Vài nét giới thiệu về

Ðền thờ và quảng trường thánh Phêrô

 

Vài nét giới thiệu về Ðền thờ và quảng trường thánh Phêrô.

Vatican (Vat. 23-03-2016) - Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị các vương cung thánh đường lớn tại Roma, bắt đầu là Ðền Thờ Thánh Phêrô:

Ðền Thờ Thánh Phêrô

Ðền thờ Thánh Phêrô được xây trên mộ của thánh nhân, tử đạo dưới thời hoàng đế Neron năm 64. Chương 12 sách Công Vụ kể rằng sau khi ra lệnh chém đầu Giacôbê là anh của Gioan, vua Hêrôđê thấy việc này làm vừa lòng người Do thái nên ra lệnh bắt cả Tông đồ Phêrô là Thủ lãnh Giáo Hội. Nhưng đêm trước ngày bị đem ra xử, thiên thần Chúa đã giải thoát Phêrô. Ông đến nhà bà Maria, mẹ của Marcô, kể lại việc Chúa đã đưa ông ra khỏi tù như thế nào. Thánh nhân xin họ báo tin cho Giacôbê và các Tông Ðồ khác biết, rồi đi đến một nơi khác. Rời bỏ đất Palestina thánh Phêrô sang tới Roma rao giảng Tin Mừng cho dân chúng tại đây. Cộng đoàn Kitô Roma đã không do các Tông Ðồ thành lập, nhưng chắc chắn do các lính Roma, trong đó có quan bách quản Cornelio, ông Longino là người lính đã cầm đòng đâm cạnh sườn Chúa Giêsu, và những người Roma đã tin theo Chúa Giêsu, cũng như các thương gia hay các nô lệ biết Chúa tin Chúa nên truyền bá Tin Mừng cho những người khác, và hình thành ra cộng đoàn kitô Roma, bao gồm nhiều nô lệ. Vào thế kỷ thứ Nhất tại Roma có tới 1 triệu nô lệ thuộc đủ mọi quốc tịch và giai tầng xã hội, kể cả người trí thức. Ða số các đền đài thành quách của đế quốc được xây dựng với xương máu của các nô lệ.

Vào năm 64 hoàng đế Nêron muốn xây một thành Roma mới nên ra lệnh cho lính đốt các khu xóm ổ chuột. Vụ hoả hoạn cố ý này đã khiến cho dân chúng Roma nổi loạn. Hoàng đế liền vu khống cho các kitô hữu và bắt đầu bách hại họ. Nhớ lời Chúa Giêsu dặn: khi họ bắt bớ các con ở thành này, hãy trốn qua thành khác, thánh Phêrô bỏ Roma đi ra ngoài thành theo đường Appia Antica, là con lộ nối liền trung tâm đế quốc Roma với các vùng khác: lên phía bắc dọc ven biển qua Tiểu Á và xuống phía nam qua tới Phi châu. Nhưng khi vừa ra khỏi thành khoảng 500 mét, thánh nhân gặp Chúa Giêsu đi vào ngược chiều nên ngài hỏi: "Domine, quo vadis, Lậy Thầy Thầy đi đâu?". Chúa Giêsu trả lời: "Ta vào thành để chết một lần nữa." Hiểu ý thánh Phêrô quay vào thành và liền bị hoàng đế Neron bắt, đem ra xử ở quảng trường trong khu phố do thái, hiện có nhà thờ Ðức Bà in Trastevere, rồi bị điệu đi đóng đinh tại hí trường Neron trên đồi Vaticăng. Hí trường này hiện ở bên dưới đại thính đường Phaolô VI. Khi bị đóng đinh Thánh Phêrô nói với các lý hình là ngài không xứng đáng chết như Thầy mình nên xin họ giộng ngược đầu thánh giá xuống đất. Tín hữu đã chôn cất thánh nhân ngay trong nghĩa trang cổ của Roma nằm cạnh hí trường. Hiện nay nghĩa trang này ở bên dưới Ðền Thờ thánh Phêrô.

