Giầu sang và quyền bính ích kỷ bạo lực
là các dụng cụ của thối nát gây chết chóc
Giầu sang và quyền bính ích kỷ bạo lực là các dụng cụ của thối nát gây chết chóc.
Vatican (Vat. 24-02-2016) - Giầu sang và quyền bính ích kỷ bạo lực là các dụng cụ của thối nát gây chết chóc.
Thi hành quyền bính mà không tôn trọng sự sống, không có công lý và không có lòng thương xót chỉ gây ra chết chóc và đàn áp bất công mà thôi. Vì khát vọng quyền bính biến thành sự tham lam khiến cho con người muốn chiếm hữu tất cả và khai thác bóc lột tha nhân.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư 24 tháng 2 năm 2016. Trong số các người tham dự có đông Hồng Y và Giám Mục, bạn của phong trào Tổ Ấm về Roma tham dự đại hội thường niên của phong trào.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng thương xót trong Thánh Kinh. Ngài nói: có nhiều văn bản khác nhau của Thánh Kinh đề cập tới các kẻ quyền thế, các vua chúa, những người ở trên cao, và cả thái độ kiêu căng ngạo mạn và các bất công của họ nữa. Ðức Thánh Cha minh xác sự giầu có và quyền lực như sau:
Sự giầu có và quyền lực là các thực tại có thể tốt lành và ích lợi cho công ích, nếu được dùng để phục vụ người nghèo và tất cả mọi người, với sự công bằng và lòng bác ái. Nhưng rất tiếc, như quá thường xảy ra, là khi chúng được sống như đặc quyền đặc lợi, với lòng ích kỷ và bạo lực, thì chúng biến thành các dụng cụ thối nát và gây chết chóc. Ðó là điều đã xảy ra trong câu chuyện vườn nho của ông Nabốt, như trình thuật trong chương 21 sách các Vua I, mà chúng ta tìm hiểu hôm nay.
Văn bản này kể rằng vua Israel là Acab muốn mua vườn nho của một người tên là Nabốt, bởi vì nó gần hoàng cung. Ðề nghị của nhà vua xem ra hợp pháp và quảng đại nữa, nhưng bên Israel gia tài ruộng đất được coi hầu như bất khả xâm phạm. Thật thế sách Lêvi có dậy rằng: "Ðất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta" (Lv 25,23). Ðất là thánh thiêng, vì là một ơn của Chúa, phải được giữ gìn và duy trì, như dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa truyền từ đời này sang đời nọ và bảo đảm cho phẩm giá của mọi người. Như thế chúng ta hiểu tại sao ông Nabốt lại từ chối nhà vua: "Xin Giavê đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài! "(1 V 21,3).
Vua Acab phản ứng lại lời từ chối đó với sự cay đắng và giận dữ. Nhà vua cảm thấy bị xúc phạm, ông là vua, là người quyền thế, bị giảm thiểu trong quyền bính tối thượng của mình và bị tước đoạt trong khả thể thoả mãn ước muốn chiếm hữu của ông. Khi thấy ông buồn phiền như vậy, vợ ông là Giêsabel, một hoàng hậu ngoại giáo đã gia tăng các tôn thờ ngẫu tượng và sát hại các ngôn sứ của Chúa (x. 1 V 18,4), bà không xấu, bà ác độc, bà quyết định can thiệp. Các lời bà nói với nhà vua rất là ý nghĩa. Anh chị em hãy cảm nhận cái gian ác đàng sau người phụ nữ này: "Vua cai trị Ít-ra-en hay thật! Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Na-bốt người Gít-rơ-en." 1 V 21,7). Bà nêu bật uy tín và quyền lực của nhà vua, mà theo cái nhìn của bà, nó bị đem ra thảo luận bởi lời khước từ của ông Nabốt. Một quyền bính mà hoàng hậu coi như tuyệt đối và vì thế mọi ước muốn của vua đều là một mệnh lệnh. Thánh Ambrogio đã viết một cuốn sách nhỏ về câu chuyện này tựa đề là "Nabốt". Thật là tốt, nếu chúng ta đọc cuốn sách này trong mùa Chay. Nó rất là hay và rất cụ thể.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Khi nhớ lại các điều này Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." Nếu đánh mất đi chiều kích phục vụ, quyền bính biến thành ngạo mạn, trở nên thống trị và áp bức. Ðó chính là điều đã xảy ra trong câu chuyện vườn nho của ông Nabốt. Một cách vô luân hoàng hậu Giêsabel quyết định loại trừ ông Nabốt và thi hành chương trình của bà. Bà sử dụng các dối trá của một sự hợp pháp tồi bại, nhân danh nhà vua, bà gửi thư cho các trưởng lão và thân hào trong thành ra lệnh cho các chứng nhân giả dối công khai tố cáo ông Nabốt là đã nguyền rủa Thiên Chúa và nhà vua, một tội đáng phạt tử hình. Như thế ông Nabốt chết, nhà vua có thể chiếm vườn nho của ông.
Và đây không phải là một câu chuyện xảy ra trong các thời khác, nó cũng là câu chuyện của ngày nay, của các kẻ quyền thế để có nhiều tiền hơn khai thác bóc lột người nghèo, dân lành. Ðó là lịch sử của nạn buôn bán người, của lao động nô lệ, của người nghèo làm việc lậu và với đồng lương tối thiểu để làm giầu cho các kẻ quyền thế. Ðó là lịch sử của các nhà chính trị gian tham hôi lộ muốn nhiều hơn và nhiều hơn. Vì vậy tôi đã nói là đọc lại cuốn sách của thánh Ambrogio về ông Nabốt sẽ tốt cho chúng ta, bởi vì nó là một cuốn sách thời sự.
