Ðức Thánh Cha Phanxicô tông du Mexico:
Cuộc hội kiến lịch sử với Giáo chủ Chính thống Nga
Ðức Thánh Cha Phanxicô tông du Mexico: Cuộc hội kiến lịch sử với Giáo chủ Chính thống Nga.
La Havana (WHÐ 13-02-2016) - Sáng thứ Sáu 12 tháng 02 năm 2016, theo lịch trình đã được điều chỉnh ngày 08 tháng 02 năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô rời Roma lúc 7g45, bắt đầu chuyến tông du Mexico, từ ngày 12 đến 18 tháng 02 năm 2016.
Giáo hội tại Mexico đã chuẩn bị chào đón Ðức Thánh Cha Phanxicô bằng tâm tình và suy tư của mình qua biểu ngữ "Papa Francisco - Misionero de Misericordia y Paz" (Ðức Thánh Cha Phanxicô - Vị Thừa sai của Lòng Thương Xót và Hoà Bình).
Trong chuyến tông du ngoài lãnh thổ Italia lần thứ 12 này của Ðức Thánh Cha, một sự kiện được đưa vào lịch trình vào giờ chót, trở thành một biến cố lịch sử của Giáo hội Công giáo thế giới: Ðức Thánh Cha ghé La Havana, thủ đô Cuba, trước khi đến Mexico, để hội kiến với Giáo chủ Kyrill của Giáo hội Chính thống Nga.
Ðúng 2g00 trưa (giờ địa phương), phi cơ của Ðức Thánh Cha hạ cánh xuống phi trường Jose Marti. Chủ tịch Cuba Raul Castro chào đón Ðức Thánh Cha tại đường băng và hướng dẫn ngài đến phòng dành riêng cho cuộc hội kiến. Tại đây, lúc 2g15, mười lăm phút sau khi rời phi cơ, ngài bước vào cuộc hội kiến với Giáo chủ Kyrill. Hai vị ôm hôn chào nhau. Cái hôn được chờ đợi suốt ngàn năm.
Cuộc hội kiến kéo dài 2 giờ đồng hồ và kết thúc bằng bản Tuyên bố chung của hai vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội Chính thống Nga.
Trong bản Tuyên bố chung, hai vị lãnh đạo khẳng định Cuba, nơi đưa ra bản Tuyên bố chung mang ý nghĩa lịch sử, là một địa điểm thích hợp vì đây là "giao lộ Bắc-Nam, Ðông-Tây", xa khỏi 'Cựu Thế giới' với những tranh cãi triền miên", thích hợp với việc đưa ra "niềm hy vọng lớn lao', bởi đảo quốc này là "biểu tượng của những niềm hy vọng của 'Thế giới mới' và những sự kiện lịch sử bi thảm trong thế kỷ XX" (số 4, 5).
Hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Công giáo và Chính thống giáo đã nêu lên những điểm chung giữa hai Giáo hội:
- "Cả hai là anh em trong đức tin, gặp nhau 'mặt giáp mặt' (2 Ga 12), để từ trái tim đến trái tim mà nói với nhau, cùng nhau thảo luận những mối liên hệ qua lại giữa hai Giáo hội, những vấn đề chính yếu của các tín hữu và viễn cảnh tiến bộ của nền văn minh nhân loại" (số 2);
- Cả hai Giáo hội đều cùng lãnh nhận "hồng ân Con Một Chúa đến trần gian, chia sẻ cùng một Truyền thống linh thiêng trong suốt ngàn năm thứ nhất của Kitô giáo; cùng tôn kính các chứng nhân của Truyền thống này: Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa, và các thánh, trong đó có vô số các vị tử đạo đã minh chứng lòng trung thành với Chúa Kitô và trở thành 'hạt giống nảy sinh các Kitô hữu" (số 4).
- Cả hai đều được mời gọi "đưa ra lời giải thích cho thế giới về niềm hy vọng nơi chúng ta" (số 3) và "được liên kết bởi sứ mạng rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô trong thế giới ngày nay" (số 24). Sứ mạng này được hai Giáo hội cùng đảm nhận, không phải như "những người cạnh tranh mà là anh em" (số 24).