Trong các năm 77-88 Ðức Giáo Hoàng Anacleto đã cho xây một nhà nguyện nhỏ dâng kính thánh Phêrô. Năm 313 hoàng đế Costantino ký sắc lệnh bỏ bắt bớ Kitô giáo và năm 324 khi cho xây vương cung thánh đường nguy nga đầu tiên kính thánh nhân ngay trên mộ ngài, hoàng đế đã ra lệnh lấp đất toàn bộ nghĩa trang này. Ðền thờ được Ðức Giáo Hoàng Silvestro thánh hiến năm 326, dài bằng hai phần ba đền thờ hiện nay gồm 5 gian dọc, còn dấu tích các bức tường và một số cột ở bên dưới đền thờ hiện nay. Ðền thờ đã chỉ hoàn tất năm 349, sau 25 năm kiến trúc dưới thời hoàng để Costanzo, con của hoàng đế Costantino. Trong các thế kỷ sau đó đền thờ đã được tu bổ và trang hoàng với nhiều chất liệu khác nhau như đá cẩm thạch quý lấy từ các đền đài ngoại giáo ở Roma hay từ Ðông Phương, kể cả gỗ bá hương của Libăng. Trước bàn thờ chính có một tảng đá vân ban tròn. Chính tại đây năm 800 hoàng đế Carlo Cả đã quỳ để được Ðức Giáo Hoàng Leo III thánh hiến phong vương. Tảng đá này hiện còn được gắn trên nền đền thờ hiện nay, cách cửa vào hơn chục thước.

Cho tới năm 1308, các Ðức Giáo Hoàng cư ngụ trong dinh gần Ðền Thờ thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính toà của Roma. Nhưng năm 1308 quân Pháp đánh Italia và bắt Ðức Giáo Hoàng về Avignon. Các Giáo Hoàng sống tại Avignon cho tới năm 1377, khi thánh nữ Catarina thành Siena viết thư cho Ðức Giáo Hoàng nói rằng chỗ của Ðức Giáo Hoàng là tại Roma. Trong thời gian này đền thờ thánh Phêrô đã hầu như bị bỏ hoang nên hư hại rất nhiều.

Vào năm 1452 thấy đền thờ muốn sập, Ðức Giáo Hoàng Nicolo V quyết định xây đền thờ mới và giáo nhiệm vụ cho kiến trức sư Bernardo Rossellino. Nhưng phải đợi cho đến năm 1502 công việc xây cất mới tiến triển với Ðức Giáo Hoàng Giulio II. Kiến trúc sư Donato Bramante bỏ đồ hình thánh gia latinh của Rossellini để theo đồ hình thánh giá hy lạp 4 cánh bằng nhau, với một mái tròn lớn chính giữa và hai mái nhỏ hai bên. Năm 1515 Raffaello lấy lại đồ hình thánh gia latinh. Petruzzi theo đồ hình thánh gia Hy lạp. Sangallo lấy lại họa đồ thánh gia latinh. Năm 1546 khi Ðức Giáo Hoàng Phaolo III giao cho Michelangelo việc xây cất ông lại theo đồ hình thánh giá hy lạp. Khi Michelangelo qua đời năm 1564, Vignola hoàn thành hai mái tròn nhỏ, trong khi các kiến trúc sư Pirro Ligorio, Giovanni della Porta và Domenico Fontana hoàn thành mái tròn lớn. Ðức Giáo Hoàng Palolo V truyền cho Carlo Maderno nối dài gian chính giữa đền thờ thành hình thánh giá latinh với hành lang và mặt tiền như thấy hiện nay. Ngày 18 tháng 11 năm 1626 Ðức Giáo Hoàng Urbanbo VIII long trọng thánh hiến đền thờ mới nhân kỷ niệm 1,300 năm ngày thánh hiến đền thờ cũ. Kiến trúc sư Bernini xây thêm hai tháp chuông nhỏ, nhưng phải phá đi một cái, vì vết nứt dưới chân móng.

Ðền thờ thánh Phêrô có diện tích 15,160 mét vuông, trong khi nhà thờ chính toà Milano chỉ có 11,700 mét vuông, Saint Paul ở Luân Ðôn 7,875 mét vuông, thánh nữ Sophia ở Costantinopoli là 6,890 mét vuông Koeln 6,166 mét vuông, Nhà thờ Ðức Bà Paris 5,966 mét vuông. Tất cả các nhà thờ khác lọt thẳm trong đền thờ thánh Phêrô.

