Chia Cơm Cho Người Ðói

Rước Vào Nhà Người Nghèo Không Nơi Trú Ngụ!

 

Chia Cơm Cho Người Ðói, Rước Vào Nhà Người Nghèo Không Nơi Trú Ngụ!

Roma (Vat. 22-01-2016) - Cộng Ðoàn Con Tàu có rất nhiều lợi điểm. Chúng tôi sống tình huynh đệ chân thành như trong một gia đình hiệp nhất.

Năm 2014 kỷ niệm 50 năm thành lập Phong Trào "Con Tàu - Arche" chuyên phục vụ người tàn tật. Phong trào do ông Jean Vanier thành lập. Hiện nay phong trào có mặt tại nhiều nơi trên thế giới với 125 Cộng Ðoàn săn sóc gần 3,000 người khuyết tật.

Ông Jean Vanier chào đời năm 1928 và là quí tử của Quan Toàn Quyền Canada. Năm 1950, Jean Vanier rời ngành hải quân sang Pháp học triết học tại thủ đô Paris. Sau khi đậu tiến sĩ triết, ông trở về Canada làm giảng sư tại đại học Toronto.

Chính ông Jean Vanier kể lại nguồn gốc phát sinh phong trào Con Tàu.

Năm 1963 tôi quen biết Cha Thomas-Philippe (1905-1993). Lúc ấy ngài là Linh Mục Tuyên Úy Trung Tâm săn sóc 30 người đàn ông tàn tật tâm trí ở Trosly-Breuil thuộc quận Oise nằm về phía Tây Bắc thủ đô Paris. Một năm sau, đúng ngày 5-8-1964, tôi gặp Raphael Simi và Philippe Seux, 2 bệnh nhân đang được điều trị tại nhà thương tâm thần. Cả hai đều không còn cha mẹ. Sau khi bàn hỏi với Cha Thomas-Philippe, tôi chính thức lãnh 2 bệnh nhân và đưa về nhà. Cộng Ðoàn Arche - Con Tàu chào đời từ đó.

Ðây là tổ ấm bé nhỏ đầu tiên. Chúng tôi sống chung nhân danh Ðức Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ con người. Kinh nghiệm này giúp tôi khám phá ra nỗi đau khổ khôn lường của người tàn tật. Ðồng thời tôi lãnh nhận hồng ân vô giá đến từ những kẻ bị xem là bất hạnh nhất là kém may mắn nhất trong xã hội loài người.

Cộng Ðoàn Con Tàu có rất nhiều lợi điểm. Chúng tôi sống tình huynh đệ chân thành như trong một gia đình hiệp nhất. Dần dần mỗi người khám phá ra chỗ đứng trong Cộng Ðoàn, ngoài xã hội và giữa lòng Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ. Ðàng sau việc thành lập Cộng Ðoàn Con Tàu, chúng tôi ý thức sâu xa tầm quan trọng của mỗi người. Ðể tìm lại nhân phẩm, mỗi nhân vị cần khám phá môi trường nhân bản và chân thật.

Từ năm 1964 đến 1977 Cộng Ðoàn Con Tàu mở 15 tổ ấm trong vùng Oise. Năm 1968 Cộng Ðoàn tiếp rước 72 người tàn tật và đến năm 1972 con số tăng lên 125. Năm 1969 đánh dấu việc lan rộng của Phong Trào, bắt đầu ngay tại Pháp. Sau đó Phong Trào vượt biên giới sang Canada và Hoa Kỳ. Tiếp đến là các quốc gia nghèo như Ấn Ðộ, Côte-d'Ivoire, Burkina Faso, Haiti và Honduras. Năm 1987, Phong Trào mở các Cộng Ðoàn ở Âu Châu như Anh, Ðức, Ý, Thụy Sỹ, Tây-ban-nha, Hungari và Ba Lan. Phong Trào cũng có mặt tại Mêhicô, Brasil, Ouganda và Nhật Bản ..

Nét đặc thù của Phong Trào Con Tàu là chúng tôi tổ chức sống thành Cộng Ðoàn. Chính đời sống chung trao ban tình huynh đệ chân thành và tình bạn vô tư, không so đo tính toán. Mỗi người tìm cách giúp người khác khám phá ra mình là ai, có chỗ đứng nào trong cộng đoàn. Nhưng nhất là - trên hết và trước hết - mỗi người đào sâu mối liên hệ thân tình con thảo với Thiên Chúa là Cha tất cả mọi người. Phong trào thành hình không phải với mục đích làm nên chuyện này, sinh hoạt nọ cho người tàn tật. Không hẳn như vậy. Sở dĩ chúng tôi thành lập từng Cộng Ðoàn là để có thể sống chung và trở thành bạn hữu của người tàn tật. Ðiểm đặc thù của Phong Trào chính là ở chỗ khác biệt này.

Trên phương diện tài chánh thì ở Pháp, các Cộng Ðoàn được chính phủ tài trợ. Trên phương diện nhân bản lại là chuyện khác. Ðể có thể tìm hiểu người tàn tật và biết rõ khó khăn của người ấy, cần phải có các chuyên gia. Vì thế chúng tôi có cả một mạng lưới nối kết bạn hữu thật mênh mông rộng lớn. Trước tiên chúng tôi có các bác sĩ và các chuyên viên chữa trị tâm thần. Sau đó chúng tôi có các nhà giáo dục, các chuyên viên tâm-sinh-lý. Rồi chúng tôi được sự hỗ trợ tinh thần của các Giám Mục và Linh Mục. Nhưng trước hết và trên hết, đối với chúng tôi là kẻ phục vụ thì người nghèo mới đích thật là tôn sư của chúng tôi. Những người bé nhỏ yếu đuối có thể biến đổi chúng ta nếu chúng ta giao tiếp với họ, yêu thương và kính trọng họ.

Trong Hiến Chương của Phong Trào "Arche - Con Tàu" có đoạn viết: "Người tàn tật tâm trí có khả năng tiếp rước, ngỡ ngàng, tự nhiên và chân thành. Trong trạng thái trơ trụi và yếu đuối mỏng manh họ lại có đặc ân đánh động con tim và mời gọi sống hiệp nhất. Trong xã hội tân tiến, người tàn tật không ngừng nhắc nhở kẻ khoẻ mạnh về các giá trị thiết yếu của tấm lòng nhân ái. Không có con tim quảng đại thì những khả năng khác như tri thức, quyền bính và hành động cũng trở thành vô ý nghĩa và đánh mất mục đích cao cả chung cục".

... "Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Ðức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Thiên Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ ngươi kêu lên, Thiên Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: "Có Ta đây!" (Isaia 58,6-9).

("LE CHRIST AU MONDE", n.2, Mars-Avril/2005, trang 141-147)

 

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page