Ý nghĩa Giáng Sinh

trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

 

Ý nghĩa Giáng Sinh trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Roma (SD 24-12-2015; Vat. 12-01-2016) - Phỏng vấn Ðức Giám Mục Sanchez Sorondo, Chưởng ấn các Hàn lâm viện Khoa Học và Khoa Học Xã Hội, về ý nghĩa Giáng Sinh trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Lễ Giáng Sinh năm 2015 có mầu sắc đặc biệt vì được cử hành trong bầu khí Năm Thánh ngoại thương Lòng Thương Xót. Trong tư tưởng phóng lên mạng Tweeter hôm trước ngày Giáng Sinh, Ðức Thánh Cha Phanxicô lại đề cập đến biến cố Thiên Chúa tự "trở thành bé nhỏ" như một hài nhi để biểu lộ cho chúng ta thấy tất cả tình yêu thương Ngài dành cho nhân loại và từng ngưởi trong chúng ta.

Trong sứ điệp Giáng Sinh Ðức Thánh Cha đã duyệt qua một số vùng không có hoà bình trên thế giới và tha thiết mời gọi mọi người sống thương xót như Thiên Chúa, để cho Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế sinh ra trong tâm lòng và cuộc sống hầu có sự bình an, niềm hy vọng và lòng thương xót, loại bỏ mọi thù hận, chiến tranh xung khắc, bất công, và tìm lại được phẩm giá là người và là con cái Chúa của mình.

Ngài nói: "Chúng ta hãy mở rộng con tim để nhận lấy ơn thánh của ngày này, là chính Ngài: Chúa Giêsu là "ngày" sáng đã mọc lên ở chân trời của nhân loại. Ngày của lòng thương xót, trong đó Thiên Chúa Cha đã vén mở cho nhân loại sự dịu hiền mênh mông của Ngài. Ngày của ánh sáng đánh tan đêm tối của sợ hãi và âu lo. Ngày của hoà bình, trong đó có thể gặp gỡ nhau, đối thoại, hoà giải với nhau. Ngày của niềm vui: một "niềm vui lớn lao" cho người bé nhỏ và khiêm tốn và cho toàn dân (x. Lc 2,10).

Trong ngày này Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế đã được sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ Maria. Hang đá cho chúng ta thấy "dấu chỉ" mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: "một trẻ sơ cuốn trong tã, nằm trong máng cỏ" (Lc 2,12). Giống như các mục đồng của Bếtlêhem chúng ta cũng đi xem dấu chỉ này, biến cố này canh tân hằng năm trong Giáo Hội. Giáng Sinh là một biến cố được canh tân hằng năm trong mỗi gia đình, trong mỗi giáo xứ, trong mỗi cộng đoàn tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa nhập thể nơi Ðức Giêsu Kitô. Như Mẹ Maria, Giáo Hội chỉ cho tất cả mọi người "dấu chỉ" của Thiên Chúa: Trẻ Thơ mà Mẹ đã mang trong lòng và đã cho chào đời, nhưng là Con Ðấng Tối Cao, bởi vì Ngài "đến từ Chúa Thánh Thần" (Mt 1,20). Vì thế Ngài là Ðấng Cứu Thế, bởi vì Ngài là Chiên Con của Thiên Chúa gánh lấy tội trần gian (x. Ga 1,29). Cùng với các mục đồng chúng ta hãy phủ phục trước Chiên Con, chúng ta hãy thờ lậy Lòng Lành của Thiên Chúa nhập thể và chúng ta hãy để cho nước mắt sám hối trần đầy đôi mắt và rửa sạch con tim chúng ta. Tất cả chúng ta đều cần điều đó.

Chỉ có Ngài, chỉ có Ngài có thể cứu chúng ta. Chỉ có Lòng Thương Xót của Thiên Chúa có thể giải thoát nhân loại khỏi biết bao hình thức sự dữ, đôi khi quái gở, mà tính ích kỷ gây ra nơi nó. Ơn thánh của Thiên Chúa có thể hoán cải các con tim và mở ra các con đường ra khỏi các tình trạng không thể giải quyết được trên bình diện nhân loại. "

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số suy tư của Ðức Giám Mục Sanchez Sorondo, Chưởng ấn các Hàn lâm viện khoa học và khoa xã hội học của Toà Thánh, về đề tài này.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Sorondo, Giáng Sinh là lễ cử hành biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người, mặc lấy hình hài của một trẻ thơ bé nhỏ, yếu đuối, không được bệnh đỡ như bất cử trẻ thơ nào khác trên trần gian này. Ðức Cha có cảm nghĩ nào?

Ðáp: Thật rõ ràng "trở nên bé nhỏ" có nghĩa là Giáng Sinh, bởi vì Thiên Chúa tự trở thành một Hài Nhi: Ngài không chỉ nhập thể mà thôi! Ngôi Lời Thiên Chúa làm điều đó một cách tự nhiên với tất cả mọi điều kiện của bản tính nhân loại, và như thế với việc sinh ra. Tất cả mọi người đã khâm phục khi Ðức Thánh Cha nói: "Ngài trở nên bé nhỏ": Ngài là một trẻ thơ, hoàn toàn yếu đuối... Lập tức nó làm nảy sinh ra nơi chúng ta tâm tình của sự săn sóc, của trách nhiệm, của việc làm cái gì đó cho Chúa.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, cuộc cách mạng của Chúa Giêsu là "cuộc cách mạng của sự dịu hiền", chúng ta trông thấy điều đó đặc biệt trong lễ Giáng Sinh, và nó là một cái gì mà Ðức Thánh Cha Phanxicô lập đi lập lại biết bao nhiêu lần. Chúng ta biết đây là một sứ điệp không dễ thực thi và không dễ hiểu trong xã hội của chúng ta ngày nay. Phải khởi hành từ đâu, ngày tại Vaticăng này, cả trong công việc phục vụ Người Kế Vị Thánh Phêrô?

