Giáo tỉnh Hà Nội
Giao lưu Nghi thức Ngắm nguyện
Mùa Chay lần II
Giáo
tỉnh Hà Nội: Giao lưu Nghi thức Ngắm nguyện Mùa Chay lần II.
Giáo tỉnh Hà Nội: Giao lưu Nghi thức Ngắm nguyện Mùa Chay lần II. |
Hải Phòng (WHÐ 09-03-2016) - Ngày gặp mặt và giao lưu Nghi thức Ngắm nguyện Mùa Chay Giáo tỉnh Hà Nội lần II được tổ chức tại Nhà thờ chính toà Hải Phòng, giáo phận Hải Phòng, vào thứ Tư 09 tháng 03 năm 2016.
Tham dự ngày đặc biệt này, có Ðức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, Ðức cha Cosma Hoàng Văn Ðạt - Giám mục Bắc Ninh, Ðức cha Giuse Nguyễn Chí Linh - Giám mục Thanh Hóa, Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân - Giám mục Lạng Sơn, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ - Giám mục Thái Bình, Ðức cha Giuse Nguyễn Năng - Giám mục Phát Diệm, Ðức cha Toma Vũ Ðình Hiệu - Giám mục Bùi Chu, Ðức cha Lôrenxô Chu Văn Minh - Giám mục phụ tá Hà Nội, Ðức cha Giuse Nguyễn Văn Yến - Nguyên Giám mục Phát Diệm. Ngoài ra, mỗi giáo phận đều có quý cha chịu trách nhiệm về Phụng vụ, Thánh nhạc và 10 đại biểu giáo dân đến dự. Riêng giáo phận chủ nhà, có sự hiện diện của linh mục đoàn giáo phận, các hội đoàn phục vụ cho các nghi thức: xô tượng, đóng đanh, tháo đanh, táng xác, dâng hạt, than...
Sau lời giới thiệu các vị khách quý cùng quý đại biểu, Ðức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng, trịnh trọng tuyên bố khai mạc. Cùng với lời chào mừng trân trọng, Ðức cha đã nêu lên ý nghĩa của ngày đặc biệt này: "Ngày gặp mặt và giao lưu Nghi thức Ngắm nguyện Mùa Chay giáo tỉnh Hà Nội lần II tiếp nối lần I đã được tổ chức tại giáo phận Thanh Hoá năm 2013. Ngày giao lưu nằm trong Năm Thánh Lòng thương xót mang một ý nghĩa đặc biệt. Việc suy ngắm sự thương khó của Ðức Giêsu qua những lời nguyện ngắm và các cử hành giúp cho mỗi người khám phá lòng thương xót bao la của Chúa Cha, bởi Người chính là "Dung Mạo lòng thương xót của Thiên Chúa Cha". Ðiều này đã được Tin mừng Gioan diễn tả cách ngắn gọn và súc tích: "Người đã yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1). Ngày đặc biệt này cũng thể hiện tinh thần hiệp thông và thân ái giữa các giáo phận trong Giáo tỉnh Hà Nội".
Trước khi chương trình Ngắm đứng (Ngắm 15 sự Thương khó Ðức Chúa Giêsu) bắt đầu, cha Tổng đại diện giáo phận Hải Phòng đã nêu lên ý nghĩa của cung giọng ngắm: "Câu chuyện của Ðức Giêsu đã được các nhà thừa sai kể lại cách tài tình, khéo léo và sống động qua những cung giọng ngân nga trầm bổng, những sắc thái bi ai thảm thương. Hình thức rất hợp với lòng người Việt, nên đã giúp họ cảm nhận sự thương khó của Chúa cách sâu sắc bằng cả cảm xúc của lòng mình".
Tiếp theo lời dẫn, nghi thức ngắm đứng bắt đầu. Ðoàn bát biểu với trang phục truyền thống, trang trọng rước người ngắm lên cung thánh giữa âm thanh du dương ấm áp của đoàn bát âm. Mỗi giáo phận chịu trách nhiệm một ngắm với trang phục theo giáo phận mình. Dù với những cung giọng không giống nhau, cung dòng hay triều, nhưng tất cả đều diễn tả cách tâm tình bi thương những đau khổ của Chúa, khiến cho người tham dự không khỏi thương cảm và xúc động.
Sau 9 ngắm dành cho 9 giáo phận, là ngắm dấu danh, ngắm rằng và lời than ngắm rằng. Cung điệu có đôi chút khác nhưng sắc thái của làn điệu này vẫn buồn thương da diết, khiến mọi người cảm nhận sâu sắc và sống động những cung bậc cảm xúc của Chúa Giêsu đã trải qua trên chặng đàng thánh giá.