Bản Tuyên bố chung nhắc đến vết thương "gần một ngàn năm qua" khiến hai Giáo hội lìa xa nhau (số 5) nhưng cả hai "hy vọng cuộc hội đàm của chúng ta có thể đóng góp vào việc tái lập sự hiệp nhất Thiên Chúa mong muốn và được Ðức Kitô cầu nguyện" (số 6).
Ðức Thánh Cha Phanxicô và Giáo chủ Kirill dành phần lớn bản Tuyên bố chung để nói lên những mối quan tâm và quan ngại về thế giới: chiến tranh, những cuộc xung đột tại nhiều nơi trên thế giới, sự sống bị đe dọa và xâm hại, những tác động xã hội ảnh hưởng đến sự bền vững của gia đình, tiến trình thống nhất châu Âu đang đe dọa căn tính tôn giáo của con người và nguồn cội Kitô giáo của châu Âu. Hai vị cũng đưa ra kêu gọi các tôn giáo hãy mở rộng và đi sâu vào các cuộc đối thoại, vì "sự khác biệt tôn giáo không ngăn cản những người có niềm tin khác nhau sống trong hoà bình và hoà hợp" (số 13).
Khi đề cập đến tự do tôn giáo, hai vị đã tạ ơn Chúa vì "công cuộc canh tân niềm tin chưa từng có đang diễn ra ở nước Nga, cũng như nhiều nước Ðông Âu khác, vốn trước đây bị đặt dưới ách thống trị của chủ nghĩa vô thần, còn ngày nay, xiềng xích của chủ nghĩa vô thần hung hăng đã bị bẻ gãy, và hiện nhiều nơi người Kitô hữu đựơc tự do tuyên xưng niềm tin của mình" (số 14).
Ðức Thánh Cha Phanxicô và Giáo chủ Kirill cũng đã hướng đến giới trẻ. Hai vị đưa ra lời kêu gọi: "Thiên Chúa yêu từng bạn trẻ và mong các bạn trở nên môn đệ và làm tông đồ cho Người. Các bạn hãy trở nên ánh sáng trần gian để mọi người xung quanh thấy việc các bạn làm mà ngợi khen Cha các bạn ở trên trời (x. Mt 5, 14.16)" (số 23).
Cuối bản Tuyên bố chung, hai vị bày tỏ hy vọng khi hướng về Ðức Mẹ và nài xin Người "khơi lên tình huynh đệ nơi tất cả những người đang tôn vinh Mẹ, để họ được hiệp nhất với nhau" (số 30)
Sau khi ký bản Tuyên bố chung, đánh dấu cuộc hội ngộ lịch sử sau gần một ngàn năm hai Giáo hội không nhìn nhận nhau (từ khi nước Nga đón nhận Kitô giáo sau biến cố ông hoàng Vladimir I của Kiev được Rửa tội vào năm 988 và sau đó thành lập Giáo hội Chính thống giáo Nga), hai vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội Chính thống Nga đã gặp gỡ các vị thuộc hàng lãnh đạo của hai Giáo hội và công bố bản Tuyên bố chung, kết thúc cuộc gặp gỡ mang ý nghĩa lịch sử.
Nói thêm về chuyến công du ba nước châu Mỹ Latinh (Cuba, Paraguay và Brasil) của Giáo chủ Chính thống Nga Kyrill: Giáo chủ Kirill đã bắt đầu lên đường sang Cuba từ ngày thứ Năm 11 tháng 02 năm 2016. Trong phái đoàn cùng đi, có Tổng giám mục Hilarion, Trưởng ban Ðối ngoại Toà Thượng phụ Moskva. Ðược biết, đây là chuyến công du đầu tiên của Giáo chủ Kyrill đến châu Mỹ Latinh. Theo lịch trình, ngài sẽ hội kiến với Chủ tịch Raul Castro và chủ sự Thánh lễ tại nhà thờ Ðức Bà Kazan tại La Havana. Ðây là ngôi nhà thờ đầu tiên của Giáo hội Chính thống Nga được xây dựng tại thủ đô Cuba, đồng thời chính Giáo chủ Kyrill, lúc đó còn là Tổng giám mục giáo phận Smolensk và Kaliningrad, đã làm phép và khánh thành vào tháng Mười năm 2008.
Thành Thi