Ðáp: Tư tưởng này của Ðức Thánh Cha rất là mạnh mẽ và tự nó là tư tưởng của Thánh Kinh và của chính Chúa Kitô. Ta có thể làm gì? Ðiều đầu tiên là tìm đi theo Ðức Thánh Cha và không có sự lưỡng lự nào, bởi vì ta đang cho thấy một cách thực thụ tính cách triệt để của Tinh Mừng. Ngài không phải là của cánh tả cũng không phải của cánh hữu, ngài không ở trên cũng không ở dưới: một cách đơn sơ ngài chỉ muốn áp dụng các Mối Phúc Thật! Và Chúa hứa gì với những người công chính và với những người hiền dịu, với những người yêu công lý và hoạt động cho hoà bình và có con tim trong sạch? Chúa hứa: "Họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa và sẽ trông thấy Thiên Chúa". Ðó là các lời hứa mà Chúa làm cho những người sống phù hợp với các Mối Phúc Thật. Và quý vị hãy coi, đó là chương trình của Chúa, chương trình của Tin Mừng đấy! Không có một chương trình khác! Như vậy Ðức Thánh Cha không làm gì khác hơn là thực hiện chương trình này. Vì thế điều đầu tiên đối với chúng tôi là đi theo Ðức Thánh Cha, hiểu chương trình ấy một cách rõ ràng, tìm cách hiểu nó trong ý nghĩa sâu xa của điều Ðức Thánh Cha muốn thực hiện, nhất là trong sự rộng mở này của nó để ám chỉ bản chất của chính Thiên Chúa, là Lòng Thương Xót, trong Năm Thánh. Như vậy có nghĩa là cộng tác với Ðức Thánh Cha.

Hỏi: Việc mở Cửa Thánh tại thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi và Cửa Lòng Bác Ái của Trung tâm Caritas Roma là những cử chỉ nói lên và đã nói lên với kitô hữu rất nhiều điều, và không phải chỉ với các tín hữu mà thôi. Làm sao để tiếp tục các cử chỉ ấy trong cuộc sống thường ngày thưa Ðức Cha?

Ðáp: Nó là một chỉ dẫn: cần bắt đầu từ đó, cần bắt đầu từ nơi có các loại trừ, từ nơi có việc gạt bỏ bên lề, từ nơi có đói khát. Ðức Thánh Cha đã nói biết bao lần rằng chương trình của ngài là thực hành các Mối Phúc Thật của Chúa. Một trong các mối phúc thật là: "Phúc cho những ai đói khát sự công chính". Và Ðức Thánh Cha muốn tập trung vào điều này.

Hỏi: Trong năm 2015 chúng ta đã trông thấy một dấn thân lớn của Ðức Thánh Cha không phải chỉ cho các thụ tạo, mà cả việc bảo vệ thụ tạo nữa. Với Thông điệp Laudato si', và cả việc trực tiếp rõ ràng ủng hộ một hiệp định tại Hội nghị về khí hậu triệu tập ở Paris nữa. Có người ngạc nhiên cho rằng một Giáo Hoàng không nên lo lắng cho các vấn đề này, cho môi sinh... Riêng Ðức Cha thì Ðức Cha nghĩ sao?

Ðáp: Tôi tin rằng những người ngạc nhiên - và chúng ta biết họ là những ai - họ đã ngạc nhiên, bởi vì họ bênh vực các lợi lộc riêng tư của họ. Ðức Thánh Cha tên là Phanxicô và thánh Phanxicô thành Assisi có nghĩa là việc thực hiện cụ thể sự kiện tất cả mọi sự vật là do Thiên Chúa tạo ra và có một trật tự quy về Thiên Chúa. Trong đại chủng viện chúng tôi học Khảo luận Tạo Dựng và Thánh Toma đưa việc Tạo Dựng vào đề tài Thiên Chúa: tất cả mọi vật đều có một tương quan với Thiên Chúa trong nghĩa chúng được Thiên Chúa tạo thành và hướng về Thiên Chúa. Joseph Ratzinger đã nói rằng một trong các khảo luận cần phải tuy tư lại chính là Khảo Luận về việc Tạo Dựng. Thật là điều tuyệt diệu, khi Ðức Thánh Cha trong Thông điệp Laudato si' đã nói tới việc "hoán cải môi sinh". Nói cho cùng, Thông điệp của ngài cũng có một ý nghĩa của công lý: điều rõ ràng đó là việc đối xử tàn tệ với Thụ tạo, việc không tôn trọng các luật lệ sản xuất ra một khí giới boomerang sẽ quật trở lại chống con người. Ðiều này gây ra nhiều nghèo đói hơn, gây ra nạn di cư, tạo ra các hình thái gạt bỏ ngoài lề triệt để hơn nữa. Ðó là tất cả những điều đang xảy ra trong cái mà Ðức Thánh Cha gọi là "việc toàn cầu hóa sự dửng dưng". Ðức Thánh Cha muốn rằng tất cả mọi người được thừa nhận phẩm giá và sự tự do. Và ngài đặc biệt lo lắng trước các hình thức nô lệ mới ngày nay.

(SD 24-12-2015)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page