vực quan điểm này, ngầm cho thấy Ðức Phanxicô sẽ thay đổi thực hành mục vụ của Giáo Hội có lợi cho đề xuất của ngài.

Tuy nhiên, rất nhiều thần học gia, giáo luật gia và học giả khác mạnh mẽ chống lại đề xuất trên, vì nó rõ ràng đi ngược lại giáo huấn hôn nhân bất khả tiêu của Giáo Hội. Ðức Phanxicô thì chưa chính thức cho biết quan điểm của ngài về đề xuất ấy, nhưng hằng kêu gọi phải tích nhập (integration) các đối tượng trên nhiều hơn vào đời sống Giáo Hội. Chữ tích nhập này cũng đã được đưa vào Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Ðồng năm 2015, một tài liệu đã chính thức duy trì giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, trong khi làm nổi bật vai trò của "tòa trong", cho phép sự biện phân lương tâm dưới sự hướng dẫn của một linh mục. Tài Liệu này không nói gì tới việc rước lễ của các đối tượng trên.

Trong tuần trước lễ Phục Sinh, các nguồn tin đáng tin cậy của Tòa Thánh cho tờ National Catholic Register hay Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng sẽ lấy nhiều đoạn của Tài Liệu Sau Cùng nói trên.

Dù Ðức Hồng Y Kasper cho biết cả số trang của Tông Huấn, ngầm cho thấy ngài đã đọc nó, nhưng những điều ngài cho biết không hẳn phản ảnh thực tại, cụ thể là ngày phát hành tài liệu này. Thực vậy, một ngày sau, tức ngày 17 tháng Ba, phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, cho hay: Tông Huấn được Ðức Phanxicô ký ngày 19 tháng Ba, nhưng sẽ được công bố sau Phục Sinh, có thể vào giữa tháng Tư.

Còn về nội dung của Tông Huấn, Ðức Tổng Giám Mục George Ganswein, đứng đầu Phủ Giáo Hoàng, cho hay: Ðức Phanxicô sẽ trung thành với giáo huấn của Giáo Hội về ly dị tái hôn. Ngài cho biết như thế sau khi có những đồ đoán của Ðức Hồng Y Kasper.

Ðề cập tới việc canh tân Giáo Hội nói chung, Ðức Tổng Giám Mục Ganswein nhấn mạnh rằng "Giáo Hội Công Giáo là một con tầu lớn" cần được điều khiển "thận trọng, khôn ngoan và sâu sắc". Nó không phải là một "con thuyền mái chèo mà bạn có thể nhẩy vào một buổi sáng nào đó rồi thay đổi mọi sự được. Cần có thời gian".

Vả lại, theo Ðức Tổng Giám Mục, Ðức Phanxicô "có một đường đi rõ ràng, con đường này không ẩn khuất, nhưng ngài đã trình bầy nó, ngài đã đi theo nó".

Người ta hy vọng các phát biểu trên, từ một nhân vật gần gũi Ðức Phanxicô hơn Ðức Hồng Y Kasper sẽ phản ảnh thực tại nhiều hơn. Tuy nhiên, việc đề cử Ðức Hồng Y Christoph Schonborn làm người giới thiệu Tông Huấn cho thế giới, vào ngày 8 tháng Tư năm 2016, như loan báo mới đây của Tòa Thánh, khiến người tha thiết với giáo huấn của Giáo Hội quan ngại.

Ký giả John L. Allen, khi loan tin này, cho hay việc đề cử trên là một động thái có thể hàm nghĩa: Ðức Phanxicô đứng về phía cấp tiến đối với một số vấn đề gây tranh cãi liên quan tới gia đình.

Trong hai thượng hội đồng về gia đình vừa qua, Ðức Hồng Y Schonborn được coi là người trình bầy hàng đầu của chủ trương ôn hòa nghiêng về cấp tiến trong các vấn đề nói trên. Ngài thuộc nhóm nói tiếng Ðức, nghĩa là gần gũi với các Hồng Y như Kasper và Marx, những người được coi là cấp tiến hạng nặng. Chính nhóm này đề xuất giải pháp "tòa trong" cho vấn đề rước lễ của người Công Giáo ly dị và tái hôn.

Ðiều thứ hai, cha mẹ của Ðức Hồng Y Schonborn vốn ly dị lúc ngài mới chỉ là một thiếu niên. Ðiều này chắc hẳn có tác động đối với ngài. Tuy trong cuộc họp báo ngày 26 tháng Mười năm 2015, ngài nói với các phóng viên rằng ngài cảm thấy thượng hội đồng sẽ không khuyến cáo một cách rõ ràng "có" hay "không" nên cho người ly dị tái hôn rước lễ. Vì cho rằng tình huống khác nhau ở nhiều nơi nên Giáo Hội phải tùy cơ ứng biến.

Tuy nhiên, xem ra ngài cởi mở hoơn đối với người đồng tính qua việc cổ vũ phương thức bao gồm (inclusive). Ngài cho hay: "Giáo Hội không nên nhìn vào phòng ngủ trước nhất, nhưng vào phòng ăn! Chúng ta có thể và phải tôn trọng quyết định thiết lập sự kết hợp với người cùng phái, [và] tìm các phương thế của luật dân sự để che chở lối sống của họ...".

Trong thượng hội đồng năm 2014, Ðức Hồng Y Schonborn cũng cho rằng Giáo Hội có thể tìm thấy các yếu tố tích cực trong các liên hệ không có tính truyền thống như sống chung bên ngoài hôn nhân.

Xem như trên, người ta sợ việc chọn Ðức Hồng Y Schonborn giới thiệu Tông Huấn "Amoris Laetitia" chứng tỏ Ðức Giáo Hoàng nghiêng về phía cấp tiến. Tuy nhiên, theo John Allen, việc chọn này cũng có thể phản ảnh một xảo thuật chính trị. Vì dù có những quan điểm xem ra cấp tiến về một số vấn đề được bàn cãi tại thượng hội đồng, Ðức Hồng Y Schonborn không thiếu các tín chỉ bảo thủ vững chắc.

Trước nhất, ngài là học trò cưng của Ðức Bênêđíctô XVI. Thứ hai, ngài vốn là tổng biên tập Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo thời Ðức Gioan Phaolô II. Thứ ba, trong tư cách thành viên của Dòng Ða Minh, vị Hồng Y 71 tuổi này vốn được coi là một trong các thành viên trí thức nhất của Hồng Y Ðoàn và từng được nhắc đến như một ứng viên giáo hoàng trong cả hai cơ mật viện bầu giáo hoàng năm 2005 và năm 2013.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page