Bữa cơm trưa đã diễn ra nhanh chóng và nhẹ nhàng, nhưng ai nấy đều cảm thấy bầu khí vui tươi chan chứa và ấm áp tình thân ái.
Phóng sự "Kiệu Ðức Chúa Giêsu vác thánh giá" đã khởi đầu cho chương trình ban chiều. Nội dung phóng sự phác họa lại biến cố Ðức Giêsu bị kết án và phải vác thánh giá đi đến nơi thụ hình. Kế đến là nghi thức xô tượng và đóng đanh Ðức Giêsu vào thánh giá. Những lời trong sách "Giảng sự Thương khó Ðức Giêsu" - Ðọc Ðoạn, đã được họa lại bằng những hành động cụ thể, không chỉ gây chú ý mà còn in đậm vào tâm trí cộng đoàn hiện diện. Sau đó là phần dâng hạt - hiệp cùng Ðức Mẹ trong tâm tình suy niệm những sự thương khó của Chúa Giêsu.
Nghi thức tháo đanh, an táng Chúa Giêsu và lời than hang đá mang đến cho người tham dự một bầu khí trầm lắng, tĩnh lặng. Nhưng chính cái "trầm lắng và tĩnh lặng" ấy lại đánh động tâm hồn con người, lại thấm sâu vào cõi lòng người tham dự, giúp cho họ cảm nhận sống động hơn sự bơ vơ trống trải trong cái chết của Ðấng Cứu Thế.
Cung điệu ngắm nguyện vốn đã lay động lòng người, các nghi thức cử hành Tuần thánh càng say đắm lòng người hơn nữa, làm cho người tham dự như muốn dìm mình vào chặng đàng thương khó của Chúa, để mong được chia sẻ thân phận khổ đau với Người. Cũng chính vì lẽ ấy mà nghi thức Ngắm nguyện và các cử hành Mùa Chay đã lôi cuốn biết bao người tín hữu đến với Chúa, nuôi dưỡng đức tin bao người trong những hoàn cảnh khó khăn, và làm gia tăng lòng sốt mến nơi bao người môn đệ Chúa Kitô.
Ngày gặp mặt và giao lưu Nghi thức Ngắm nguyện Mùa Chay Giáo tỉnh Hà Nội kết thúc với Thánh lễ tạ ơn diễn ra lúc 15g30. Ðức hồng y Phêrô, chủ tế và giảng lễ, đã nêu lên việc tham dự tích cực của cộng đoàn trong nghi thức ngắm nguyện và các cử hành với tâm tình xúc động và có cả những giọt nước mắt tuôn rơi; ngài mời gọi mọi người hãy tiếp tục tham dự cách trọn vẹn và sống động chính hy tế Thánh Thể, để lãnh nhận ơn phúc của Ðấng hiến mình vì yêu thương nhân loại. Vị Hồng y Trưởng Giáo tỉnh cũng nhắc đến ngày giao lưu như là "hồng ân Chúa ban cho các giáo phận, để mọi người cảm nhận tình yêu cao vời của Chúa và biết giữ giữ những truyền thống tốt đẹp này cho các thế hệ tương lai".
Trước khi thánh lễ kết thúc, Ðức cha giáo phận chủ nhà đã thân ái trao tặng Ðức hồng y, quý Ðức cha, quý đại diện các giáo phận kỷ niệm chương và tặng phẩm. Cha Tổng đại diện giáo phận, trưởng ban tổ chức, đã diễn tả niềm vui của ngày gặp mặt và nêu lên ý nghĩa quý giá của ngày giao lưu này trong tâm tình tạ ơn Chúa và tri ân sự hiện diện quý báu của Ðức hồng y, quý Ðức cha, quý cha và quý đại diện các giáo phận.
"Ngày hôm nay cho thấy vẻ đẹp của Giáo hội tại miền Bắc" (Lời Ðức cha giáo phận chủ nhà trước khi tiễn biệt Ðức hồng y). Ai đã đến tham dự đều có cùng một cảm nhận như vậy. Quả thật, vẻ đẹp ấy là vẻ đẹp của tình thân ái và hiệp thông giữa các giáo phận trong Giáo tỉnh, và hơn nữa, đó chính là vẻ đẹp của truyền thống đạo đức mà các bậc tiền nhân để lại - vẻ đẹp không chỉ làm cho đời sống đạo thêm sinh động, mà còn duy trì và làm cho đức tin không ngừng phát triển. Chính vẻ đẹp ấy đã làm nên ngày gặp gỡ và giao lưu lần thứ II này. Ước mong vẻ đẹp ấy sẽ tiếp tục được lan toả rộng khắp hơn trên mảnh đất miền Bắc này.
Ban Truyền thông Giáo phận Hải Phòng