Ðó, thực thi quyền bính mà không tôn trọng sự sống, không có công lý, không có lòng thương xót dẫn đưa tới đâu. Và khát vọng quyền bính có thể đưa tới điều gì: nó trở thành tham lam muốn chiếm hữu tất cả. Có một văn bản của ngôn sứ Isaia đặc biệt soi sáng liên quan tới điều này. Trong đó Chúa cảnh cáo chống lại sự thèm khát của các đại điền chủ muốn luôn ngày càng chiếm hữu nhà cửa và đất đai nhiều hơn. Ngôn sứ nói: "Khốn thay những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia nối thêm ruộng này đến ruộng khác, tới mức không còn chỗ trống nào và chỉ còn một mình các người ở lại trong xứ!" (Is 5,8). Ngôn sứ Isaia không phải là cộng sản đâu! Và Ðức Thánh Cha giải thích cung cách hành xử của Thiên Chúa như sau:
Tuy nhiên, Thiên Chúa lớn lao hơn sự gian ác và trò chơi bẩn thỉu của con người trần gian. Trong lòng thương xót của Ngài Ngài gửi ngôn sứ Elia tới để giúp vua Acab hoán cải. Bây giờ chúng ta sang trang. Và câu chuyện tiếp tục ra sao? Thiên Chúa thấy tội ác này và cũng gõ cửa lòng vua Acab, và nhà vua bị đặt trước tội lỗi của mình, hiểu ra, hạ mình xuống và xin lỗi. Thật đẹp biết bao, nếu các người quyền thế ngày nay cũng làm như thế!
Chúa nhận sự hối lỗi của ông, nhưng một người vô tội đã bị giết, và lỗi lầm đã phạm sẽ có các hậu quả không thể tránh được. Thật thế, sự dữ đã làm để lại các dấu vết đau đớn và lịch sử loài người mang các vết thương của nó. Lòng thương xót cũng cho thấy con đường chính phải theo trong trường hợp này. Lòng thương xót có thể chữa lành các vết thương và có thể thay đổi lịch sử. Hãy mở con tim bạn cho lòng thương xót! Lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn tội lỗi của con người. Nó mạnh mẽ hơn, đó là gương của vua Acab! Chúng ta biết quyền năng của nó, khi chúng ta nhớ tới Con Thiên Chúa vô tội đã làm người để phá huỷ sự dữ với ơn tha thứ của Ngài. Chúa Giêsu Kitô là vua đích thật, nhưng quyền bính của Ngài hoàn toàn khác biệt. Ngai của Ngài là thập giá. Ngài không phải là một vị vua giết chết, nhưng trái lại trao ban sự sống. Việc ngài đến với tất cả mọi người, nhất là những người yếu đuối nhất, đánh bại sự cô đơn và số phận phải chết mà tội lỗi dẫn tới. Với sự gần gũi của và sự hiền dịu của Ngài Chúa Giêsu Kitô đưa các kẻ tội lỗi vào trong không gian của ơn thánh và sự tha thứ. Và đó là lòng thương xót của Thiên Chúa.
Ðức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau tham dự buổi tiếp kiến. Trong số các nhóm nói tiếng pháp có các nhóm đến từ Bỉ và Pháp, đặc biệt là các đại chủng sinh giáo phận Bayonne, tín hữu các giáo phận Agens và Pontoise do các Giám Mục tháp tùng, và tín hữu đảo Corse. Trong số các nhóm nói tiếng Anh có các phái đoàn đến từ Anh, Êcốt, Ai len, Thuỵ Ðiển, Gabon, Mozambic, Hoa Kỳ. Trong các nhóm tiếng Ðức có các sinh viên thần học và giáo luật đại học Vienne. Cũng có các nhóm Tây Ban Nha và châu Mỹ latinh, Bồ Ðào Nha và Brasil, cũng như Ba Lan.
Ðức Thánh Cha cầu chúc mùa Chay giúp mọi người trở thành thừa sai của lòng thương xót Chúa, liên đới với người nghèo, sống bác ái và thương xót trong gia đình và trong giáo xứ, canh tân đức tin và lòng mến đối với Chúa và với tha nhân, ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội và môi sinh.
Chào các nhóm Ba Lan Ðức Thánh Cha khích lệ mọi người trong mùa Chay xét mình xem cung cách suy tư hành xử của mình có ảnh hưởng tới cám dỗ lạm dụng quyền bính đối với người khác và lợi dụng các đặc ân đặc lợi hay không.
Ðức Thánh Cha cũng đặc biệt chào các Giám Mục bạn của phong trào Tổ Ấm đang tham dự hội nghị hằng năm của phong trào tại Roma và khích lệ các vị luôn chú ý tới đặc sủng hiệp nhất, trong sự hiệp thông với Người Kế vị thánh Phêrô. Chào các nhóm của giáo phận Cremona, cộng đoàn Gioan XXIII và các công nhân Videocon tỉnh Anagni, Ðức Thánh Cha cầu mong mọi người trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, sống mọi hình thức quyền bính như việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, Ðức Thánh Cha nói Mùa Chay là thời gian thuận tiện để củng cố đời sống tinh thần, thực hành ăn chay hãm mình. Ăn chay giúp các bạn trẻ tự chủ nhiều hơn; lời cầu nguyện giúp người đau yếu dâng các khổ đau cho Chúa và luôn cảm thấy sự gần gũi của Ngài; các công việc phúc đức giúp các đôi tân hôn sống đời gia đình chú ý tới các nhu cầu của tha nhân.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)