Ðền thờ dài 211 mét 50 kể cả mặt tiền. Gian giữa cao 46 mét 20, rộng 27 mét 50. Gian ngang bên trong dài 137 mét 50. Mái tròn kể cả thánh giá cao 132 mét 50, chu vi 42 mét, nhỏ hơn mái tròn của Pantheon 1 mét 40.

Mặt tiền đền thờ dài 114 mét 69, cao 45 mét 44, kiểu barốc, có 4 trụ chính và 8 cây cột nâng mái tiền đường, với hàng chữ dâng kính có từ thời Ðức Giáo Hoàng Phaolo V. Bên trên có 5 cửa và 5 bao lơn. Bao lơn chính giữa là nơi Ðức Giáo Hoàng ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới trong các dịp lễ trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh và Ðầu Năm mới. Cũng từ bao lơn này Hồng Y niên trưởng công bố tên của Ðức Tân Giáo Hoàng sau khi được Mật nghị Hồng Y bầu.

Trên cùng là sân thượng trang hoàng với các bức tượng cao 5 mét 70: Chúa Giêsu, thánh Gioan Baotixita và 11 Tông Ðồ, không có thánh Phêrô, và hai chiếc đồng hồ do kiến trúc sư Giuseppe Valadier làm năm 1822. Dưới đồng hồ bên trái là quả chuông có chu vi 7 mét 50 nặng 9 tấn 3.

Tiền đường dẫn vào đền thờ dài 71 mét, rộng 13 mét. Bên trái là tượng hoàng đế Carlo Cả, bên phải là tượng hoàng đế Costantino do Bernini tạc năm 1670. Cửa thứ nhất bên phải là Cửa Thánh chỉ mở trong các Năm Thánh. Ðối diện với cửa chính giữa là bức khảm đá mầu nổi tiếng của Giotto tựa là "Con thuyền nhỏ" hay "Dẹp yên bão tố", tượng trưng cho con thuyền Giáo Hội lênh đênh giữa sóng gió trần gian, nhưng luôn có Chúa hiện diện hộ phù.

Cánh cửa đồng chính giữa thuộc đền thờ cũ do Filarete chạm trổ giữa các năm 1439-1445 diễn tả Chúa Giêsu Ðức Mẹ, hai thánh Phêrô Phaolô và cảnh các ngài tử đạo: thánh Phêrô bị đóng đinh ngược và thánh Phaolô bị chặt đầu. Các bức vẽ trên cao diễn tả các cảnh thần thoại và cảnh Roma, thú vật, hoa trái và chân dung các hoàng đế. Cửa thứ hai và thứ 5 là của nhà điêu khắc Giacomo Manzù.

Năm 1950 Ðức Giáo Hoàng Pio XII cho đào khảo cổ nghĩa trang bên dưới và người ta đã tìm thấy xương của thánh Phêrô được gói trong một miếng nhung đỏ viền chỉ vàng đặt trong một hộc có bảng viết "Petros Eni" Phêrô ở đây. Xương thánh nhân hiện được đặt trong một hòm ở hầm đền thờ, thẳng bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin.

Quảng trường thánh Phêrô là một trong các quảng trường rộng và đẹp nhất thế giới, dài 340 mét rộng 240 mét. Chính giữa hình bầu dục, hai đầu hình thang. Quảng trường do kiến trúc sư Bernini xây giữa các năm 1656-1667. Nó biểu tượng cho trung tâm Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ và gồm hai hàng hiên giống như đôi cánh tay Mẹ hiền Giáo Hội giang rộng đón chào các đoàn con từ khắp nơi trên thế giới tuốn về. Hai hàng hiên có mái che gồm 88 trụ cột lớn và 280 cây cột kiểu đô rích xếp thành 4 hàng, bên trên được trang hoàng với 140 bức tượng các thánh và huy hiệu của Ðức Giáo Hoàng Alessandro VI. Phần lớn trong số các cây cột này được lấy từ các đền đài ngoại giáo, chẳng hạn như đền Septizionium thời hoàng đế Settimo Severo, cai trị Roma từ năm 193 tới 211.

