Không có tội ác diệt chủng
đối với các Kitô hữu ở Trung Ðông
Ðức Thượng phụ Twal: "Không có tội ác diệt chủng đối với các Kitô hữu ở Trung Ðông".
Giêrusalem WHÐ 24-03-2016) - Ðức Thượng phụ Giêrusalem là một trong số nhiều người cho rằng những gì đang xảy ra ở các vùng lãnh thổ bị Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) kiểm soát không thể được xếp vào loại tội ác diệt chủng.
"Tôi không đồng ý dùng từ 'diệt chủng Kitô hữu' để nói về những gì đang xảy ra ở Trung Ðông. Lời tuyên cáo trên đã quá muộn, khi mọi sự đã xảy ra và chẳng còn phù hợp với thực tế", đó là ý kiến của Ðức Tổng giám mục Fouad Twal, Thượng phụ Giêrusalem, trong phần trả lời phỏng vấn của Vatican Insider. Phản bác của Ðức Thượng phụ Twal về việc chính phủ Hoa Kỳ quyết định gọi các hành động bạo lực của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (Daesh) là "diệt chủng", đã nhận được sự ủng hộ của Ðức Tổng giám mục Syria Jacques Behnan Hindo và Ðức Thượng phụ Liban Bechara Boutros Rai.
- Thưa Ðức Thượng phụ, ngài có đồng ý việc gọi những gì đang xảy ra tại các vùng lãnh thổ do ISIS kiểm soát là "diệt chủng"?
- Không, tôi không đồng ý với cách gọi này. Lời tuyên cáo trên đã quá muộn, khi mọi sự đã xảy ra và chẳng còn phù hợp với thực tế. Mọi người đều đã thoát được hay đã chết. Nhiều người khác không phải Kitô hữu cũng là nạn nhân của bạo lực, trong đó có người Hồi giáo. Có những nạn nhân khác còn thê thảm hơn chúng tôi.
- Tại sao ngài nói đã quá muộn?
- Châu Âu và Hoa Kỳ đã phản ứng quá muộn và nhận ra rằng họ không thể theo đuổi chương trình chia cắt Trung Ðông của họ. Chúng ta phải nhớ lại những hậu quả của các vụ can thiệp quân sự, của một số cuộc chiến diễn ra ở khu vực của chúng tôi. Nếu bạn muốn có hoà bình, hãy đem hoà bình đến nhà người khác, chứ không phải là chiến tranh.
- Có những chế độ độc tài cần phải lật đổ ...
- Trong một chuyến viếng thăm Pháp, một nhà ngoại giao đã được hỏi lý do tại sao có rất nhiều người mong muốn loại bỏ Assad (Tổng thống Syria). Ông trả lời rằng vì cần phải bảo vệ nhân quyền đã bị vi phạm. Người ta hỏi vặn lại: Vậy tại sao không bắt đầu từ Ả Rập Xê-út? Các tiêu chuẩn khác nhau được áp dụng về mặt nhân quyền, nếu các quốc gia là đồng minh với phương Tây. Thực tế là một giải pháp đã được dự trù chỉ trong một vài tháng. Nhưng cuộc chiến đã kéo dài trong nhiều năm.
- Ngài nghĩ rằng bước tiếp theo sẽ là gì?
- Thật không may là chẳng có giải pháp kỳ diệu nào. ISIS không phải từ trên trời rơi xuống, nó sinh ra từ bối cảnh nghèo đói, bất công và độc tài, được nuôi dưỡng bởi nạn buôn bán vũ khí nặng, mà Ðức giáo hoàng Phanxicô đã rất can đảm chỉ thẳng ra mỗi khi ngài nói về tình trạng này. Cần phải đánh bại ISIS bằng mọi cách có thể, nhưng chúng ta đừng tự lừa dối mình: ngay cả khi Daesh đã bị xoá sổ không còn chiến binh nào, thì hiện tượng này cũng sẽ trở lại nếu chúng ta không loại trừ những nguyên nhân gây ra nó, như những bất công và nạn buôn bán vũ khí bất hợp pháp.
- Ðức Thượng phụ đang làm gì để giúp đỡ người tị nạn?
- Có 740,000 người tị nạn ở Jordan. Trong số đó chỉ có 28,000 người là Kitô hữu. Chúng tôi làm những gì có thể để giúp đỡ họ. Hội đồng Giám mục Italia đã đã giúp chúng tôi thực hiện các dự án, chẳng hạn giúp trẻ em được đến trường.
(Vatican Insider)
Minh Ðức