Chính giữa quảng trường là tháp bút nham thạch đỏ cao 25 mét 50 lấy từ thành phố Heliopolis bên Ai Cập, và được hoàng đế Caligula đặt ở chính giữa hí trường trên đồi Vatican. Ngày 10 tháng 9 năm 1586 Ðức Giáo Hoàng Sisto V truyền cho kiến trúc sư Domenico Fontana dựng tháp bút giữa quảng trường. Ông đã phải huy động 800 công nhân, 150 con ngựa và rất nhiều máy móc mới dựng nổi. Chung quanh tháp bút là hình hoa hồng gió bốn phương. Giữa tháp bút và hai phông ten có một tảng đá tròn, từ đó có thể trông thấy bốn hàng cột của mái hiên sắp thành hàng thẳng tắp như thể chỉ có một cột.

Hai phông ten hai bên cao 14 mét, cái bên phải xây hồi thế kỷ XVI dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sisto V, cái bên trái hồi thế kỷ XVIII dưới thời Ðức Giáo Hoàng Clemente XI. Kể từ thời Ðức Giáo Hoàng Pio IX tượng thánh Phêrô do De Fabris tạc và tượng thánh Phaolô do Tadolini tạc thay thế hai bức tượng của Paolo Romano. Bên phải quảng trường là Cửa Ðồng dẫn lên Dinh Tông Toà. Cửa sổ thứ hai tầng trên cùng là nơi Ðức Giáo Hoàng thường đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu mỗi trưa Chúa Nhật và trong vài ngày lễ. Phiá nối tiếp có mái xanh là Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Ðàng sau là mái cuả nhà nguyện Sistina nơi các Hồng Y bầu Ðức Tân Giáo Hoàng. Trên mái có ống khói nhỏ. Khi chưa bầu xong, các phiếu được đốt với một thứ dầu ra khói đen. Khi bầu xong rồi, các phiếu được đốt với một thứ dầu ra khói trắng, như dấu chỉ đã có Tân Giáo Hoàng. Sau đó từ bao lơn chính giữa mặt tiền đền thờ Ðức Hồng Y niên trưởng sẽ công bố cho tín hữu đợi dười quảng trường biết "Habemus Papam Chúng ta có Giáo Hoàng" với danh tánh và tên gọi của ngài. Sau đó Ðức Tân Giáo Hoàng ra mắt chào và ban phép lành đầu tay cho dân chúng.

Quảng trường thánh Phêrô

Quảng trường thánh Phêrô có thế chứa được hơn 200,000 người. Nếu đứng chật ở cả quảng trường Piô XII và Ðại Lộ Hoà Giải thì được hơn 300,000.

Ðại lộ Hoà Giải được xây năm 1937 trên các khu xóm thời Trung Cổ và Phục Hưng, sau khi Toà Thánh và nước Italia ký thỏa hiệp Laterano ngày 11 tháng 2 năm 1929 thừa nhận Quốc gia Thành Phố Vatican. Vatican là quốc gia độc lập, trong đó Ðức Giáo Hoàng là quốc trưởng, có một Hồng Y thống đốc điều hành các việc hành chánh dân sự, có toà án, nhà in, nhà băng, tiền, tem thư, bưu điện, siêu thị, nhà ga xe lửa, viện bảo tàng và đài phát thanh. Nước Ðức Giáo Hoàng chỉ gồm 44 héc ta là quốc gia nhỏ bé nhất thế giới, bao gồm Ðền Thờ Thánh Phêrô, Ðiện Vaticăng các đền thờ Ðức Bả Cả, Thánh Gioan Laterano, Thánh Phaolô ngoại thành, Dinh Bộ Truyền Giáo, các Giáo hoàng học viện trực thuộc Bộ, và một số dinh thự khác. Thành phố quốc gia Vatican đã chỉ là nơi ở của các Giáo Hoàng từ năm 1377, khi Ðức Giáo Hoàng từ Avignon trở vể Roma. Trước đó cho tới năm 1309 các vị sống trong dinh Laterano cạnh đền thờ, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma.

Sát quảng trường Pio XII bên phải là Bộ Phụng Tự và một số bộ khác, bên trái là Bộ Giáo Dục công giáo, Bộ Giáo Sĩ và các dòng tu. Một số dinh thự hai bên đại lộ cũng là tài sản của Toà Thánh. Nhà thờ Traspontina thuộc thế kỷ XI. Dinh thự cuối cùng bên trái là Ðài phát thanh Vatican, đối diện với Lâu đài Thiên Thần. Dinh thụ bên phải là trụ sở của một số tổ chức trong đó có Hội Ðồng Toà Thánh bảo vệ sự sống.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page